Việt Nam hy vọng Hiệp Ðịnh TPP sẽ được cứu - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Việt Nam hy vọng Hiệp Ðịnh TPP sẽ được cứu


Những người Mỹ biểu tình chống Hiệp Ðịnh Ðối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi Tháng Ba 2016, trước Tòa Bạch Ốc. (Hình: Getty Images)

HÀ NỘI – Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc hy vọng rằng Tổng Thống Ðắc Cử Donald Trump sẽ nghĩ lại việc bãi bỏ Hiệp Ðịnh Ðối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được Hà Nội xem là cái phao cứu sinh của chế độ.

Những lời bình luận của một số viên chức Mỹ dự trù trở thành các thành viên trong nội các của ông Trump những ngày gần đây cho Hà Nội niềm hy vọng về một thỏa hiệp có thể làm người Mỹ hài lòng, theo lời ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với hãng tin Bloomberg.

Ông Rex Tillerson, người được ông Trump chọn làm ngoại trưởng nói trong cuộc điều trần ở Thượng Viện hồi tuần trước để được chấp thuận, rằng ông không chống lại Hiệp Ðịnh TPP mà chỉ chia sẻ một số âu lo của ông Trump về hiệp định này.

Ông Trump khi vận động tranh cử từng dọa một trong những việc đầu tiên khi ông bước chân vào Tòa Bạch Ốc là sẽ hủy bỏ TPP vì cho rằng hiệp định cướp đi công việc làm của người Mỹ.

“Tôi vẫn tin rằng chính phủ mới của Hoa Kỳ sẽ cứu xét lại triển vọng của TPP và cũng sẽ có đạt được một thỏa hiệp tổng quát có thể đáp ứng mối quan tâm của các bên.” Ông Phúc nói với hãng tin Bloomberg tại Hà Nội hôm 16 Tháng Giêng 2017.

“Nhiều người được mời làm thành viên chính phủ mới của Mỹ ủng hộ TPP cho nên tôi cho rằng Washington sẽ có thể cứu xét lại quyết định vì nó cũng có lợi cho nước Mỹ,” ông Phúc nói.

Năm ngoái, khi thấy ứng cử viên của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ Mỹ đều lên tiếng phản đối TPP, nhà cầm quyền Việt Nam đã không đưa bản Hiệp Ðịnh TPP đã ký kết ra Quốc Hội để thông qua, sợ hố. Nếu hiệp định này được thông qua, 12 nước thành viên Á Châu Thái Bình Dương tham gia, tượng trưng cho gần 40% sản xuất toàn cầu, trị giá đến $30 ngàn tỉ.

Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull hôm Thứ Bảy tái khẳng định lại cam kết ủng hộ TPP trước khi gặp Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe ở Sydney. Ông Abe cũng là một người cổ vũ cho Hiệp Ðịnh TPP đã gặp ông Nguyễn Xuân Phúc hôm Thứ Hai ở Hà Nội mà một trong những đề tài hai bên bàn thảo là vấn đề này.

Theo một số phân tích của Ngân Hàng Thế Giới (WB), Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp Ðịnh TPP được thi hành với sự tăng trưởng gia tăng 8% cho GDP từ nay đến năm 2030. Là một nước có giá nhân công rẻ mạt, rất nhiều nhà sản xuất ngoại quốc đổ xô tới Việt Nam mở cơ sở sản xuất và xuất cảng.

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6.2% năm 2016 và có khả năng là một trong những nước kinh tế phát triển khá nhất trên thế giới trong hai năm tới với mức tăng trưởng có thể vượt quá 6%, theo nhận định của WB. Việt Nam đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay 6.7%.

Hiệp Ðịnh TPP có tham vọng cao hơn nhiều hiệp định thương mại khác, không những hạ thấp hàng rào quan thuế trên rất nhiều mặt hàng mà còn cam kết bảo vệ tác quyền trí tuệ. Nó thúc đẩy Việt Nam phải tuân thủ những luật lệ quốc tế về lao động và thị trường.

“Những người chủ trương cải cách ở Việt Nam hy vọng rằng TPP có thể tạo sức ép từ bên ngoài để cải cách mà họ không thể nào thúc đẩy từ bên trong vì bị cái cơ chế nó trói buộc,” theo lời ông Alexander Vuvinh, một phân tích gia về an ninh của Trung Tâm Nghiên Cứu Á Châu Thái Bình Dương tại Hawaii. Nó đồng thời sẽ tạo ra “một lực rất mạnh để kéo Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc,” ông nói.

Cho dù không được Mỹ ủng hộ TPP, ông Thủ Tướng Phúc cho rằng Việt Nam sẽ hợp tác với các nước thành viên khác tìm giải pháp để mọi bên cùng có lợi trong khi tìm kiếm những thỏa hiệp tự do thương mại ở những nơi khác, chẳng hạn như Thỏa Hiệp Ðối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực hay gọi tắt là RCEP hiện đang được Bắc Kinh thúc đẩy.

“Việt Nam sẽ tiếp tục đi tới vì chúng tôi có 12 hiệp định tự do thương mại (FTA) với các nước khác và còn 3 hiệp định tự do thương mại đang được đàm phán, gồm cả RCEP.” Ông Phúc nói với Bloomberg, “Những hiệp định này sẽ giúp cho nền kinh tế của chúng tôi tiến lên.” (TN)

Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad