Trịnh Xuân Thanh đã làm thất thoát hàng ngàn tỷ của PVC ra sao? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Trịnh Xuân Thanh đã làm thất thoát hàng ngàn tỷ của PVC ra sao?


Những sai lầm chiến lược mang tính chủ quan trong 4 năm 2008 – 2011 của lãnh đạo PVC, đứng đầu là Trịnh Xuân Thanh, cộng với khả năng quản lý yếu kém đã khiến tổng công ty này bộc phát thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong 2 năm 2012 – 2013. 4 năm tăng trưởng hào nhoáng cũng theo đó mà chôn sâu vào trong vũng lầy thua lỗ nghìn tỷ.

Trịnh Xuân Thanh đã làm thất thoát hàng ngàn tỷ của PVC ra sao? Ảnh chỉ mang tính cách minh họa

Mặc dù 4 năm 2008 – 2011 là 4 năm hào nhoáng của PVC với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân lên đến 137%/năm nhưng việc nôn nóng tăng trưởng trong 4 năm này cũng là nguyên nhân tạo ra những mầm mống thua lỗ cho PVC trong 2 năm sau đó.

Bài viết này sẽ xâu chuỗi những nguyên nhân mầm mống gây ra thua lỗ trong 4 năm 2008 – 2011 với hậu quả thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong 2 năm 2012 – 2013 của PVC sau đó. Từ đó nhận ra rằng, thua lỗ nghìn tỷ của PVC phần lớn là do sai lầm và yếu kém chủ quan của lãnh đạo tổng công ty này trong giai đoạn 2008 – 2013, mà người đứng đầu là ông Trịnh Xuân Thanh.

Bộc phát hậu quả

Năm 2012, PVC báo lỗ sau thuế 1.847 tỷ đồng. Năm 2013, tổng công ty này lại lỗ tiếp 2.228 tỷ đồng. Đây là hệ quả tất yếu từ tất thảy những gì mà PVC đã “gieo” trong 4 năm tăng trưởng nóng trước đó.

Đầu tiên phải kể đến là lỗ do trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi. Nếu như năm 2011, dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi của PVC “chỉ” là 56 tỷ đồng thì đến năm 2012, con số này đã lên tới 463 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên mức 1.295 tỷ đồng trong năm 2013.

Theo quy định hạch toán kế toán thì các khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi hàng năm sẽ được kết chuyển vào chi phí quản lý doanh nghiệp tương ứng cùng năm. Đây cũng là lý do khiến chi phí quản lý doanh nghiệp của PVC trong 2 năm 2012 và 2013 vọt lên mức 1.036 tỷ đồng và 1.248 tỷ đồng, trực tiếp gây ra thua lỗ cho PVC.

Sở dĩ PVC phải hứng chịu các khoản phải thu khó đòi hàng nghìn tỷ này là do chiến lược nhận ồ ạt công trình, dự án, sau đó lại chuyển nhượng cho các công ty bên ngoài để thu tiền về. Tuy nhiên, thường thì PVC sẽ “bán chịu” cho các công ty này, nhất là cho các công ty liên kết. Đến khi các công ty này không có khả năng trả nợ, PVC buộc phải trích lập dự phòng rủi ro.

Chẳng hạn như một công ty liên kết của PVC là PVC-SG đã nhận chuyển nhượng dự án từ PVC nhưng tính đến hết năm 2013, PVC-SG vẫn nợ tiền chuyển nhượng dự án đối với PVC số tiền là 241 tỷ đồng. Đến tận năm 2015, công ty này vẫn nợ PVC 223 tỷ đồng tiền chuyển nhượng dự án.

PVC trong vũng lầy thua lỗ từ sai lầm, yếu kém của Trịnh Xuân Thanh?

Thực tế thì PVC đã phải trích lập dự phòng đối với khoản phải thu này. 5 năm gần đây, PVC-SG liên tục thua lỗ và hiện đang âm vốn chủ sở hữu hơn 310 tỷ đồng.

Ngoài ra, các khoản phải thu khó đòi cũng đến từ việc PVC đi bảo lãnh vay vốn cho công ty khác. Ngay chính PVC-SG cũng là đơn vị đang nợ Ocean Bank 99 tỷ đồng nợ quá hạn và PVC chính là đơn vị đứng ra bảo lãnh cho khoản vay này.

PVC-SG chỉ là một ví dụ trong số nhiều ví dụ.

Những thua lỗ kiểu trích lập dự phòng rủi ro như thế này thực tế cũng còn có một vài hy vọng mong manh trong việc thu hồi vốn, dù chỉ là một phần nhỏ. 6 tháng đầu năm 2016, PVC đã cho hoàn nhập dự phòng rủi ro khoảng hơn 100 tỷ đồng do thu hồi được một số khoản công nợ khó đòi đã trích lập dự phòng trước đây.

Nhưng lỗ do phải trích lập dự phòng các khoản phải thu chỉ là một câu chuyện. Một câu chuyện khác trực tiếp đưa PVC vào cảnh “sống dở chết dở” như hiện nay chính là chuyện PVC đã đầu tư ngoài ngành rất nhiều, thông qua đầu tư, góp vốn trực tiếp hoặc thông qua đầu tư vào các công ty bên ngoài.

Theo một lãnh đạo của PVC, phát biểu trong một cuộc họp đại hội đồng cổ đông, PVC đang “chôn” khoảng 3.200 tỷ đồng tiền vốn đầu tư ngoài ngành không sinh lãi suốt nhiều năm nay.

Tính đến hết năm 2013, PVC đã đầu tư ngắn hạn khoảng 93,8 tỷ đồng, trong đó điển hình là đầu tư chứng khoán ngắn hạn 39,9 tỷ đồng, góp vốn đầu tư vào Khu đô thị Dầu khí Sông Hồng 27,5 tỷ đồng, góp vốn đầu tư vào Dự án Chung cư BMM 23,2 tỷ đồng. Đây đều là những khoản đầu tư ngoài ngành.

Hiệu quả đầu tư quá tệ

Trong tổng số 93,8 tỷ đồng đầu tư ngắn hạn trên thì PVC phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư lên đến 46,6 tỷ đồng.

Cũng tính đến hết năm 2013, PVC đã đầu tư dài hạn 906 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng rủi ro tới 228 tỷ đồng, trong đó có nhiều công ty hoạt động ngoài ngành. Điển hình nhất là khoản đầu tư 147,3 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long và đã phải trích lập dự phòng toàn bộ, nghĩa là chịu mất trắng 147,3 tỷ đồng này ngay trong năm 2012.

Ngoài ra, tính đến hết năm 2013, PVC hiện còn đang đầu tư dở dang vào rất nhiều dự án ngoài ngành như: Dự án sân Golf và Khu biệt thự sinh thái Cam Ranh (202 tỷ đồng), Dự án Xuân Phương (171 tỷ đồng), Dự án Khu đô thị mới Vũng Tàu (153 tỷ đồng), Công trình – Đầu tư Bất động sản Khu du lịch Thanh Bình P10 (101 tỷ đồng), Dự án Khách sạn Lam Kinh (84,9 tỷ đồng)…

Việc đầu tư ngoài ngành không hiệu quả không chỉ khiến PVC trực tiếp phải trích lập dự phòng rủi ro, từ đó trực tiếp gây ra thua lỗ mà còn làm giảm đi rất nhiều nguồn lực tài chính, khiến cho tổng công ty này bị hụt vốn và không còn đủ năng lực tài chính để nhận nhiều công trình, dự án như trước nữa. Hệ quả là doanh thu năm 2012 và 2013 của PVC đột ngột sụt giảm và chỉ còn chưa bằng một nửa của năm 2011.

Cụ thể, nếu như năm 2011, doanh thu của PVC ở mức 9.271 tỷ đồng thì sang năm 2012, con số này chỉ còn 4.469 tỷ đồng. Đến năm 2013, doanh thu chỉ nhích nhẹ lên mức 4.962 tỷ đồng. Đồng thời, PVC cũng phải chấp nhận mức giá vốn ngang ngửa doanh thu trong 2 năm 2012 và 2013, nghĩa là chấp nhận lỗ nếu như tính thêm chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, miễn sao có việc để làm.

Nhưng chưa hết. Giai đoạn 2008 – 2011, PVC liên tục đẩy mạnh vay nợ để gia tăng nguồn lực tài chính, phục vụ cho tăng trưởng nóng. Đỉnh điểm là năm 2011, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của PVC đã lên tới 1,75 lần trong khi năm 2008 chỉ là 0,35 lần.

Hệ quả là 2 năm sau đó (2012 và 2013), PVC đã phải gánh chi phí lãi vay kỷ lục, lần lượt là 475 tỷ đồng và 454 tỷ đồng, qua đó trực tiếp gây ra thua lỗ nặng nề cho PVC.

Cũng chính vì gặp phải tình trạng mất cân đối tài chính do vay nợ quá nhiều, cộng thêm tình trạng mắc kẹt hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án, công ty hoạt động ngoài ngành trong giai đoạn 2008 – 2011 nên PVC đã phải tăng vốn thêm 1.500 tỷ đồng trong năm 2012 để đảm bảo hoạt động và giảm rủi ro tài chính. Trong số 1.500 tỷ đồng tăng vốn thêm đó, có tới 1.100 tỷ đồng là vốn góp thêm của PVN.

Có thể thấy, việc PVC thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong 2 năm 2012 và 2013 đều có mầm mống rất rõ ràng trong giai đoạn 2008 – 2011. Và hơn hết là, những mầm mống, nguyên nhân thua lỗ ấy hầu hết là do yếu kém, sai lầm chủ quan từ ban lãnh đạo PVC.

Sau những sai lầm, yếu kém chủ quan của lãnh đạo PVC trong giai đoạn 2008 – 2011 mà người đứng đầu là ông Trịnh Xuân Thanh, không có ai phải đứng ra chịu thua lỗ thay cho dàn lãnh đạo này, bởi chính họ đã phải gánh hậu quả trong 2 năm sau đó!

Kình Dương
(VietnamFinance)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad