Nhất thể hóa chức tổng bí thư và chủ tịch sau khi ông Quang qua đời? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Nhất thể hóa chức tổng bí thư và chủ tịch sau khi ông Quang qua đời?


Chính phủ Việt Nam hôm 23/9 thông báo tang lễ của Chủ tịch Trần Đại Quang sẽ diễn ra trong hai ngày 26 và 27/9 theo nghi thức quốc tang.

Có nhiều phỏng đoán về việc TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ nắm cả chức chủ tịch nước trong thời gian tới

Cũng hôm 23/9, một thông báo của quốc hội gửi ra nói người phó của ông Quang, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, chính thức giữ quyền chủ tịch nước cho đến khi quốc hội bầu chủ tịch nước mới.

Thực tế nền chính trị Việt Nam, nơi chỉ có Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo, cho thấy người giữ chức vụ chủ tịch nước trong nhiều nhiệm kỳ gần đây thường là một ủy viên Bộ Chính trị, nhóm 19 quan chức có quyền quyết định lớn nhất trong đảng.

Chức chủ tịch nước được xem là chủ yếu mang tính lễ nghi, không có nhiều thực quyền điều hành đất nước.

Việc bầu chọn chủ tịch nước, cũng như các vị trí quan trọng khác trong chính quyền, diễn ra trong một hội nghị của đảng, trước khi được phê chuẩn tại quốc hội cho đủ thủ tục theo hiến pháp.

Quyền Chủ tịch nước, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, hiện không phải là ủy viên Bộ Chính trị.

Các nhà sư cầu siêu cho Chủ tịch Trần Đại Quang tại một chùa ở Tp.HCM, 23/9/2018

Giới phân tích và nghiên cứu những ngày này đưa ra những dự đoán khác nhau về người sẽ kế nhiệm ông Quang. Ba ủy viên Bộ Chính trị được xem là ứng cử viên sáng giá gồm có ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; và ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Theo suy đoán của tôi, người có khả năng thay vào chỗ đó tốt nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nguyên Phó Chủ nhiệm VP QH Trần Quốc Thuận

Một khả năng cũng được xem là rất có thể diễn ra là Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng sẽ nắm cả chức chủ tịch nước, theo một số nhà quan sát, nhà phân tích, hay nói cách khác, việc nhất thể hóa hai chức vụ lãnh đạo hàng đầu Việt Nam có thể sẽ diễn ra sớm.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận đưa ra nhận định với VOA:

“Theo suy đoán của tôi, người có khả năng thay vào chỗ đó tốt nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì trong thời gian vừa qua, TBT Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt đảng, nhà nước Việt Nam đã thăm các nước, đặc biệt là các cường quốc. Và trong các cuộc hội nghị gần đây, ông xuất hiện ở vị trí rất quan trọng”.

Luật sư Thuận cho rằng ông Trọng đã thể hiện tốt vai trò là người lãnh đạo hàng đầu Việt Nam trong các cuộc gặp gỡ song phương hoặc hội nghị quốc tế ở Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Âu và ASEAN.

Song ông Thuận nói rằng quan trọng hơn so với các hình ảnh đối ngoại là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắm đến củng cố kiểm soát quyền lực, chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13 vào đầu năm 2021.

Mỗi kỳ đại hội là dịp đảng quyết định về các nhân sự lãnh đạo chủ chốt và các chính sách lớn của đất nước trong 5 năm tiếp theo.

Ông Thuận phân tích rằng trong bối cảnh như vậy, kết hợp với cuộc đấu tranh chống tham nhũng do ông Trọng đứng đầu đang được đẩy mạnh, người sẽ là chủ tịch nước tiếp theo không còn mang tính hình thức nữa mà sẽ “cực kỳ quan trọng”.

Ông nói thêm:

“Theo những nguồn mà tôi tiếp cận, quen biết và cảm nhận được, rõ ràng người ta đã thấy đã đến lúc hợp nhất hai chức đó lại, cũng như ở cấp địa phương đã hợp nhất chức bí thư kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân, hay có nơi bí thư kiêm luôn chủ tịch ủy ban nhân dân”.

Phiên khai mạc Đại đảng lần thứ 12, tháng 1/2016

Theo những nguồn mà tôi tiếp cận, quen biết và cảm nhận được, rõ ràng người ta đã thấy đã đến lúc hợp nhất hai chức đó lại.

Nguyên Phó Chủ nhiệm VP QH Trần Quốc Hội
Trong một email gửi đến VOA, Luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà nghiên cứu về Việt Nam hiện cư trú và làm việc ở Canada, đưa ra ý kiến rằng việc ông Trần Đại Quang từ trần cũng là thời điểm thích hợp để Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể “hiện thực hóa” chủ trương của một số người trong đảng về việc "nhất thể hóa" hai chức danh tổng bí thư đảng và chủ tịch nước.

Nhà nghiên cứu này lập luận rằng trong bối cảnh tình hình chính trị cả trong lẫn ngoài nước hiện nay “khá rối rắm”, giải pháp "cẩn thận" nhất là “không có quá nhiều thay đổi lớn”.

Ông Khanh loại trừ các ứng cử viên Nguyễn Xuân Phúc, hiện là thủ tướng; và Tòng Thị Phóng, hiện giữ chức phó chủ tịch thường trực của quốc hội, vì cho rằng họ “không có tham vọng”.

Về ứng cử viên Nguyễn Thiện Nhân, đương kim bí thư của Tp.HCM, ông tiên liệu rằng ông Nhân sẽ không kế nhiệm ông Trần Đại Quang “vì như thế sẽ rất hụt hẫng cho một vị thế đầu tàu kinh tế như Tp.HCM, nơi mà chưa đầy 3 năm đã có 3 đời Bí thư!”

Nhận định về Ủy viên Bộ Chính trị Trần Quốc Vượng, luật sư Khanh cho rằng người giữ vị trí Thường trực Ban Bí thư mới là ủy viên Bộ Chính trị của khóa 12 hiện nay, nên “cần phải có thời gian để củng cố chỗ ngồi”.

... người ta sẽ suy diễn cuộc chiến chống tham nhũng lâu nay của ông là giúp ông phục vụ mục đích thâu tóm quyền lực chẳng hạn. Chính vì vậy, tôi nghĩ khả năng ông Trọng lên hợp nhất hai chức danh ngay sau lễ tang của ông Quang là khả năng thấp.

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp

Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore, nói với VOA rằng ông không nghĩ việc nhất thể hóa sẽ sớm diễn ra.

Tiến sĩ Hiệp nói rằng cản trở đầu tiên là tuổi tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ở tuổi 74, ông Trọng sẽ còn nắm giữ chức vụ hiện nay trong hơn 2 năm nữa, cho đến Đại hội Đảng tiếp theo. Nếu ông Trọng nắm cả hai chức vụ trong thời gian còn lại khá ngắn như vậy, sẽ không bảo đảm tính kế thừa, theo ông Hiệp.

Một lý do khác, theo nhà nghiên cứu, là bản thân vị tổng bí thư có thể muốn tránh những đánh giá “không hay” về uy tín của mình. Ông Hiệp nói thêm:

“Nhiều người sẽ nói ông tập trung quyền lực, tham quyền cố vị. Hoặc là người ta sẽ suy diễn cuộc chiến chống tham nhũng lâu nay của ông là giúp ông phục vụ mục đích thâu tóm quyền lực chẳng hạn. Chính vì vậy, tôi nghĩ khả năng ông Trọng lên hợp nhất hai chức danh ngay sau lễ tang của ông Quang là khả năng thấp”.

Xu hướng về cơ cấu lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam sẽ đi theo hướng nào, sẽ được xác định khi Hội nghị Trung ương 8 của đảng họp vào tháng 10 tới, theo các ông Trần Quốc Thuận và Lê Hồng Hiệp.

Tiến sĩ Hiệp nói với VOA rằng ông nghiêng về khả năng ông Trần Quốc Vượng sẽ được bầu làm chủ tịch nước tiếp theo, điều đã được một số nhà phân tích khác cũng cho là một khả năng cao.

Nhà nghiên cứu này cho rằng nếu ông Vượng trở thành chủ tịch nước cuối năm nay, điều đó đặt ra vấn đề là sau Đại hội 13 vào năm 2021 ai sẽ lên làm tổng bí thư, kế nhiệm ông Trọng, trong khi hiện nay ông Vượng cũng là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí tổng bí thư trong tương lai.

Một diễn biến như nêu trên sẽ là chỉ dấu cho thấy việc nhất thể hóa sẽ diễn ra tại đại hội đảng năm 2021, với việc ông Vượng sẽ được bầu để nắm cả hai chức vụ tổng bí thư đảng lẫn chủ tịch nước, theo tiến sĩ Hiệp.

Ngược lại, nếu một trong các ứng cử viên như ông Nguyễn Thiện Nhân hay bà Tòng Thị Phóng được bầu làm chủ tịch nước trong những tháng tới, điều đó cho thấy cơ cấu “tứ trụ” của Việt Nam, sẽ vẫn được duy trì ổn định, kể cả sau năm 2021, nhà nghiên cứu ở Singapore nói.


VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad