Dân Sài Gòn sống trong lo sợ dịch Zika - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

Dân Sài Gòn sống trong lo sợ dịch Zika


Chị Hạnh, đang mang thai 3 tháng, lo sợ bệnh Zika, bên cạnh ngôi nhà lụp xụp ven kênh nước đen Văn Thánh. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

Sài Gòn – Một tháng nay, kể từ ca nhiễm vi rút Zika đầu tiên ở Sài Gòn được phát hiện, người dân thành phố bắt đầu nơm nớp lo sợ vì nguy cơ dịch bệnh có thể lan rộng bởi nguồn nước ô nhiễm từ các kênh nước đen cùng thói quen sinh hoạt và điều kiện sống thiếu vệ sinh các khu nhà ổ chuột ven sông rạch.

Bên cạnh những căn bệnh nguy hiểm lây truyền từ muỗi, như sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản, Zika đang là một trong những căn bệnh được xã hội quan tâm, bởi hậu quả bệnh nghiêm trọng và nguy cơ lây lan bệnh ở môi trường khí hậu oi bức như Sài Gòn.

Sống trong lo sợ

Theo dữ liệu từ Trung Tâm Y Tế dự phòng thành phố Sài Gòn, đến hết ngày 29 Tháng Mười Một, 2016, đã có 85 ca nhiễm virus Zika được phát hiện.

Căn cứ vào tình hình thực tế khi phóng viên Người Việt đến các vùng ven Sài Gòn, như Bình Thạnh, quận 4, quận 9, thì có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn tại Sài Gòn nếu không chủ động có các biện pháp phòng chống.

Trưa ngày 30 Tháng Mười Một, phóng viên đến khu vực kênh Văn Thánh, đoạn chạy từ cầu Ngô Tất Tố đến cầu Văn Thánh, thuộc phường 22 quận Bình Thạnh. Theo bản tin trên VnExpress thì quận Bình Thạnh là nơi có số ca nhiễm virus Zika nhiều nhất thành phố, 18 ca.

Phía sau các ngôi nhà ven kênh là cả một ổ dịch bệnh, điều kiện cho muỗi sinh sôi nảy nở. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

Theo quan sát, nơi đây mùi hôi từ kênh bốc lên nồng nặc. Nhìn xuống kênh, dòng nước đen ngòm, sủi bọt đen, chứa đủ mọi thứ, từ các loại rác thải sinh hoạt đến xác bao cao su, băng vệ sinh… Trên bờ, những ngôi nhà lụp xụp vách tôn, nằm trải đều bên dòng kênh, rác cũng tràn ngập khắp nơi, là điều kiện cho muỗi trú ngụ và sinh sôi.

Chị Nguyễn Thanh Hạnh, 34 tuổi, mang thai mới được ba tháng, lo sợ cho biết: “Từ ngày nghe về bệnh Zika đến giờ, tôi lúc nào cũng sống trong sợ hãi. Ban đêm thì đốt nhang diệt muỗi, ngủ mùng, mặc đồ sáng màu. Còn ban ngày thì bận đồ, áo khoác dày kín mít để khỏi bị muỗi chích.”

Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp ứng phó tạm thời vì theo quan sát thì người dân ở khu vực này vẫn chưa ý thức cao phòng ngừa hiệu quả, nhất là dọn dẹp, chà rửa sạch sẽ các vật dụng chứa nước. Trứng muỗi nhiễm virus Zika có thể sống trong điều kiện bình thường từ ba đến bốn tháng.

Chưa kể nguồn nước đang bị ô nhiễm trầm trọng tại khu vực này. “Biết là vậy, nhưng mình nghèo thì phải chịu cảnh sống ven sông. Chứ bây giờ mà chuyển nhà thì biết đi đâu? Chồng tôi hàng ngày đi làm sơn nước, còn tôi theo phụ với chồng, như nấu cơm nước cho các thợ sơn,” chị Hạnh nói lý do “vì sao biết nguy hiểm mà vẫn ráng sống ở khu vực này.”

Băng rôn trên đường phố Sài Gòn kêu gọi người dân… tự diệt muỗi. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

“Điều tôi sợ nhất là nghe nói khi mang bầu mà bị nhiễm virus Zika là con sinh ra có nguy cơ bị bệnh đầu nhỏ. Bởi vậy, tuy nghèo tôi vẫn phải đi khám thai hàng tuần, tuần trước tôi có lên bệnh viện Nhiệt Đới khám, nhưng bác sĩ cũng chỉ khuyên nên tự phòng tránh chứ hiện chưa có nguồn vaccine ngừa bệnh này,” chị Hạnh cho biết.

Không những chịu mùi hôi thối, các hộ dân sống cạnh dòng kênh còn bị muỗi, côn trùng hoành hành mỗi khi trời tối. Tình trạng ô nhiễm của dòng nước gây nên mối lo ngại khi dịch bệnh do virus Zika lây lan khiến người dân ở khu vực này đứng ngồi không yên.

Chính quyền chỉ biết khuyến cáo

Những ngày này, các con phố Sài Gòn có nhiều băng rôn tuyên truyền phòng chống dịch bệnh vi rút Zika. Tuy nhiên phần lớn đều mang tính khuyến cáo người dân tự phòng tránh, chứ chưa thấy chính quyền có biện pháp căng cơ nào để giải quyết vấn đề.

“Hai hôm trước cũng có người của trung tâm y tế dự phòng của phường xuống xịt thuốc diệt muỗi. Tuy nhiên sau đó thì đâu lại vào đấy, vì họ chỉ xịt qua loa vậy thôi, chứ muỗi cũng không thể chết được. Họ cũng không phát thuốc chống muỗi hay hóa chất diệt muỗi gì hết,” anh Trần Phong, người dân nhà ở ven kênh nước đen, phường 21, Bình Thạnh cho biết.

Sang khu vực kênh Tàu Hũ và kênh Đôi, thuộc phường 12, Quận 4, Sài Gòn, tình hình cũng tương tự. Nhiều ngôi nhà tạm bợ được dựng lên ven kênh khiến nguồn nước thải càng ô nhiễm trầm trọng, ruồi muỗi cứ thế mà sinh sôi nảy nở.

Chính quyền cũng chỉ biết treo băng rôn trên đường phố Sài Gòn mang tính khuyến cáo. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

“Tuần trước tôi có đi họp trên tổ dân phố để nghe chính quyền tuyên truyền về Zika. Theo đó tôi được biết bệnh nhân nhiễm Zika hầu hết đều có triệu chứng rất nhẹ nên không phải tất cả mọi trường hợp đều đến bệnh viện khám.”

“Do đó, tôi nghĩ số ca bệnh trong cộng đồng có thể còn cao hơn nhiều so với số bệnh nhân đã được ghi nhận, nguy cơ có thể tiếp tục phát hiện thêm trường hợp mắc mới là hoàn toàn có thể xảy ra,” anh Kim Ân, nhà ở kênh nước Đôi, quận 4, cho biết.

“Chủ yếu chính quyền cũng chỉ cho tuyên truyền, căn băng rôn khẩu hiệu vậy thôi. Chứ không có biện pháp hữu hiệu như phát thuốc, tiêm vacxin phòng ngừa hay phát hóa chất diệt muỗi, lăng quăng gì hết,” anh Ân nói thêm.

Điều kiện vệ sinh môi trường kém và tình trạng thiếu hiểu biết về các biện pháp kiểm soát muỗi khiến người dân nơi đây đối mặt với nhiều dịch bệnh, đặc biệt là bệnh do muỗi truyền, như Zika.

Trong khi chính quyền thì cũng chỉ biết “dừng lại ở mức hô khẩu hiệu,” mọi lo sợ cứ thế lại đổ lên đầu người dân nghèo sống ở các vùng có nguy cơ nhiễm dịch vi rút Zika cao ven các dòng nước, kênh rạch bao quanh thành phố.

Nhật Bình
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad