Việt Nam nuôi hy vọng Mỹ trở lại TPP - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Việt Nam nuôi hy vọng Mỹ trở lại TPP


Dư âm APEC 2017 tại Đà Nẵng, cho dù được báo đảng ra sức thổi lên như “thành công tốt đẹp” – một cụm từ rất tương thích với các kỳ đại hội và hội nghị của đảng cầm quyền ở Việt Nam, đã chỉ còn phảng phất những tiếc nuối về hiệp định tưởng như “ký tới nơi” là TPP rốt cuộc cũng trở nên dở dang bởi Canada, phải đổi thành tên mới là CPTPP và phải chờ đợi thêm một thời gian không biết bao lâu nữa để các quốc gia đàm phán xong xuôi với nhau thì mới có thể cùng ký kết được.

TPP giờ đây là “khai tử”, thay vào đó là một CPTPP không có Mỹ

Về thực chất tại Hội nghị APEC vừa diễn ra, giới chóp bu Việt Nam đã “chỉ có tiếng, không có miếng”.

Đàm phán TPP được xem là chủ đề quan trọng nhất của Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017. Trước hội nghị này, một số nước như Nhật Bản và Mexico đã kỳ vọng có thể đạt được “thỏa thuận nguyên tắc”. Đặc biệt, nước chủ nhà Việt Nam rất hy vọng rằng TPP-11 sẽ được ký kết ngay tại APEC để mang lại tiếng vang “vị thế Việt Nam nâng cao trên trường quốc tế”..

Thậm chí giới quan chức ngoại giao Việt Nam, không biết có uống “thuốc liều” mà đã tuyên bố trên báo chí nhà nước với thái độ kênh kiệu “TPP vẫn để ngỏ cửa cho Mỹ tham gia”.
Trong thực tế, Việt Nam vẫn hy vọng Tổng thống Trump sẽ “nghĩ lại” để thay đổi quyết định Mỹ rút khỏi TPP.

Giới chức Việt Nam lại đã mất quá nhiều thời gian để theo đuổi TPP – từ năm 2010 đến nay, trải qua hơn hai chục vòng đàm phán cấp bộ trưởng.

Cú sốc rút khỏi TPP của Trump đã khiến giới chóp bu Việt Nam choáng váng và khiến lâu đài cát “GDP Việt Nam sẽ tăng 25% khi tham gia TPP” sụp đổ. Tuy nhiên Việt Nam vẫn hy vọng vớt vát vào TPP-11 không có Mỹ nhưng vẫn còn những nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Canada, Úc.

Nhưng cho dù TPP được chuyển thành CPTPP và cái tên mới quá dài này có được ký kết để Việt Nam được tham dự bàn tiệc quá muộn màng đó, việc đối tác quan trọng nhất của Việt Nam là Mỹ rút khỏi TPP đã khiến Việt Nam mất đi một “món hời”, và do vậy có tham gia vào CPTPP cũng có thể sẽ chỉ gặt hái được kết quả “có tiếng, chẳng có miếng”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP

Sau APEC Đà Nẵng, giới chuyên gia nhà nước lập tức ngồi lại với nhau để tổng kết. Một trong những chuyên gia ấy – ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia – đã tính toán một loạt con số cụ thể:

Kết quả phân tích cho thấy Việt Nam không được lợi nhiều về mặt con số định lượng khi có TPP 11. Chẳng hạn, với TPP 11, GDP tăng thêm chỉ đạt 1,32%, trong khi với TPP 12 là 6,7%. Xuất khẩu với TPP 11 tăng thêm 4%, trong khi TPP 12 khoảng 15%. TPP 11 làm tăng nhập khẩu 3,8%, còn TPP 12 tăng nhập khẩu 10,5%.

“Điều đó có nghĩa so với TPP 12 mức độ hưởng lợi của Việt Nam trong TPP 11 giảm rất nhiều do thiếu lợi ích tăng thêm từ thị trường Mỹ” – ông Trần Toàn Thắng nhận định.

Dù mức lợi ích TPP 11 đem lại cho Việt Nam không lớn như TPP 12, nhưng ông Trần Toàn Thắng cho rằng tham gia TPP 11 vẫn tốt hơn là không có gì.


Nhưng ngoài triết lý an ủi “có còn hơn không”, giới quan chức Việt Nam vẫn đặc biệt mổ xẻ câu hỏi đánh đố “Liệu Mỹ có trở lại TPP?”.


Có một chút cơ sở cho hy vọng trên. Bởi tại cuộc họp báo ngày 11/11, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã hé lộ rằng: Các bên đạt được đồng thuận nhờ có chung mục tiêu chung là phải đạt được TPP-11 nhằm kêu gọi Mỹ quay trở lại.

Một chuyên gia nhà nước khác là ông Đặng Đình Đào phỏng đoán: Biết đâu ngày nào đó Mỹ quay trở lại. Khả năng đó là có thể.

Còn ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì kể rằng: “Tại một hội nghị, khi có đại biểu hỏi liệu 1 – 2 năm tới Mỹ có trở lại TPP không? Hầu như tất cả đều trả lời “NO”. Nhưng khi chủ tọa hỏi 5 năm nữa thì sao? Hầu như tất cả đều nói “YES”.”

5 năm nữa là năm nào?

2022, hoặc gần hơn là năm 2021. Khi đó, nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Donald Trump sẽ kết thúc, và có vẻ giới quan chức lẫn chuyên gia Việt Nam đang kỳ vọng sẽ là một gương mặt khác thay cho Trump – một nhân vật sẽ tái tạo đường lối qua Obama và Hillary Clinton về duy trì vai trò của Mỹ trong TPP.

2021 cũng là năm kết thúc nhiệm kỳ khóa 12 của đảng CSVN, để “tiến tới đại hội 13”, nếu còn có đại hội này.

Nhưng có một yếu tố mà rất có thể giới chuyên gia nhà nước đã cố tình không đả động: trong xu hướng nhân quyền ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong các hiệp định thương mại đa phương và song phương, làm thế nào để chính thể Việt Nam có thể dễ dàng tham dự TPP trong vòng 4 -5 năm tới (với điều kiện Mỹ trở lại TPP), mà không có những cải thiện đáng kể về nhân quyền?

Còn ngay trước mắt, ngoài thách thức về TPP hay CPTPP, chính thể Việt Nam đang lao đến mục tiêu EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu). Tuy nhiên từ năm 2016, EVFTA đã nhấn mạnh về mặt nhân quyền và yêu cầu Hà Nội phải cải thiện thì mới có thể được tham gia hiệp định này. Đặc biệt từ sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, người Đức – đầu tàu của châu Âu – đã trở thành mới nguy hiểm lớn nhất của chính thể Việt Nam, vì Đức rất có thể sẽ phủ quyết EVFTA.

Mà theo quy định của Liên minh châu Âu, EVFTA phải được thông qua bởi 27 quốc hội của các quốc gia châu Âu. Chỉ cần một trong số 27 quốc gia đó phản đối là số phận của EVFTA sẽ trở về zero.

VietFact

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad