Vụ Đinh La Thăng: Đảng không cho ‘hạ cánh an toàn’? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

Vụ Đinh La Thăng: Đảng không cho ‘hạ cánh an toàn’?


Nhà quan sát nói những sai phạm của ông Thăng “làm nhiều đảng viên, dù là cải cách hay bảo thủ và cả nhân dân đều bất bình”. Ảnh: Getty Images

Một nhà quan sát chính trị nói với BBC rằng “sai phạm của ông Thăng từ thời ngang hàm thứ trưởng mà lọt vào đến Bộ Chính trị thì tổng bí thư cũng không thể nói chung là rút kinh nghiệm được.”

Công an Việt Nam đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính Trị, và em trai ông, Đinh Mạnh Thắng.

Truyền thông Việt Nam nói ông Đinh La Thăng bị điều tra về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 165 – Bộ luật hình sự.

Hôm 11/12, trả lời BBC, cây bút tự do Nguyễn An Dân nói: “Theo tôi, đây là việc lách quy chế đảng của những người muốn xử lý ông Thăng. Nếu đợi Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu khai trừ Đảng theo quy định (như trường hợp cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh thì họ ngại ông Thăng sẽ có biện pháp chủ động ứng phó nên họ làm bất thình lình.”

“Về mặt quy chế Đảng, Điểm 4.1 Khoản 4 Điều 40 của Điều lệ Đảng khóa 11 ban hành năm 2011 cho phép đình chỉ sinh hoạt đảng đối với đảng viên bị Thanh tra Nhà nước kết luận có sai phạm đến hình thức phải tạm giam.

“Cho nên, có lẽ Thanh tra Nhà nước đã kết luận là ông Thăng cần phải bị tạm giam nên Ủy ban Kiểm tra Trung ương đình chỉ sinh hoạt Đảng để công an tiến hành bắt tạm giam là đúng quy định.”

“Tuy vậy họ không khai trừ ông Thăng vì muốn khai trừ ủy viên Trung ương thì phải do Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu, và có lẽ đảng đợi đến Hội nghị Trung ương 7 sẽ làm.”

“Trường hợp nếu ông Thăng chỉ bị khởi tố mà không bị tạm giam thì không bị đình chỉ sinh hoạt Đảng.”

“Như vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương làm đúng điều lệ Đảng ban hành ở khóa 11 năm 2011 trong việc đình chỉ sinh hoạt đảng với ông Thăng vì ông này đã bị bắt tạm giam.”

“Với ông Thăng, người ta thấy ông này bị bãi miễn đại biểu Quốc hội xong mới có lệnh tạm giam, sau đó mới đình chỉ sinh hoạt Đảng.”

‘Trách nhiệm’

Ông An Dân nói thêm: “Khi có quyết định bắt giữ tạm giam của cơ quan chức năng có thẩm quyền, tổ chức Đảng có quyền ra quyết định kỷ luật.”

“Khi ông Thăng làm chủ tịch tập đoàn PVN (tương đương hàm thứ trưởng) thì có sai phạm. Việc ông Thăng sai phạm làm nhiều đảng viên, dù là cải cách hay bảo thủ và cả nhân dân đều bất bình và đòi hỏi phải xử lý.”

“Thế nên việc xử lý ông này là đúng. Nhưng do hàm ngang thứ trưởng nên về mặt Đảng là nhân sự do Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quản lý, rồi Ban Bí thư phê duyệt khi thăng chức, bổ nhiệm.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang chỉ huy cuộc chiến làm trong sạch đảng cộng sản. Ảnh: Hoang Dinh Nam

“Từ hàm ngang thứ trưởng mà ông Thăng được cất nhắc vào Bộ Chính trị, vậy về mặt Đảng, các cơ quan này và lãnh đạo của các cơ quan này phải chịu trách nhiệm gì? Có tiêu cực bằng cách dùng tiền có được từ sai phạm để chạy chức chạy quyền không?”

“Về mặt chính phủ, từ khi ông Thăng còn là chủ tịch PVN thì bộ trưởng quản lý ngành (bộ chủ quản), phó thủ tướng phụ trách ngành (do chính phủ phân công) và thủ tướng có trách nhiệm gì?”

“Và cao nhất, ông Thăng có sai phạm qua hai đời tổng bí thư, từ đảng viên cấp trung thành đảng viên cấp cao, ủy viên Bộ Chính Trị, thì hai đời tổng bí thư chịu trách nhiệm gì với nhân dân?”

“Sai phạm của ông Thăng từ thời ngang hàm thứ trưởng mà lọt vào đến cả Bộ Chính trị thì tổng bí thư cũng không thể nói chung chung với nhân dân là rút kinh nghiệm được, mà phải có chế tài, vậy chế tài này toàn đảng sẽ quyết thế nào?”

‘Không hạ cánh an toàn’

Cùng ngày, ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang nói với BBC: “Tôi thấy với trường hợp xử lý ông Thăng, nhà nước muốn chứng tỏ rằng đã đến lúc không cho quan chức sai phạm “hạ cánh an toàn” nữa.”

“Việc xử lý ông ấy cũng đúng quy định về kỷ luật đảng viên.”

“Ông Thăng mới bị tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng thì trên danh nghĩa ông ấy vẫn còn là đảng viên. Chờ điều tra thế nào nếu không có sai phạm thì sẽ phục hồi sinh hoạt Đảng, nếu có thì khai trừ.”

Trong khi đó, từ Mỹ, chuyên gia về chính trị học Đông Nam Á Zachary Abuza bình luận với BBC: “Toàn bộ vụ ông Đinh La Thăng, từ chuyện ông mất ghế ủy viên Bộ chính trị cho đến vụ xử đại án Ocean Bank, đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đầy ngạc nhiên, đều là những chỉ dấu cho thấy vụ này lớn hơn nhiều chứ không đơn giản chỉ là nhằm thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát.”

“Tất cả đều là chính trị. Ông Nguyễn Phú Trọng không chỉ củng cố vị trí của mình. Ông còn triệt hạ các đối thủ chính trị trước Đại hội Đảng sắp tới. Ông Trọng giờ đây đang ở vị thế không ai tấn công được. Tôi thực sự không thể tưởng tượng sẽ có bất kỳ cuộc phản công nào từ vây cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng. Họ chắc là đang kinh hoàng.”

“Con đường cải cách của Việt Nam là rõ ràng. Tôi không nghĩ sẽ có chuyện đảo ngược. Ông Trọng thấy báo động trước quyền lực ngày một tăng của giới kỹ trị, những người không cho Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều quyền quyết định. Sứ mệnh của ông Trọng là tái lập quyền lực tuyệt đối của Đảng. Đây là ưu tiên duy nhất của ông Trọng trước Đại hội Đảng lần tới,” ông Abuza bình luận.


BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad