Trách nhiệm của CA bị chất vấn sau vụ hiệp sĩ bị giết ở Tp.HCM - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

Trách nhiệm của CA bị chất vấn sau vụ hiệp sĩ bị giết ở Tp.HCM


Tôi chưa thấy ở nước nào có "hiệp sĩ đường phố", nên càng chưa thấy hiệp sĩ nào mất mạng vì một chiếc xe gắn máy vô nghĩa.

Trong khi những người không nhận một xu nào từ tiền thuế của dân thì lại đánh đổi mạng sống và rủi ro cho gia đình mình vì trật tự xã hội và cuộc sống yên bình của nhân dân, còn lực lượng hùng hậu ngốn thuế mỗi ngày thì chỉ biết ... ung dung điều tra sau khi có kẻ chết thay mình.

Một lực lượng vũ trang đến tận răng, ăn đến ngập mặt như thế, chỉ có thể gọi là: ăn hại!

Cảnh sát Tp.HCM khám hiện trường vụ tội phạm đâm chết "hiệp sĩ đường phố", 13/5/2018

Mạng xã hội tràn ngập các ý kiến của nhiều người Việt chất vấn về vai trò và trách nhiệm của công an đối với việc bảo vệ trật tự, trị an sau vụ hai “hiệp sĩ đường phố” bị các kẻ cướp giết chết hồi đêm 13/5 ở thành phố Hồ Chí Minh.

Vụ việc gây chấn động đã xảy ra tại quận 3 khi một nhóm người tình nguyện chống trộm cướp – thường được gọi là các hiệp sĩ – ra tay ngăn chặn một nhóm tội phạm ăn trộm một xe gắn máy đắt tiền.

Trong thời gian tới anh em sẽ có biện pháp để tự bảo vệ cho mình an toàn hơn. Không có vì thế anh em phải sợ hay chùn bước trước những cái khó khăn vừa rồi.

"Hiệp sĩ đường phố" Hồ Tuấn Sang
Báo chí Việt Nam nói ít nhất 4 nghi phạm đã chống lại 5 hiệp sĩ, đâm chết 2 người trong nhóm và 1 người dân khác. Ba hiệp sĩ còn lại bị thương và được đưa đi cấp cứu.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, một thành viên trực “số điện thoại nóng” của nhóm hiệp sĩ, anh Hồ Tuấn Sang, 32 tuổi, nói với VOA rằng tinh thần của nhóm “vẫn giữ vững” và “tiếp tục bảo vệ người dân”:

“Trong thời gian tới anh em sẽ có biện pháp để tự bảo vệ cho mình an toàn hơn. Không có vì thế anh em phải sợ hay chùn bước trước những cái khó khăn vừa rồi”.

Chia buồn về sự mất mát đau đớn của hai hiệp sĩ, một người sử dụng Facebook với tên Lê Phi viết anh thấy “kinh khủng” về sự manh động của nhóm cướp, và nhấn mạnh rằng anh lo ngại về một xã hội “được duy trì trật tự bởi những người dân bình thường xung phong làm hiệp sĩ thay vì lực lượng chức năng được trả lương”.

Anh Phi nhận xét các hiệp sĩ “chịu quá nhiều rủi ro, thiệt thòi”. Trong quan điểm của anh, “càng có nhiều hiệp sĩ chứng tỏ xã hội đó ngày càng bất ổn, vô chính phủ và lực lượng bảo an yếu kém”.

Ý kiến của nhà hoạt động Lê Công Định sau vụ "hiệp sĩ đường phố" bị sát hại hôm 13/5/2018

Cựu tù nhân lương tâm Lê Công Định qua trang Facebook cá nhân gọi các hiệp sĩ là những người không nhận một xu nào từ tiền thuế của dân lại “đánh đổi mạng sống và rủi ro cho gia đình mình” vì trật tự xã hội và cuộc sống yên bình của nhân dân. Ông nêu lên hình ảnh tương phản là lực lượng mà ông gọi là “hùng hậu ngốn thuế mỗi ngày” lại chỉ biết “ung dung điều tra sau khi có kẻ chết thay mình”.

Ông Định, hiện sống ở Tp.HCM, buông lời cảm thán rằng “một lực lượng vũ trang đến tận răng, ăn đến ngập mặt như thế, chỉ có thể gọi là: ăn hại!”

Một nhà hoạt động vì dân chủ khác, ông Huỳnh Ngọc Chênh, người từng sống ở Tp. HCM trong nhiều năm, đưa ra ý kiến vắn tắt: “Khi đi trấn áp người yêu nước thì lực lượng dân phòng, tnxp [thanh niên xung phong], an ninh chìm, [cảnh sát] 113, công an ... vòng trong vòng ngoài đông như quân nguyên, còn để ngăn ngừa và bắt cướp thì giao cho cái gọi hiệp sĩ đường phố”.

Nhiều nhà báo có lượng người theo dõi đông đảo trên mạng xã hội cũng viết lên suy nghĩ của họ sau vụ án kinh hoàng. Người sử dụng Facebook có tên Quốc Ấn Mai, với hồ sơ ghi là “phóng viên tại Thông tấn xã Việt Nam”, đưa ra ý kiến: “Bắt cướp nên là chuyện của cơ quan công an, công cụ bảo vệ của một xã hội pháp quyền thực sự. Nhưng mô hình xã hội pháp quyền trên thực tế vẫn là... mô hình”.

Trong bài viết được hơn 2500 người thích, ủng hộ, chia sẻ, Quốc Ấn Mai cho rằng “những hiệp sĩ không cần xuất hiện nếu có một xã hội pháp quyền thực sự!”

Nói chung tôi thấy bức xúc với cái tệ nạn của xã hội thì tôi mới ra tay thôi. Còn nếu công an mà làm tốt chắc cũng không đến lượt tụi tôi làm.

"Hiệp sĩ" Hồ Tuấn Sang
Phần cuối của bài viết, người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội này đặt ra một loạt các câu hỏi tu từ: “Để người dân nơm nớp lo sợ trộm, cướp là lỗi của ai? Để hiệp sĩ (tự phát) đối mặt với trộm cướp, và chết, là lỗi của ai? Để một xã hội mà nghèo đói không được giải quyết - tạo thành nguồn cơn cho trộm cướp - là lỗi của ai?”, trước khi tự trả lời: “Xin thưa, không phải lỗi nhân dân! Trừ những kẻ vô cảm...”

Một nhà báo khác với tên Duong Tieu trên Facebook khẳng định trách nhiệm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội “phải là” của lực lượng công an. Nhưng tiếp đó nhà báo này đánh giá rằng nếu xét đến nạn trộm cướp đã đến mức được xem là “đặc sản” ở thành phố lớn nhất Việt Nam, công an TP HCM “có thể nói đã thất bại trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm”.

Tuy nhiên, nhà báo nêu ra điều trớ trêu là “năm 2017, Công an TP HCM là một trong 98 đơn vị nhận Cờ Thi đua của Bộ Công an”.

Trước những ý kiến dư luận đang dồn dập nêu ra, anh Hồ Tuấn Sang, thành viên chủ chốt của nhóm hiệp sĩ, nói với VOA:

“Tôi cũng không biết nói làm sao nữa. Nói chung tôi thấy bức xúc với cái tệ nạn của xã hội thì tôi mới ra tay thôi. Còn nếu công an mà làm tốt chắc cũng không đến lượt tụi tôi làm”.

Một số luật sư lâu nay thường đưa ra những ý kiến có chiều sâu về các vấn đề xã hội, chính trị ở Việt Nam cũng đưa ra những lời bình luận đầy trăn trở sau vụ án nghiêm trọng vừa rồi.

...hiệp sĩ thì đâu có thời gian nhiều mà đi bắt tội phạm hoài được. Hiệp sĩ không thể nào làm việc tốt hết bằng lực lượng chức năng được.

Anh Hồ Tuấn Sang
Ông Lê Luân viết trên trang cá nhân: “Xã hội và đất nước sẽ không bao giờ được yên bình một khi còn những lực lượng hiệp sỹ đường phố, thậm chí nó còn thể hiện sự loạn lạc ở cấp độ cao hơn hẳn mức thường định”.

Luật sư này cho rằng tội phạm sẽ ngày càng lộng hành bởi chúng “xem thường lực lượng chức năng vì đã không làm tròn bổn phận và nghĩa vụ của mình”.

Bên cạnh nhiều ý kiến chỉ trích công an là không ít bài viết hay lời bình luận đề nghị nhà nước và xã hội xem xét có cần duy trì các hiệp sĩ đường phố hay không, do còn thiếu cơ sở pháp lý lẫn do những nguy hiểm, rủi ro to lớn cho chính các hiệp sĩ.

Tuy nhiên, luật sư Trần Vũ Hải viết trên Facebook rằng không nên vì vụ hai hiệp sĩ “đã hy sinh” mà bỏ đi mô hình hiệp sỹ đường phố mà ông cho là “rất cần ở các đô thị rộng lớn, phức tạp như Tp.HCM”.

Ông Hải cũng đề xuất việc hàng đầu mà công an của thành phố cần làm là “truy tìm và bắt bằng được” băng cướp vừa gây ra án mạng. Luật sư này thậm chí còn đặt ra đòi hỏi là “nếu quá 1 tuần, không bắt được, một viên lãnh đạo có trách nhiệm của CA [công an] Tp.HCM cần từ chức để nhận trách nhiệm!”

Báo chí Việt Nam chiều ngày 14/5 dẫn một nguồn tin không nêu đích danh cho hay “công an quận 3 phối hợp cùng Phòng cảnh sát Hình sự, Công an TP.HCM, bắt được một nghi can liên quan đến băng trộm đâm nhóm hiệp sĩ”.

Chủ tịch UBND Tp.HCM thăm một "hiệp sĩ" bị thương, 14/5/2018

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thành Phong đã đến thăm các hiệp sĩ đường phố được chữa trị tại một bệnh viện ở thành phố.

Vị lãnh đạo thành phố “cảm ơn” các hiệp sĩ về việc họ “xả thân” bảo vệ tài sản, bảo vệ bình yên cho nhân dân.

Báo chí dẫn lời ông Phong nói ông “sẽ làm việc với Công an Thành phố để tìm ra giải pháp bảo vệ anh em ‘hiệp sĩ’”. Vị chủ tịch khẳng định: “Không có lý do gì mà chúng ta không có biện pháp bảo vệ anh em!", theo báo chí.

Hiệp sĩ Hồ Tuấn Sang bày tỏ với VOA mong muốn của các anh em hiệp sĩ:

“Chúng tôi mong trong thời gian tới lực lượng công an có những biện pháp mạnh tay hơn, răn đe hơn với những tệ nạn này. Bởi vì không có những biện pháp mạnh, tội phạm nó càng ngày càng lộng hành. Mà hiệp sĩ thì đâu có thời gian nhiều mà đi bắt tội phạm hoài được. Hiệp sĩ không thể nào làm việc tốt hết bằng lực lượng chức năng được”.

Bên cạnh các ý kiến chất vấn vai trò, trách nhiệm của công an trên mạng xã hội, báo điện tử VietnamNet cũng đăng ý kiến của một người có tên Nguyễn Anh Thi về chủ đề này.

Một đoạn trích của bài viết nhấn mạnh nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trấn áp tội phạm là “của các cơ quan chuyên nghiệp” vì các lực lượng này “hưởng lương từ ngân sách, từ tiền thuế dân để bảo vệ an ninh trật tự cho xã hội và đảm bảo an toàn cho cư dân”.

Tác giả bài viết đặt vấn đề rằng nếu cơ quan chuyên nghiệp chưa hoàn thành vai trò đó, “xã hội cần đòi hỏi họ phải làm tốt hơn, bằng việc tuyển dụng những con người có trách nhiệm tốt hơn nữa, trang bị và huấn luyện tốt hơn nữa, giám sát thực hiện tốt hơn nữa thay vì cổ xúy cho các nhóm hiệp sĩ trấn áp tội phạm tự phát”.


VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad