Phạm Ngọc Thái - Trúc Thanh với bản Tình ca Xô-Nát - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Phạm Ngọc Thái - Trúc Thanh với bản Tình ca Xô-Nát


Trúc Thanh có không ít những tình thơ tâm huyết, có thể làm rung cảm trái tim đời. Trong số những bài tôi thích ở thơ em: “Mong manh” là một áng thi huyền ảo và thật xúc động.

Nhà thơ Trúc Thanh
Tình thi nói về sự đa sầu, đa cảm của một cô thôn nữ, gửi niềm tâm tư tới người yêu tận phương trời. Em muốn tin mà chưa dám tin ? Em yêu… lại sợ tình yêu rồi sẽ tan ? vào một đêm trường, lòng em cồn cào tha thiết mà thổ lộ. Ta hãy nghe Trúc Thanh mở đầu trang thơ:

Đời sập tối mây che vầng tinh tú
Có cơn sầu gầm rú giữa đêm đen

Đêm của thời gian cũng là đêm cuộc đời - Cái khoảng không gian “đời sập tối…” - Bóng đêm ấy đang bao trùm lên em với một nỗi buồn tràn ngập. Ta muốn hỏi: vì sao lòng em lại đến mức tối tăm đến vậy ? Ta không rõ và cũng không thể trả lời. Chỉ biết rằng, cả tâm hồn và trí não em là một “cơn sầu gầm rú…” với nỗi đau vô tận.

Nhưng trong cái đêm tối cuộc đời ấy lại có ngọn lửa tình mới đang le lói, nhen lên ! Đó là mối tình của em với một chàng từ miền xa xôi nào đó ? Trái tim em khao khát, đợi chờ:

Em lặng im thắp nỗi nhớ làm đèn
Tình cậy cửa tim, hoen mờ lý trí…

Tình yêu chàng tràn vào soi sáng cái “đêm đen” của đời em. Người thôn nữ bàng hoàng nghe “tình cậy cửa tim” mình - Có lẽ, vì từng chịu đựng một cuộc tình duyên đau đớn ? nên em sợ. Em không dám… hay không còn muốn yêu nữa chăng ? nhưng rồi lý trí cũng phải “hoen mờ…” mà lùi bước, trước tiếng gọi mãnh liệt của trái tim em đang bùng cháy.

Hình ảnh tượng trưng của hai câu thơ rất hay: Em lặng im thắp nỗi nhớ làm đèn / Tình cậy cửa tim, hoen mờ lý trí…/ - Đây là hình tượng theo thi pháp dòng thơ tượng trưng châu Âu nửa cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX - Theo thuyết “tương ứng cảm quan” do Charles Baudelaire (1821- 1867), thi nhân thuộc bậc thầy của văn học hiện đại Pháp thời đó khởi xướng. Ông từng định nghĩa về thuyết “tương ứng cảm quan” như sau:

Thiên nhiên là một ngôi đền mà trong đó những cột sinh linh
Thỉnh thoảng phát ra những ngôn ngữ mơ hồ
Con người đi trong thiên nhiên qua những rừng biểu tượng
… Hương thơm, màu sắc và thanh âm tương ứng

Nghĩa là: giữa vật này với vật khác, giữa con người – cuộc sống với thiên nhiên, đều có thể thay thế nhau bằng hình tượng. Phản ảnh một cách tương ứng, nhưng dựa vào cảm thụ được phát ra từ các giác quan (gọi là cảm quan), hay từ trong tâm linh. Cho nên thỉnh thoảng ngôn ngữ mơ hồ…


Nhà thơ Phạm Ngọc Thái
Có thể nàng thi sĩ Trúc Thanh của chúng ta, chưa được biết về trường phái dòng thơ tượng trưng hiện đại châu Âu này ? song do quá trình đọc và cảm thụ thi ca thế giới – Những sáng tác gần đây, có một số bài em đã ảnh hưởng khá sâu đậm thi pháp của dòng thơ tượng trưng “tương ứng cảm quan” ấy.

Trở lại với hai câu thơ trên của Trúc Thanh – Đó là ngọn đèn của tình yêu thắp sáng những đêm đêm, lòng em thổn thức. Tiếng gọi của trái tim còn mạnh hơn lý trí ! Đó là nguồn sống, niềm tin và hy vọng… giúp em vượt qua những buồn tủi cuộc đời, đang phải gánh chịu kia.

Tôi phân tích đoạn thơ tiếp theo:
Đêm ảo ảnh gối đầu lên mộng mị
Dệt yêu thương kỳ vĩ chốn mơ hồ
Mai cuộc đời có cành trúc ngây ngô
Đứng xõa tóc bên nấm mồ kỷ niệm

Thơ đưa ta đi tới miền kí ức của một viễn cảnh xa - Phải chăng như người thiếu nữ hoài cảm theo bóng người yêu, trong bài thơ “Hai sắc hoa ti- gôn” của T.T.KH đã viết:

Từ đấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ

……..

Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người

Hoặc là Trúc Thanh muốn nói về cảnh một mai đây… như nữ sĩ Mai Đình – Khi bà đã bước vào tuổi tám mươi, nhưng mối tình với thi nhân Hàn Mặc Tử trong bà vẫn:

Tóc trắng, tình xanh mộng chửa tàn

(thơ Mai Đình)

Bà đã đến Gành Ráng, Qui Nhơn một lần nữa để thăm mộ cố nhân. Một lần nữa, những giòng lệ tiếc thương lại chảy tràn trên đôi mắt bà như thưở còn con gái.

Trong bài thơ “Mong manh” - Trúc Thanh cũng đã nghĩ đến cái ngày ấy, khi nàng đến bên mộ của người tình xưa và:

Đứng xõa tóc bên nấm mồ kỷ niệm

Tên em là Trúc Thanh, nên em mượn bóng cây trúc rũ xuống như mái tóc để ví về mình. Hình ảnh “cành trúc ngây ngô…” - Cũng có nghĩa là sự thẫn thờ, thao thiết ở trong em, qua bao tháng ngày sống trong niềm khát vọng, đắm đuối với tình nhân:

Đêm ảo ảnh gối đầu lên mộng mị

Đoạn thơ được đan dệt giữa tình yêu trong thực tại và hoài cảm về xa xăm. Nó tích tụ lại trong một câu thơ, thổ lộ nỗi lòng thầm kín của em:

Dệt yêu thương kỳ vĩ chốn mơ hồ

Cũng với thi pháp thể hiện giữa thực tại và viễn cảnh, trong tâm thức người thôn nữ đang yêu – Trúc Thanh viết tiếp đoạn ba:

Nay tháng mấy lá vàng lưa thưa điểm
Bóng thời gian phủ tím chốn đợi chờ

Phải chăng cái mùa lá vàng vẫn còn thưa thớt rụng, chính là vào cuối mùa thu ? Lòng người thôn nữ ngơ ngác hỏi. Nếu cảnh đêm tối ở khúc thơ đầu, ngoài (nghĩa đen) nói về trời đất – còn để phản ánh đến sự u sầu, buồn thảm đang sập xuống cuộc đời em (nghĩa bóng). Nhưng cảnh trí lá vàng rơi lác đác của thiên nhiên trong đoạn thơ này, chỉ thuần túy khắc họa lên khoảng không gian, thời gian bao quát tình thơ… có hình hài em trong đó: Bóng thời gian phủ tím chốn đợi chờ /- Nghĩa là, năm tháng lòng nàng vẫn son sắt, thủy chung, mặc cho giòng lệ chảy:

Mai anh về em gửi tặng bài thơ
Có giọt lệ thấm mờ đi một nửa

Em khắc khoải chờ mong ngày người yêu trở về. Ôi ! Đọc những lời thơ tha thiết ấy, ta bỗng nhớ tới hình bóng chinh phụ trong “Chinh phụ ngâm”, thổn thức ngóng trông người chinh phu ở nơi phương trời xa:

Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây

Tôi bình sang đoạn thứ tư:

Xin đừng gió thổi tình không điểm tựa
Xin đừng mưa gội rửa mấy câu thề
Xin cuộc đời dừng lại cảnh nhiêu khê
Cho anh khỏi bộn bề trăm phương gió
Thi nhân Nguyễn Bính từng cảm thán rằng:
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

Trúc Thanh thì viết:

Xin đừng gió….
Xin đừng mưa…

“cuộc tình không điểm tựa” kia chính là một cuộc tình sấm sét, choáng ngợp tâm hồn em. Tình yêu ào ạt đến… làm trái tim em thổn thức mà run rẩy…Em bàng hoàng đón nhận rồi tha thiết yêu ! Bởi vậy, lòng em thảng thốt lo âu khi nghĩ đến một mai… tình yêu có thể sẽ lại tan ? Hình ảnh “gió và mưa” trong bài thơ của Trúc Thanh là biểu tượng về thiên thai… để em cầu nguyện, mong trời đất phù hộ cho cuộc tình của em được vững bền – giông tố đừng thổi mạnh cho mối tình của em với chàng khỏi tan !? Mưa bão cũng đừng xả xuống cuốn trôi đi, những lời hứa của chàng đã từng thề non, hẹn biển cùng em !? Em cầu mong những cảnh đời vẫn thường ngang trái, đừng phá mất cuộc tình em tha thiết !? Đó là tiếng nói từ trong tâm linh và trái tim nàng thi sĩ Trúc Thanh vọt trào ra, làm cho bài thơ đậm thêm màu sắc của một bản tình ca xô-nát.

Tôi nhấn mạnh, phân tích về câu thứ tư của đoạn - Cái nỗi lòng chênh vênh, so đo, lo sợ anh sẽ thay lòng, đổi dạ ? Chính là hình ảnh câu:

Cho anh khỏi bộn bề trăm phương gió

Trong đôi bài thơ khác, Trúc Thanh cũng đã từng thổ lộ tâm trạng này. Thí dụ:

Em có buồn... Một chút xíu so đo
Lòng anh sâu nên em dò chẳng được
Người ta đẹp, người hương trời sắc nước
Em quê mùa chẳng gương lược phấn son

Và nàng tưởng tượng:

Em có buồn... Anh an ủi người ta
Trong vai phụ em là người thay thế
Nhiều đêm thức một mình em nuốt lệ
Hứa không buồn có dễ chút nào đâu
(Em có buồn… nhưng…)

Vậy là “trăm phương gió” ở đây là trăm phương gió “tình” ? Em mong đời dừng lại những “cảnh nhiêu khê” quyến rũ tình trai gái đó… mà cám dỗ anh của nàng ? để anh khỏi rối lòng, ngả nghiêng theo gái này, gái khác… cuộc tình này, tình nọ… rồi bỏ rơi nàng - Đây là nỗi lo thường tình của người con gái đang yêu !

Tôi bình vào đoạn cuối:

Nếu còn lại một niềm tin bé nhỏ
Em tin đời vì đời đó có anh
Nếu tình yêu còn nửa cuối chân thành
Em ấp ủ dù mong manh ấp ủ

Nếu như vào đầu bài thơ, Trúc Thanh đã cảm thán về sự đời đen bạc của mình:

Đời sập tối mây che vầng tinh tú
Có cơn sầu gầm rú giữa đêm đen

Thì giờ đây, tình yêu đã thắp sáng lên ngọn lửa trái tim em - và, niềm tin vào cuộc đời đã đến với em: Em tin đời vì đời đó có anh /- Tình yêu thương của anh là linh hồn trong cuộc đời em, để dẫn dắt em bước tiếp đi đến ngày mai rộng mở, thênh thang. Niềm hạnh phúc chứa chan ấy, còn được Trúc Thanh thổ lộ ở một số các bài thơ khác:

Ta gặp nhau khi nắng chiều ngả bóng
Anh luống tuổi đời và tóc chẳng còn xanh
Tình muộn màng nhưng đẹp đúng không anh
Em sẽ thủy chung dù không thành chồng - vợ

Hay là:

Em quá yêu anh chứ tim nào bất cẩn
Tình đã trưởng thành trao nhận có sao đâu
Hạt bụi thời gian phủ tuyết trắng trên đầu
Tình yêu muộn là tình sâu... Anh nhỉ!

(Thương muộn)

Còn trong bài “Sông thơ”, tình yêu ấy đã nâng bổng tâm hồn em bay cao, hướng về phía chân trời khát vọng:

Cởi não phiền nhân sinh,
ta khỏa thân dưới dòng sông thơ tắm gội
Thơ quyện hồn con sóng cũng liêu trai


Phạm Ngọc Thái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad