Vụ Thủ Thiêm: Đừng ‘đau xót’, ngưng ‘xin lỗi’, sửa từ gốc - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

Vụ Thủ Thiêm: Đừng ‘đau xót’, ngưng ‘xin lỗi’, sửa từ gốc


Đại diện Thành ủy, Hội đồng nhân dân và chính quyền TP.HCM lại vừa nhận lỗi với dân chúng Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) thêm một lần nữa khi tiếp các nạn dân vào sáng 18 tháng 10.

Vụ Thủ Thiêm: Hàng chục nhà báo, người dân ‘vây’ trụ sở tiếp dân.

Vài tháng gần đây, ngoài “xin lỗi”, những tổ chức chính trị và các cơ quan công quyền ở TP.HCM còn liên tục bày tỏ sự “đau xót”, “day dứt” về thảm nạn, thảm cảnh mà dân chúng Thủ Thiêm đã gánh chịu trong hai thập niên vừa qua...

***

Bất chấp kết quả khảo sát và kết luận của các Đô thị gia thời thuộc Pháp và thời Việt Nam Cộng hòa (nếu cần mở rộng Sài Gòn, không nên phát triển về hướng Nam, Đông Nam – bán đảo Thủ Thiêm – vì khu vực này là vùng trũng, kết cấu địa tầng yếu, xây dựng hệ thống hạ tầng vừa tốn kém, vừa không an toàn vì dễ ngập lụt, sụt lún, sạt lở), giữa thập niên 1990, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam vẫn quyết định xây dựng một đô thị mới ở Thủ Thiêm.

Dự án “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm” đặt nền cho việc giải tỏa trắng bán đảo Thủ Thiêm, đẩy khoảng 14.000 gia đình với chừng 60.000 người đi chỗ khác. Cho đến nay, kế hoạch thu hồi đất xem như đã xong (99%), 716 héc ta đất đã sạch người, sạch nhà để dành 382 héc ta trong số này cho các dự án phát triển gia cư và 334 héc ta còn lại cho các dự án phát triển các khu thương mại, trung tâm dịch vụ.

Chỉ có một chuyện chưa xong và chắc là còn lâu mới giải quyết xong hậu quả là phản ứng của dân chúng Thủ Thiêm. Dù đồng ý hay không thì họ vẫn bị bứng khỏi nơi cư trú, nhà bị phá, đất bị lấy, tiền bồi thường thì rẻ mạt, chừng 5% so với giá mà chủ đầu tư các dự án được giao đất bán lại ngay sau đó. Để thực hiện Dự án “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm”, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam cũng đã dọn dẹp gần như sạch sẽ khoảng 30 cơ sở thờ tự của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng (Đình, Đền, Miếu, Chùa, Tịnh xá, Nhà nguyện, Nhà thờ). Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm là hai cơ sở thờ tự chưa bị phá hủy theo… quy hoạch.

Giữa thập niên 2000, dân Thủ Thiêm bắt đầu dắt díu nhau đi kêu oan về giá bồi thường đã rẻ mạt mà còn tùy tiện, không có phương án đền bù, cưỡng bức giải tỏa – thu hồi đất không có kế hoạch tái định cư, hỗ trợ tái định cư theo qui định pháp luật hiện hành, cưỡng bức giải tỏa – thu hồi đất bên ngoài phạm vi Dự án “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm” đã được chính phủ Việt Nam phê duyệt… Ơ Hà Nội, nơi tập trung các cơ quan quyền lực cao nhất, chỗ mà các nạn dân từ khắp nơi trên toàn Việt Nam đổ về để kêu oan có “làng Thủ Thiêm”. Cho dù dân chúng Thủ Thiêm kêu oan ròng rã chừng hai thập niên, không những không nghe, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam còn tìm đủ mọi cách để dập tắt những tiếng kêu oan.

Ngoài chuyện bị đánh đập, bị sách nhiễu, thậm chí bị tống giam như ông Nguyễn Hồng Quang (một mục sư Tin Lành, người vừa khiếu nại việc cưỡng bức, giải tỏa tư gia và một nhà nguyện thuộc Giáo phái Mennonite tại khu vực Thủ Thiêm, vừa hỗ trợ dân chúng trong khu vực này khiếu nại), sử dụng hệ thống truyền thông chính thức cáo buộc ông Quang là “lưu manh chuyên nghiệp”, “kích động gây rối cản trở di dời, giải tỏa” (1), nhiều cư dân Thủ Thiêm, kể cả cán bộ, đảng viên CSVN vì gia đình khiếu nại mà bị truy bức đến mức tự sát như ông Trần Vĩnh Phúc, Thiếu tá công an, từng làm việc tại Công an Quận 2 (2). Dự án “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm” còn là nguyên nhân đầy cả dân lẫn cán bộ, đảng viên CSVN lún sâu vào mâu thuẫn không thể hóa giải với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam. Trong số này có cả những cán bộ, đảng viên cao cấp như ông Hồng Minh Hải, Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh Binh chủng Đặc công, Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông Hải là một trong ba gia đình “tử thủ” tại nơi từng là Khu phố 1, phường Bình An, quận 2. Sở dĩ nỗ lực “tử thủ” thành công vì ông tuyên bố sẽ bắn bất kỳ ai phá nhà – giải tỏa – thu hồi đất của gia đình ông. Mới đây, qua cuộc trò chuyện với Võ Đắc Danh (một facebooker từng làm báo), ông Hải tiết lộ thêm, ông đã lập xong danh sách “đầu sỏ” của kế hoạch phi lý, bất nhân, nhân danh phát triển này, đã nghiên cứu kỹ địa hình, địa vật nơi những tên “đầu sỏ” cư trú, đã soạn sẵn “cáo trạng” dành cho những cá nhân thực sự là “kẻ thù của nhân dân” để khi cần sẽ xử từng tên rồi tự xử mình theo kiểu của lính (3)…

***

Dự án “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm” không chỉ đẫm nước mắt mà còn đẫm máu. Tiền có thể bù đắp những thiệt hại về tài sản, những thiệt hại vật chất, song tiền có thể tái sinh những cá nhân đã uổng mạng vì bị dồn đến cùng đường, vì thiếu thốn, cay cực trong hai thập niên lặn ngụp giữa oan khiên? Tiền có thể khôi phục hạnh phúc, sự đầm ấm cho những gia đình tan nát, bảo đảm tương lai cho những thanh niên, thiếu nữ trưởng thành trong dở dang về giáo dục, lỡ làng về nghề nghiệp vì bị tước mất những cơ hội vốn là nền móng để từ đó bước vào đời một cách vững vàng?

Một câu hỏi khác cần được trả lời là những khoản tiền bồi thường cho các nạn dân của Dự án “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm” sẽ lấy từ đâu? Chắc chắn không phải từ những chủ đầu tư các dự án như: Công ty Quốc Lộc Phát, Công ty Đại Quang Minh, Tập đoàn Lotte, Liên danh Tiến Phước – Trần Thái – Denver Power,… Khi “tiền đã trao, cháo đã múc” chẳng còn lý do nào để buộc các nhà đầu tư phải trả thêm.

Tất nhiên, tiền bồi thường cho các nạn dân của Dự án “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm” sẽ lấy từ ngân sách, sẽ “cấu, véo” vào những khoản chi dành cho các công trình phúc lợi, phục vụ dân sinh vốn đã eo hẹp, nếu chưa đủ thì sẽ đi vay, vay ngoại quốc không được hay không đủ thì phát hành trái phiếu để vay trong nước từ tiền tiết kiệm mà dân chúng gửi cho hệ thống ngân hàng, từ những quỹ mà dân chúng phải đóng góp để bảo đảm an sinh xã hội... Không kiểu này thì kiểu khác, hơn 90 triệu người Việt, trong đó có cả dân chúng Thủ Thiêm sẽ gánh chịu những thua thiệt do chuyện “cấu, véo” vào những khoản lẽ ra phải dành cho các công trình phúc lợi, phục vụ dân sinh và sẽ phải trả cho sạch những khoản vay để sửa sai không bằng hình thức này thì bằng hình thức khác.

Đó có thể là lý do hồi hạ tuần tháng trước, khi họp báo về Kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc thực hiện Dự án “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm”, ông Võ Văn Hoan, Phát ngôn viên của chính quyền TP.HCM, xin lỗi cả dân chúng Thủ Thiêm lẫn dân chúng thành phố này, còn ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch TP.HCM thì nhấn mạnh, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện nay chỉ là “kế thừa” và hai hệ thống “kế thừa” này chỉ giải quyết khoảng 100 trường hợp đã cưỡng chế - thu hồi ngoài kế hoạch chứ không “hồi tố” (4). Theo hướng đó, có lẽ còn rất lâu Thủ Thiêm mới yên và trách nhiệm giải quyết hậu quả của Dự án “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm”có thể kéo dài cho tới khi các hệ thống “kế thừa” hiện nay hết nhiệm kỳ rồi chuyển cho các hệ thống “kế thừa của kế thừa” giải quyết tiếp.

Hai chữ “kế thừa” quả là tuyệt! Chúng giúp phân định rạch ròi trách nhiệm của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện nay với các hệ thống tương ứng của những “nhiệm kỳ trước”, cho dù nhiều thành viên của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện nay như ông Nguyễn Thiện Nhân (Bí thư), bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân), ông Nguyễn Thành Phong (Chủ tịch TP.HCM),… đều có “dây mơ, rễ má”, đều “trưởng thành” từ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của các “nhiệm kỳ trước”.

Chẳng lẽ ngoài “xin lỗi”, bày tỏ sự “đau xót”, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện nay ở cả TP.HCM lẫn trung ương không có chút trách nhiệm nào khi oan khốc Thủ Thiêm kéo dài hai thập niên? Chẳng riêng dân chúng Thủ Thiêm, trong thảm nạn Thủ Thiêm, dân chúng Việt Nam đã nhiều lần đồng thanh xướng tên một số cá nhân mà họ xem là thủ phạm trực tiếp: Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang,… Cứ cho là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ xử lý các thủ phạm một cách nghiêm minh nhưng chỉ như thế đã đủ để “hởi lòng, hởi dạ” vì công lý đã được thực thi? Tại sao thủ phạm có thể công khai gieo rắc oan khiên cho hàng chục ngàn gia đình và sự phi lý, phi nhân ấy dẫu rành rành giữa thanh thiên, bạch nhật suốt hai thập niên mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không hành động?

Những oan khiên kiểu Thủ Thiêm đâu chỉ có ở quận 2, TP.HCM, chúng được gieo rắc ở khắp nơi suốt sáu thập niên và ai cũng biết nguồn gốc từ đâu nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không muốn sửa, đất đai vẫn phải thuộc sở hữu toàn dân vì đó là nền móng để xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, chỉ có Đảng CSVN mới xứng đáng nắm giữ quyền lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện. Chỉ khi tình thế không cho phép làm ngơ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam mới bày tỏ sự “đau xót”, “xin lỗi”, hứa “sửa sai” nhưng giữ nguyên gốc. Cứ thế thì thảm cảnh còn nhiều, thảm nạn còn lâu, những “đầu sỏ” lớn sẽ tiếp tục làm “đèn giời, soi sét” những “đầu sỏ” nhỏ hơn, kém thế hơn. Thế thôi!


Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad