Việt Nam: Miền Nam mưa nhiều vẫn thiếu nước - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2016

Việt Nam: Miền Nam mưa nhiều vẫn thiếu nước


Hình chụp một cánh đồng ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng trong đợt hạn vừa qua. Cảnh này sẽ tái diễn trong vài tháng nữa. (Hình: Tuổi Trẻ)

Mùa mưa ở miền Nam Việt Nam thường kết thúc vào đầu Tháng Mười Một nhưng năm nay, trời vẫn còn mưa và mưa có thể tiếp tục rơi cho đến Tháng Hai năm sau nhưng vùng này vẫn thiếu nước.

Theo các chuyên gia khí tượng-thủy văn, trừ một vài vùng như Mộc Hóa (Long An), Sở Sao (Bình Dương), nhìn chung, vũ lượng trong giai đoạn từ Tháng Năm đến Tháng Mười năm nay ở miền Nam vượt mức trung bình vì có nhiều trận mưa cực đoan (mưa lớn, kéo dài). Thậm chí vũ lượng của mùa mưa năm nay ở Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) lên tới 1,200 mm, ở Phú Quốc (Kiên Giang) lên tới 2,600 mm.

Tuy mưa nhiều hơn bình thường song các chuyên gia khí tượng-thủy văn cảnh báo, miền Nam Việt Nam vẫn thiếu nước. Theo những số liệu mà các trạm quan trắc dọc sông Mekong (từ Trung Quốc, Lào, đến Thái Lan, Cambodia) đã ghi nhận thì mực nước sông Mekong thấp hơn mức trung bình từ 0.25 mét đến 1.5 mét.

Nói cách khác, do nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về ít hơn nhiều so với bình thường, mùa khô năm tới, dân chúng miền Nam Việt Nam vẫn phải đối diện với tình trạng nước ngọt bị thiếu hụt trầm trọng và tất nhiên, nước mặn từ biển vẫn tiếp tục xâm lấn sâu vào đất liền.

Cần nhắc lại rằng, từ Tháng Hai đến Tháng Sáu vừa qua, dân chúng miền Trung, khu vực Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long cùng phải đối diện với đợt hạn hán trầm trọng chưa từng có.

Riêng ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán còn làm nước biển xâm nhập sâu vào đất liền với mức độ gấp đôi bình thường. Người ta ước đoán khoảng 160,000 héc ta lúa tại đồng bằng sông Cửu Long bị hư hại, làm mất trắng khoảng 800 triệu tấn lúa và có ít nhất 1.5 triệu nông dân phải gánh chịu hậu quả. Cũng vì thiếu nước tưới và do tác động của nước mặn, có khoảng 500,000 héc ta ruộng nữa không thể trồng lúa vì thiếu nước. Đó là chưa kể rất nhiều loại cây khác bị hư hại do nước mặn. Nước quá mặn còn là nguyên nhân khiến nhiều loại thủy sản chết hàng loạt.

El Nino (hiện tượng khô hạn khác thường) và biến đổi khí hậu đã khiến Việt Nam bị hạn hán kéo dài suốt hai năm. Đáng ngại là càng ngày, mức độ hạn hán càng khốc liệt.

Hồi Tháng Mười năm ngoái, chính quyền Việt Nam đã chi 700 tỷ để hỗ trợ chính quyền các tỉnh thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp như: Tạm đắp các con đập ngăn nước mặn, giữ nước ngọt, xây dựng trạm bơm-hệ thống cấp nước, vận chuyển nước đến những vùng không thể thiết lập đường ống cấp nước, cấp gạo cứu đói cho những vùng mà dân chúng kiệt quệ do hạn hán…

Tuy nhiên mức độ và hậu quả nghiêm trọng của hạn hán, nước mặn xâm nhập đã vượt quá khả năng chống đỡ của Việt Nam và đến Tháng Ba năm nay, khi gặp gỡ các nhà tài trợ, các tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế ở Hà Nội, ông Cao Đức Phát, bộ trưởng Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn của Việt Nam đã chính thức đề nghị cộng đồng quốc tế hỗ trợ để giảm thiểu thiệt hại của hạn hán và nước mặn xâm nhập.

Tuy đại diện các nhà tài trợ, các tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế đã hứa sẽ hỗ trợ về kỹ thuật như: Cung cấp giống lúa có thể chịu hạn, chịu mặn, hỗ trợ quan trắc, dự báo sớm các hiện tượng thời tiết cực đoan, hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh trên người và gia súc… song hậu quả của đợt hạn hán và nước mặn xâm lấn ruộng vườn vừa qua vẫn hết sức nghiêm trọng.

Giờ thì dân chúng đồng bằng sông Cửu Long sắp phải đối diện với một đợt hạn hán và nước mặn xâm lấn ruộng vườn nữa. (G.Đ)

Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad