Mỹ lo ngại lực lượng dân quân biển của Trung Quốc - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

Mỹ lo ngại lực lượng dân quân biển của Trung Quốc


Một trong hàng đoàn tàu đánh cá Trung Quốc từ đảo Hải Nam xuống phía Nam quần đảo Hoàng Sa phối hợp với các tàu hải cảnh. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

WASHINGTON, DC – Lực lượng Trung Quốc trên biển không phải chỉ có các tàu hải quân, hải cảnh, mà còn có một rừng ngư dân được huấn luyện và trang bị để phối hợp với những lực lượng chính thức kia.

“Hãy cẩn thận, không nên mô tả họ như một nhóm ngư dân ô hợp nghèo nàn,” Đô Đốc Scott Swift, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, nói với một số nhà báo ở thủ đô Washington, DC.

Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc, theo ông Swift, “được tổ chức có hệ thống rất bài bản. Ông Tập Cận Bình từng đến thăm và khen ngợi công khai về những nỗ lực của họ.”

Đây là lực lượng thứ ba của Trung Quốc trên biển sau hải quân và cảnh sát biển.

Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc, theo nhận xét của Đô Đốc Swift, “hoạt động thành từng nhóm hoặc độc lập trên biển.” Trong khi họ không phải là một lực lượng quân sự thuần túy, nhưng cũng không hoạt động tùy tiện.

“Tôi cho rằng họ được chỉ huy và kiểm soát hẳn hoi. Tôi thấy rõ ràng như thế,” ông Swift nói.

Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc từng được báo động từ những năm qua từ các chuyên viên về Trung Quốc. Bắc Kinh luôn chối giữa họ và những người và tàu đánh cá trên biển không có quan hệ chỉ huy gì. Khi bị trưng ra các bằng chứng cho thấy những ngư dân đó mặc quần áo ngụy trang như lính chính quy thì Bắc Kinh chống chế là người ta ăn mặc ngụy trang như thế để chống nắng.

Ít nhất một lần, Bắc Kinh nói dối đó là nhóm làm phim ảnh dàn cảnh.

Những tàu “dân quân” đó hành xử cứng rắn khi đối đầu trên biển và có lần từng cản trở tàu nghiên cứu hải dương của hải quân Mỹ cũng như tính cắt máy dò tìm mà tàu kéo theo.

“Chúng ta cần phải chính xác khi nói về lực lượng dân quân biển,” Đô Đốc Swift nói. “Tôi đã nói rõ với các đối tác khi thảo luận với họ rằng họ (dân quân biển) được (nhà cầm quyền Trung Quốc) chỉ huy và kiểm soát. Nếu họ được chỉ huy và kiểm soát, tôi buộc phải đối phó với họ như những đơn vị (quân sự) khác được chỉ huy và kiểm soát.”

Ông Swift cho hay mối quan hệ với Trung Quốc vẫn rất chuyen nghiệp và ca ngợi Quy Tắc Ứng Xử Khi Gặp Bất Ngờ Trên Biển (CUES), mà Mỹ và Trung Quốc ký năm 2014, giúp các vụ gặp nhau trên biển không leo thang hoặc trở thành bạo động. Có ít nhất 21 nước ký tên chấp nhận thỏa hiệp CUES trong đó có cả Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải tất cả các lực lượng biển của Trung Quốc đều tham gia.

Trung Quốc từng nhiều lần cho hàng đoàn tàu đánh cá có các tàu hải giám hộ tống đến quấy rối ở quần đảo Senkaku của Nhật mà Bắc Kinh nói là của mình, và gọi tên là Điếu Ngư Đài.

Trên Biển Đông, lực lượng này cũng được dùng để đối phó với phía Việt Nam khi phối hợp với các tàu hải giám và chiến hạm bảo vệ giàn khoan HD 981 dò tìm dầu khí trái phép trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phía nam quần đảo Hoàng Sa.

Theo Đô Đốc Swift, ông đã thảo luận vấn đề này với các đối tác Trung Quốc, nhưng không ai nhìn nhận những người đó (dân quân biển) là ai.

Ông nói: “Hạm đội Thái Bình Dương sẽ buộc bất cứ ai chịu trách nhiệm khi ra lệnh chỉ huy hành động chống lại quyền tự do hải hành.”

Báo chí Trung Quốc từng có những bài viết, phóng sự tin tức và hình ảnh về những buổi huấn luyện cả về quân sự cũng như kỹ thuật truyền tin, phối hợp hành động cho lực lượng dân quân biển ước đoán có hàng chục ngàn người. (TN)

Người Việt

1 nhận xét:

Post Bottom Ad