Lê Hồng Hà - Từ bóng tối bước ra đường sáng - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

Lê Hồng Hà - Từ bóng tối bước ra đường sáng


Ông Lê Hồng Hà, nhà đấu tranh dân chủ của Việt Nam vừa qua đời ở Hà Nội, hưởng thọ 90 tuổi.
Lê Hồng Hà không còn nữa. Ở tuổi tôi, tin về cái chết của ai đó số bạn bè cùng trang lứa không còn làm tôi ngạc nhiên, nhưng lần nào cũng vậy, vẫn cứ là đột ngột. Sự ra đi không bất ngờ của Lê Hồng Hà làm tôi bàng hoàng. Tôi quen anh, mặc dầu chúng tôi rất ít liên hệ với nhau. Cảm giác hụt hẫng này y hệt trong chiến tranh, khi người bạn chiến đấu luôn ở bên mình, trên đường hành quân, trên trận địa, bỗng một ngày không thấy đâu.

Có một sự trớ trêu của số phận trong tình bạn giữa chúng tôi.

Cuối năm 1967 Lê Hồng Hà là chánh văn phòng Bộ Nội vụ, người ký lệnh điều động người đi bắt tôi. Trong nhà tù Hỏa Lò nổi tiếng, tôi chỉ đôi lần thoáng thấy anh đi cùng các viên chức làm công việc hỏi cung. Thế rồi vào một ngày không chờ đợi, khi tôi đã ra tù nhiều năm, bỗng nghe sấm động giữa trời quang – Lê Hồng Hà và Nguyễn Trung Thành, vụ trưởng Vụ bảo vệ đảng cùng ký kiến nghị đòi Trung ương đảng thẩm tra và giải oan cho những người bị bắt tù nhiều năm không xét xử trong vụ án gọi là “nhóm xét lại chống Đảng và làm tay sai cho nước ngoài”.

Đảng của hai anh đã không xem xét kiến nghị thì chớ, lập tức tống hai anh ra khỏi hàng ngũ của nó.

Trưởng ban tổ chức trung ương Lê Đức Thọ đã sơ hở không tiêu huỷ mọi hồ sơ của vụ án nguỵ tạo. Chúng vẫn nằm trong tủ của Vụ bảo vệ đảng để Lê Hồng Hà và Nguyễn Trung Thành có điều kiện lần giở từng biên bản khám xét, biên bản hỏi cung, rà soát lại tính pháp lý của vụ án để từ đó hiện ra một âm mưu. Công việc này không thể làm ngay trong khi những nạn nhân còn nằm trong trại giam, mọi hồ sơ còn chưa được khép lại. Nó đòi hỏi một độ lùi về thời gian, đòi hỏi sự xem xét kỹ càng, sự tính toán, cân nhắc, để việc làm có thể có kết quả.

Nói về âm mưu này thì dài, tựu trung nó chỉ có mục đích củng cố quyền lực của những kẻ yếu bóng vía sợ mất nó. Để nắm chắc quyền lực chúng không ngần ngại trước bất cứ điều gì.

Cái kiến nghị hiền lành của hai bầy tôi vốn ngoan ngoãn chứa trong lòng nó một kết luận táo bạo và nguy hiểm: những người bị bắt đều vô tội. Câu hỏi tiếp theo, không được đặt ra bằng lời, nhưng ai cũng hiểu: “Nếu họ đều vô tội thì kẻ gây ra tội là ai?”

Ở miền Bắc Việt Nam vào những năm ấy mà dám vạch ra sự không anh minh trong một việc làm mờ ám của vua chúa thì phải có gan cóc tía. Lê Hồng Hà và Nguyễn Trung Thành chưa hề nổi tiếng gan dạ. Hai người chỉ nổi tiếng là những đảng viên trung thành, những công chức mẫn cán. Điều không ai ngờ là trong họ vẫn sống dai sống khỏe một tâm hồn lương thiện, nó sinh ra cái ta gọi là công tâm, là sự tử tế được truyền nối từ các thế hệ cha ông.

Cái giá phải trả là rất đắt theo chuẩn mực thời ấy. Nó là dấu chấm hết cho mọi thăng tiến, mọi quyền lợi, mọi ưu tiên ưu đãi. Họ có day dứt không? Có đấy. Nhưng họ đã chấp nhận giá ấy, không lùi bước. Có một chút khác nhau giữa hai anh. Nguyễn Trung Thành đau đớn, tôi nghe nói vậy, Lê Hồng Hà thì không.

Từ vị trí ăn trên ngồi trốc trong hệ thống cai trị, Lê Hồng Hà quyết định rời bỏ đảng của anh để đi về phía lẽ phải, có nghĩa là về phía những người chống thể chế độc tài. Anh trở thành bạn của chúng tôi, những nạn nhân của vụ án mà anh là người tham gia trấn áp. Trớ trêu là ở chỗ đó.

Lê Hồng Hà ngày một đi xa hơn. Anh phủ định lý thuyết mác-xít về đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội, phủ định chuyên chính vô sản, phủ định mọi thần tượng – Marx, Lenin, Stalin, Mao. Riêng Hồ Chí Minh thì hai anh né, chưa phải lúc. Trong chuyện này giữa chúng tôi – Lê Hồng Hà, Nguyễn Minh Cần và tôi – đã có những cuộc trao đổi ý kiến khá gay gắt. Nhưng đó là những va chạm về quan điểm chiến thuật. Ngoài ra, chúng tôi luôn là một.

Với Lê Hồng Hà lập trường là rõ ràng. Anh đòi phải trả lại nền cộng hoà sơ khai năm 1945 và phát triển nội dung dân chủ của nó trong sự đối lập với cai trị độc tài. Anh chủ trương giữ hoà khí với Trung Quốc, nhưng phải có khoảng cách, trong đường lối ngoại giao đa phương…

Nói tóm lại, dưới cách trình bày mềm mỏng để người nghe không bị sốc, anh dứt khoát ly khai đảng của anh để đứng về phía nhân dân.

Tôi báo tin anh mất trên facebook vào trưa hôm qua 15.11. Hôm nay, cũng vào buổi trưa, tôi xem lại dưới tin ấy đã thấy có trên 1.500 người vào đọc và viết lời chia buồn. Là riêng một trang facebook của tôi thôi, không kể những trang khác, và những trang chia sẻ. Trong nỗi buồn mất anh tôi có được niềm vui – nhân dân thật công bằng.

Nhận thức là một quá trình. Người nào tìm sẽ thấy. Nhân dân sẵn sàng đón nhận họ vào hàng ngũ của mình.

Lê Hồng Hà và Nguyễn Trung Thành là tấm gương sáng cho những người một thời lầm lỡ. Họ sẽ mất rất nhiều, nhưng đổi lại họ sẽ được cái lớn hơn – tình yêu thương và lòng kính trọng của nhân dân.

© Vũ Thư Hiên

Về vụ án xử cựu đại tá Lê Hồng Hà

Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng có thư gửi Bộ Chính trị thập niên 1990. Photo: Hoang Dinh Nam

Trong thập niên 1990, cựu đại tá Lê Hồng Hà cùng một số người khác gửi kiến nghị cho Đảng yêu cầu điều tra lại vụ án có tên “Vụ án xét lại chống Đảng”, xảy ra năm 1967 ở miền Bắc Việt Nam.

Ông Lê Hồng Hà, cựu Chánh văn phòng Bộ Công an Bắc Việt và sau này bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản, đã qua đời hôm 15/11 ở tuổi 90.

Ông từng là đảng viên cộng sản kỳ cựu, giữ chức Chánh văn phòng Bộ Công an ở Hà Nội năm 1958.

Năm 1995 xảy ra một biến cố dẫn đến việc ông Lê Hồng Hà nhận án tù hai năm.

Đó là việc ông lưu giữ và phát tán một lá thư của Thủ tướng khi đó Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính Trị.

Thư Thủ tướng

Đó là lá thư ngày 9/8/1995, trong đó ông Kiệt nêu bốn nội dung: “1- Đánh giá tình hình, cục diện thế giới ngày nay; 2- Vấn đề chệch hướng hay không chệch hướng; 3- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước; 4- Xây đựng Đảng”.

Lá thư có đoạn: “Để giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi bức xúc là phải nâng cao tính hiệu quả của kinh tế quốc doanh, nhằm làm cho nó chiếm một vai trò chủ đạo trong thị trường nước ta chứ không phải là dành cho nó quyền ‘nắm’ thứ nầy thứ khác.”

Ông Kiệt nhận xét về tình hình quốc tế rằng “tính chất đa dạng, đa cực” đang chi phối quan hệ giữa các quốc gia thay vì “mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc”.

Người chấp bút cho lá thư này, ông Nguyễn Trung, được tác giả Huy Đức dẫn lời trong cuốn sách Bên Thắng Cuộc: “Năm 1995, uy tín bên trong, bên ngoài của ông Kiệt đều lên cao, có nguy cơ ông trở thành tổng bí thư, điều mà cả Trung Quốc, ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, đặc biệt là Nguyễn Văn Linh đều không thích.”

“Ông Kiệt viết thư này, đụng đến một vấn đề cốt lõi trong sinh hoạt Đảng, với mong muốn làm cho mối quan hệ thật rõ ràng: dân chủ ra dân chủ, tập trung ra tập trung.”

Ông Lê Hồng Hà, nhà đấu tranh dân chủ của Việt Nam vừa qua đời ở Hà Nội, hưởng thọ 90 tuổi.

Theo nhà báo Huy Đức, lá thư này được đưa ra bàn trong Bộ Chính trị nhưng ông Kiệt “bị nhiều thành viên trong Bộ Chính trị chỉ trích kịch liệt”.

Lá thư này sau đó đã dẫn đến án tù cho ông Lê Hồng Hà và hai người khác.

Theo ông Nguyễn Thanh Giang, người bạn của ông Lê Hồng Hà, vào hôm 5/12/1995, nhà bất đồng chính kiến Hà Sĩ Phu đến nhà ông Lê Hồng Hà và được ông Hà đưa cho lá thư của ông Võ Văn Kiệt.

Khi ông Phu rời nhà ông Hà ở Hà Nội, ông bị một xe máy chèn ngã. Khi công an đến nơi, họ đưa ông Hà Sĩ Phu về đồn, và phát hiện bản sao lá thư.

Cuốn sách của nhà báo Huy Đức viết rằng ông Hà Sĩ Phu khai tài liệu này ông lấy từ ông Nguyễn Kiến Giang; ông Giang khai lấy từ ông Lê Hồng Hà.

Ngày 22/8/1996, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội xử ông Lê Hồng Hà 2 năm tù, Hà Sĩ Phu, 1 năm tù giam và Nguyễn Kiến Giang, 15 tháng tù treo.

‘Dám phản ứng’

Theo một người bạn của ông Lê Hồng Hà, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Thanh Giang, chính ông Lê Hồng Hà cũng lưu giữ và đưa cho ông một lá thư “bí mật” sau đó mấy năm.

Ông Nguyễn Thanh Giang kể lá thư của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Việt Nam, được ông Lê Hồng Hà giấu và đưa cho ông Nguyễn Thanh Giang để công bố trên mạng internet.

Lá thư này có nhiều chi tiết tố cáo hoạt động của cơ quan tình báo quân đội rất quyền lực, gọi tắt là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, theo các nguồn nói trên.

Nhớ về ông Lê Hồng Hà, ông Nguyễn Thanh Giang cho rằng ông Hà là “tấm gương sáng của người trí thức Việt Nam” và “đã dám phản ứng những người có quyền sinh quyền sát trong Đảng”.

Theo ông Nguyễn Thanh Giang, ông Lê Hồng Hà là một trong những đảng viên sớm lên tiếng kiến nghị Đảng Cộng sản từ bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin.

Dường như vì vậy từ khi bị khai trừ Đảng, bị án tù, cái tên Lê Hồng Hà hầu như không được nhắc tới trên báo chí chính thống tại Việt Nam.

Lễ tang ông Lê Hồng Hà sẽ được cử hành ngày 18/11/2016 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông.

BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad