Khuyến cáo kiểm tra tài khoản làm dân lo NH né trách nhiệm - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

Khuyến cáo kiểm tra tài khoản làm dân lo NH né trách nhiệm


Các vụ mất tiền trong sổ tiết kiệm nhiều tỉ đồng đang làm dân chúng VN hoang mang

Một phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây khuyến nghị người dân nên thường xuyên kiểm tra tài khoản tiền gửi để tránh mất cắp. Nhiều người, kể cả luật sư và doanh nhân, phản ứng bất bình về khuyến cáo này. Tuy nhiên, cũng có chuyên gia ngân hàng cho rằng điều vị phó thống đốc nói không có gì sai.

Tại một cuộc họp báo tối 2/4, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đưa ra lời khuyên là người gửi tiền "nên thường xuyên đến trụ sở ngân hàng thực hiện giao dịch, kiểm tra số dư thường xuyên".

Nữ lãnh đạo ngân hàng nhà nước lưu ý thêm: "Khi phát diện dấu hiệu bất thường thì phải báo ngay cho tổ chức tín dụng, cơ quan nhà nước để ngăn chặn hành vi chiếm đoạt".

Có rất nhiều giao dịch chính ngay ngân hàng cũng không liên quan và không chịu trách nhiệm, chẳng hạn như các hacker họ tấn công các tài khoản của ngân hàng ... Trong những trường hợp như thế rõ ràng ngân hàng không chịu trách nhiệm.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu
Ý kiến của bà phó thống đốc được đưa ra sau khi có câu hỏi của báo giới về một số vụ khách hàng mất tiền gửi tổng cộng lên đến hàng trăm tỉ đồng tại các ngân hàng khác nhau.

Vụ việc gây chấn động nhất là trường hợp một nữ khách hàng gửi tiết kiệm 301 tỉ đồng ở Eximbank từ năm 2013 nhưng gần đây phát hiện 245 tỉ đã “bốc hơi”.

Báo chí trong nước nói có bằng chứng ban đầu cho thấy một cựu phó giám đốc chi nhánh Eximbank ở thành phố Hồ Chí Minh đã làm giả giấy tờ để rút tiền từ các sổ tiết kiệm của vị khách. Cựu phó giám đốc này đang bị truy nã.

Lời khuyến cáo về thường xuyên kiểm tra tài khoản đã làm nhiều người bày tỏ lo lắng hoặc bức xúc trên mạng xã hội và báo chí, cho rằng ngân hàng “đẩy rủi ro” cho khách hàng và sẵn sàng “phủi tay” đối với trách nhiệm.

Người dân cũng đặt câu hỏi rằng thế nào là “kiểm tra thường xuyên”, hàng giờ, hàng ngày, hay hàng tuần, hàng tháng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tại họp báo hôm 2/4/2018

Nhà đấu tranh dân chủ Lê Công Định, một luật sư từng bị chính quyền bỏ tù, viết trên Facebook cá nhân rằng phát biểu của bà phó thống đốc cho thấy “hệ thống ngân hàng thương mại được nhà nước bảo kê sẵn sàng phủi trách nhiệm khi xảy ra mất tiền, với lý do đơn giản là người gửi tiền không thực hiện nghĩa vụ ‘thường xuyên kiểm tra tài khoản tiền gửi’”.

Doanh nhân Lương Hoài Nam, người cũng là một chuyên gia kinh tế, coi ý kiến của bà Nguyễn Thị Hồng là “đáng lo ngại”. Lấy tư cách là một chủ tài khoản, ông Nam phân tích trên Facebook cá nhân rằng tài khoản là một trang ghi chép công nợ giữa chủ tài khoản và ngân hàng. Chuyên gia này lập luận rằng sau khi chủ tài khoản giao tiền cho ngân hàng và có xác nhận của ngân hàng, số dư tài khoản thể hiện số tiền ngân hàng nợ chủ tài khoản, và ngân hàng có nghĩa vụ trả cho chủ tài khoản khi đến hạn.

Ông Nam viết rằng “chúng ta không thể im lặng” trước ý kiến của nữ phó thống đốc ngân hàng nhà nước. Quan điểm của ông được trích đăng lại trong một bài trên báo Pháp luật Việt Nam.

Nếu mà một khách hàng mà không có phương tiện để kiểm tra thường xuyên qua internet, sau một vài năm mới kiểm tra, thì họ có thể phát hiện tiền đã mất. Đúng, đấy cũng là sơ hở về vấn đề kỹ thuật. Đáng lý ra ngay cả những tài khoản tiết kiệm cũng cần phải được vào internet.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Bài báo cũng dẫn lời một luật sư, ông Trương Thanh Đức, cho rằng lời khuyên của ngân hàng nhà nước là “sai cơ bản”. Vị chủ tịch Công ty Luật BASICO khẳng định: “Trách nhiệm bảo dảm an toàn là của ngân hàng”. Ông bình luận thêm trên báo Pháp luật: “Kiểm tra chỉ để biết mất hay chưa, tức buồn nhanh hay buồn chậm chứ không tránh được rủi ro!”

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính ngân hàng người Mỹ gốc Việt Nguyễn Trí Hiếu coi điều Phó Thống đốc Hồng nói là “hợp lý” và theo ông, người dân không nên “ngủ quên” sau khi gửi tiền tại ngân hàng. Ông nói với VOA:

“Có rất nhiều giao dịch chính ngay ngân hàng cũng không liên quan và không chịu trách nhiệm, chẳng hạn như các hacker họ tấn công các tài khoản của ngân hàng, rồi họ tấn công hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng để đánh cắp tài sản. Trong những trường hợp như thế rõ ràng ngân hàng không chịu trách nhiệm. Và nhiều khi ngân hàng cũng không biết được là tài khoản bị đánh cắp cho đến khi khách hàng loan báo rằng tiền của tôi trong tài khoản đã không cánh mà bay”.

Mặc dù vậy, về trường hợp gửi tiết kiệm không sử dụng các giao dịch trên mạng mà vẫn bị mất tiền, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ngân hàng “có trách nhiệm liên đới”.

Với hàng chục năm kinh nghiệm làm việc ở Mỹ, Việt Nam và một số thị trường khác, ông Hiếu chỉ ra một “lỗ hổng” trong các giao dịch như vậy, đó là việc giao nhận tiền và lập sổ tiết kiệm ngoài ngân hàng. Ông nói:

“Việc cho phép ngân hàng phục vụ khách hàng tại tư gia có lẽ cần phải suy xét lại. Chưa có một văn bản nào [của Ngân hàng Nhà nước], mà theo tôi được biết, cấm cán bộ nhân viên một ngân hàng đến phục vụ khách hàng tại tư gia. Các cán bộ nhân viên nhận tiền của khách hàng tại tư gia, và trên con đường di chuyển từ tư gia đến chi nhánh ngân hàng tất cả mọi chuyện đều có thể xảy ra”.

Tiến sĩ Hiếu khẳng định khi cán bộ, nhân viên ngân hàng lợi dụng chức vụ của họ, lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng và cướp tiền của khách hàng rồi tẩu thoát, ngân hàng phải chịu trách nhiệm.

Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều ngân hàng vẫn chỉ cấp sổ tiết kiệm bằng giấy khi người dân gửi tiền. Điều này cũng tạo ra những trở ngại đối với việc người dân kiểm tra tài khoản, ngay cả khi họ muốn làm theo lời khuyến cáo của bà phó thống đốc ngân hàng nhà nước. Tiến sĩ Hiếu nói rõ hơn với VOA:

“Nếu mà một khách hàng mà không có phương tiện để kiểm tra thường xuyên qua internet, sau một vài năm mới kiểm tra, thì họ có thể phát hiện tiền đã mất. Đúng, đấy cũng là sơ hở về vấn đề kỹ thuật. Đáng lý ra ngay cả những tài khoản tiết kiệm cũng cần phải được vào internet, và mỗi giao dịch cũng cần qua hệ thống mobile banking [giao dịch ngân hàng qua điện thoại di động] để mà có dịch vụ tin nhắn sms để mà thông báo ngay cho khách hàng nếu có giao dịch nào được thực hiện”.

Từ kinh nghiệm cá nhân, ông Hiếu chia sẻ rằng khách hàng nên gọi điện đến ngân hàng kiểm tra tài khoản ít nhất 1 tháng 1 lần, hoặc thưa hơn là 3 tháng 1 lần.

...ai cũng biết được rằng gửi tiền ngân hàng vẫn là chỗ an toàn nhất ... Cái việc mà đưa đến hiện tượng mà người ta rút tiền hàng loạt sẽ không xảy ra

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Trên Facebook cá nhân, luật sư Lê Công Định cho rằng lời khuyến cáo gây lo lắng của Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng có thể khiến dòng tiền của dân “sẽ không vào hệ thống ngân hàng để chảy vào nền kinh tế nữa”. Nhưng tiến sĩ Hiếu có nhận định khác:

“Tôi nghĩ rằng chuyện đó không xảy ra. Tại vì ai cũng biết được rằng gửi tiền ngân hàng vẫn là chỗ an toàn nhất, ngay cả an toàn hơn việc tôi bỏ tiền tôi vào két sắt của tôi, hoặc tôi đào một cái hố ở trong sân nhà của tôi mà tôi giữ tiền ở đó. Cái việc mà đưa đến hiện tượng mà người ta rút tiền hàng loạt sẽ không xảy ra”.

Theo một bài trên Thời báo Ngân hàng ngày 4/4, các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhận định và kỳ vọng rằng môi trường kinh doanh năm 2018 sẽ thuận lợi, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định. Họ kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng trưởng bình quân 4,71% trong Quý II/2018 và tăng 16,65% trong cả năm 2018, theo bài báo.


VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad