‘Gạc Ma – Vòng tròn bất tử’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

‘Gạc Ma – Vòng tròn bất tử’


Một lễ cầu siêu được tổ chức ở Đà Nẵng hôm 13/3 cho các tử sĩ Việt Nam trong trận Gạc Ma năm 1988.

Năm 1960, tại Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng CSVN, ông Hồ Chí Minh tuyên bố: Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!

Đến giờ, “Đảng ta” vẫn tiếp tục dùng đủ mọi cách để duy trì yếu tố “thật là vĩ đại” đó “với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng”, bất kể nỗ lực ấy nguy hại cho chủ quyền lãnh thổ ra sao và tác động đến tương lai của dân tộc thế nào.

Mời bạn chiêm ngưỡng yếu tố “thật là vĩ đại” của “Đảng ta” thêm một lần nữa…

***

Chuyện Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News tổ chức phát hành cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” đã trở thành một sự kiện đặc biệt trong sinh hoạt chính trị - xã hội ở Việt Nam hồi đầu tháng này.

Tại sao xuất bản - phát hành cuốn sách khổ 16 cm x 24 cm với 328 trang lại trở thành sự kiện đặc biệt?

Đó là vì tính chất và số phận gian truân của nó!

Trong vòng bốn năm (2014 – 2018), bản thảo “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” do First News thực hiện được chuyển lòng vòng qua… 13 nhà xuất bản. Chỉ đến khi một hội đồng cấp quốc gia do chính quyền Việt Nam thành lập nhằm thẩm định nội dung của riêng “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” gật đầu, giấy phép xuất bản mới được cấp cho nhà xuất bản thứ 14 (Nhà Xuất bản Văn học)!

Qua báo chí, Giám đốc First News - ông Nguyễn Văn Phước – kể với công chúng rằng, để nhận giấy phép xuất bản “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, First News đã chỉnh sửa bản thảo hàng trăm lần. Nếu đem toàn bộ bản thảo của tất cả các lần chỉnh sửa, biên tập chồng lên nhau thì chiều cao của bản thảo “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” sẽ vượt mức ba… mét!

Có cái… quái gì trong “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” khiến giới làm sách tại Việt Nam phải thận trọng, nhìn trước, ngó sau kỹ lưỡng như vậy và các viên chức hữu trách trong hệ thông công quyền Việt Nam phải nâng lên, đặt xuống nhiều lần trước khi đồng ý để “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” trở thành một ấn phẩm chính thức?

Có đấy! Nếu được “Đảng ta” chấp thuận, “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” sẽ là cuốn sách đầu tiên hệ thống hóa những thông tin, dữ kiện liên quan tới chuyện Trung Quốc cưỡng đoạt các bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa hồi đầu năm 1988, kèm tường thuật của một số nhân chứng may mắn sống sót sau cuộc thảm sát 14/3/1988 ở bãi đá ngầm Gạc Ma, được… in - xuất bản – phát hành một cách… hợp pháp trên… lãnh thổ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đối chiếu tiến trình xét duyệt “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” với tính chất của nó, ắt nhiều người sẽ cảm thấy… quái (!), song xưa nay, nếu không hành xử rất… quái, làm sao “Đảng ta” có thể tô đậm yếu tố “thật là vĩ đại” của mình đối với những… ái quốc, tinh thần dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, nỗ lực xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh?

Khi… quái có tính tất nhiên, độ… quái tất nhiên phải… tăng. Khoảng mười ngày sau khi First News tổ chức phát hành “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, Nhà Xuất bản Văn học loan báo “tạm dừng phát hành” ấn phẩm này “dưới mọi hình thức” để sửa chữa một số sai sót, kèm lời hứa sẽ sớm cùng First News in – phát hành lại một ấn bản khác.

“Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” có lẽ là ấn phẩm đầu tiên khiến một ông tướng (Hoàng Kiền – cựu Tư lệnh Công binh), đăng đàn thóa mạ một ông tướng khác (Lê Mã Lương – Anh hùng Lực lượng vũ trang, người giữ vai trò Chủ biên “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”). Sở dĩ tướng Kiền chỉ trích tướng Lương vì ông nghe nói, trong “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” có chi tiết “cấp trên ra lệnh không được nổ súng”. Tướng Kiền nhận định, chi tiết đó – nếu có, sẽ hết sức nguy hại cho… “Đảng ta” và đòi Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin – Truyền thông,… tái thẩm định nội dung “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, thu hồi – tiêu hủy, xử lý Nhà Xuất bản Văn học, ngăn chặn không cho “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” lọt ra bên ngoài.

Dẫu số người ủng hộ tướng Kiền không ít nhưng dường như lượng người tán thành yêu cầu của tướng Lương (khuyên tướng Kiền nên đọc “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” trước khi chỉ trích, yêu cầu tướng Kiền xin lỗi) vẫn đông hơn. Chưa rõ tại sao tướng Kiền tự ý đục bỏ chỉ trích tướng Lương ra khỏi trang facebook của ông nhưng vẫn có thể dễ dàng tìm thấy chỉ trích vừa kể trên một số diễn đàn bảo vệ “Đảng ta”.

Có một điểm cần phải lưu ý là bất kể thế nào thì chỉ trích của tướng Kiền – nhân vật từng chỉ huy Trung đoàn 83 Công binh Hải Quân (đơn vị dẫn đầu về số quân nhân thiệt mạng trong sự kiện 14/3/1988) sau khi Việt Nam đã mất bãi đá Gạc Ma – vẫn có giá trị nhất định.

Từ các cuộc trò chuyện với một số nhân chứng may mắn sống sót, trong chỉ trích tướng Lương và “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, tướng Kiền khẳng định, lệnh cấm nổ súng là một yêu cầu có thật, lệnh này chỉ khác với lệnh được tường thuật trong “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” ở chỗ “cấm nổ súng trước”.

Tướng Kiền nhấn mạnh, sự kiện Gạc Ma 14/3/1988 không phải là “hải chiến Việt – Trung”, cũng chẳng phải là “xung đột vũ trang trên biển” giữa hải quân Việt Nam và hải quân Trung Quốc mà chỉ là “Trung Quốc dùng vũ lực đơn phương sát hại 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam, bắn chìm hai tàu vận tải HQ 604, HQ 605, bắn cháy tàu đổ bộ HQ 505, chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma của Việt Nam”.

Ngoài việc tái xác nhận 64 quân nhân người Việt trở thành những tấm bia sống cho Hải quân Trung Quốc tác xạ là thật, Việt Nam mất ba chiến hạm, mất thêm bãi đá Gạc Ma, tướng Kiền thừa nhận một sự thật khác: Có lệnh cấm nổ súng trước! Theo tướng Kiền, lệnh này “hoàn toàn đúng đắn”. Nó “thể hiện đối sách của Đảng và nhà nước ta giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, coi trọng mối quan hệ Viêt Nam - Trung Quốc, không mắc mưu khiêu khích của đối phương, sẽ là cái cớ cho họ lấn tới”.

Phải nhớ, tướng Kiền có quyền nhận định “lệnh cấm nổ súng trước là hoàn toàn đúng đắn”. Phải nhớ, tướng Kiền không có nghĩa vụ đối chiếu lệnh đó với chuyện 64 đồng đội của mình bị thảm sát xem nó còn đúng đắn hay không (?), hay nêu thắc mắc, tại sao ít nhất là trong hai thập niên, phần lớn người Việt hoàn toàn không hề hay biết để cảm thấy cần tưởng nhớ (?), riêng thập niên vừa qua, tại sao nhiều hoạt động có tính cách tri ân 64 người lính bị kẻ thù sát hại (tưởng niệm, đấu giá hiện vật, quyên góp hiện kim, tạo quỹ giúp đỡ cả những cựu chiến binh may mắn sống sót lẫn cha mẹ, vợ con họ) bị “Đảng ta” ngăn cản, nghi ngờ, thậm chí xếp vào loại do hoặc có thể bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng hay kích động, mà “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” chỉ là một trong vô số ví dụ (?).

14 năm trước khi cưỡng đoạt bảy bãi đá ngầm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, ngày 19 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã từng cưỡng đoạt toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong tay người Việt. Cách nay chín năm (tháng 9 năm 2009), lần đầu tiên, hệ thống truyền thông chính thức của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công khai tường thuật về trận hải chiến giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa với Hải quân Trung Quốc. Loạt bài “Hoàng Sa - Tường trình 35 năm sau” vốn có ba kỳ nhưng chỉ đăng được hai kỳ rồi ngưng.

Người ta tin rằng, hệ thống công quyền Việt Nam không muốn công chúng đọc kỳ thứ ba bởi nó dẫn lại lời ông Lữ Công Bảy, cựu Thượng sĩ Hải quân phục vụ trên Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ 4) – một trong những chiếm hạm tham gia trận hải chiến ở Hoàng Sa – rằng: …Trên hành lang xuống nơi nghỉ ngơi, tôi đã chứng kiến một sự kinh khủng sau chiến trận. Hành lang dưới tàu tanh đến ngộp thở: mùi máu, mùi cồn, bông băng… mấy ngày liền không có thời gian thu dọn. Hơn 130 thủy thủ bám chặt vị trí chiến đấu giờ đều mệt lả, nằm đâu ngủ đó. Họ chỉ cầm hơi bằng mì gói, nước ngọt và lương thực khô. Các binh sĩ biệt hải kiệt sức nằm rải rác trên hành lang phòng ăn. Trong phòng y tế, các binh sĩ người nhái bị thương cũng nằm la liệt. Một binh sĩ bị đạn bắn thủng cằm từ trái qua phải, mặt sưng vù. Anh ngồi bất động, máu không còn chảy ra nữa, nhưng khóe miệng những vệt máu lẫn nước bọt vẫn rỉ ra. Hạ sĩ Danh nằm thoi thóp trên băng ca, ngực anh đầy bông băng nhuốm máu. Tôi rờ lên trán anh nóng hổi, hỏi anh có khỏe không? Anh mở mắt rồi gật đầu nhưng lịm dần rồi chết... Khoảng 16 giờ 30 tôi đang trong giấc ngủ sâu vì đã mấy hôm không chợp mắt, thì còi tập họp vang lên. Tất cả thủy thủ đoàn tập họp đầy đủ nghe thông báo:“Tất cả chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, tàu được lệnh quay lại Hoàng Sa. Nếu cần sẽ ủi thẳng lên bờ đảo Hoàng Sa, chiến đấu đến cùng để giữ đảo”. Nhìn sau lái tàu, tôi biết tàu đang quay lại và hướng thẳng về Hoàng Sa. Tất cả đều bất động, không ai nói với ai lời nào trước giờ phút cảm tử này. Thế rồi, giữa khoảnh khắc yên lặng kỳ lạ và căng thẳng đó, một câu nói được thốt ra, tôi còn nhớ mãi: “Dù sao đánh nhau với Trung Quốc nếu có chết cũng vinh quang hơn…” .

Hải chiến Hoàng Sa 1974 khiến 75 người lính Việt Nam thiệt mạng. So với họ, 64 người lính Việt Nam đã mất mạng trong vụ thảm sát Gạc Ma bất hạnh hơn vì không được phép thực thi vai trò và thụ hưởng vinh quang của một người lính – kháng cự kẻ thù xâm lược lãnh thổ của dân tộc mình, đổi mạng với chúng. Sự bất hạnh ấy tô điểm cho yếu tố “thật là vĩ đại” của “Đảng ta”.

***

30 năm trước, ngoài bãi đá Gạc Ma (Johnson), Trung Quốc còn cưỡng đoạt của Việt Nam sáu bãi đá ngầm khác ở quần đảo Trường Sa (Châu Viên - Cuarteron, Chữ Thập - Fiery Cross, Ga Ven - Gaven, Tư Nghĩa - Hughes, Vành Khăn – Mischief, Xu Bi - Subi). Khoảng một tháng sau ngày mất bảy bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa và sự kiện Trung Quốc thảm sát 64 người lính Việt Nam vẫn còn nóng hổi, lúc đến thăm quần đảo Trường Sa nhân dịp kỷ niệm 33 năm Ngày Truyền thống của Quân chủng Hải quân (07/05/1955 – 07/05/1988), ông Lê Đức Anh – thời điểm ấy là Bộ trưởng Quốc phòng – vẫn khẳng định “nhân dân Việt Nam biết ơn sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Trung Quốc”, dù “nhất quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” nhưng sẽ “nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước”?

Bất kể bảy bãi đá ngầm mà Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam đã được bồi đắp thành chuỗi căn cứ quân sự nhằm hiện thực hóa dã tâm mà ai cũng thấy là độc chiếm biển Đông nhưng gần đây, khi xây dựng Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa tại Lý Sơn - Quảng Ngãi, nhằm trưng bày dấu tích về lịch sử chủ quyền của người Việt trên biển Đông, “Đảng ta” không quên giới thiệu những “lời vàng, ý ngọc” của ông Lê Đức Anh về ơn nghĩa Trung Quốc và mối tình sâu nặng giữa Việt với Trung!

Không phải tự nhiên mà những cá nhân bảo vệ “Đảng ta” lên án “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” là lật ngược lịch sử (lật sử).

Từ 1990, sau khi Việt Nam “bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc”, những người lính Việt đã tử trận ở biên giới Việt – Trung từ 1979 đến 1988 và uổng mạng ở Gạc Ma đều không có chỗ trong lịch sử. Lịch sử Đảng CSVN và lịch sử hiện đại do Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam soạn thảo không giành chỗ cho họ vì điều đó ảnh hưởng đến cam kết thực thi “tinh thần bốn tốt” (Láng giềng tốt. Bạn bè tốt. Đồng chí tốt, Đối tác tốt) và “16 chữ vàng” (Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đề ra.

Chủ quyền lãnh thổ, tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc không quan trọng bằng việc bảo đảm yếu tố “thật là vĩ đại” của “Đảng ta” trường tồn.

Nếu bạn đã quên, xin nhắc lại, sau khi dân chúng Việt Nam liên tục đổ ra đường biểu tình phản đối việc Quốc hội Trung Quốc yêu cầu Quốc hội Việt Nam rút lại Luật Biển với lý do đạo luật này “bất hợp pháp, xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông”, rồi Trung Quốc tuyên bố “thành lập thành phố Tam Sa” (bao gồm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam), Tập đoàn Dầu khí của Trung Quốc (CNOOC) tổ chức gọi thầu, mời thăm dò - khai thác dầu khí tại chín lô vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam,… suốt nửa cuối năm 2012, đầu năm 2013, trả lời tờ Tuổi Trẻ, tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, từng nhắc dân chúng Việt Nam rằng, Việt Nam và Trung Quốc có một “di sản quý báu là sự tương đồng ý thức hệ”. “Đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một Đảng Cộng sản lãnh đạo” và “điểm tương đồng đó đã tạo ra mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc”, “chi phối cách ứng xử của hai nước”, thành ra “nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

“Đảng ta thật là vĩ đại”! Cho dù sự vĩ đại ấy tỉ lệ nghịch với tất cả những thứ mà chúng ta xem là thiêng liêng “Đảng ta” vẫn không thèm màng!


Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad