Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Nhà ngoại giao Slovakia gốc Việt bỏ trốn biệt tăm - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2018

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Nhà ngoại giao Slovakia gốc Việt bỏ trốn biệt tăm


Ông Lê Hồng Quang phát biểu tại một sự kiện ở Đại sứ quán Việt Nam tại Bratislava, Slovakia. Photo Đại sứ quán Việt Nam tại Bratislava

Hôm 9/8, một tờ báo của Slovakia loan tin rằng ông Lê Hồng Quang, nhà ngoại giao cấp cao của Slovakia tại Việt Nam, người được cho là có mặt trên chuyến bay của chính phủ Slovakia được dùng để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, vẫn bặt tin.

Theo báo The Slovak Spectator (Spectator), không có ai trả lời khi phóng viên bấm chuông nơi cư ngụ của ông Lê Hồng Quang, nguyên cố vấn của cựu thủ tướng Slovakia Robert Fico.

Ông Quang được cho là có mặt trên chiếc máy bay của chính phủ Slovakia được dùng vào việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Cũng theo báo Spectator, tương tự như vậy, các đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Slovakia - những người có thể làm rõ thêm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh - vẫn giữ im lặng từ tháng 6 cho đến nay. Tờ báo viết: “các đại diện của họ vẫn ẩn náu phía sau những bức tường của tòa đại sứ.”

Báo Spectator nói: “Chúng tôi đã liên lạc với đại sứ quán Việt Nam để yêu cầu bình luận về những thông tin mới nhất liên quan đến vụ bắt cóc ông Thanh. Mặc dù đã gọi rất nhiều lần trong tuần qua, vẫn không ai trả lời”.

Ông Trịnh Xuân Thanh ra tòa tại Hà Nội.

Đại sứ quán Việt Nam nằm trong một cao ốc văn phòng ở trung tâm thành phố Bratislava. Khi được hỏi có thể nói chuyện với một nhà ngoại giao hay không, một nữ nhân viên sứ quán nói tiếng Anh trả lời sau tiếng chuông thứ hai: “Rất tiếc, nhưng văn phòng chúng tôi vừa đóng cửa.”

Tờ báo chia sẻ thêm rằng sau khi được nhắc nhở rằng còn 15 phút nữa mới hết giờ làm việc, nhân viên sứ quán Việt Nam nói cả ngài đại sứ lẫn tham tán công sứ đều vắng mặt. Và hôm sau, chúng tôi đến lần nữa, nhưng không ai trả lời các hồi chuông.

Lần cuối cùng mà bộ Ngoại Giao Slovakia liên lạc được với các đại diện ngoại giao Việt Nam là hồi tháng 6. Khi ấy, Đại sứ quán khẳng định “Trịnh Xuân Thanh không có mặt trên chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia” hồi tháng 7/2017 khi đoàn của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm được đưa từ Bratislava đến Moscow.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Slovakia, ông Boris Gandel, thuật lại rằng ông đã đặt nghi vấn với sứ quán Việt Nam: “Làm thế nào ông Thanh có thể bay từ Berlin đến Hà Nội?”. Ông nói tiếp: “Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía Việt Nam”.

Theo ông Gandel, Bộ Ngoại Giao Slovakia rất quan tâm đến vụ này, và có ý định triệu mời đại sứ Việt Nam tại Slovakia Dương Trọng Minh một lần nữa. “Nếu xác định được rằng Cộng hòa Slovakia đã bị Việt Nam lợi dụng, thì không thể nào không có hậu quả,” ông nhấn mạnh.

Ông Gandel không muốn đề cập tới khả năng Slovakia rút cơ quan đại diện khỏi Việt Nam, hay trục xuất đại sứ Việt Nam ra khỏi Slovakia. Tuy nhiên, ông nhắc lại là đại sứ quán Slovakia tại Việt Nam đang do bà Ivana Belcáková lãnh đạo với tư cách đại biện lâm thời, tức là thấp hơn cấp đại sứ.

Theo nhật báo TAZ của Đức, ông Lê Hồng Quang, người được hứa hẹn bổ nhiệm làm đại sứ nước này tại Hà Nội, là một trong 4 giới chức Slovakia có mặt trong cuộc họp với các đối tác Việt Nam tại khách sạn Borik ở Brastila, thủ đô của Slovakia, 3 ngày sau khi diễn ra vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Theo báo chí Đức, tháng 7/2017, ông Lê Hồng Quang tham gia một cuộc họp bất thường giữa Bộ trưởng Nội Vụ thời đó là Robert Kalinák và đồng nhiệm Việt Nam tại khách sạn Bôrik ở Bratislava. Cuộc gặp này được cho là cái cớ để hỏi mượn chiếc máy bay của chính phủ Slovakia, nhằm dễ dàng đưa người bị bắt cóc, là ông Trịnh Xuân Thanh, ra khỏi khu vực Schengen. Tại Việt Nam, ông Lê Hồng Quang bị nghi ngờ là tham nhũng liên quan tới việc cấp một visa, và cũng vì vai trò của ông liên quan tới vụ bắt cóc.


Trước đây không lâu, ông Lê Hồng Quang, người từng đứng đầu phái bộ Ngoại giao của Slovakia tại Việt Nam, và là một người gốc Việt mang quốc tịch Slovakia, từ năm 2015 là cố vấn về ngoại thương cho thủ tướng thời đó là ông Robert Fico, thuộc đảng cầm quyền Smer.

Theo tờ TAZ, ông Lê Hồng Quang là một cựu du sinh ở Tiệp Khắc, sau này tách ra một phần thành Slovakia. Sau khi tốt nghiệp vào những năm 1980, ông Quang mở một công ty du lịch rồi trở thành người đứng đầu Phòng Thương mại Slovakia - Việt Nam. Ông Quang gia nhập quốc tịch Slovakia và đã làm việc cho chính phủ Slovakia nhiều năm.

Vào tháng 8/2017, sau khi Đại sứ Slovakia Igor Pacolak kết thúc nhiệm kỳ tại Hà Nội, ông Quang được giao làm Đại biện lâm thời của sứ quán Slovakia tại Việt Nam. Báo chí Việt Nam đưa tin, ông Quang nay mai sẽ được bổ nhiệm làm đại sứ Slovakia tại Hà Nội, theo khẳng định của Thủ tướng Peter Pellegrini với Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 11 năm ngoái.

Theo tờ TAZ, ông Lê Hồng Quang chính là nhân vật đằng sau mối quan hệ “tốt đẹp” giữa Slovakia và Việt Nam.

Vào tháng 6 năm nay, ông Quang bị bộ Ngoại Giao Slovakia triệu hồi để tham vấn, và không đưa trở lại Việt Nam.

Lần cuối cùng truyền thông Việt Nam đưa tin về ông Lê Hồng Quang là tháng 5/2018, khi ông đến thành phố HCM dự lễ khởi công xây tòa nhà Hữu nghị Việt Nam – Slovakia.

Cựu thủ tướng Robert Fico không trả lời câu hỏi ông có còn giữ liên hệ với ông Lê Hồng Quang hay có biết ông ấy đang ở đâu hay không.


VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad