Việt Nam ‘không thế chỗ của Philippines trong vấn đề Biển Đông’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

Việt Nam ‘không thế chỗ của Philippines trong vấn đề Biển Đông’


Ông Nguyễn Phú Trọng (trái) hội đàm với ông Tập Cận Bình hồi trung tuần tháng này. (Hình: TTXVN)

HÀ NỘI – Đó là tuyên bố của ông Đặng Minh Khôi, đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn của một đài truyền hình của Hồng Kông. Ông Khôi bảo rằng, Việt Nam không thay đổi lập trường.

Cuộc phỏng vấn vừa kể diễn ra sau hai sự kiện đáng chú ý. Sự kiện thứ nhất là Việt Nam bồi đắp, củng cố một số công trình trên các hòn đảo, bãi đá mà Việt Nam đang kiểm soát tại quần đảo Trường Sa. Sự kiện thứ hai là chuyện ông Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc và ký kết hàng loạt thỏa thuận.

Đối với sự kiện thứ nhất, ông Khôi giải thích, những hoạt động của Việt Nam tại những hòn đảo, bãi đá mà Việt Nam đang kiểm soát tại quần đảo Trường Sa là “hoàn toàn bình thường,” không tăng mà cũng chẳng giảm hoạt động trên các đảo, bãi đá của mình. Trước kia ra sao thì hiện nay cũng vậy.

Ông Khôi phản bác nhận định của một số chuyên gia rằng Việt Nam đang tìm cách thế chỗ Philippines sau khi Philippines thoái bộ trong vấn đề Biển Đông. Theo ông Khôi, những nhận định loại này “không phù hợp với lập trường của Việt Nam” và “không phù hợp với thực tế.”

Đối với sự kiện thứ hai, ông Khôi bảo rằng, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam và ông Tập Cận Bình, tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc, đều đã cùng nhận định, trong vấn đề Biển Đông, hai bên “còn tồn tại những bất đồng” và “nhiệm vụ quan trọng” là “kiểm soát tốt bất đồng, quản lý tốt tình hình, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai quốc gia.”

Ông Khôi nói thêm, từ 2014 đến nay, năm nào Việt Nam và Trung Quốc cũng tổ chức các cuộc hội đàm về phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ song đó không phải là vấn đề có thể giải quyết sớm.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cho rằng, hai bên cần tiếp tục vận dụng luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước về biển và những hiệp định song phương, đa phương khi hội đàm giải quyết bất đồng. Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy để đạt được Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC).

Sau hàng loạt sự kiện như Philippines thay đổi thái độ đối với vấn đề Biển Đông, ông Donald Trump đắc cử và trở thành tổng thống Hoa Kỳ, theo dõi các hành động trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhiều chuyên gia cùng cho rằng, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc cùng xuống giọng trong vấn đề Biển Đông.

Trước khi ông Trọng sang thăm Quốc trong bốn ngày từ 12 đến 15 Tháng Giêng, 2017, ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Việt Nam đã từng công du Trung Quốc. Trong cuộc hội đàm giữa ông Phúc và ông Lý Khắc Cường, thủ tướng Trung Quốc, cả hai tiếp tục xiển dương việc hợp tác, giải quyết tốt bất đồng trên biển.

Sau khi đột nhiên cứng rắn hơn bình thường trong giai đoạn từ cuối năm 2015 đến nửa cuối năm 2016, có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam lại đột nhiên “mềm mỏng” như trước đó nhiều thập niên.

Không chỉ Việt Nam mà Trung Quốc cũng bớt hung hăng khi đề cập đến Biển Đông. Ông Denny Roy, một chuyên gia làm việc tại East – West Center của Hoa Kỳ, cho rằng, sở dĩ Trung Quốc đề cao việc giải quyết bất đồng về chủ quyền tại Biển Đông bằng những biện pháp ôn hòa vì Trung Quốc muốn giảm tối đa tác động bất lợi của phán quyết mà Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc đã công bố.

Mời xem Video: Bị Tổng Trọng dọa cách chức, TTg Nguyễn Xuân Phúc tố cáo Ba Dũng đang tạo nguy cơ làm sụp đổ chế độ

Ông Roy tin Trung Quốc làm như thế để hướng các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền về Biển Đông với mình theo con đường hòa đàm song phương, loại bỏ sự can dự của cả ASEAN lẫn cộng đồng quốc tế. Đó cũng là lý do Trung Quốc rất hoan hỉ khi thông báo chung mà ông Trọng và ông Bình vừa ký với nhau xác định hai bên “tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho vấn đề Biển Đông.”

Cũng theo hướng này, ông Jean-Pierre Cabestan, một giáo sư về khoa học chính trị của Hong Kong Baptist University, cảnh báo thêm, Trung Quốc vẫn đang từng bước quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, một mặt nhằm gia tăng sức ép buộc các quốc gia trong khu vực lùi từng bước một. Mặt khác tránh nguy cơ đối đầu trực diện với Hoa Kỳ. (G.Đ)

Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad