Người đẹp bán dâm có phải là xấu? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

Người đẹp bán dâm có phải là xấu?


Mấy tuần trước công an thành phố Hồ Chí Minh đánh người, báo chí cả nước im re. Vừa rồi công an ‘đánh’ Á hậu, MC, sinh viên… tham gia bán cái họ có với giá thuận mua vừa bán, báo nào cũng tả xung hữu đột. Thật khá khen cho các nhà báo khéo chọn mục tiêu mềm mà tấn công.

Hình minh họa.

Xem một số video truyền hình được nhiều tương tác về chuyện các cô gái mại dâm cao giá mới thấy các nhà báo khó mà có giá cao vì họ làm việc dở quá. Đã không nêu tên Á hậu nhưng lại nói họ từng đoạt giải ở cuộc thi này, cuộc thi kia và mới đây gây tranh cãi vì bộ ảnh chụp ở một địa điểm được nêu cụ thể. Thật không hiểu họ học làm báo ở đâu và nguyên tắc làm báo của đài truyền hình tuyển dụng họ là gì. Oái oăm hơn đó lại là những nhà báo nữ nói về những người cùng giới.

Thiếu vắng trong những phóng sự công phu về những người đẹp chọn ngủ với người trả nhiều tiền, có người sẵn sàng trả tới 25.000 đô la một lần theo báo trong nước, là những người đàn ông bị bắt quả tang khi đang ‘ăn bánh’. Họ là doanh nhân? Họ là đảng viên? Họ là khách du lịch? Họ là nạn nhân?

Ngay sau khi báo chí đăng tải về “đường dây” bán dâm cao cấp, một nhà báo có tiếng bình luận trên Facebook: “Họ bán cái họ có. Cơ bản chúng ta ai cũng bán một cái gì đấy của mình thôi mà :-p. Người thì bán sức, người thì bán thận, người thì bán chữ...”

Nói rộng ra chính quyền còn đang bán giấc mơ xã hội chủ nghĩa mà giờ có vẻ đang ế vì người ta sợ “xuống hố cả nút” thay vì được lên thiên đường. Chính quyền cũng bán bớt người lao động sang các nước, nhiều người là con ở cho những nhà giàu ở nước ngoài, để lấy về ngoại tệ. Công an cũng bán giấy tờ cho người ta đi vượt biên bằng đường hàng không thay vì đi thuyền như những năm xưa. Vậy nên chuyện các cô gái dùng “vốn tự có” không đáng để ầm ĩ quá mức. Giữa lúc trộm cắp, cướp giật đầy đường, bỏ những hai năm để tấn công vào nhóm người đẹp không cướp giật tiền liệu có phải là cách tiêu tiền thuế của dân một cách hữu hiệu.

Cũng phải nói thêm tại một số nước trên thế giới như Đức, Hà Lan, Hoa Kỳ… mại dâm là một nghề được pháp luật thừa nhận trên toàn quốc hoặc ở một số nơi. Đức hợp pháp hoá mại dâm từ năm 2002 và chính quyền đòi hỏi những người cung cấp dịch vụ phải đăng ký và có chứng chỉ hành nghề. Hà Lan đi trước Đức hai năm và doanh số của ngành mại dâm được cho là đã lên tới 100 triệu đô la vào năm 2010, mười năm sau khi những người làm nghề mại dâm được hưởng mọi quyền như người lao động trong các ngành khác. Họ cũng có nghĩa vụ phải đóng thuế thu nhập cho nhà nước.

Tại Hoa Kỳ, Nevada là bang duy nhất thừa nhận mại dâm nhưng cũng chỉ cho phép hoạt động này trong các nhà thổ được cấp phép. Nhưng một điều tra của Huffington Post cho thấy doanh số của ngành tình dục tại riêng Atlanta đã là 290 triệu đô la trong năm 2007 và con số cho cùng năm ở thủ đô Washington DC là hơn 100 triệu đô la.

Trong số các nước ASEAN mà Việt Nam là thành viên, Thái Lan cũng có chính sách nhắm mắt làm ngơ trước nghề được coi là lâu đời nhất thế giới.

Một mô hình khác được bàn luận nhiều là việc trừng phạt người mua dâm mà Thuỵ Điển là nước đầu tiên áp dụng từ năm 1999. Người mua dâm bị phạt theo thu nhập mà cụ thể là 50 ngày lương cho mỗi lần vi phạm. Mức tối thiểu áp dụng cho những người thu nhập thấp hoặc không công ăn việc làm là 400 đô la. Người mua dâm cũng còn có thể bị tù tối đa là một năm. Báo Canada dẫn số liệu cho thấy số người mua dâm ở Thuỵ Điển đã giảm gần một nửa, từ con số gần 14% đàn ông mua dâm hồi năm 1996 xuống trên 7% vào năm 2014. Họ cũng dẫn số liệu mà theo đó không có người hành nghề mại dâm nào ở Thuỵ Điển bị giết hại trong năm 2015 trong khi ở Đức số người bị giết hại bởi khách mua dâm hay ma cô là 70. Các nghiên cứu cũng cho thấy ngày càng có nhiều người Thuỵ Điển muốn cấm mại dâm dù chưa phải là đa số.

Tranh cãi về chuyện hợp pháp hoá mại dâm có phải là điều đúng đắn hay không vẫn đang tiếp diễn. Bên ủng hộ nói một khi mại dâm được hợp pháp hoá, dịch vụ này sẽ không còn nằm trong bóng tối, những người bán dâm được bảo vệ, thậm chí có thể lập nghiệp đoàn, được khám sức khoẻ và nhà nước có thể quản lý ngành này như mọi ngành. Bên phản đối nói hợp pháp hoá mại dâm coi rẻ phụ nữ, dễ dẫn tới những cuộc tấn công tình dục phụ nữ, khuyến khích tệ buôn người và các tệ nạn khác như ma tuý.

Có một điều đáng chú ý trong bài báo viết về mại dâm của Huffington Post là phát biểu của ma cô về chuyện những người họ dẫn mối, ngoài luật sư, thẩm phán, giáo viên…, còn bao gồm cả cảnh sát. Một ma cô nói: “Cảnh sát là khách hàng đông đảo nhất. Chính những người nhốt tôi lại là những người vi phạm pháp luật.” Và ở Việt Nam mọi chuyện cũng không khác gì. Cánh taxi kháo nhau họ đưa cả toán công an Hà Nội lên Hoà Bình mua dâm vì sợ ở Hà Nội dễ bị lộ. Có lẽ công an thành phố Hồ Chí Minh nên chú ý hơn tới những cô gái bán dâm ở Hoà Bình vì họ phải đối mặt với những người nắm pháp luật trong tay. Còn chuyện Á hậu, MC đi khách sạn sang với các đại gia là chuyện thuận mua vừa bán. Nếu người mua là đại chính trị gia, đại gia tiêu tiền bẩn hay các cô gái bị xâm hại thì lại là chuyện khác.


Nguyễn Hùng
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad