Bộ Y tế: cá ăn được - Nhà khoa học phản bác - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Bộ Y tế: cá ăn được - Nhà khoa học phản bác


Bộ Y tế: cá ăn được - Nhà khoa học phản bác, Một tiểu thương tại chợ cá ở Quảng Bình bên hàng cá vắng khách. Courtesy zing.vn



Ngày 20/9/2016, liên bộ Tài nguyên, Y tế, Nông nghiệp công bố thông tin theo đó người dân có thể sử dụng hải sản tầng nổi ở 4 tỉnh ven biển miền Trung, nơi vừa trải qua thảm họa môi trường. Bộ Y tế chỉ khuyến cáo hải sản tầng đáy chưa an toàn. Nam Nguyên ghi nhận phản ứng của giới khoa học về vấn đề này.

Chưa thể tin tưởng là an toàn?

Về chi tiết Bộ Y tế cho biết qua nghiên cứu, hiện nay tất cả hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế đều an toàn để dùng làm thực phẩm.

Tuy vậy Bộ Y tế nhấn mạnh là hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 25 km tính từ bờ chưa an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Những loại hải sản sống ở tầng đáy ven biển miền Trung bao gồm ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các loài khác.

  Tôi nghĩ về nguyên tắc sau vụ gọi là tác động của những chất ô nhiễm công nghiệp như Formosa ở Hà Tĩnh, vùng biển ấy cho đến nay mới có 6 tháng nên việc gọi là an toàn chưa thể tin tưởng được.

-GS Nguyễn Tác An
Trả lời Nam Nguyên vào tối 20/9/2016, Giáo sư Nguyễn Tác An nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nhận định:

“Tôi nghĩ về nguyên tắc sau vụ gọi là tác động của những chất ô nhiễm công nghiệp như Formosa ở Hà Tĩnh, vùng biển ấy cho đến nay mới có 6 tháng nên việc gọi là an toàn chưa thể tin tưởng được. Vì sao, mặc dù biển Việt Nam có động lực mạnh, có khả năng tự làm sạch tốt, có đa dạng sinh học cao, nhưng mà độc tố của công nghiệp từ Formosa rất mạnh và nó gây rất nhiều hiệu ứng từ nhiều góc độ khác nhau từ khía cạnh độc tố học. Do đó mới qua bốn, năm tháng thì vấn đề còn nghiêm trọng.”

Công bố ngày 20/9/2016 của Bộ Y tế được báo chí nói là dựa vào kết quả nghiên cứu 1040 mẫu hải sản, được lấy mỗi ngày ở tất cả các cảng cá, gò cá, các thuyền đánh bắt cá và đầm nuôi ở 4 tỉnh ven biển miền Trung từng chịu thảm họa môi trường.

Tuy vậy giới khoa học cho rằng việc công bố nước biển, cá biển an toàn không thuyết phục vì trước đó Bộ tài nguyên môi trường và các Sở cấp dưới chỉ thực hiện phân tích nước biển mà không nạo vét trầm tích đáy biển để tìm kim loại nặng. Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam từng kiến nghị:

Cầu Hai, khu chợ chuyên về hải sản lớn nhất huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), rơi vào tình cảnh chỉ có người bán không có người mua sau thông tin cá chết hàng loạt nghi do nhiễm độc, ảnh minh họa chụp trước đây. Courtesy zing.vn
“Đánh giá được môi trường thì phải đánh giá đầy đủ từ mặt nước biển, rồi nước tầng giữa, nước tầng đáy rồi trầm tích, nhiều thứ… nói chung cả những vụng nữa, vụng nước chảy, vụng nước không chảy, vụng nước đọng…nhiều thứ lắm… Hội Nghề cá chúng tôi đã có văn bản gởi Chính phủ rồi, trong đó có kiến nghị cần phải đánh giá môi trường một cách toàn diện và đầy đủ hơn.”

Trao đổi với chúng tôi vào tối 20/9/2016, nhà hải dương học Giáo sư Nguyễn Tác An giải thích quan điểm khoa học về vấn đề này:

“Độc tố trong môi trường nó hòa tan trong nước và sau đấy nó bắt đầu trầm lắng, tích lũy ở trong trầm tích. Do đó ngay tức thời phân tích trong nước là đúng, nhưng sau đấy một khoảng thời gian thì phải lấy mẫu trầm tích lên để phân tích. Thứ hai là độc tố bị tích lũy trong một số các loài sinh vật chịu đựng được độc tố đấy, cần phân tích hóa sinh một số loài sinh vật cố hữu ở đấy. Những cái này tôi chưa thấy có công bố nào cả, do đó số liệu nói về tính an toàn của môi trường là chỉ mới một vài khía cạnh thôi, nó còn chưa làm thỏa mãn các nhà khoa học cũng như người dân về tính an toàn của môi trường. Nói thực ra sự nhiễm độc do công nghiệp thép thì môi trường ở vùng đấy là chưa an toàn.”

Khó phục hồi thị trường hải sản 4 tỉnh miền Trung

Với Công bố về an toàn thực phẩm hải sản với điều kiện cách là phân biệt hải sản tầng nổi và tầng đáy, thì dù với bất cứ biện pháp kiểm soát nào, sự hy vọng phục hồi thị trường hải sản 4 tỉnh miền Trung là khó khả thi. Phó Giáo sư Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế từ Hà Nội nhận định:

  Theo tôi, hôm nay công bố của Bộ Y tế đối với cá ở tầng đó thì thực chất mang tính cách cơ quan chức năng nói thôi, chứ người dân với hiểu biết của họ thì họ chưa thực sự tin tưởng.

-PGS Ngô Trí Long
“Theo tôi, hôm nay công bố của Bộ Y tế đối với cá ở tầng đó thì thực chất mang tính cách cơ quan chức năng nói thôi, chứ người dân với hiểu biết của họ thì họ chưa thực sự tin tưởng. Vì nhiều khi cơ quan chức năng tuyên truyền có mục đích theo truyền thông một phiá thôi, có tính chất để an dân, để động viên thôi. Nếu các tổ chuyên gia, tổ nghiên cứu độc lập họ nghiên cứu và kết luận thì khách quan hơn… Cho nên tôi nghĩ là thiết lập lại thị trường này là hơi khó và không thể một sớm một chiều có thể làm được mà hậu quả của nó còn có thể kéo dài.”

Nếu có cá để đánh bắt gần bờ trong phạm vi 25 km và người tiêu thụ chấp nhận sử dụng các loại cá tầng nổi mà Bộ Y tế nói là an toàn, thì mới có thể nói chuyện phục hồi thị trường. Tuy vậy niềm tin vào vấn đề hải sản đã an toàn, từ đó có thị trường tiêu thụ là một khả năng rất nhỏ, nếu không muốn nói là bất khả thi.

Mặc dù, không sống ở 4 tỉnh ven biển chịu thảm họa môi trường, nhưng một số đông người tiêu thụ trên cả nước cho đến nay vẫn tránh không ăn hải sản. Giáo sư Nguyễn Tác An phát biểu:

“Nói thực ra thì từ khi vụ Formosa xảy ra thì hầu như gia đình tôi không sử dụng hải sản… Vì dù có phân tích thế nào thì chắc chắn nó cũng không an toàn về mặt sức khỏe…”

Giới phản biện nhận định rằng, qua cách xử lý lúng túng sau khi xảy ra thảm họa cá chết hàng loạt hồi tháng 4 năm nay, người dân hầu như mất niềm tin vào chính quyền. Phục hồi môi trường biển cùng lúc phục hồi niềm tin đã mất của người dân là điều cần thiết.

Theo Phó Giáo sư Ngô Trí Long, giới học giả chuyên gia khuyến cáo chính phủ cần tìm cách giải quyết hậu quả thảm họa môi trường theo đúng bản chất vấn đề và công khai minh bạch, thì may ra mới có thể lấy lại niềm tin của nhân dân.

Nam Nguyên
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad