Bổ nhiệm và truy tố trong hệ thống song trùng - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Bổ nhiệm và truy tố trong hệ thống song trùng


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc với cử tri quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ hôm 4/12/2016.



Trong một buổi gặp cử tri tại Cần Thơ, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết có nhiều cán bộ trong vụ bê bối Trịnh Xuân Thanh kêu oan. Vụ bê bối Trịnh Xuân Thanh, ngoài tình nghi tham nhũng, còn có việc liên quan đến việc bổ nhiệm các cán bộ cao cấp khác nhau trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh.

Sau đây là phân tích của một số nhà quan sát trong nước về chuyện bổ nhiệm và truy tố các viên chức nhà nước Việt Nam.

Không tìm được thủ phạm

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, người từng làm trong cơ quan nội chính của đảng cộng sản Việt Nam cho biết về qui trình bổ nhiệm các viên chức cấp cao của Việt Nam, mà cụ thể là trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh:

“Ở Việt Nam những nhân vật được Ban bí thư quản lý, hay là Bộ chính trị quản lý hay ít nhất do Ban tổ chức trung ương quản lý đều phải thông qua cơ chế đảng. Khi Ban tổ chức trung ương có giấy thỏa thuận về việc bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Bộ nội vụ, tức là của chính phủ, và trên cơ sở đó ông Trịnh Xuân Thanh sẽ nhận được quyết định điều động về tỉnh Hậu Giang, và quyết định đó được một Thủ tướng, hay một Phó Thủ tướng ký. Người chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, thì ngoài Bộ Công thương ra còn có hai cơ quan khác là Bộ Nội vụ và Ban tổ chức trung ương.”

  Vào thời kỳ hoàng kim của Ban nội chính thì cơ quan này trùm lên cả ngành công an và pháp luật, chỉ đạo việc xử án và mức án. Đó là sự can thiệp của đảng.

-Nhà báo Phạm Chí Dũng
Theo ông Dũng thì người chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ Trịnh Xuân Thanh là ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ công thương. Nhưng ông Vũ Huy Hoàng nay đã về hưu, và các cơ quan quyền lực Việt Nam không biết phải xử ông Vũ Huy Hoàng như thế nào. Họ chỉ đưa ra được một quyết định của đảng cộng sản là cách chức cán sự đảng của ông, mặc dù ông đã mãn nhiệm chức vụ này.

Trong danh sách các viên chức đảng bị kỷ luật được báo chí Việt Nam công bố, thì chức vụ cao nhất bên đảng là các cấp phó của Ban tổ chức trung ương đảng.

Bình luận về việc này với Nam Nguyên của đài RFA, Luật sư Trần Quốc Thuận, từng là Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội đặt ra câu hỏi là ai là người chịu trách nhiệm cao nhất trong những vụ bê bối này.

Như vậy trong hệ thống quyền lực Việt Nam hiện nay với những quyết định khác nhau từ những người làm trong bộ máy nhà nước, và từ những người làm trong bộ máy của đảng, đã làm cho việc định trách nhiệm về một vụ bê bối nào đó trở nên khó khăn.

Ông Phạm Chí Dũng nói tiếp:

Ông Trịnh Xuân Thanh, ảnh minh họa chụp trước đây. Courtesy photo
"Ngay trong nội bộ cũng không thống nhất được cách xử lý các cán bộ liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh, cũng như vụ Vũ Huy Hoàng. Cho đến giờ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, và dường như họ tranh luận mãi thì cuối cùng Quốc hội mới có một nghị quyết là đưa trường hợp ông Vũ Huy Hoàng ra pháp luật xử lý. Nhưng pháp luật thế nào, xử lý tới đâu thì chúng ta hoàn toàn không biết.”

Theo dự đoán của ông Phạm Chí Dũng thì các cán bộ cao cấp trong vụ Trịnh Xuân Thanh sẽ chỉ bị trừng phạt theo kiểu giơ cao đánh khẽ, vì ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát hiện ra rằng nếu trừng phạt tới người chịu trách nhiệm cao nhất thì sẽ là ông Tô Huy Rứa, cựu trưởng ban tổ chức trung ương, một đồng minh chính trị của ông Trọng.
Những quyết định không có tính pháp lý

Luật sư Lê Công Định từ Sài Gòn bình luận về hệ thống kỷ luật của đảng chồng lên hệ thống pháp luật của quốc gia:

“Chúng ta thấy rằng đa phần, các quan chức trước khi bị xử lý kỷ luật, hay bị truy tố ra trước pháp luật, bao giờ họ cũng bị xử lý nội bộ về phương diện của đảng trước. Các cán bộ cấp cao thì phải có Ủy ban kiểm tra trung ương đảng quyết định trước, rồi sau đó cơ quan điều tra về phương diện luật pháp mới có thể tham gia điều tra để xem hành vi của người đó có vi phạm luật hay không, rồi mới bắt đầu giai đoạn truy tố, khởi tố, rồi xét xử.”

Luật sư Định nói thêm là cơ chế này làm cho người dân cảm thấy rằng pháp luật của nhà nước chỉ có áp dụng lên dân chúng, trong khi các đảng viên cộng sản thì không.

Nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết về quyền lực đảng, mà đại diện là cơ quan nội chính, nơi ông từng làm việc, trong việc xử lý những vụ án tại Việt Nam:

“Trước đây tôi làm trong Ban nội chính, thì tôi biết là khi đưa ra xử những án quan trọng, thì đều có sự tham gia của Ban nội chính, tức là một cơ quan đại diện về mặt đảng ở địa phương. Vào thời kỳ hoàng kim của Ban nội chính thì cơ quan này trùm lên cả ngành công an và pháp luật, chỉ đạo việc xử án và mức án. Đó là sự can thiệp của đảng. Điều này mà kéo dài thì không thể nghĩ tới chuyện tam quyền phân lập hay là minh bạch.”

  Nó (các văn bản kỷ luật của ban tổ chức trung ương) hoàn toàn không có một tư cách pháp lý, và những quyết định cỉa nó hoàn toàn vô giá trị về mặt pháp lý.

-LS Lê Công Định
Một hệ thống kỷ luật và pháp luật song trùng như vậy thường được truyền thông phương Tây nhắc đến là hệ thống Song Qui ở Trung quốc. Trong hệ thống này các viên chức chính quyền có thể bị xử bằng các hình phạt trong đảng mà không liên quan gì đến hệ thống pháp luật của quốc gia cả.

Khi được hỏi rằng hai hệ thống chồng nhau của Việt Nam, một bên là kỷ luật của đảng, còn bên kia là pháp luật của nhà nước, có giống hệ thống Song Qui này của Trung Quốc hay không, ông Phạm Chí Dũng cho rằng ở Việt Nam chưa đến mức độ trầm trọng như bên Trung Quốc.

Nhưng Luật sư Lê Công Định cho rằng những nguyên tắc của hệ thống Song Qui hoàn toàn hiện diện ở Việt Nam. Ông nêu ví dụ về chuyện tài sản của một vị Tổng thanh tra nhà nước:

“Cách đây một vài năm chúng ta thấy họ kỷ luật ông Tổng thanh tra nhà nước, về vấn đề nhà cửa đất đai thế nào, cách xử lý của họ là hoàn toàn theo kỷ luật đảng. Những người như vậy rõ ràng là có hành vi, tôi nói là hành vi thôi, còn kết luận thì chưa, là hành vi tham nhũng, nhưng hoàn toàn không được pháp luật xử lý. Ở đây cơ quan kiểm tra trung ương đảng lại xử lý trước người đó, sau đó đưa ra những quyết định bắt họ phải trả lại tài sản như thế nào đó, nhưng đều hoàn toàn là những quyết định nội bộ thôi.”

Bình luận về những bản kỷ luật của Ban tổ chức trung ương đảng, đứng về góc cạnh pháp lý, Luật sư Định cho rằng nó vô giá trị:

“Nó hoàn toàn không có một tư cách pháp lý, và những quyết định cỉa nó hoàn toàn vô giá trị về mặt pháp lý. Tuy nhiên trong thực tế Việt Nam thì nó là một cơ quan siêu quyền lực, những quyết định của nó, những biện pháp nó áp dụng, bao giờ cũng có giá trị vượt trội lên mọi quyết định của cơ quan tư pháp.”

Trở lại chuyện buổi tiếp cử tri của bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khi bà nói rằng có nhiều cán bộ liên quan trong vụ Trịnh Xuân Thanh kêu oan, Luật sư Định bình luận:

“Đảng của họ xử lý kỷ luật của họ. Chuyện họ kêu oan như thế nào là chuyện nội bộ của đảng của họ. Còn chuyện những người đó có phạm tội hay không thì cho tới giờ này những cơ quan tư pháp như cơ quan điều tra, Viện kiểm sát vẫn hoàn toàn im lặng không thấy một phản ứng nào đối với những việc mà họ bị cáo buộc giống như ủy ban kiểm tra trung ương đảng đã làm với họ.”

“Chúng ta không biết khi nào họ ứng xử với một tư cách là quan chức của chính quyền, khi nào là quan chức của đảng. Chúng ta hoàn toàn không biết. Lúc thì họ đi gặp cử tri, đang làm việc với cơ quan chính quyền, thì lại phát ngôn như là những nhà lãnh đạo của đảng. Còn trong khi họ đang nói về những chuyện nội bộ của đảng, thì họ vẫn phát biểu những vấn đề của chính quyền.”

Còn về lời phát ngôn của ông Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, cũng trong một buổi tiếp cử tri, rằng đảng đang chỉ đạo trình Quốc hội nghiên cứu cách xử lý những trường hợp như ông Vũ Huy Hoàng trong tương lai, Luật sư Lê Công Định nói rằng đó là hình ảnh chứng tỏ sự lấn lướt quyền lực của nhà nước của đảng cộng sản, còn ông Phạm Chí Dũng thì nói rằng đảng giống như một quốc gia trong một quốc gia.

Tin cuối cùng sau khi chúng tôi hoàn thành bài viết này là ba cán bộ cao cấp trong vụ Trịnh Xuân Thanh bị Ban bí thư Trung ương đảng ra quyết định cảnh cáo. Đồng thời lại một cán bộ cao cấp nữa của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, trước đây do ông Trịnh Xuân Thanh quản lý, ra nước ngoài trị bệnh và không thấy trở về.

Kính Hòa
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad