Mẹ Nấm đã làm gì? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

Mẹ Nấm đã làm gì?


Blogger Mẹ Nấm cùng hai con cầm biểu ngữ phản đối Formosa. Ảnh: Facebook

LS. Lê Luân - Có ai trong xã hội này đã đặt câu hỏi đó trong đầu một cách tự nhiên hay không? Mẹ Nấm cũng là người đàn bà, người con và người mẹ (đơn thân) như bao người phụ nữ khác. Nhưng chị quan tâm đến điều gì?

Đó là việc chị lên tiếng phản đối việc xả thải của Fomosa gây ra thảm hoạ môi trường lớn nhất trong lịch sử quốc gia nhưng chỉ phải đền bù 500 triệu đô la, còn những hậu hoạ của nó thì thật khủng khiếp mà đến nay nó còn tiếp tục tái diễn – được cấp phép vượt quy chuẩn gấp hơn 2 lần luật định về định lượng giới hạn chất thải được xả ra biển. Và nó hàng ngày cũng vẫn đang phun nhả một lượng khí thải khổng lồ ra bầu trời vốn đang ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.

Đó là việc đòi hỏi cải cách hệ thống, chống lại sự “bành trướng mềm cũng như (đe doạ và bằng) vũ lực” của Trung Quốc trong vấn đề biển đảo, lãnh thổ, lĩnh vực kinh tế (các dự án đầu tư), sự di dân và xâm lấn văn hoá (Hán hoá), sự lệ thuộc (nhiều mặt) của Việt Nam vào Trung Hoa. Sự cân nhắc và thiên ngả sang những giá trị tiên tiến và phổ quát của Tây phương, mà đại diện là Mỹ.

Đó là việc chị bình luận về vết thương lịch sử đã xảy ra trong quá khứ, về thế nào là giải phóng giữa hai miền Nam – Bắc, là cuộc chiến giữa người trong một nước và trách nhiệm hoà hợp hoà giải dân tộc của những lớp người sau kế cận và gánh vác trọng trách vận mệnh đất nước.

Đó là những tâm tư và cảm xúc về những bất công, tiêu cực ngày càng phình to trong xã hội, là việc thu thập những bài báo về tình trạng người dân bị chết ngay tại hoặc sau khi rời đồn công an và đề nghị chấm dứt tình trạng đó từ lực lượng công quyền.

Đó là việc chị lên án những cán bộ, lãnh đạo (đảng) tha hoá, tình trạng tham nhũng, quan liêu, cửa quyền và gây ra những bất ổn xã hội trong chính sách pháp luật. Chị lên tiếng phản đối những điều luật còn mơ hồ trong Bộ luật Hình sự mà nó xâm phạm vào quyền tự do ngôn luận, tự do mưu cầu (chính trị) của người dân – Điều 88 và Điều 258. Quyền kiến nghị lập pháp và quyền được góp ý vào các dự thảo luật đã được hiến định và luật định đối với bất kỳ ai là công dân của quốc gia.

Đó là việc chị tuyên truyền về nhân quyền, tức quyền con người, đối với những người xung quanh, để họ hiểu biết về quyền của mình hơn, để họ thức tỉnh và quan tâm rồi yêu đất nước mình hơn, để họ biết đấu tranh và dựng xây tổ quốc mình tươi đẹp và văn minh hơn.

Người phụ nữ đó đã làm gì?

Có ai tự đặt ra câu hỏi đó và thử tìm hiểu xem họ đã bị đối xử ra sao, và họ đấu tranh với tất cả những điều trên là vì ai? Vì bản thân và gia đình chị ấy trước tiên, đương nhiên là vậy rồi, nhưng hơn hết nữa đó là nữ quyền, là quyền được biểu đạt, quyền được mưu cầu và quyền được hưởng một cuộc sống an toàn hơn, cho tất cả mọi người, mà như đa phần những người đang “ăn nhờ ở đậu trên đất nước” này nghĩ rằng nó không cần thiết và chẳng liên quan gì tới mình.

Mẹ Nấm nhỏ bé thôi, cũng là người phụ nữ như những người khác, nhưng chị ấy muốn vượt thoát ra khỏi cái thân phận bị cầm tù và giam hãm đối với người phụ nữ bởi tư tưởng Nho giáo và văn hoá lúa nước áp đặt lên bao thế hệ qua. Chị muốn là chính mình, làm những điều bình thường mà một người phụ nữ có thể làm như trong các quốc gia phát triển khác được thừa hưởng: đó là được biểu lộ, được phản kháng, được truy cầu, được trở thành và được bảo vệ bằng sự lên án, chỉ trích nhà nước khi nó không làm tròn nhiệm vụ. Và đặc biệt hơn, chị muốn thể hiện vị trí của một người dân làm chủ, chứ không phải bộ máy chính quyền.

Mười năm tù giam, một phần mười thế kỷ và có thể là một phần sáu đời người. Nhà tù thì giam cầm thân thể, nhưng nhà tù sẽ giải phóng sự tự do và không thể nào trói buộc được tư tưởng cùng những khao khát của con người chân chính. Bao nhiêu người tiên phong đấu tranh xoá bỏ bất công đã đều phải trải qua lao tù, trên thế giới, ngay trong quốc gia và từ trong lịch sử đã minh thị tất thảy điều này.

Cả một hệ thống hùng hậu quyền lực thực hiện việc xét xử một người phụ nữ đơn lẻ và nhỏ bé, và không tranh luận trước những lời cáo buộc của chính mình. Nếu có một phiên toà như thế thì rõ ràng, nó đã chứa đầy sự phi lý về nguyên tắc tối cao trong tư pháp đó là quyền được bảo vệ bằng nguyên tắc suy đoán vô tội và phải tranh luận để làm sáng tỏ toàn bộ sự thật khách quan của vụ án.

Đến khi nào chúng ta mới chấm dứt việc kết tội về tư tưởng và quyền biểu đạt của những người dân trên chính quê hương mình? Giam cầm đốm lửa đó, nhưng không có nghĩa đám cháy sẽ bị dập tắt. Nước chính là thứ làm lửa bùng lên dữ dội và lan toả mạnh mẽ nhất khi chất liệu cháy ấy là vết dầu loang.

Trong tình cảnh đó, quyền lực chính trị là nước, và tự do tư tưởng chính là những vệt dầu. Càng đổ vào, lửa sẽ càng cháy bùng dữ dội hơn lên bội phần.


LS. Lê Luân
FB Lê Văn Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad