Chiến hạm Mỹ tới gần đảo Tri Tôn, Phú Lâm ở Hoàng Sa - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016

Chiến hạm Mỹ tới gần đảo Tri Tôn, Phú Lâm ở Hoàng Sa


WASHINGTON – Khu trục hạm trang bị hỏa tiễn USS Decatur hôm Thứ Sáu, 21 Tháng Mười 2016, đi gần một số của quần đảo Hoàng Sa trong hoạt động tự do hải hành trên vùng biển quốc tế.

Khu trục hạm USS Decatur. (Hình: Wikipedia)

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, Josh Earnest, cho hay chủ đích là để Trung Quốc biết họ không thể “ngăn cấm bất hợp pháp các quyền tự do đi lại, tự do và sự sử dụng hợp pháp vùng biển mà cả Hoa Kỳ và các nước khác đều có quyền sử dụng theo luật lệ quốc tế.

Ngũ Giác Ðài trong một bản tuyên bố nói chuyến đi của khu trục hạm USS Decatur là “theo lệ thường” và cũng cho biết không có gì bất thường xảy ra. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc đả kích hành động của USS Decatur là “bất hợp pháp” và “khiêu khích.”

Theo tin của Reuters, khu trục hạm USS Decatur chỉ đi rất gần với phạm vi 12 hải lý của các đảo Phú Lâm và Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa chứ không đi vào bên trong phạm vi này. Tuy nhiên chiến hạm Mỹ đã bị 3 chiến hạm của Trung Quốc bám theo và lên tiếng xua đuổi.

Ðây là lần thứ tư trong năm, chiến hạm Mỹ thực hiện các chuyến di chuyển “tự do hải hành” trên Biển Ðông gần với những đảo ở quần đảo Hoàng Sa và nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Nếu kể từ Tháng Năm vừa qua đến nay thì đây là lần đầu.

Năm ngoái, các chiến hạm Mỹ đã mở 3 đợt “tự do hải hành” ở khu vực quần đảo Trường Sa gồm cả chuyến đi vào trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trong toan tính nuốt trọn Biển Ðông.

Ngày 30 Tháng Giêng 2016, khu trực hạm USS Curtis Wilbur trang bị hỏa tiễn của Mỹ đã đi vào phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn, đảo cực Nam thuộc quần đảo Hoàng Sa Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền. Quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cướp đầu năm 1974 sau một trận hải chiến với Hải Quân VNCH.

Căng thẳng tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông gia tăng nhiều trong khoảng hai năm qua khi Bắc Kinh ngang nhiên bồi đắp biến 6 bãi đá ngầm thành các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và cơi nới bồi đắp mở rộng một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa.


Khu trục hạm USS Decatur. (Hình: Tư liệu)

Giới bình luận thời sự cảnh báo nhiều lần rằng các hành động của Bắc Kinh nhằm khống chế toàn bộ khu vực Biển Ðông. Tòa án quốc tế tại The Hague, Hòa Lan, đã phán quyết hồi Tháng Bảy rằng tuyên bố chủ quyền giống như hình “lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Ðông là vô giá trị.

Mỗi khi có tàu Mỹ đi gần những nơi “nhạy cảm” trên Biển Ðông, Trung Quốc đều la lối là Mỹ “đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc” dù cái lãnh thổ đó là dùng sức mạnh ăn cướp của nước khác.

Hoa Thịnh Ðốn nhiều lần tuyên bố các chuyến tự do hải hành trên Biển Ðông vẫn sẽ tiếp tục bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Một số dân cử Mỹ ở Quốc hội từng đả kích chính phủ là phản ứng quá yếu ớt trước sự bành trướng quân sự của Trung Quốc, đe dọa an ninh và ổn định ở khu vực.

Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad