Sen tỏa Thiền Môn - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Sen tỏa Thiền Môn


Văn Nhân nghỉ làm việc nhà nước để trở về quê đã được mấy năm nay. Sự thể do ý nguyện chứ chẳng phải hưu trí gì cả, vì bản thân anh vẫn còn đang là một người trẻ. Cũng không có lương thướng hay chế độ đãi ngộ nào khác, đơn giản anh nghỉ việc chỉ vì muốn tránh xa cái chốn nhiễu nhương thế sự mà thôi. Hơn nữa, anh không còn cảm thấy hứng thú với cái nghiệp công chức, nói theo ngôn ngữ nhà Phật, có nghĩa là đã mãn duyên rồi vậy. Từ đó Văn Nhân vui thú điền viên, lúc rảnh rỗi thì sáng tác văn chương và thơ phú để giải phiền.

Cũng phải để người nhà giục dã mãi, Văn Nhân mới chịu cưới vợ vài năm trước đây, khi anh đã ngoại tứ tuần. Đức thánh Khổng Tử có nói: “Ba mươi tuổi mà chưa lấy vợ thì không nên lấy vợ nữa. Bốn mươi tuổi mà chưa làm quan thì không nên làm quan nữa”. Anh nghỉ việc, không làm quan thì đã rõ rồi, nhưng vợ thì vẫn lấy, cho dù là có hơi muộn màng. Cũng vì chuyện này, đôi khi anh lại mỉm cười mà tự nhủ: “Như thế là mình cũng chỉ có thể thực hiện được một nửa lời dạy của bậc thánh nhân thôi đấy”.

Hai cụ thân sinh của Văn Nhân bấy giờ đều đã khuất núi cả. Thường ngày, chỉ có hai vợ chồng sớm tối bên nhau, tuy có đôi lúc quạnh quẽ, nhưng hạnh phúc của họ như ngọn lửa mới nhen, nay hừng hực bùng lên một sức sống mạnh mẽ. Vợ anh – Ngọc Lan – vốn là một cô gái trẻ và xinh đẹp trong làng. Tuy học vấn không cao, nhưng cô có trí tuệ mẫn tiệp trời sinh, lại là người yêu thương chồng hết mực. Ngọc Lan là cháu nội của cụ đồ Giang vốn trước đây nổi tiếng hay chữ trong vùng. Noi theo đạo nhà, nàng tần tảo bán buôn ở chợ để lo kinh tế, lại đảm đang công việc nội trợ chu toàn. Cứ thế, hai vợ chồng họ sống hạnh phúc với nhau bên tổ ấm thân thương của mình. Một hạnh phúc bé nhỏ thường thấy như bao người khác nơi chốn nhân gian.

Tính Văn Nhân vốn thích du ngoạn và thăm thú cảnh đẹp đó đây. Lắm khi anh lang thang khắp chốn, vừa ngắm nhìn cảnh vật vừa tranh thủ chụp những bức hình tâm đắc. Điều đó giúp anh kiếm tìm thi hứng, cũng như nhu liệu cuộc sống cho những sáng tác văn chương của mình. Trong những chuyến đi như vậy, sẵn tiện anh cũng tìm hiểu luôn về lịch sử hình thành của các di tích mà mình đã ghé thăm. Nhìn vào, người ta dễ nhầm tưởng Văn Nhân là một lữ khách nhàn du hơn là một trí thức đương thời lỡ vận.

o0o

Bữa ấy Ngọc Lan nghĩ chợ một buổi. Sau bữa ăn sáng, hai vợ chồng cùng ngồi nơi bàn khách để mà trò chuyện tỉ tê. Thường ngày cô vẫn phải dậy sớm để tất bật soạn hàng, vì vậy mà ít khi vợ chồng có được một buổi sáng bên nhau trọn vẹn như thế này. Ngọc Lan mặc một chiếc áo vải nâu giản dị, nom rất mực nền nã, đáng yêu. Cô đưa hai bàn tay thon thả, trắng muốt như ngà để mà sửa lại cổ áo cho chồng, đoạn nũng nịu:

- Hôm nay anh đưa em đi chùa Cổ Đức nhé! Em đã sắm lễ từ hôm qua rồi.

Rồi cô thủ thỉ với chồng, rằng đây là một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng. Nghe nói hễ cứ ai đến đây là cầu được ước thấy, sư thầy ở đó thì đoán quẻ đã hay mà giải hạn sao cũng giỏi.

Tính Văn Nhân vốn không mê tín, lại chẳng bao giờ thích đến chùa để cầu lộc cầu may gì cả. Vì thế mà khi nghe vợ nói như vậy, anh đã cảm thấy bực bội mà không hài lòng cho lắm.

- Thú thực với mình, tôi xưa nay không mê tín dị đoan. Hơn nữa, mọi thứ trên đời đều ở cái tâm con người và sức mình làm ra cả. Chứ đâu phải cứ cầu mà được! – Anh nói rồi từ từ gỡ bàn tay vợ ra khỏi cái cổ áo của mình.

- Đành rằng vậy. Nhưng cánh phụ nữ chúng em thì vẫn cứ thích được đi chùa. Vả lại hồi nhỏ em hay theo mẹ đi lễ, nay cũng đã thành nếp quen – Ngọc Lan vừa nói vừa háo hức quay sang sắp sửa mấy thức lễ vật vào cái làn nhựa một cách thật cẩn thận, ngay ngắn.

- Thôi thì đành chiều theo ý mình vậy! – Văn Nhân thở dài - Nhưng chùa Cổ Đức ở đâu?

- Cách nhà mình chỉ độ chục cây số thôi. Nơi đó vắng vẻ, thanh tịnh lắm. Cảnh quan cũng đẹp nữa – Ngọc Lan hồ hởi, cặp môi xinh hờ hững như đóa hoa đang hé nhụy.

- Gần thế, sao tôi không nghe nói đến bao giờ nhỉ?

- Vì chùa không nằm gần đường lớn, lại xa dân cư. Cho nên ít người biết đến đó mình!

Chùa Cổ Đức tọa lạc trên một ngọn đồi thoai thoải, thấp thoáng những cây cối um tùm, xanh ngát. Xung quanh chùa, khoảng một cây số đổ lại, tịnh không hề nhìn thấy bóng dáng xóm làng hay một ngôi nhà dân nào cả. Cảnh chùa vì thế mà càng trở nên yên tĩnh, hoang vu lắm. Khách đứng dưới chân đồi, nghe tiếng chuông binh boong từ trên chùa vọng xuống, văng vẳng như gần như xa. Âm thanh đó gợi cho người ta cái cảm giác linh thiêng, như đang phiêu diêu nơi chốn bồng lai tiên cảnh vậy.

Leo qua những bậc đá thoai thoải dốc đứng, hai vợ chồng Văn Nhân mới lên được đến điện thờ. Tại đây, các sư đang chủ trì buổi lễ, tiếng đọc kinh râm ran không ngớt. Những người khác thì chắp tay quỳ ở dưới, vẻ thành kính hiện rõ trên từng nét mặt. Ngọc Lan khép nép đi vào phía sau ban thờ, tại đây đã có người đứng sẵn để giúp cô sắp lễ vật. Dâng lễ xong, cô chậm rãi bước xuống phía dưới, chắp tay mà nghe đọc kinh như mọi người.

Cảm thấy sốt ruột vì phải chờ lâu, Văn Nhân thơ thẩn đi ra phía sau chùa để mà vãn cảnh một lúc cho đỡ buồn. Chùa Cổ Đức tuy khiêm nhường nhưng cổ kính, thâm nghiêm. Đường nét kiến trúc thuần việt, hài hòa nép mình dưới những rặng cây xanh tốt, như hòa với thiên nhiên làm một vậy. Văn Nhân rất vừa ý, tâm trạng anh tự nhiên cảm thấy bồi hồi và thanh thản lạ. Lúc này anh ngắm kỹ những chậu cảnh được chăm sóc cẩn thận, những giò lan treo trên thân cây cổ thụ, đua nhau nở hoa tím, vàng sặc sỡ. Mãi lần theo bước chân, lúc sau đã thấy hiện ra trước mắt một hồ sen thơm ngát. Những đóa sen màu hồng phấn có đài gương ở giữa, lấp ló sau tán lá xanh như những chiếc đèn lồng nho nhỏ, xinh xinh. Hồ có hình bán nguyệt, bao quanh bởi hàng lan can bằng đá cao ngang đầu gối của người lớn. Quanh hồ có một con đường nhỏ dành cho người đi dạo, được lát gạch đất nung một cách thẫm mỹ, tự nhiên.

Mãi suy tư, Văn Nhân quên để ý là phía bên kia hồ có một hòa thượng đang đứng dưới gốc cây Dương Liễu để ngắm hoa sen. Vị hòa thượng đó đã cao tuổi, đứng im mà chắp tay ra sau lưng, ra chiều suy nghĩ lung lắm.

Nhìn cảnh tượng đó, bất chợt Văn Nhân cảm thấy xúc động trong lòng, bởi ở nơi vắng vẻ cô tịch này, lại có một người đang đồng điệu tri âm với mình. Vì thế mà không ngần ngại, anh chậm rãi tiến về phía hòa thượng nọ.

- Bạch sư cụ! – Văn Nhân chắp tay, nhỏ nhẹ.

- Chào thí chủ! Thí chủ đi vãn cảnh chùa? – Sư cụ cũng chắp tay đáp lại, nét mặt vẫn bình thản, nhẹ nhàng.

Thái độ hòa nhã của hòa thượng khiến Văn Nhân cảm thấy ngài là một con người thật dễ gần và dễ mến. Anh lịch thiệp trả lời:

- Tôi thấy chùa ở đây phong cảnh đẹp, cho nên dạo bước nhàn du. Không ngờ lại có duyên gặp sư cụ tại đây. Chẳng hay là ngài có suy tư hay đang đi tìm thi hứng?...

- Thí chủ đoán đúng rồi đó –Sư cụ hân hoan - Tối hôm qua tôi có làm một bài thơ, nhưng vẫn còn câu cuối chưa xong. Cả đêm trằn trọc mãi. Vậy nên sáng nay mới ra hồ sen, hy vọng không khí mát dịu nơi đây sẽ gợi mở tứ thơ chăng?…

- Tôi cũng chỉ là vô tình đoán trúng thôi! – Hải Dương khiêm tốn đáp, có vẻ như anh hơi ngượng ngùng vì lời khen ngợi của hòa thượng giành cho mình.

Vị sư già nhìn anh, từ tốn:

- Nếu anh không phiền. Mời vào hậu viên dùng trà!

- Cảm ơn sư phụ!

Văn Nhân theo bước chân sư cụ trở vào chùa, tâm trạng anh vẫn còn chưa hết lạ lùng vì cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên nhưng rất đỗi thú vị này.

Trò chuyện với sư cụ, Văn Nhân mới biết được cái nét đẹp của chùa Cổ Đức xưa nay. Không phải lối kiến trúc, mà chính là vẻ đẹp từ thiện do sư cụ và các tăng ni trong chùa thực hiện suốt mấy chục năm nay. Mới biết nhà chùa đang nuôi dưỡng gần chục cháu bé mồ côi bất hạnh. Các cháu được sư trong chùa dạy chữ, dạy văn hóa để có được kiến thức làm người. Ở Cổ Đức, từ hòa thượng cho đến tăng ni, tất cả đều cố gắng làm theo tôn chỉ nhà phật, thương yêu và phổ độ chúng sinh. Mỗi khi có điều kiện, nhà chùa đều tổ chức bố thí và giúp đỡ cho người nghèo.

Câu chuyện khiến Văn Nhân bồi hồi mà cảm phục tấm lòng bồ tát của sư cụ và các tăng ni ở đây. Nắng đã xuyên qua kẽ lá, chiếu thẳng vào chỗ hai người đang ngồi đàm đạo. Lúc này Văn Nhân mới sực nhớ là mình còn phải đón vợ. Anh liền đứng dậy, chắp tay:

- Không dấu gì sư cụ. Hôm nay tôi đưa vợ đi lễ chùa. Bây giờ còn phải ra đón cô ấy về nữa. Hẹn dịp khác lại được đến hầu chuyện sư cụ!

Sư cụ khoát cái ống tay áo rộng để tiễn:

- Mời anh khi rảnh lại đến thăm chúng tôi!

Văn Nhân ưa thích cái khung cảnh thanh vắng và nên thơ của ngôi chùa Cổ Đức này. Hơn nữa, đến đây để được nghe những lời cao luận của một vị chân tu uyên bác như sư cụ thì còn có khoái hoạt nào bằng. Vì thế mà hễ có dịp, anh lại tìm đến chùa để thăm viếng và đàm đạo với ngài. Thế rồi, hai người một già một trẻ, một xuất gia và một thế tục lại trở thành đôi bạn tri kỷ của nhau theo một cái cách tình cờ như vậy.

o0o

Thời gian thấm thoắt trôi, vạn vật trên đời cũng không ngừng đổi thay và sinh trưởng theo quy luật tự nhiên vốn có. Bận bịu với chuyện sáng tác, lại bị những công việc gia đình níu chân, khiến cho Văn Nhân chẳng thể nào đi đâu xa được cả. Vợ anh – Ngọc Lan – lại đang mang thai và sắp đến kỳ sinh nở nữa. Cái thú nhàn du trước đây đối với anh thú vị là vậy, mà giờ đây chỉ còn là một niềm nuối tiếc của hoài niệm xa xăm.

Được một hôm nhàn rỗi, sáng nay Văn Nhân mới quyết định đến chùa Cổ Đức một chuyến để viếng thăm sư cụ. Cũng nhân tiện hỏi han mấy câu chuyện mà anh vẫn còn thắc mắc lâu nay. Anh cũng sợ rằng, nếu bữa nay không đi, để đến lúc vợ lâm bồn thì lại chẳng thể nào đi đâu được nữa.

Dắt xe máy ra đến sân, nhìn thấy vợ đang lúi húi chăm sóc cho mấy luống rau ngoài vườn, Văn Nhân liền đánh tiếng:

- Nhà nó ở nhà làm vườn. Tôi đi lên chùa thăm sư cụ đây!

Thấy chồng chuẩn bị nổ máy, chị vợ liền chống hông, lặc lè đứng lên:

- Anh đợi chút đã. Nếu lên chùa, nhờ anh xin sư cụ dùm luôn một quẻ nhé!

Nói rồi Ngọc Lan bỏ dở công việc đang làm ngoài vườn, vội vàng mà đi vào trong nhà. Lát sau cô quay trở ra, đưa cho chồng mảnh giấy có những dòng chữ ngoằn ngoèo ghi tên tuổi, ngày tháng năm sinh và quê quán. Lại thêm cả một túi cam hái trong vườn nhà để gửi biếu sư cụ nữa.

Đã nhìn thấy mái chùa Cổ Đức uốn cong, thấp thoáng sau những tán lá xanh um. Văn Nhân chậm rãi leo hết những bậc đá quanh co thì lên đến cổng tam quan. Lần nào đến đây, anh cũng mãi mê nhìn ngắm những hàng chữ nho được người ta viết một cách rất đẹp và thẳng lối trên đó.

Đi vào phía trong, anh bắt gặp chú tiểu lúc này đang quét dọn sân chùa. Chiếc chổi tre trong tay chú xào xạc chuyển động, khiến cho những chiếc lá vàng khô cứ bay lả tả, quấn quýt xung quanh.

- Chào chú tiểu. Phiền chú vào bẩm với sư cụ là có khách Văn Nhân đến thăm!

Chú tiểu ngẩng lên nhìn, sau phút ngơ ngác ban đầu, chú đã nhận ra người quen.

- Ông khách chờ cho một lát. Tôi sẽ vào gọi sư phụ ngay! – Nói rồi chú dựng chiếc chổi vào một gốc cây gần đó, đoạn nhanh nhảu đi về phía thư phòng.

Lát sau chú quay trở ra, phía sau là sư cụ với dáng điệu chậm rãi thường thấy.

Văn Nhân vui mừng, tiến lại chắp một tay trước ngực:

- Chào sư phụ! Lâu nay ngài vẫn khỏe?

- Ơn đức Phật độ trì. Tôi vẫn khỏe mạnh. Mời anh vào sảnh dùng trà!

Cả sư cụ và Văn Nhân cùng đi về phía sảnh, rồi hai người ngồi xuống bộ bàn ghế bằng đá được kê dưới cội bồ đề.

- Con vào chuẩn bị trà để sư phụ tiếp khách! – Hòa thượng quay ra nói với chú tiểu, lúc này đang đứng hầu phía sau.

- Dạ!

Từ chỗ sảnh này, nhìn ra phía trước mặt là một cái lầu bát giác án ngữ, chếch về phía tây một đoạn là hồ sen đang lặng lẽ tỏa hương. Cả khách và chủ đều được tán bồ đề tỏa xuống che bóng mát, họ lại có thể nghe được tiếng gió thổi vi vút trên những ngọn cây cao phía trên.

Chú tiểu mang trà và ấm chén ra, đặt nhẹ xuống bàn, rồi lại ngoan ngoãn đứng hầu phía sau. Đó là một chiếc ấm trà cổ màu nâu đất, có vẽ hình hoa sen tinh xảo. Trên khay có đựng bốn chiếc chén nhỏ cùng tông màu, bên trong lại được tráng men màu lục bảo rất đẹp.

- Bộ đồ trà này do sư cụ đời trước để lại. Chỉ khi có khách quý tôi mới dùng đến. Trà để pha cũng được ướp với hương sen trong chùa – Sư cụ vừa nói với khách vừa châm trà, những ngón tay thao tác một cách chậm rãi, vô ưu.

Văn Nhân có cảm giác, mọi thứ nơi đây đều như ngưng đọng, để người ta có thể cảm nhận một cách rõ ràng và ý nhị nhất về cái ý nghĩa của cuộc sống nhân gian.

Chờ cho trà đượm, sư cụ liền rót ra hai cái chén. Khói trà lúc này tỏa ra nghi ngút, quện với hương thơm dịu ngọt, ngất ngây.

Chủ và khách cùng nâng chén, nhấp một ngụm trà thơm. Rồi họ lại im lặng để cảm nhận cái vị của hương sen lan tỏa, khiến cho lục căn trở nên thanh tịnh. Trí óc họ lúc này như được gột rửa một cách thanh sạch, để mà đạt đến trạng thái thoát tục cao siêu.

Sau tuần trà, Văn Nhân từ tốn đặt chén xuống:

- Đã lâu không được đàm đạo cùng sư phụ. Hôm nay sẵn dịp, tôi muốn nhờ ngài làm sáng tỏ vài điều vẫn còn thắc mắc. Chẳng hay sư phụ có sẵn lòng?

- Mời anh cứ nói!

- Chuyện là gần đây tôi thấy nhiều ngôi chùa bề thế đem treo câu khẩu hiệu “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội” thay cho biển hiệu. Lại có một số nhà sư đi học chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Chẳng hay ngài suy nghĩ thế nào về điều này?

Vầng trán cao rộng của sư cụ chợt nhíu lại như đang suy nghĩ. Lát sau, khi cảm xúc đã trở nên cân bằng, ngài cất tiếng điềm nhiên:

- Đạo chỉ có một, còn những thứ tương tự đạo thì lại có hàng ngàn, hàng vạn. Cái thứ nhân danh đạo để lừa bịp chúng sinh thì gọi là ma đạo. Đạo Phật là một hệ thống triết lý hoàn thiện và độc lập, không trộn lẫn với bất cứ tạp niệm nào khác.

- Sư phụ dạy rất chí lý! Tuy nhiên tôi lại thấy có nhiều tăng ni không thực tâm tu đạo. Họ sống xa hoa, xa rời tư tưởng của Phật. Thậm chí còn hợm mình phách lối nữa. Những người như họ, dường như đều vi phạm ngũ giới(1) cả.

Sư cụ nghe vậy thì liền chắp tay, hai con mắt nhắm nghiền:

- Mô Phật! Đúng là thời mạt pháp(2)! Mạt pháp!...

Một lúc ngài mới từ từ mở mắt ra, chậm rãi nói với khách:

- Trong đạo phật, không có loại người tu hành như thế. Đó là những kẻ trá hình, họ chỉ coi đi tu như là một nghề để kiếm sống. Đức thế tôn(3) mặc dù không chủ trương khổ hạnh, nhưng nếu người tu hành mà vi phạm ngũ giới thì có nghĩa là còn tham, sân, si. Thực chất họ chỉ là những kẻ phàm nhân mà thôi!

Rồi dường như sợ khách vẫn chưa hiểu hết ý mình, sư cụ lại tiếp lời:

- Nói tóm lại, cái hình thức không phải lúc nào cũng phản ánh được bản chất sự vật. Phật tại tâm, những người tuy không xuất gia nhưng luôn giữ tấm lòng từ bi, thì coi như trong lòng cũng có phật. Ngược lại, “áo cà sa cũng không làm nên thầy tu” được đâu.

Văn Nhân kính cẩn cúi đầu:

- Tôi đã hiểu. Thưa sư cụ!...

Hòa thượng tỏ vẻ hài lòng, đoạn quay sang nói với chú tiểu:

- Con hãy vào thư phòng của ta, mang cuốn “Mỗi ngày trọn một niềm vui” ra đây!

Chú tiểu lại đi vào bên trong, lát sau quay trở ra.

- Thưa thầy! Sách đây ạ!

Sư cụ đón cuốn sách từ tay chú tiểu rồi trao cho Văn Nhân:

- Tôi tặng anh cuốn sách này của một nhà sư người Nhật Bản. Trong đó họ chỉ ra những nguyên tắc sống để con người có được một phương pháp tư duy tích cực hơn.

Rồi trong khi Văn Nhân vẫn đang cảm động lật giở từng trang sách quý, hòa thượng mỉm cười mà ngâm rằng:

“Bần cư náo thị vô nhân vấn
Phú tại sơn lâm hữu khách tầm” (4).

Khách nhìn lên, đang chưa kịp bày tỏ thái độ, thì sư cụ đã từ tốn giải thích:

- Tôi đây không phải là kẻ phú quý, lại ở chốn thiền môn vắng vẻ. Nay được khách tri kỷ không quản vất vả mà tìm đến thăm. Thật là vạn hạnh lắm đó!

Đạo cũng trải qua nhiều bách hại và hiểu lầm. Càng thăng trầm lắm, càng làm sáng rõ cái đạo lý ở đời xưa nay. Trong lòng khách, sư cụ cũng như một đóa sen giữa hồ, vươn lên khỏi đám bùn lầy ô trọc để mà tỏa hương cho đời. Trong lúc thế sự nhiễu nhương, ma đạo hoành hành, cái chân đạo vẫn mặc nhiên đứng vững. Thật đáng quý, thật khâm phục lắm thay! Bất giác, một làn gió từ hồ sen thổi lại, mang theo cả hương sen thơm ngát, dịu ngọt và thanh tao.


Minh Văn
Ngũ giới(1): Là 5 điều răn dành cho phật tử, gồm: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
Thời mạt pháp(2): Trong một lần thuyết pháp trước các tín đồ tại nước Kuśinagara của Ấn Độ Cổ, đức Phật đã đưa ra lời tiên tri về thời kỳ mạt pháp của đạo Phật. Theo đó thì phật pháp mà ngài truyền sẽ bị phá hư và diệt vong. Ngài gọi xã hội đó là “Ngũ nghịch trọc thế”, “ma đạo hưng thịnh”. Khi ấy ma quỷ sẽ chuyển thế xuất gia đến chùa miếu tu hành, phá hoại pháp của ngài. Chính là lúc, áo cà sa có ngũ sắc sặc sỡ, uống rượu, ăn thịt, sát sinh, tham vị, không có từ tâm, hơn nữa còn có ghen tức đố kỵ lẫn nhau.
Đức Thế Tôn(3): Một tôn hiệu khác của Đức Phật.
“Bần cư náo thị vô nhân vấn
Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”(4) : Có nghĩa là: Nghèo hèn thì ở nơi phố thị đông đúc cũng không ai thèm ngó tới. Phú quý thì dù ở nơi núi sâu cũng có khách đến tìm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad