Chính phủ Đức đòi Hà Nội 'trả' Trịnh Xuân Thanh - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

Chính phủ Đức đòi Hà Nội 'trả' Trịnh Xuân Thanh


Ảnh chụp màn hình nhật báo Đức Taz đưa tin về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin hôm 23/7

Chính phủ Đức hôm 2/8 ra thông cáo yêu cầu chính phủ Việt Nam cho phép Trịnh Xuân Thanh được trở lại Đức “ngay lập tức.”

  "Không nghi ngờ” gì rằng bộ Ngoại giao Việt Nam và mật vụ có dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Thông cáo Bộ Ngoại giao Đức
Thông cáo Bộ ngoại giao Đức gửi cho VOA có đoạn: “Chúng tôi yêu cầu ông Trịnh Xuân Thanh được cho phép trở lại nước Đức ngay để có thể tiến hành việc Việc Nam yêu cầu dẫn độ (ông Thanh) và yêu cầu xin tị nạn của ông (ấy) được xem xét thấu đáo.”

Chính phủ Đức cũng yêu cầu tùy viên tình báo Việt Nam phải rời khỏi nước này trong vòng 48 tiếng đồng hồ nữa sau khi bộ Ngoại giao nước này cho rằng họ tiến hành vụ bắt cóc một cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam ở Berlin.

Thông cáo của bộ Ngoại giao Đức ra hôm 2/8 cho biết chính phủ Đức “không nghi ngờ” gì rằng bộ Ngoại giao Việt Nam và mật vụ có dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hôm 23/7.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Đức Martin Schaefer nói trong thông cáo rằng vụ việc này “có khả năng ảnh hưởng nặng nề tới các mối quan hệ (giữa 2 nước).” Ông Schaefer gọi đây là “một sự bội ước lòng tin vô cùng lớn.”

Theo thông cáo này, đại sứ Việt Nam ở Đức đã bị triệu tập hôm thứ ba (1/8).

Chính phủ Việt Nam thông báo hôm 31/7 rằng ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sau hơn 1 năm chạy trốn vì bị buộc tội tham nhũng làm thất thoát tài sản nhà nước.

Bắt cóc giữa trung tâm Berlin

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức gửi cho VOA

Trước khi thông cáo của Bộ ngoại giao Đức được đưa ra, một công tố viên ở Berlin hôm 2/8 cho VOA biết rằng cảnh sát Đức đang điều tra một vụ bắt cóc gần đây và khẳng định người bị bắt cóc là công dân Việt Nam.

Trước đó trong cùng ngày, nhật báo Taz của Đức có đăng bài viết về thông cáo của cảnh sát Berlin rằng họ đang điều tra một vụ bắt cóc một cựu quan chức chính phủ Việt Nam có tên Trịnh Xuân Thanh xảy ra ngày 23/7 tại một công viên ở trung tâm của thủ đô nước Đức.

Khi được VOA hỏi phản ứng của Việt Nam về việc cảnh sát và báo chí Đức đưa tin vụ bắt cóc này, bộ trưởng Công An Tô Lâm nói ông đang bận họp và “chưa thể trả lời.”

Theo tờ báo Taz, có tên đầy đủ là Die Tageszeitung, một nhân chứng người Đức đã chứng kiến vụ bắt cóc ngay tại trung tâm Berlin và xác nhận với cảnh sát. Theo lời tường thuật của nhân chứng được tờ báo này trích đăng bằng tiếng Đức, nạn nhân 51 tuổi đã bị một nhóm người có vũ trang lôi lên một chiếc xe ô tô và được đưa sang một quốc gia châu Âu láng giềng ngay sau đó.

Tờ báo này khẳng định những người đàn ông có vũ khí “thuộc mật vụ Việt Nam” và đăng kèm tấm ảnh của ông Trịnh Xuân Thanh với dòng chú thích bằng tiếng Đức cho rằng nạn nhân bị truy nã và đã bị mật vụ tóm.

Trưởng phát ngôn viên sở cảnh sát Berlin, Winfrid Wenzel, cho nhật báo Taz biết họ đang tiến hành điều tra “vì tình nghi về vụ việc bắt cóc và cưỡng ép bắt người.”

Công tố viên cao cấp Martin Steltner của Văn phòng Công tố Berlin nói với VOA rằng do “tính chất nhạy cảm” của vụ việc nên họ không thể đưa ra thêm bất kỳ thông tin gì tại thời điểm hiện tại.

Ông Steltner nói: “Tôi không thể đưa ra thêm bất kỳ chi tiết gì về nghề nghiệp của người này hay chức danh của anh ta ở Việt Nam. Vâng, đó là một người đàn ông Việt Nam nhưng tôi không thể đưa ra thêm bất kỳ thông tin gì nữa.”

VOA cũng đã liên lạc với sứ quán Việt Nam tại Đức xin bình luận về vụ việc này nhưng cho đến hết ngày 2/8 không nhận được trả lời.

Nhật báo Taz nói ông Trịnh Xuân Thanh đã từng xin tị nạn ở Đức vào những năm 1990, “giữa thời gian lúc tốt nghiệp đại học và bắt đầu sự nghiệp ở Việt Nam, nhưng lại tự nguyện hồi hương.”

Bài báo của Taz nhắc tới việc ông Thanh bị “thất sủng ở Hà Nội,” mất toàn bộ các chức vụ cũng như bị tước bỏ mọi tuyên dương khen thưởng và “trở thành kẻ thù của một nhân vật đầy quyền lực: thủ lĩnh đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.”

VOA

Mời xem Video: Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ VN bắt cóc: Vì sao Người Buôn Gió bác bỏ trách nhiệm với Trịnh Xuân Thanh?




Đức phản đối Việt Nam bắt cóc cựu viên chức trốn ở Đức

Đức vào ngày 2 tháng 8 lên án cơ quan tình báo và đại sứ quán Hà Nội về việc bắt cóc một cựu quan chức dầu khí Việt Nam đang xin qui chế tỵ nạn tại Đức, ông Trịnh Xuân Thanh.

Đức còn nói cho một viên chức đại diện cơ quan tình báo Việt Nam 48 tiếng đồng hồ để rời khỏi nước Đức sau vụ việc vừa nêu.

Ông Trịnh Xuân Thanh

Hãng tin AP loan tin phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Đức, Martin Schaefer, nói rằng chính phủ Đức không còn nghi ngờ gì việc đại sứ quán Việt Nam và cơ quan tình báo nước này có dính líu vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh vào ngày 23 tháng 7 vừa qua.

Theo phát ngôn nhân Martin Schaefer thì vụ việc có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ hai nước một cách lớn lao. Ông này cho rằng đó là việc cực kỳ làm mất lòng tin.

Hãng tin AFP thì dẫn lời của phát ngôn nhân Martin Schaefer rằng việc bắt cóc công dân Trịnh Xuân Thanh ngay trên nước Đức là một sự vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp nước Đức chưa hề có tiền lệ và gây tai tiếng.

Vào ngày 1 tháng 8, phía Đức đã triệu đại sứ Việt Nam đến và yêu cầu phía Việt Nam phải trao trả ông Thanh về cho phía Đức để thực hiện các thủ tục về tị nạn và trục xuất đúng cách. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết giới chức hai nước đã gặp nhau bên lề Thượng đỉnh G20 hồi tháng 7 vừa qua để thảo luận đề nghị từ phía Hà Nội là muốn Đức trục xuất ông Thanh.

Trước đó, một nhật báo ở Đức có tên Taz loan tin có thể ông Trịnh Xuân Thanh đã bị công an Việt Nam bắt cóc tại thủ đô Berlin, nước Đức để đưa về Việt Nam.

Tờ này trích lời người phát ngôn Sở Cảnh sát Berlin nói họ nghi ngờ có một vụ bắt cóc xảy ra và đang tiến hành điều tra.

Nhật báo Taz nói rằng báo chí Việt ngữ ở thủ đô nước Đức đã đưa tin vừa nêu, cho rằng ông Thanh bị bắt cóc tại một vườn hoa ở thủ đô Berlin vào ngày 23 tháng 7, và có những nhân chứng mục kích vụ bắt cóc.

Ngày 31 tháng 7, báo chí trong nước nói ông Trịnh Xuân Thanh đã đến Bộ công an tại Hà nội để đầu thú.

Cùng ngày, nhà báo Lê Trung Khoa, của một tờ báo tiếng Việt tại thủ đô Berlin có nói với đài BBC Việt Ngữ rằng ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc chứ không phải tình nguyện về Việt Nam ra đầu thú như báo chí trong nước đưa tin.

Nhật báo Taz cho biết có liên lạc với Bộ Ngoại giao Đức, nhưng được cơ quan này cho biết là họ không có thông tin gì về vụ việc được hỏi.

Ông Trịnh Xuân Thanh nguyên là Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí, thuộc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam. Sau khi rời khỏi vị trí này ông trúng cử đại biểu quốc hội tỉnh Hậu Giang, đồng thời được cử làm phó chủ tịch tỉnh này.

Vào khoảng tháng bảy năm 2016, ông Thanh trốn ra nước ngoài sau khi báo chí Việt Nam đưa ra nghi vấn tham nhũng lên tới 3300 tỉ đồng có liên quan tới ông Thanh tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí.

Sau đó cơ quan chức năng Việt Nam cho biết là đã phát lệnh truy nã toàn thế giới đối với ông Thanh.

Hiện nay vẫn chưa có hình ảnh nào liên quan đến việc đầu thú của ông Thanh được cơ quan chức năng đưa ra.


Mời xem Video: Trịnh Xuân Thanh tự ra đầu thú còn Trầm Bê bị bắt, Ba Dũng thì cầu cứu Lê Đức Anh và Quân khu 9 giải cứu?



RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad