Luật an ninh mạng Việt Nam – Có sự trá hình về tên gọi - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Luật an ninh mạng Việt Nam – Có sự trá hình về tên gọi


Một cuộc hội thảo về Luật an ninh mạng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức. ẢNh: internet

Quốc hội vừa thảo luận về Luật an ninh mạng, tôi có vài nhận xét sau đây.

Hiện nay có nhiều nước ban hành luật an ninh mạng (Law on Cyber Security), nhưng về bản chất luật của họ khác 180 độ với luật Việt Nam! Luật của Nhật, Mỹ chẳng hạn, đối tượng chế tài của luật là các hacker, và luật đặt ra để bảo vệ hạ tầng mạng quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân trước sự phá hoại của các hacker. Luật của họ hoàn toàn không có hoặc có rất ít các quy định liên quan đến vấn đề phát ngôn của công chúng. Chẳng hạn như luật của Nhật, có 39 điều nhưng không có điều nào quy định vấn đề phát ngôn của công chúng!

Còn luật Việt Nam thì sao? Đối tượng chế tài chính trong luật Việt Nam không phải là hacker mà là người dân nói chung. Và luật không đặt trọng tâm vào bảo vệ mạng máy tính mà đặt trọng tâm vào việc ngăn chặn các nội dung trên mạng xã hội. Hay nói cách khác, luật các nước bảo vệ góc độ kỹ thuật của mạng máy tính như xâm nhập phá hoại, đánh cắp dữ liệu… còn luật Việt Nam thì chế tài vấn đề nội dung lan truyền trên mạng.

Chẳng hạn như Điều 8 của luật Việt Nam, có quy định 10 vấn đề bị cấm thì chỉ có 3 vấn đề thuộc mạng máy tính, còn 7 điều thuộc phạm trù nội dung trên mạng.

Luật của Mỹ, Nhật không có điều luật nào cho phép tấn công vào người dùng mà chỉ bảo vệ người dùng, ngược lại luật Việt Nam có nhiều điều cho phép tấn công người dùng, ngắt mạng cục bộ, vô hiệu hóa mạng của người dùng…vv.

Như vậy, một cách tổng quát thì có vẻ tên luật không phù hợp với nội dung văn bản luật. Hay nói cách khác tên gọi Luật an ninh mạng là 1 tên gọi trá hình. Đây là điều hoàn toàn không nên làm, vì Việt Nam đã hòa nhập với thế giới, nếu làm như vậy thì vô hình chung Việt Nam có vẻ đang đánh lừa thế giới. Theo tôi nếu muốn thông qua luật này thì cần phải đổi tên luật.

Về mặt nội dung, nếu thực hiện theo luật này, có thể có một số nội dung mang tính tích cực; như ngăn chặn xúc phạm danh dự cá nhân, lừa đảo… nhưng đồng thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền tự do ngôn luận của người dân. Bởi vì luật đã đưa vào đây nhiều khái niệm của Bộ luật hình sự có khả năng chụp mũ những phát ngôn của người dân như Điều 15 luật này quy định.

Việc thông qua luật này sẽ là một bước lùi lớn về quyền tự do ngôn luận, và xét theo lợi ích thì chỉ có hại cho quốc gia vì nó bóp nghẹt kênh phản biện của nhân dân đối với các chính sách của nhà nước Việt Nam.


© Trần Đình Thu
FB Trần Đình Thu

***

Dự luật An Ninh Mạng, ASEAN 4.0, VN 4.0 hay VN 0.4

Thế giới đang bàn về CM4.0, ASEAN nói về ASEAN 4.0 để theo kịp thế giới và liệu VN có thành VN 4.0 hay thấp hơn.

Nếu Dự luật An Ninh Mạng (ANM) để bảo vệ chính quyền thì câu trả lời là không cần thiết vì đã có những thiết chế khác mạnh hơn như điều 88 Bộ LHS.

Như Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội – huỵch toẹt luôn trên VNExpress: “An ninh mạng nếu giải thích dễ hiểu nhất là không truyền bá, cổ súy, khai thác những nội dung chống phá Đảng, Nhà nước và làm sao để mỗi công dân có ý thức trong việc phòng chống tội phạm, bảo vệ bản thân và gia đình”.

Nếu chỉ để bảo vệ chính quyền thì bộ Luật hình sự, điều 88 về tội tuyên truyền chống nhà nước phạt tù tối đa lên đến 20 năm. Năm nào chả có người bị bắt vì điều 88 và đây là án tù mang tên “phỉ báng” nặng nhất ở ASEAN.

Lấy ví dụ về cái ảnh đăng biệt thự của quan chức để chứng minh là mạng XH loạn thì khó đứng vững do quan chức dùng tiền thuế của dân để làm việc cho dân thì dân có quyền soi trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng của TBT Trọng đang đốt lò kể cả củi tươi.

Nếu không phải là nhân vật của công chúng thì không ai để ý có bao nhiêu xe, bao nhiêu nhà. Và không vì vài tin sai mà phải ra cả bộ luật để QH thông qua. Chả lẽ cây đổ chết người lại chặt hết cây.

Cần thiết thì ra một bộ qui tắc ứng xử trên mạng hơn là hình sự hóa một sự việc thông tin sai lệch. Hoặc người bị hại có thể kiện người đưa tin sai chứ nhà nước không đứng ra giải quyết những vụ việc giữa cá nhân và cá nhân.

Giữa nhà nước và cá nhân đã có luật Hình sự và điều 88, chả cần phải viện dẫn Luật ANM mới bắt được người.

Bàn về ảnh hưởng kinh tế thì các chuyên gia kể cả đại biểu QH đã lên tiếng. Tờ Thanh Niên (bản in, còn bản online đã bị rút) dẫn lời các đại biểu Quốc hội cảnh báo, nếu được thông qua, Dự luật ANM có thể làm giảm 1,7% GDP và làm tăng hàng loạt giấy phép con.

Thời Báo Kinh Sài Gòn cũng có bài phân tích về “Ba tác động tiêu cực và lâu dài với tăng trưởng” của Dự luật ANM, bài online cũng bị rút.

Tôi dự vài hội thảo về Dự luật ANM này và các ý kiến phần đông phản bác bởi ảnh hưởng đến kinh tế số, các công ty lặng lẽ sang Singapore nơi có môi trường Internet thông thoáng

Người ta đang bàn về CMCN 4.0 và IOT sẽ phát triển và thay đổi diện mạo nhân loại trong những thập kỷ tới. ASEAN đang bàn về ASEAN 4.0 và Việt Nam cũng có VN4.0.

Trong Sách trắng của ADB “ASEAN 4.0: What does the Fourth Industrial Revolution mean for regional economic integration? – 4.0 có ý nghĩa kinh tế hội nhập như thế nào trong khu vực” xuất bản năm 2017 do Bộ trưởng Thương mại VN cũng là đồng tác giả đã nói về thành tựu thập kỷ qua, GDP khu vực tăng gấp đôi từ 1,3 ngàn tỷ (2007) lên 2,6 ngàn tỷ (2016).

Trong tương lai, số người thu nhập 5000$/năm trong khu vực sẽ tăng từ 300 triệu (2015) lên 400 triệu vào năm 2020, sẽ tạo ra ASEAN là nơi năng động bậc nhất trên thế giới, báo cáo cho hay.

Tuy nhiên với cuộc Cách mạng 4.0 đang nổi lên thì khu vực này sẽ chịu tác động lớn bởi công nghệ cao cần tay nghề cao, môi trường thông thoáng cho sáng tạo và chỉ có quốc gia nào nhìn xa từ 10 đến 30 năm sẽ tránh được khủng hoảng về khoảng cách số.

Thách thức như thế nhưng cơ hội không nhỏ. Báo cáo ước tính, thị trường công nghệ mới sẽ tạo ra giá trị 220 tỷ đô đến 625 tỷ đô hàng năm cho ASEAN cho đến năm 2030, tạo ra những cơ hội khó tính được bằng tiền.

Chưa kể các kết nối kinh tế, thương mại và dịch vụ trong tương lai khó hình dung. Với 4.0 thì công dân khu vực được tiếp xúc với dịch vụ hiện đại như y tế từ xa, giáo dục, và các định chế tài chính.

Đó cũng là cơ hội cho SMEs (các xí nghiệp vừa và nhỏ) vượt lên, hiện SMEs chiếm khoảng từ 88% đến 99% các xí nghiệp trong khu vực và tạo ra công ăn việc làm cho từ 52% đến 97% tại các quốc gia ASEAN.

4.0 luôn là điểm nóng bỏng cho các nhà kinh tế, chính trị suy tính dài hạn. Nếu chính sách IT của quốc gia không thông thoáng thì sẽ bị các nước khác bỏ lại phía sau. Miếng bánh 600 tỷ do 4.0 tạo ra trong những năm tới trong ASEAN liệu Việt Nam ta có được chia phần. Và không khó đoán kinh tế ASEAN tiếp tục tăng gấp đôi sau mỗi thập kỷ với trình độ IT của khu vực.

Thế kỷ 21 rồi mà vẫn lo thông tin độc hại một cách không cần thiết và ra những bộ luật nhằm hạn chế sáng tạo thì khó nói đến chính phủ kiến tạo, đến 4.0, hiện đại hóa và công nghiệp hóa.

Cơ hội từ 4.0 không đến tự nhiên mà cần sự đột phá trong sáng tạo. Steve Jobs từng cảnh báo, đừng hỏi khách hàng họ cần gì để sáng tạo ra sản phẩm. Bởi khi tạo được ra rồi thì khách hàng lại cần cái khác.

Sáng tạo chạy theo nhu cầu cũng là điều tốt nhưng tốt hơn là sự sáng tạo ấy tạo ra nhu cầu, suy nghĩ đi trước thời đại, mới mong sự bứt phá.

iPhone của Apple tạo ra nhu cầu cho cả thế giới di động, mọi thông tin đều trên đầu ngón tay.

Chuyện sáng tạo thời 4.0 mang tính đột phá, tạo ra nhu cầu cho hàng chục triệu người, không thể có, nếu người ngồi phải nghĩ, liệu việc mình đang làm có phạm luật An Ninh Mạng và ai đó sẵn sàng sờ gáy.

Để có VN4.0 hay VN0.4 hoàn toàn do các vị bấm nút “Yes or No” cho luật ANM tại QH nay mai.


© Hiệu Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad