Công lý, tình người & tiền bạc - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Công lý, tình người & tiền bạc


Công lý, tình người & tiền bạc. Ảnh: TMCNN

Mời xem Video: Môi Trường Khoa Học - Formosa Vũng Án



Vừa qua, mạng truyền thông xã hội đã dậy sóng một sự kiện lạ. Có thể nói, đây là cơn sóng uất nghẹn nơi thẳm sâu tâm hồn nhiều người Việt khắp năm châu. Nguyên nhân này phát khởi từ Chương trình phóng sự Truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam liên quan tới việc linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên, nhận tiền của các “thế lực thù địch” (theo cách gọi của VTV – Đài Truyền hình Việt Nam) từ linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh – Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, để cùng linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục “kích động” dân chúng hai giáo xứ Phú Yên và Song Ngọc, vốn có cuộc sống “yên bình” lại dấy lên cao trào chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức mạnh liệt.

Qua sự kiện này, dưới góc nhìn của những thường dân, chúng tôi lại thấy xuất hiện lồ lộ nguyên các giá trị của mối tương quan: công lý, tình người & tiền bạc.

Trước hết, qua thông tin, chúng tôi thấy rằng, số tiền mà linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh chuyển tới linh mục Antôn Đặng Hữu Nam là nguồn tiền sạch, nói khác đi, nguồn tiền này mang trọn vẹn ý nghĩa và giá trị công lý của nó. Tại sao? Số tiền được VTV đề cập, đến từ hai nguồn: quyên góp trong nước và từ kiều bào hải ngoại. Nhìn vào danh sách rất dài những người đóng góp, được Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam đã bạch hóa trên mạng xã hội, người đọc đã thấy thực sự đây là số tiền hỗ trợ của rất nhiều ân nhân trong nước cũng như từ rất nhiều quốc gia khác nhau cho các nạn nhân thảm họa môi trường do việc xả thải của Cty Formosa gây nên.

Như vậy, với danh sách dài những ân nhân giúp đỡ ấy, điều đầu tiên có thể khẳng định rằng đây là những đồng tiền do công sức của nhiều người đã tạo ra một cách chân chính, không phải là hình thức đầu cơ hay rửa tiền bất minh. Hơn nữa, sự trao tặng tiền bạc của mỗi cá nhân, mỗi tập thể cho mỗi cá nhân hoặc tập thể khác đó là điều hợp hiến, hợp pháp, là quyền của mỗi người trong tư cách công dân của mình. Bên cạnh đó, người được nhận tiền trao tặng, và người được cộng đồng tín nhiệm cử làm đại diện nhận và trao lại số tiền được tặng một cách minh bạch thì có gì trái luật? Song song đó, số tiền được trao tặng, được nhận nhằm phục vụ vào việc hữu ích chung được đôi bên đồng thuận (bên tặng và bên nhận), chẳng hạn như chi phí cho việc lập hồ sơ, các thụ tục pháp lý, phí đi lại,…với mục đích tìm kiếm công lý, sự thật cho người dân đang gặp bất công bằng con đường pháp lý một cách văn minh thể hiện tinh thần trọng pháp quyền phải chăng là trái pháp luật? Thêm vào đó, người dân giáo xứ Phú Yên và giáo xứ Song Ngọc, thể hiện quyền công dân, quyền tự quyết của mình qua việc đề cử Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam và Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục, những người rất có uy tín, làm đại diện pháp lý và thu xếp mọi công tác trước, trong và sau việc kiếu kiện cho dân khi họ nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm thì điều đó có gì sai? Đó có thể được hiểu là sự “kích động” chống phá Nhà nước của các linh mục hay sao?! Xa hơn nữa, linh mục là người sống cho chân lý, sự thật và tình yêu, do đó, sự sống, sự rao giảng của các vị linh mục cũng chỉ nhằm giúp mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng xã hội biết kiến tạo yêu thương, biết sống trong chân lý và sự thật. Vậy, phải chăng sự giúp đỡ, sự hy sinh phục vụ con người và cộng đồng xã hội như thế của các linh mục lại là việc làm “chống phá”, có tội? Qua vài góc nhìn như thế, chúng ta thấy rằng, những người có trách nhiệm trong giới truyền thông, đặc biệt từ phía Đài Truyền hình Việt Nam cũng như cộng đồng cần khách quan hơn, đúng mực hơn trong nhận xét, đánh giá, nhằm tránh xúc phạm gây thêm nỗi đau đối với các linh mục và người dân Miền trung vốn dĩ đã rất khổ đau, cũng như đừng phủ bạc tình thương và trách nhiệm của người dân Việt trong nước và trên toàn thế giới đối với dân với nước trước thảm họa môi trường đang diễn ra trên quê hương chúng ta trong khi chưa tìm được lối thoát.

Thứ đến, xét trên bình diện tình người, nguồn tiền đến với dân Miền trung thời gian vừa qua có căn nguyên từ tình thương yêu đồng loại, tình đồng bào: “máu chạy ruột mềm”, một truyền thống rất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Thử hỏi, người dân Miền trung có nhận được số tiền hỗ trợ quý báu, khẩn cấp của các ân nhân trong nước và nước ngoài hay không nếu không có Nhà máy Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường? Ngược lại, nếu không có thảm họa môi trường xảy ra thì dân Miền trung có kêu cứu sự sẻ chia cấp thiết như thế của mọi người không, hay họ vẫn một nắng hai sương tạo tần cuộc sống của mình như chính cuộc sống của họ vốn như thế? Tình trạng cá chết trắng, hệ sinh thái bị phá hủy, nền kinh tế biển ảnh hưởng nặng nề, tàu thuyền nằm bờ, người dân mất kế sinh nhai, học sinh phải bỏ học, thanh niên và trung niên phải phiêu bạt xa xứ kiếm sống,…. tìm đâu giải pháp? Tiền đền bù ư? Có đáp ứng kịp thời, có đáp ứng được nhu cầu tồn tại tối thiệu cho người dân tại các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi thảm hỏa này? Một năm trường đã trôi qua, thực tế ai cũng rõ! Đâu là giải pháp hữu hiệu được đề xuất trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm trả lại biển sạch, cá sạch, ngư trường sạch và môi trường trong lành? Đâu là chiến lược khắc phục sự khủng hoảng trầm trọng, đa diện: sinh thái, y tế, kinh tế – xã hội, giáo dục,…gây ra từ thảm họa? Tương lai người dân Miền trung còn mờ mịt! Chính sự nghiệt ngã, đói nghèo và khổ đau ấy đã chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt khắp năm châu, và tình tương thân tương ái của cộng đồng người việt quốc nội và hải ngoại đã bộc lộ, thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt ngang qua việc tương trợ về tài chính nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu cấp thiết cho người dân. Ấy vậy mà không biết vì lý do gì, nguyên nhân bởi đâu mà các Biên tập viên Đài VTV lại lên án các linh mục và nhân dân Miền trung nhận tiền của các “thế lực thù địch” nhằm chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam?! Phải chăng điều ấy đã chà đạp lên nỗi đau của nhân dân Miền trung, chà đạp lên tình đồng bào và truyền thống văn hóa – nhân bản của dân tộc Việt Nam:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng”.

Mời xem Video: Nóng: Lão nông Nam Bộ Vương Văn Thả giải thích lý do ông chửi Hồ Chí Minh và ĐCSVN?



Qua vài suy nghĩ ấy, mong rằng, mỗi người dân nói chung, đặc biệt là giới truyền thông, nên chăng đừng thể hiện sự lạnh lùng vô cảm, mà tốt hơn, cần nhìn nhận sự việc một cách bao quát hơn, sâu hơn, xa hơn, thiết thực hơn, và nên nếm cảm nỗi đau của người dân, của đồng bào mình để biết, để thấu hiểu, để sẻ chia. Có như thế, chúng ta mới cùng góp phần mình một cách thiết thực và tích cực nhằm thúc đẩy tiến trình đưa đất nước đến sự phồn vinh, thịnh vượng một cách hiệu quả thực sự.

Paul – Đình Nghiệm
TMCNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad