Trịnh Xuân Thanh và lệnh truy nã quốc tế - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

Trịnh Xuân Thanh và lệnh truy nã quốc tế


Trịnh Xuân Thanh và lệnh truy nã quốc tế - Trịnh Xuân Thanh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra C46, Bộ Công an khởi tố tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”

Sau khi Người Buôn Gió tuyên bố đơn phương ngưng bắn ngày 15/9, chia tay Trịnh Xuân Thanh một cách vội vã nhưng không kém phần lâm ly, bi đát, đẫm nước mắt (cá sấu) sau cuộc tình hai tuần (Two Weeks Stand – không phải cuộc tình một đêm, One Night Stand), chỉ một ngày sau tin tức từ Viêt Nam cho biết, vào tối ngày 16/9, Bộ Công an chế độ CSVN đã đưa ra lệnh khởi tố và truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh về tội làm thất thoát 3.200 tỉ đồng trong thời gian làm chủ tịch hội đồng quản trị công ty PVC. Vậy là phe Cả Trọng đã quyết định phản công, tìm diệt cho được con ruồi gây nhức đầu lẫn nhức nhối đảng CSVN, đồng thời làm bẽ mặt, quê xệ Trọng.

Trịnh Xuân Thanh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra C46, Bộ Công an khởi tố tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”, chiếu theo Điều 165 Bộ luật hình sự. Sau khi xác định bị can đã bỏ trốn, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế với ông này.

Khi đưa ra lệnh truy nã quốc tế với Trịnh Xuân Thanh, vì phỏng đoán Thanh đang ở nước ngoài, cảnh sát điều tra ở VN muốn bắt nguội được Thanh, bắt buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của Cảnh Sát Quốc Tế, tức cơ quan Interpol.

Mấy chữ Cảnh Sát Quốc Tế – Interpol, mới nghe tưởng là ghê gớm lắm vì có chữ “in-tẹc”, nhưng thực chất ra sao và Interpol có thể làm gì để giúp cho CSVN tìm kiếm, bắt giữ, giải giao (dẫn độ) Trịnh Xuân Thanh về VN?

Interpol là cách viết và gọi tắt của tổ chức Cảnh Sát Hình Sự Quốc Tế ( International Criminal Police Organization ), được thành lập năm 1923 tại Wien, thủ đô nước Áo và có trụ sở tại Lyon, Pháp. Hiện nay tổ chức Interpol có 190 nước là thành viên.

Công việc chính của Interpol không phải là bắt giữ hay truy nã tội phạm hình sự. Interpol chỉ có nhiệm vụ quản trị, trao đổi, phân tích, xử lý các dữ liệu, tin tức được cung cấp bởi các quốc gia thành viên. Interpol hoạt động như một tổ chức hoàn toàn độc lập, không bị ảnh hưởng, kiểm soát bới bất cứ chính phủ hay chế độ cai trị của quốc gia thành viên nào. Nói rõ hơn, Interpol không có quyền hạn trực tiếp để bắt giữ một can phạm, giải giao hay dẫn độ can phạm đó về cho quốc gia ra lệnh truy nã.

Khi một tội phạm hình sự bị truy nã chạy trốn ra nước ngoài như trường hợp Trịnh Xuân Thanh bị bộ công an phát lệnh, Bộ Công an VN phải gửi cho văn phòng Interpol một văn bản truy nã cùng với hồ sơ điều tra, đúc kết thành tội phạm. Hồ sơ này sẽ được phân tích, tổng hợp, so sánh với các dữ kiện đã được lưu trữ, cuối cùng đánh giá là đương sự có đúng là một tội phạm hình sự hay không? Nếu xác nhận là đúng, lúc đó Interpol mới phát lệnh truy nã đương sự.

Nhiều người quan niệm một cách đơn giản là cứ phát lệnh truy nã Trịnh Xuân Thanh là có quyền đi tìm bắt rồi dẫn độ Thanh về nước. Điều đó không đúng. Việc bắt giữ Trịnh Xuân Thanh không phải dễ dàng dù sau khi Interpol phát đi lệnh truy nã cho 190 nước thành viên vì nhiều nguyên nhân:

1- Interpol không trực tiếp cử người đi tìm kiếm, truy nã vì không có quyền hạn. Bắt giữ tội phạm bị truy nã quốc tế vẫn phải là cảnh sát của quốc gia nơi Thanh đang lẫn trốn.

2- Dù đã có kết luận của Interpol, Thanh đúng là tội phạm hình sự, lệnh bắt giữ Thanh vẫn chưa có giá trị dẫn độ (giải giao) Thanh về Việt Nam. Nơi Thanh bị bắt sẽ có một phiên tòa đánh giá lại tội phạm của Thanh có đúng như biên bản của Interpol hay không? Điều này thường kéo dài rất lâu, từ vài năm đến cả chục năm, hay hơn, vì sự khác biệt về hình luật giữa các quốc gia. Trong thời gian đó thể chế chính trị ở VN có thể đã thay đổi, tôi phạm của Thanh trong việc làm thất thoát 3.200 tỉ VNĐ không chắc đã còn hiệu lực.

3- Khi Thanh bị phiên tòa xét xử kết luận vi phạm đúng như trong lệnh truy nã của Interpol nhưng Thanh vượt ngục, chạy thoát sang một nước khác thì mọi mọi chuyện sẽ phải bắt đầu lại.

4- Việc tìm bắt được Thanh rất khó thành công, trừ trường hợp may mắn như tình cờ Thanh vi phạm luật hay bị tai nạn giao thông, dính líu đến cảnh sát. Từ đó, cảnh sát địa phương mới biết Thanh đang là tội phạm bị truy nã quốc tế.

Kể lại một sự việc tương tự như Trịnh Xuân Thanh đã xảy ra tại Đức để độc giả hiểu rõ hơn. Đó là trường hợp Dr. Utz Jürgen Schneider, một ông trùm trong ngành xây dựng, địa ốc ở Đức.

Tốt nghiệp kỹ sư ở đại học kỹ thuật Darmstadt (Technique University Darmstadt) về ngành xây dựng, sau đó tốt nghiệp tiến sĩ chính trị kinh doanh ở đại học Graz ở Wien, Áo. Từ năm 1963 đến 1982, Schneider về làm việc trong văn phòng của cha như một kỹ sư xây dựng. Vì bất hòa với cha, Dr. Schneider bỏ ra ngoài lập văn phòng địa ốc riêng.

Nhờ vào thời gian làm việc cho cha, Schneider quen biết nhiều nhân vật có thế lực ở các nhà băng, đồng thời sau khi kết hôn với Claudia Schneider Granzow, con gái một gia đình giàu có nổi tiếng, chỉ trong khoảng thời gian 10 năm, Schneider đã xây dựng được cho mình một đế chế trong ngành xây dựng, kinh doanh địa ốc với tài sản lên đến cả tỉ Đức Mã (thời gian chưa có tiền Euro) với trên 150 cơ sở địa ốc, trung tâm mua sắm…

Việc làm ăn, vay mượn tín dụng của Schneider bị đổ bể khi các công trình xây dựng của Schneider như Zeil Gallerie ở Frankfurt, Bernheimer Palais ở München, Mädler Passage ở Leipzig… không đem lại lợi nhuận đúng như đã dự kiến, một phần vì giá cho thuê cửa hàng không tăng như tiên đoán, phần khác người ta phát giác ra khi đệ trình đơn xin vay mượn tín dụng đầu tư xây dựng các công trình kể trên, Scheider không khấu trừ diện tích hành lang, toilet, cầu thang cuốn, cầu thang đi bộ, balkon… trong bảng chiết tính diện tích cho thuê.

Nội vụ bắt đầu đổ bể vào tháng 2.1994, khi trên tờ báo Frankfurter Allgemein Zeitung xuất hiện một bản tin nói về vấn đề đối với người thuê các cửa hàng trong cơ sở địa ốc của Schneider. Đế chế của Schneider chỉ có thể tiếp tục vận hành khi khả năng chi trả tín dụng được xác định rõ ràng, tín dụng tiếp tục luân lưu bằng việc bán đi các cơ sở địa ốc hoặc bằng những khoản tín dụng mới.

Các nhà băng đã nhận ra được sự bất ổn trong đế chế của Schneider. Đầu tháng 4.1994, Schneider thông báo cho Deutsche Bank – nhà băng cấp tín dụng chính cho đế chế – khả năng không thể thanh toán tín dụng của mình. Tháng 5.1994, hai vợ chồng biến mất sau khi chuyển 245.000.000 Mark (Đức Mã) vào một trương mục ở một nhà băng bên Thụy Sĩ.

Jürgen Schneider bị bắt vào ngày 18.5.1995. Qua một quá trình tìm kiếm, theo dõi cật lực của BKA Đức (Bundes Kriminal Amt) và FBI Mỹ, từ đối chiếu, tìm kiếm tên tuổi của những người đi qua các cửa khẩu, danh sách hành khách trên các chuyến máy bay, họ tìm ra Schneider đang ở Miami. Tuy nhiên, tìm được Schneider ở đâu trong thành phố Miami lại là một may mắn của FBI khi tình cờ một tài xế taxi nhận ra ông và gọi điện thoại báo cho cảnh sát.

Hơn 9 tháng sau, Schneider mới bị dẫn độ về Đức. Mỹ và Đức là hai nước có hệ thống pháp luật về hình sự khá tương đồng, cũng như có hiệp ước dẫn độ phạm nhân. Do đó quyết định giải giao Schneider của Mỹ cho Đức diễn ra nhanh chóng. Hơn nữa, những yếu tố cấu thành tội lừa đảo của Scheider có những chứng cớ quá rõ rệt, không thể chối cãi.

Tất nhiên nhiều người sẽ tự hỏi, ai là người đã duyệt xét, chấp thuận các dự án xây dựng của Jürgen Scheider để rồi đồng ý cho vay tiền? Các thẩm định viên (Loan Inspector, Project Auditor) của nhà băng vì lý do nào đã không khám phá ra lỗ hổng trong phần ước tính diện tích cho thuê cửa hàng, văn phòng dịch vụ… trong các trung tâm mua sắm? Những người này có thật sự vô tội? Chắc chắn là không, thế tại sao họ hoàn toàn không bị truy tố?

Đức và Mỹ là 2 nước có thể chế chính trị tương đồng, lại có hiệp ước dẫn độ nên việc giải giao Schneider chỉ diễn ra sau hơn 9 tháng. Vụ Trịnh Xuân Thanh sẽ khó khăn, kéo dài hơn vì Đức và Việt Nam có chế độ cai trị khác nhau.

Jürgen Schneider ngồi tù ngay sau khi bị dẫn độ về Đức từ tháng 2.1995, đến năm 1999 thì được tự do. Vụ lừa đảo này gây thiệt hại cho các nhà băng khoảng hơn 5 tỉ Đức Mã (2,6 tỉ Euro), nhiều nhất là Deutsche Bank.

Vụ Trịnh Xuân Thanh tương tự như vụ lừa đảo của Schneider nhưng nếu chỉ so ở mức độ thiệt hại tài chánh thì ít hơn, thủ đoạn lừa bịp cũng không được tinh vi bằng nhưng được cấu kết chằng chịt, chặt chẽ hơn. Tuy nhiên nếu so với tổng sản lượng quốc gia GDP (Gross Domestic Product) và thu nhập bình quân đầu người thì vụ Trịnh Xuân Thanh lớn hơn nhiều. Ngoài ra khi nội vụ bị phát giác, đưa lên báo chí, truyền thông… dư luận thấy rõ nguyên nhân chính là sự đấu đá với mục đích chính trị trong đảng CSVN nhiều hơn là do thiệt hại kinh tế.

Vi thế khi Thanh nhờ Người Buôn Gió đưa lên mạng những thông tin tố cáo chế độ CSVN, đã có dư luận cho rằng Thanh đang cố biến vụ tham nhũng cũng như việc chạy trốn khỏi VN của mình thành một vụ án chính trị để có lý do xin tị nạn tại một nước nào đó, không phải là vô lý. Người ta cũng thấy rõ một điều là Nguyễn Phú Trọng cố gắng thổi phồng vụ Trịnh Xuân Thanh để tiếp theo sau đó thanh toán, diệt trừ những phần tử không thuộc phe cánh mình trong đảng, những kẻ đang có tư tưởng, âm mưu soán đoạt ngôi vị tổng bí thư của Trọng, đồng thời làm cho mọi người quên đi thảm họa Formosa, đang là một gọng kềm kẹp ngang cổ chế độ.

© Thạch Đạt Lang
Tài liệu tham khảo:

https://de.wikipedia.org/wiki/Interpol

https://de.wikipedia.org/wiki/J%C3%BCrgen_Schneider_(Bauunternehmer)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad