Trung Quốc đắc lợi từ vụ Trịnh Xuân Thanh? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

Trung Quốc đắc lợi từ vụ Trịnh Xuân Thanh?


Ông Trịnh Xuân Thanh trước khi "bị bắt" đưa trở về Việt Nam.

Giới quan sát nhận định rằng Việt Nam đang ngày càng trở nên “đơn thương độc mã” chống Trung Quốc trong lòng ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), và việc bị Berlin cáo buộc “bội tín” sau vụ “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh về nước càng khiến Hà Nội rơi vào thế đơn độc.

Nhà quan sát Nguyễn Anh Tuấn, người từng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, nhận định: “Mọi nỗ lực của Việt Nam kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông ít nhất sẽ bị Đức (và cả Liên minh Châu Âu mà nước này đang dẫn dắt) phớt lờ hoặc coi là lố bịch một khi Việt Nam đã chứng tỏ họ sẵn sàng bất chấp luật pháp quốc tế để đạt được mục đích của mình, ngay trên đất Đức, ngay trên đất Châu Âu”.

  ...lập luận chính của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông sẽ trở nên yếu ớt vô cùng; và họ cũng chẳng còn tư thế nào phản đối việc Trung Quốc chơi luật rừng trên biển, khi đây cũng là thứ luật mà họ vừa áp dụng ngay trước mắt cộng đồng quốc tế.

Nhà quan sát Nguyễn Anh Tuấn nói.
“Theo đó, lập luận chính của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông sẽ trở nên yếu ớt vô cùng; và họ cũng chẳng còn tư thế nào phản đối việc Trung Quốc chơi luật rừng trên biển, khi đây cũng là thứ luật mà họ vừa áp dụng ngay trước mắt cộng đồng quốc tế”, nhà hoạt động xã hội này viết trên Facebook cá nhân.

Cuối tuần qua, ít ngày sau khi bị Đức lên án, Hà Nội vận động các nước ASEAN có quan điểm mạnh mẽ hơn chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Việt Nam cũng muốn các quốc gia trong khối nhấn mạnh tới tính ràng buộc về mặt pháp lý của khung bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông, nhưng vấp phải sự phản đối của một số quốc gia nhận viện trợ lớn của Trung Quốc như Campuchia và Philippines.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (thứ tư từ trái sang) tại hội nghị của ASEAN ở Philippines hôm 5/8.

Khi được hỏi rằng liệu có phải Trung Quốc đã lợi dụng việc Việt Nam bị mất lòng tin với Đức trong vụ Trịnh Xuân Thanh để lấn tới, tìm cách cô lập Hà Nội trong vấn đề Biển Đông, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nói rằng “không nên gắn cái nọ với cái kia”.

Ông nói thêm: “Vụ Trịnh Xuân Thanh không tác động gì tới quan hệ quốc tế của Việt Nam đâu. Với Đức, hai bên có thể có một số mâu thuẫn và sẽ tự dàn xếp. Còn có dính gì tới Trung Quốc? Trung Quốc bây giờ đang ‘tả xung, hữu đột’ trong lò bát quái về Đại hội 19 [diễn ra cuối năm nay]. Trung Quốc không hài lòng với cách tiếp cận của Việt Nam. Bây giờ chỉ còn Việt Nam chủ trương rằng COC phải thúc đẩy, nhưng phải có tính ràng buộc, và phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều đó Trung Quốc không muốn”.

  Vụ Trịnh Xuân Thanh không tác động gì tới quan hệ quốc tế của Việt Nam đâu. Với Đức, hai bên có thể có một số mâu thuẫn và sẽ tự dàn xếp. Còn có dính gì tới Trung Quốc? Trung Quốc bây giờ đang ‘tả xung, hữu đột’ trong lò bát quái về Đại hội 19 [diễn ra cuối năm nay].

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Trường nhận định.
Cựu đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển nhận định rằng Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị “muốn lập thành tích để chuẩn bị cho đại hội đảng mà trong đó có việc giải quyết ổn thỏa với ASEAN về COC”.

Tại Philippines, bên lề hội nghị của khối, theo truyền thông nước ngoài, ông Vương đã hủy cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong khi cổng thông tin chính phủ Việt Nam đăng ảnh hai quan chức quốc gia láng giềng bắt tay nhau, nói rằng đây là cuộc gặp “bên lề” hôm 7/8.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Trường cho rằng các nước ASEAN “không chú ý” tới vụ Trịnh Xuân Thanh vì mỗi nước ASEAN đều có rất nhiều vấn đề gai góc”, “quá phụ thuộc” và “bị sức ép của Trung Quốc”, trong khi Bắc Kinh “lobby [vận động] thông qua COC”.

Một nghi phạm Trung Quốc bị bắt ở Mỹ và giải về nước.

​Từ chuyện Trịnh Xuân Thanh, chuyên gia về quan hệ quốc tế này liên tưởng tới việc Trung Quốc dẫn độ hàng nghìn người về nước cũng như vị thế của Việt Nam.

  Khoảng 3200 đến 3500 người Trung Quốc bị dẫn độ từ nước ngoài về mà các nước đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, bởi vì sức ép của Trung Quốc nó lớn quá và phải thuận theo Trung Quốc. Còn Việt Nam chẳng có lực gì lớn nên nói người ta cũng không nghe.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường nói.
Ông nói thêm: “Khoảng 3200 đến 3500 người Trung Quốc bị dẫn độ từ nước ngoài về mà các nước đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, bởi vì sức ép của Trung Quốc nó lớn quá và phải thuận theo Trung Quốc. Còn Việt Nam chẳng có lực gì lớn nên nói người ta cũng không nghe. Thôi thì nhiều khi cũng phải làm đại đi một cái để mà thực hiện những chủ trương trong nước của mình cho nó chắc chắn. Chứ nói chống tham nhũng mà lại không chống được tham nhũng thì nó khó chịu”.

Trong một bài viết hôm 2/8, báo điện tử VietNamNet viết bài về chuyện “quan tham Trung Quốc bỏ trốn rồi đầu thú hệt như Trịnh Xuân Thanh”, trong đó nói với việc bà Dương Tú Châu, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Chiết Giang, một người nằm trong danh sách 100 quan tham bị Bắc Kinh “truy nã đỏ quốc tế”, mới về nước "đầu thú" sau 13 năm lẩn trốn ở nước ngoài.

Sau khi bị Đức cáo buộc “bắt cóc” ông Thanh, Việt Nam lên tiếng nói “lấy làm tiếc” về tuyên bố của Berlin, đồng thời nhấn mạnh rằng cựu quan chức tỉnh Hậu Giang này về nước “tự thú”.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng mới chỉ nói "lấy làm tiếc" về tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Đức hôm 9/8 đăng ý kiến của Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, trong đó nhấn mạnh rằng Đức “sẽ không dung thứ” dù “trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Trên Facebook, đại sứ quán Đức ở Hà Nội cũng đăng bài phỏng vấn của ông Gabriel với tờ “Stuttgarter Nachrichten”, trong đó ông nói rằng Berlin “sẽ không để yên” chuyện này.

  Chúng tôi đã thông báo với chính phủ Việt Nam về quan điểm rõ ràng cũng như các kỳ vọng của chúng tôi. Tới nay, vẫn chưa có hồi đáp chính thức. Nhưng chúng tôi có quyền tiến hành các biện pháp tiếp theo, nếu cần.

Ngoại trưởng Đức nói.
Trả lời câu hỏi về chuyện liệu chính phủ Việt Nam có sẵn lòng nhanh chóng đưa ông Trịnh Xuân Thanh trở lại Berlin, nhà ngoại giao hàng đầu của Đức nói: “Chúng tôi đã thông báo với chính phủ Việt Nam về quan điểm rõ ràng cũng như các kỳ vọng của chúng tôi. Tới nay, vẫn chưa có hồi đáp chính thức. Nhưng chúng tôi có quyền tiến hành các biện pháp tiếp theo, nếu cần”.

Tuy nhiên, ông không nói rõ các bước đi kế tiếp sẽ là gì, dù nhấn mạnh rằng “cộng đồng doanh nghiệp Đức lo sợ vì một số người có chức quyền ở Việt Nam rõ ràng đã không tôn trọng quan hệ đối tác với Đức hay vấn đề pháp quyền”.


Mời xem Video: Giải mã vì sao Tổng cục 5 chỉ đạo mật vụ bắt Trịnh Xuân Thanh lại cố ý bỏ rơi điện thoại?



Viễn Đông
VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad