Việt Nam tiếp tục khai thác cát: Môi trường sống bị ảnh hưởng thế nào? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Việt Nam tiếp tục khai thác cát: Môi trường sống bị ảnh hưởng thế nào?


Những chiếc thuyền chở cát trên sông Hồng ở Hà Nội hôm 2/8/2017


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
Tạp chí nationalgeographic.com, vào trung tuần tháng 3 đăng tải thông tin và hình ảnh về mối đe dọa từ khai thác cát đến hệ sinh thái và môi trường sống ở khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam được cho là bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hậu quả do khai thác cát

Hai tác giả Vince Beiser và Sim Chi Yin đề cập đến Việt Nam như là một ví dụ điển hình trong dự án nghiên cứu của họ về khủng hoảng cát toàn cầu và tác động từ việc khai thác cát.

Bài viết của Vince Beiser và Sim Chi Yin được phổ biến trên nationalgeographic.com, vào ngày 15/03/18 ghi lại lời kể của bà Hà Thị Bé, 67 tuổi, một cư dân ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp mô tả cảm giác bàng hoàng và sợ hãi của bà khi bất thình lình căn nhà và quán cà phê nhỏ bị cuốn phăng mất hút dưới lòng sông Tiền. Bà Bé nói rằng bà cùng người con trai đã kịp chạy ra ngoài và tất cả những gì gầy dựng được bị mất trắng trong phút chốc. Bà Bé còn nhấn mạnh nếu xảy ra vào ban đêm, thì có thể cả bà và con mình bị mất mạng.

Theo ghi nhận của Vince Beiser và Sim Chi Yin không chỉ có mỗi trường hợp của bà Hà Thị Bé, mà rất nhiều người dân sinh sống dọc bờ sông Tiền tỏ ra lo lắng vì không biết khi nào tình cảnh tương tự sẽ xảy ra cho họ. Giới chức chính quyền địa phương cho biết tình trạng sạt lở đất ở ven sông đã xảy ra từ năm 2011 cho đến nay, và nguyên nhân chủ chốt là do khai thác cát gây nên. Chuyên gia sinh thái Đồng bằng Sông Cửu Long-Nguyễn Hữu Thiện từng lên tiếng với RFA:

Chuyện sạt lở xảy ra trên dòng chính sông Tiền, sông Hậu đoạn phía thượng lưu của Đồng bằng sông Cửu Long: Châu Đốc, Hồng Ngự sạt lở dữ dội. Bởi vì khi khai thác cát làm dòng sông sâu đi, nước chảy xiết ở bên dưới và ăn ngầm dưới chân gọi là ‘ăn hàm ếch’. Đến lúc một khối lớn bên trên bị đổ xuống sông

-Chuyên gia sinh thái Nguyễn Hữu Thiện
“Chuyện sạt lở xảy ra trên dòng chính sông Tiền, sông Hậu đoạn phía thượng lưu của Đồng bằng sông Cửu Long: Châu Đốc, Hồng Ngự sạt lở dữ dội. Bởi vì khi khai thác cát làm dòng sông sâu đi, nước chảy xiết ở bên dưới và ăn ngầm dưới chân gọi là ‘ăn hàm ếch’. Đến lúc một khối lớn bên trên bị đổ xuống sông.”

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận, tình trạng xói mòn và sạt lở xảy ra ở khắp các con sông tại Việt Nam. Một cư dân ở gần khu du lịch Rừng Gọi, sông Đồng Nai, vào tháng 4 năm 2017 cho biết tình trạng sạt lở xảy ra từ năm 2015 do khai thác cát:

“Tôi với những người dân ở đây từ năm 2000, cả chục năm cái cồn chỗ khu du lịch Rừng Gọi chưa bao giờ bị sạt, mà chỉ cách đây hai năm làm mất đi gần 3 sào đất của dân.”

Anh Trần Điển, một người dân ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang nói về tình trạng sạt lở ở sông Lô:

“Ngày xưa người ta thu hoạch được bao nhiêu lúa, ngô…Việc khai thác cát sỏi này đã làm cho lở sạch từ đồi núi đến ruộng đồng, đến soi bãi lở hết, thậm chí đến nhà của người dân cũng bị lở.”

Vince Beiser và Sim Chi Yin ghi nhận các thị trấn và làng xã ở Đồng bằng Sông Cửu Long và tại nhiều con sông khác ở Việt Nam bị sạt lở do tình trạng nạo vét cát; ruộng đồng, ao cá, hàng quán, nhà cửa đều bị cuốn trôi trong những năm gần đây. Đã có ít nhất 1200 gia đình được di chuyển chổ ở và Chính phủ Việt Nam ước tính có khoảng hơn 500 ngàn người ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long cần phải chuyển đi khỏi vùng đất bị sạt lở.

Trong bài viết, Vince Beiser và Sim Chi Yin nêu lên một điều đáng quan tâm nữa là việc khai thác cát ở Việt Nam còn tạo ra một mối nguy hiểm, góp phần làm cho Đồng bằng Sông Cửu Long bị biến mất dần dần.

Hai tác giả đưa ra dẫn chứng trong nhiều thế kỷ, lưu vực Sông Mekong được bổ sung bởi trầm tích từ các dãy núi Trung Á chảy xuôi xuống dòng Mekong. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các quốc gia trong lưu vực Sông Mekong khai thác lượng lớn cát từ lòng sông. Theo ba nhà nghiên cứu người Pháp, trong một báo cáo công bố hồi năm 2013 cho biết khoảng 50 triệu tấn cát được khai thác chỉ trong năm 2011. Trong khi đó, 5 đập thủy điện lớn được xây dựng trong những năm qua trên lưu vực sông Mekong và 12 đập khác cũng được xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong tại Trung Quốc, Lào và Campuchia. Các đập thủy điện này làm giảm lưu lượng trầm tích xuống đồng bằng. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Marc Goichot, thì dòng chảy của trầm tích đã giảm đi một nửa, và với tỷ lệ này khiến cho gần một nửa đồng bằng lưu vực Sông Mekong sẽ bị xóa sổ vào cuối thế kỷ 21.

Vai trò quản lý của Nhà nước

Ảnh minh họa: Khai thác cát trên sông ở Việt Nam. RFA
Giới chuyên gia ở trong nước cũng cảnh báo môi trường sống và hệ sinh thái ở lưu vực sông bị tác hại nghiêm trọng bởi sự khai thác cát, mà họ cho là “khai thác một cách vô tội vạ”, như lời khẳng định của Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện rằng cần phải nhận thức cát là một nguồn tài nguyên quý, không phải loại vật liệu bình thường dùng để sử dụng cho xây dựng mà thôi. Các chuyên gia cho rằng việc khai thác cát không được kiểm soát tại Việt Nam là một mối nguy hiểm.

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Giao Thông-Vận Tải, diễn ra trong hạ tuần tháng 3 năm 2017, Cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa, ông Hoàng Hồng Giang báo cáo có 600 mỏ khai thác cát trên các tuyến sông ở Việt Nam, trong đó có 166 dự án địa phương cấp song song với việc nạo vét luồng tuyến và bên cạnh đó “cát tặc” cũng khai thác trái phép.

Truyền thông quốc nội, trong tháng 3 năm 2017, cũng liên tục đưa tin về thực trạng khai thác cát, mà theo kết luận của thanh tra Bộ Giao Thông-Vận Tải khẳng định có dấu hiệu thao túng của nhóm lợi ích. Vince Beiser và Sim Chi Yin dẫn lời của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình rằng việc khai thác cát trên sông bất hợp pháp vẫn tiếp diễn bởi sự buông lỏng của chính quyền địa phương, kể cả còn bảo kê cho các hoạt động khai thác cát.

Tôi cho rằng việc này nhà nước phải ngồi lại, làm sao có một đầu mối chịu trách nhiệm về tài nguyên cát này. Hiện giờ nó đang chồng chéo giữa trung ương, địa phương, giữa các bộ với nhau, giữa các ngành với nhau. Bộ giao thông vận tải vẫn có thể làm được chuyện riêng của họ, rồi bộ nào khác cũng làm nữa thì vấn đề bất cập vẫn tiếp tục diễn ra

-Tiến sĩ Dương Văn Ni
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng trước tình trạng chồng chéo trong công tác quản lý hiện nay, Bộ Giao Thông-Vận Tải và địa phương nên thống nhất trong việc cấp phép khai thác, đảm bảo quyền lợi của các bên. Đồng quan điểm, Tiến sĩ Dương Văn Ni, một nhà nghiên cứu tại Đại học Cần Thơ cho biết ý kiến của ông:

“Tôi cho rằng việc này nhà nước phải ngồi lại, làm sao có một đầu mối chịu trách nhiệm về tài nguyên cát này. Hiện giờ nó đang chồng chéo giữa trung ương, địa phương, giữa các bộ với nhau, giữa các ngành với nhau. Bộ giao thông vận tải vẫn có thể làm được chuyện riêng của họ, rồi bộ nào khác cũng làm nữa thì vấn đề bất cập vẫn tiếp tục diễn ra.”

Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia trong nước nói rằng Chính phủ kể từ năm ngoái chú ý nhiều hơn đến hoạt động khai thác cát tràn lan ở Việt Nam, cũng như nỗ lực để quản lý hoạt động này một cách hiệu quả. Thế nhưng, giới chuyên gia lại cho rằng qua những đánh giá về tác động môi trường bởi khai thác cát, mà họ cảnh báo cần phải chấm dứt hoạt động này, thì các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương vẫn còn đang bỏ ngỏ.


Hòa Ái
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad