'Tẩy độc' nước Hồ Tây có khó? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

'Tẩy độc' nước Hồ Tây có khó?


...Qua dây chuyền thực phẩm như thế nó có thể gây bệnh, thậm chí còn gây ung thư cho người ăn cá. GS. Lê Huy Bá, chuyên gia về độc học môi trường

Hà Nội thu vớt hơn 200 tấn cá sau sự cố môi trường ở Hồ Tây                 

Hai chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực môi trường và công nghệ môi trường bày tỏ quan điểm khác biệt trong việc xử lý nước Hồ Tây, Hà Nội sau khi xảy ra hiện tượng hơn 200 tấn cá chết ở khu vực này. 

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Lê Huy Bá, chuyên gia về độc học môi trường nhận xét, việc làm sạch nước Hồ Tây không quá khó do có thể ngăn các ống xả thải và xử lý trước khi cho xả vào Hồ Tây.

"Hơn nữa khả năng tự làm sạch của Hồ Tây cũng lớn," ông nói trong Bàn tròn thứ Năm phát trực tiếp hôm 06/10 của BBC Tiếng Việt.

Tuy nhiên, kỹ sư về môi trường công nghiệp Đào Nhật Đình dường như có quan điểm khác biệt khi cho rằng ngăn chặn nguồn thải ở Hồ Tây không hề đơn giản, "vì muốn chặn được đường cống của họ thì chúng ta cũng phải cho họ một lối thoát chứ không phải tự nhiên mà chặn được, thì những cái quy hoạch đó khá lâu dài và tốn kém".

Ông cũng nói thêm, tư duy tẩy độc nước Hồ Tây là "sai", do đó là cách nghĩ tới việc xử lý 'chuyện đã rồi'.

"Ví dụ như Hồ Tây phải làm sao cho nước thải của con người, nước thải của hàng quán, nhà nổi không chảy vào nữa. Tức là giữ không cho chất thải vào nữa thì tự hồ nó sẽ làm sạch dần.

"Hiện nay sự đã rồi thì phải xử lý nhanh, nhưng sau khi xử lý nhanh thì phải tính đến dài hạn tức là không cho chất thải vào hồ nữa," theo kỹ sư, thạc sỹ Đào Nhật Đình.

Gõ từ khóa 'cá chết' vào mục tìm kiếm của Google hiển thị hàng loạt kết quả là hàng trăm, nghìn bài báo đưa tin về các sự cố cá chết xảy ra ở khắp nơi mà không chỉ còn là Formosa.

Sự cố môi trường gần đây xảy ra hôm 01/10, với hàng loạt cá chết nổi trắng ở Hồ Tây, mà theo số liệu chính thức do truyền thông Việt Nam đưa hôm 05/09, Hà Nội đã vớt được hơn 200 tấn cá chết.

Sau đó chỉ vài ngày cũng có tin cá chết và nổi lên đớp không khí ở kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè, thành phố Hồ Chí Minh, và cá lại nổi trắng ở Đa Cô, Đà Nẵng v.v...

'Không thể bắt chước Trung Quốc'

Ô nhiễm nước ảnh hưởng trực tiếp tới dây chuyền thực phẩm, và có thể gây ra nhiều bệnh và nhều bệnh lạ                 

Khi được hỏi những sự cố môi trường này ảnh hưởng trực tiếp như thế nào tới người dân, Giáo sư Lê Huy Bá giải thích, trong tiến trình "nâng cao mức sống cho người dân thì có việc nâng cao môi trường, để được hưởng môi trường trong sạch, hòa mình với thiên nhiên.

"Tuy nhiên chúng ta lại ngược lại trong quá trình đô thị hóa. Ô nhiễm môi trường năm sau cao hơn năm trước, là điều rất buồn cho những ai biết suy nghĩ vì chúng ta làm thế là ngược quy trình phát triển.

"Như mùi ở bãi rác Đa Phước làm cho cả một khu đô thị mới đẹp đẽ, sang trọng như Phú Mỹ Hưng, họ cũng tìm mọi cách để làm sao che chắn, hoặc có những người còn muốn rời đi nơi khác. Đó là chất lượng cuộc sống đấy.

"Hay ô nhiễm không khí, chúng ta là một trong 10 nước ô nhiễm rất thế giới. Những chỉ số ô nhiễm rất cao. Đây là điều đáng báo động."

Ông nhấn mạnh, "chúng ta không thể bắt chước theo người Trung Quốc, mà Trung Quốc nhất thì chúng ta cũng đã nhì rồi khi mà không quản lý từ đầu mà phát triển ồ ạt, rồi xử lý cuối đường ống như vậy hoặc công nghệ xử lý kém thì hậu quả rất nghiêm trọng."

Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Lê Huy Bá                 

Giáo sư Lê Huy Bá cũng nhắc tới một trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề hơn là ô nhiễm biển ở Vũng Áng.

Ông cho biết các nhà khoa học vẫn đang lo lắng vì tuy cá trên bề mặt có thể đã an toàn, nhưng những chất độc còn đọng lại ở trầm tích, và hệ sinh thái biển ở khu vực này đã bị phá hủy.

"Phải khi rạn san hô, là rừng nhiệt đới của biển, phục hồi thì khi đó hệ sinh thái mới trở lại. Chứ nếu chúng ta nói hệ sinh thái biển đã trở lại thì là quá sớm, và chỉ có thể nói rằng là, chúng ta không lo lắng về chất thải độc hại, gây độc cấp tính nữa.

"Còn độc mãn tính, độc lâu dài mà chưa tiếp cận được thì chúng ta vẫn phải giải quyết."


Phân tích mối đe dọa lâu dài về độc học của các chất xả thải, nguyên viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường của Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các chất thải có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người qua dây chuyền thực phẩm.

"...Tôi còn nghi rằng ở phía bắc [Hồ Tây] có hiện tượng đổ bùn thải đen đặc quánh xuống lòng hồ. Mà trong bùn thải đó rất có thể có nhiều kim loại nặng độc hại, có thể tích lũy vào trong cá, người ta lại ăn cá nữa thì nó tích lũy vào trong người.

"Qua dây chuyền thực phẩm như thế nó có thể gây bệnh, thậm chí còn gây ung thư cho người ăn cá."

'Tiền thuế của dân'

Biểu tình ở Kỳ Anh, Vũng Áng hôm 02/06                 

Nhà hoạt động môi trường và bảo tồn Trang Nguyễn từ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chính người dân cũng cần có trách nhiệm đối với môi trường.

"Ở Việt Nam có thể thấy mọi người có thể giữ nhà mình rất sạch nhưng lại sẵn sàng vứt rác ra đường, họ không nghĩ rằng cộng đồng và đường phố cũng cần được giữ sạch như thế."

Điều đó cho thấy ý thức của người dân cũng cần được chú ý trong các chiến dịch giáo dục và bảo vệ môi trường, nhà hoạt động của tổ chức WildAct nói.

Về trách nhiệm của chính quyền, "điều quan trọng nhất là ngoài việc đưa ra luật bảo vệ môi trường một cách thiết thực thì việc thi hành luật môi trường cũng là điều rất quan trọng.

"Thứ hai nữa, khi làm việc về một vấn đề môi trường, nhà nước cần đầu tư và quan tâm hơn nữa đến người dân, vì người dân chịu thiệt thòi nhiều nhất khi có tác động môi trường xảy ra."

Nhà vận động môi trường và bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn (giữa)                 

Chia sẻ ý kiến này, giáo sư Lê Huy Bá cho rằng, mọi quy hoạch đều phải được xây dựng xung quanh lợi ích của dân.

"Cái mà tôi thấy cần phải sửa ngay và sửa lâu dài là quy hoạch phải xuất phát từ quyền lợi của người dân và những người xung quanh, những người được thụ hưởng từ công trình đó."

Giáo sư cho biết, khi các dự án được lập ra đều đã có kế hoạch, quy hoạch, tiêu chuẩn, nhưng khi thực hiện còn "ì ạch", hay có nhiều nơi "chạy theo đồng tiền".

Trả lời BBC Tiếng Việt về việc nếu có luật nghiêm, giám sát nghiêm thì những hiện tượng này cũng sẽ giảm đi, ông Bá nói việc xử lý, quản lý, "chặt chẽ, nghiêm túc, thanh sạch, minh bạch từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, trong ra ngoài thì đồng tiền đóng thuế của người dân cũng được chi tiêu đúng đắn."

Kỹ sư về môi trường công nghiệp Đào Nhật Đình                 

Kỹ sư Đào Nhật Đình nhận xét, "về mặt môi trường, nhà nước là người thu thuế của chúng tôi và thuế cũng khá cao, thì có hai trách nhiệm chính:

"Thứ nhất là phải có quy hoạch, kế hoạch và thực hiện nghiêm chỉnh kế hoạch đó về môi trường.

"Thứ hai là phải luôn luôn quan trắc và thông báo cho người dân những quan trắc đó để người dân có thể tham gia và biết được tình hình đang xảy ra."

BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad