Đàm phán song phương Malaysia - Trung Quốc giúp thúc đẩy COC? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

Đàm phán song phương Malaysia - Trung Quốc giúp thúc đẩy COC?


Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp Thủ Tướng Malaysia Najib Razak tại Bắc Kinh hôm 1/11/2016.



Mối quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc thời gian gần đây dường như đang ấm lên sau những cam kết mà hai nước đạt được sau chuyến thăm Trung Quốc hồi tuần trước của Thủ tướng Malaysia Najib Rajak. Trong chuyến thăm này cả Malaysia và Trung Quốc đều thống nhất là sẽ giải quyết vấn đề biển đông bằng đàm phán song phương thay vì hướng tiếp cận đa phương mà ASEAN vẫn áp dụng lâu nay. Điều này có ý nghĩa gì với tình hình an ninh khu vực và mối quan hệ tốt hơn giữa hai nước sẽ ảnh hưởng ra sao đối với các nước khác cũng có tranh chấp ở biển Đông như Việt Nam và Philippines.

Ảnh hưởng tình hình an ninh khu vực ra sao?

Việt Hà phỏng vấn bà Elina Noor Giám đốc chương trình nghiên cứu an ninh và chính sách đối ngoại thuộc viện chiến lược và quốc tế Malaysia. Trước hết, nói về quan hệ giữa hai nước Malaysia Trung Quốc, bà Elina Noor nhận định:

  'Malaysia luôn sẵn sàng mở cửa đối với các giải pháp khác nhau cho nên đàm phán song phương là một trong những hướng tiếp cận.'

- Elina Noor
Elina Noor: Theo tôi quan hệ hai nước đã được cải thiện. Malaysia đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc hồi tháng 10 năm 2013. Nếu các bạn nhìn vào các mối quan hệ giữa hai nước thì sẽ thấy là chủ yếu các mối quan hệ này tập trung vào lĩnh vực kinh tế, thương mại, và đầu tư. Một số lĩnh vực khác trong quan hệ hai nước hiện vẫn chưa phát triển. Cho nên trong chuyến thăm này, Thủ tướng Malaysia muốn nâng tầm các quan hệ này thêm một chút trong đó có thỏa thuận về quân sự, bên cạnh đó là các thỏa thuận về đầu tư mà theo tôi cả hai bên đều mong muốn.

Việt Hà: Trong chuyến thăm lần này, Malaysia và Trung quốc đã thống nhất sẽ đàm phán song phương về vấn đề tranh chấp biển Đông. Điều này trái ngược với hướng tiếp cận đa phương của ASEAN. Theo bà vì sao Malaysia theo hướng này vào lúc này và liệu điều này có khả thi với Malaysia không?

Elina Noor: Malaysia luôn sẵn sàng mở cửa đối với các giải pháp khác nhau cho nên đàm phán song phương là một trong những hướng tiếp cận, đàm phán đa phương cũng là một cách và Malaysia chưa bao giờ nói là sẽ loại bỏ đàm phán đa phương. Bất cứ cách tiếp cận nào sẵn có giúp thúc đẩy ổn định trong khu vực biển Đông và không làm phương hại đến quan hệ với các nước ASEAN khác và Trung Quốc đều được Malaysia theo đuổi.

Việt Hà: Cả Malaysia và Philippines gần đây đều cho thấy những dấu hiệu xích lại gần hơn với Trung Quốc. Theo bà điều này có ảnh hưởng thế nào tới tình hình an ninh khu vực?

Elina Noor: Như tôi đã nói là quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc luôn nồng ấm khác với quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc khá là đen tối. Nhưng Philippines gần đây đã hâm nóng lại quan hệ với Trung Quốc nhất là so với thời của cựu Tổng thống Aquino. Trong khi đó quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc chỉ ấm từ từ. Tôi không nghĩ quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc hiện nay sẽ có ảnh hưởng xấu đến an ninh khu vực. Ngược lại, quan hệ gần gũi hơn, sự hiểu biết và tin cậy giữa hai nước còn thực sự giúp cho hòa bình khu vực.

ASEAN suy yếu?

Việt Hà: Có những quan ngại cho rằng mối quan hệ nồng ấm hơn gần đây giữa Malaysia, Philippines với Trung Quốc cũng cho thấy sự yếu đi của ASEAN. Bà nhận xét thế nào về nhận định này?


Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) tiếp Thủ Tướng Malaysia Najib Razak tại Bắc Kinh hôm 1/11/2016. AFP
Elina Noor: Có những quan ngại có lý do khi có nước nói về việc theo đuổi những đàm phán song phương. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh lần nữa là lập trường của Malaysia là theo đuổi tất cả các hướng tiếp cận bao gồm cả hướng tiếp cận về luật pháp nếu cần thiết dù rằng hướng này không có ưu tiên cao đối với Malaysia vào lúc này. Đồng thời đàm phán song phương không phải là hướng tiếp cận duy nhất của Malaysia. Trong khi đó, các bạn chắc cũng nghe những phát biểu của Thủ tướng Malaysia về hy vọng đạt được một Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở biển Đông (gọi tắt là COC). Tôi nghĩ mục tiêu mà các nước ASEAN và Trung Quốc đặt ra là đạt được bộ khung cho COC chậm nhất vào tháng 5 năm 2017. Tôi muốn nói là chỉ có bộ khung thôi. Có thể sẽ còn mất nhiều thời gian nữa để các bên có thể đạt được COC. Tôi nghĩ hy vọng hiện tại là nếu chúng tôi có thể theo đuổi các cách khác nhau để đạt được một giải pháp thì có thể là đàm phán song phương sẽ giúp tăng tốc quá trình đạt được COC. Cho nên tôi không nghĩ là có một sự lo lắng thật sự đối với việc Malaysia đặt hướng tiếp cận đa phương của ASEAN sang một bên.

Việt Hà: Bà có nói đến hướng tiếp cận về luật pháp, theo bà phán quyết mới của tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc có ý nghĩa thế nào với Malaysia?


Elina Noor: Theo tôi phán quyết của tòa trọng tài quốc tế đã làm rõ đối với những gì trước kia còn rất mù mờ, đặc biệt là đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc. Ít nhất vào lúc này chúng tôi biết được và trước đó chúng tôi cũng biết là đường đứt khúc này không có cơ sở pháp lý. Bây giờ mọi thứ cũng rõ ràng và chắc chắn hơn liên quan đến các đòi hỏi về chủ quyền đối với các thực thể trong vùng đứt khúc 9 đoạn. Bây giờ chúng không được coi là các đảo và do đó không có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), cho nên không có các vùng chồng lấn tranh chấp. Điều này sẽ dễ hơn cho các nước khi nói về chủ quyền của mình vì không còn vùng chồng lấn.

Việt Hà: Malaysia cũng có vấn đề với Trung Quốc liên quan đến bãi Luconia của Malaysia và việc tàu Trung quốc thường xuyên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Vậy Malaysia đã làm gì để bảo vệ chủ quyền của mình trong khi vẫn không làm Trung Quốc tức giận?


Elina Noor: Đó là một trong những vấn đề đòi hỏi một sự cân bằng thận trọng. Theo tôi hiểu, thường thì chính phủ Malaysia có những thư ngoại giao phản đối với Trung Quốc nhưng thường là không được công khai cho công chúng. Đây là chiến lược cẩn trọng mà Malaysia theo đuổi. Nhưng mặc dù vậy, nếu chúng ta nhìn vào các hồ sơ của quốc hội Malaysia thông qua những lần tranh luận về vấn đề này  thì Thủ tướng Malaysia đã thường xuyên đề cập đến vấn đề này ở quốc hội. Ông cũng cho biết là hải quân hoàng gia đã gia tăng các cuộc tuần tra, các lực lượng tuần duyên khác cũng gia tăng tuần tra. Theo tôi thì chính phủ đang cố gắng theo dõi tình hình chặt chẽ để xem xét những diễn tiến trong tương lai. Nhưng kể từ sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế chúng tôi không nghe thấy nhiều về vấn đề này nên theo tôi căng thẳng đã giảm xuống chút ít. Nhưng chính phủ vẫn theo dõi những bước tiếp theo của Trung Quốc.

Việt Hà: Bà đánh giá thế nào về quan hệ giữa Malaysia và Hoa Kỳ thời gian qua?

  Tôi nghĩ hy vọng hiện tại là nếu chúng tôi có thể theo đuổi các cách khác nhau để đạt được một giải pháp thì có thể là đàm phán song phương sẽ giúp tăng tốc quá trình đạt được COC.'

- Elina Noort
Elina Noor: Quan hệ giữa Malaysia và Mỹ không phụ thuộc vào Trung Quốc. Quan hệ quốc phòng giữa hai nước đã có từ lâu và chắc chắn. Quan hệ quốc phòng giữa hai nước lâu và sâu hơn nếu so với quan hệ quốc phòng giữa Malaysia và Trung Quốc, vốn còn rất hạn chế và mới chỉ bắt đầu gần đây vào năm 2013. Tôi nghĩ không có gì phải thực sự lo lắng đối với những nhà quan sát cả của Malaysia và Mỹ. Tôi nghĩ quan hệ Mỹ và Malaysia đã được thể chế hóa và mở rộng để có thể chịu đựng được bất cứ những thăng trầm gì có thể xảy ra. Hiện có những quan ngại về quan hệ chính trị giữa hai nước nhưng mối quan hệ song phương giữa hai nước vẫn đủ mạnh.

Việt Hà: Có những chỉ trích về vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Bà đánh giá thế nào về vai trò của Mỹ thời gian qua?

Elina Noor: Tôi biết có những lo lắng về vai trò của Mỹ trong khu vực. Một số người nghĩ rằng Hoa Kỳ nên có những hành động phản ứng mạnh hơn ở biển Đông. Tôi nghĩ Hoa Kỳ đang ở một vị trí khó khăn tức là họ phải cân nhắc tình hình để nó không quá nóng mà cũng không quá lạnh. Tôi nghĩ là Hoa kỳ đang cố gắng làm hết sức mình vào lúc này. Hoa Kỳ không quá khiêu khích nhưng cũng cho thấy là họ sẽ cho tàu và máy bay bay qua các vùng mà họ muốn theo luật quốc tế. Tôi biết một số người có thể không đồng ý với tôi nhưng Hoa Kỳ phải làm điều đúng đối với họ vào thời điểm đúng và ở nhiệt độ đúng.

Việt Hà: Giáo sư Carl Thayer mới đây có nhận định là việc Malaysia mua tàu tuần duyên của Trung Quốc là một con dao hai lưỡi. Một mặt thỏa thuận này làm cho quan hệ hai nước tốt đẹp hơn, mặt khác nó cũng giúp Trung Quốc hiểu hơn về khả năng của những thiết bị mà nước này bán cho Malaysia, mà điều này đặc biệt áp dụng trong trường hợp Malaysia mua tàu ngầm từ Trung Quốc. Bà nhận xét gì về ý kiến này?

Elina Noor: Theo tôi chúng ta phải nhìn đúng vấn đề ở đây. Malaysia chỉ mua 4 tàu tuần duyên từ Trung Quốc để thay đổi những tàu đã cũ, có những tàu của chúng tôi đã đến 30 năm. Cho nên 4 tàu không có gì nhiều để thay đổi những tính toán. 2 trong số 4 tàu sẽ được làm ở Malaysia. Hơn thế nữa, ai có thể khẳng định rằng Trung Quốc chưa biết được những khả năng của chúng tôi. Malaysia đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Có thể họ sẽ hiểu chúng tôi hơn và điều này có thể góp phần vào việc xây dựng lòng tin. Tôi đồng ý với Giáo sư Carl Thayer rằng đây là một con dao hai lưỡi nhất là khi hai nước có những đòi hỏi về chủ quyền chồng lấn ở biển Đông. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng tôi bỏ Trung Quốc sang một bên mà không có một thỏa thuận quốc phòng nào với họ. Đây cũng là một phần của thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện. Đây là một trong những lĩnh vực phải được xem xét cẩn trọng ở Malaysia nhưng nếu nhìn vào hồ sơ của Malaysia thì chúng tôi mua vũ khí ở khắp nơi. Điều này có thể tốt mà cũng có thể không tốt nhưng cho đến lúc này mọi việc vẫn tốt cho Malaysia. Chúng ta chưa thể biết là trong tương lai Malaysia sẽ tiếp tục theo đuổi cách này hay không.

Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Việt Hà
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad