John McCain và ‘bên thắng cuộc’ ngược đời - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

John McCain và ‘bên thắng cuộc’ ngược đời


Mai Trần, một người Mỹ gốc Việt, khóc bên bức di ảnh nghị sĩ McCain tại lễ viếng tại Tòa Đại Sứ Mỹ tại Hà Nội, 27 tháng Tám. (REUTERS)

Thượng Nghị sỹ John McCain, người qua đời hôm 25/8 ở tuổi 81 do ung thư não, là một trong những người Mỹ được chính quyền Việt Nam đánh giá cao.

Cùng các cựu binh Cuộc chiến Việt Nam và cựu Thượng Nghị sỹ như John Kerry và Chuck Hagel (ông Hagel sau còn là bộ trưởng quốc phòng và ông Kerry là bộ trưởng ngoại giao), ông McCain đã góp phần “bắc cầu qua dòng sông đau khổ” ngăn cách hai cựu thù như lời một cựu tù nhân khác và cũng là Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở Việt Nam Douglas Pete Peterson đã nói.

Ông McCain cũng từng hai lần ra tranh cử tổng thống bất thành và có lẽ những người “bạn” của ông ở Việt Nam từng mong ông thắng cử. Nhưng dù ủng hộ bình thường hoá quan hệ và rồi nâng cấp quan hệ với Việt Nam, ông McCain cũng không ngại ngần gì mà không nói thẳng những gì ông nghĩ về những người cộng sản.

Trong dịp tiến tới kỷ niệm 25 năm Cuộc chiến Việt Nam kết thúc, ông McCain nói “những kẻ không xứng đáng” đã thắng cuộc. Báo Los Angeles Times dẫn lời ông hồi năm 2000: “Tôi nghĩ họ [chính quyền Hà Nội] đã mất hàng triệu người ưu tú vốn bỏ đi bằng thuyền, mất hàng ngàn người do họ [chính quyền cộng sản] hành hình và hàng trăm ngàn người trong các trại cải tạo.”

Vô số thuyền nhân Việt Nam thiệt mạng trên biển trong khi rời bỏ đất nước bết bát về kinh tế và ngột ngạt về chính trị trong những năm cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80. Thậm chí ngay cả những người từng được coi là cộng sản trung kiên về sau này cũng bỏ đi. Một trong những người như thế là Đại tá Bùi Tín, người cũng mới qua đời ở Paris, nơi ông tới công cán với tư cách Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân hồi năm 1990 và không bao giờ trở về. Trước khi mất vài tháng, ông nói:

“Tôi xưa kia tôi cũng đã lên án Việt Nam Cộng hoà và bây giờ tôi cũng phải phản tỉnh là sai – đó là một chế độ tiến bộ hơn miền Bắc. Thống nhất ở Đức là anh tiến bộ thống nhất với anh [lạc hậu] nên cái anh tiến bộ bao trùm và nước Đức lên. Ở Việt Nam cái anh lạc hậu lại thắng anh tiến bộ, một chế độ hơn. Chế độ miền Nam rõ ràng là hơn chứ - có dân chủ, có nền tư pháp độc lập, tam quyền phân lập, có luật sư, toà án, không có tù nhân chính trị dễ dãi như miền Bắc.”

Trên thực tế ông John McCain không chỉ nói thẳng, nói thật với những người cộng sản Việt Nam. Ông cũng bất đồng với Tổng thống Donald Trump tới mức gia đình ông sẽ không mời đương kim tổng thống tới tang lễ của ông trong khi nhiều cựu tổng thống trong đó có ông Barack Obama sẽ tới dự. Điều này cũng cho thấy sự khác nhau một trời một vực giữa không gian tự do của cá nhân, ngay cả của người đã khuất, và không gian của chính quyền ở Hoa Kỳ và Việt Nam. Một ngày sau khi ông John McCain qua đời, nhà văn và cựu tù chính trị Vũ Thư Hiên, tác giả cuốn Đêm Giữa Ban Ngày, đăng lại bài của con trai Trung Tướng Trần Độ thuật lại quang cảnh đám tang ông Trần Độ hồi năm 2002:

“Sáng 14/8/2002, gia đình, họ hàng, thân bằng quyến thuộc của Cha tôi đã có mặt rất sớm ở nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông. Cảm nhận đầu tiên là vấn đề an ninh: không hiểu sao công an, bộ đội, người đứng chỉ trỏ… rất đông. Cảm nhận tiếp theo là: không khí rất căng thẳng như có gì đó chống đối nhau. Cảm nhận nữa là: tại sao việc kiểm soát vòng hoa tang, băng tang, các bức trướng… lại nghiêm ngặt đến vậy?

“Nhiều vòng hoa phải thay băng tang hoặc sửa câu chữ, nhiều bức trướng bị thu giữ…Tôi và mọi người tang phục chỉnh tề bước vào nhà tang lễ. Đập thẳng vào mắt tôi là dòng chữ “Lễ tang ông Trần Độ” trên một tấm bảng lớn phủ kín dòng chữ “Vô cùng thương tiếc…” lâu nay vẫn gắn trên tường. Đi tới bàn ghi sổ tang tôi thấy trên 5 bàn có 5 tập giấy trắng khổ A4. Tôi hỏi cán bộ Ban lễ tang: Sổ tang đâu? Anh ta nói: Sau đám tang sẽ đóng thành sổ. Tôi nói: Đã thống nhất sổ tang là sổ tang, ban tổ chức không có gia đình sẽ đưa tới. Một lúc sau, 5 quyển sổ tang đã đóng được đưa vào thay cho 5 tập giấy rời.

“Đám tang được cử hành, các đoàn, các nhóm, các cá nhân lần lượt vào viếng. Băng tang hầu hết không có chữ “vô cùng thương tiếc” hoặc “Trung tướng Trần Độ”.

Trong khi đó sau khi ông John McCain nằm xuống, chính quyền Việt Nam tỏ ra văn minh hơn hẳn đối với người đã tố cáo chính quyền cộng sản “tra tấn” ông ở Hoả Lò và thậm chí gọi những người đánh đập ông và đồng đội là “những tên mọi vàng” mà ông sẽ ghét bỏ tới cuối đời. Trang tin VTC dẫn lời Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh viết trong sổ tang của Đại sứ quán Hoa Kỳ: “Đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam, ngài Thượng nghị sỹ John McCain luôn là biểu tượng cho thế hệ nghị sỹ – cựu binh chiến tranh Việt Nam, là người đi đầu và có nhiều đóng góp to lớn trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.
“Chúng tôi luôn trân trọng những nỗ lực của ngài Thượng nghị sỹ trong việc xây dựng và phát triển quan hệ Việt Nam và Mỹ trong những thập kỷ qua”.

VTC cũng viết thêm: “Với lòng tiếc thương vô hạn, Phó Thủ tướng mong ngài Thượng nghị sỹ an nghỉ và mong gia đình sớm vượt qua nỗi mất mát lớn lao này.”

Chỉ còn hai năm nữa sẽ tới kỷ niệm 45 năm ngày Cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Hơn bốn thập niên đã qua đi nhưng Việt Nam thống nhất mà ông John McCain đã góp phần nâng cấp quan hệ với cựu thù Hoa Kỳ vẫn chưa tìm được lối thoát trong cải tổ chính trị dù đã có những thành công nhất định về cải cách kinh tế. Thế hệ cựu binh với lý tưởng tự do và lý tưởng cộng sản ở các phía đang lần lượt nằm xuống và chưa thấy tín hiệu nào cho thấy họ sẽ sớm thấy một ngọn hải đăng về tự do dân chủ ở dải đất đã thấm đẫm máu của hàng triệu người trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn.


Nguyễn Hùng
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad