Có xây dựng được “cơ chế từ chức” tại Việt Nam chưa? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

Có xây dựng được “cơ chế từ chức” tại Việt Nam chưa?


Ảnh minh họa: Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII hôm 22/10/2018./AFP PHOTO


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Đại biểu Quốc hội, Sử gia Dương Trung Quốc

Bác sĩ Đinh Đức Long
Một Đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn sáng 1 tháng 11 năm 2018, đã hỏi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về vấn đề nêu gương, cán bộ “chủ động từ chức khi không còn uy tín”, sẽ được thực hiện như thế nào?

Có thể thực hiện chưa?

Ông Trương Hòa Bình cho biết từ chức là vấn đề mới, trong luật cán bộ, công chức có quy định 5 hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Riêng với cán bộ lãnh đạo thì có hình thức bãi nhiệm, miễn nhiệm. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa có quy định rõ về hình thức từ chức.

Đài Á Châu Tự Do liên lạc Đại biểu Quốc hội, Sử gia Dương Trung Quốc, người cũng có mặt trong buổi chất vấn tại Quốc hội hôm 1 tháng 11, để tìm hiểu về vấn đề này và được ông cho biết:

Như thế là nó có một yêu cầu xã hội thật sự, một cái phương thức nếu nhìn theo truyền thống thì nó bình thường, nhưng nếu nhìn ra thiên hạ thì nó càng bình thường hơn nữa.

-ĐBQH Dương Trung Quốc
“Tôi nhớ cách đây 5 năm, khi mà tôi có nêu vấn đề văn hóa từ chức lên, thì lúc đó người ta thấy nó không bình thường, vì nó mới mẻ, nhưng đến nay người ta nói đến rất nhiều và đang xây dựng một quy chế về việc từ chức. Như gần đây nhất đảng đưa ra những yêu cầu về tính gương mẫu của các nhà lãnh đạo thì cũng nhắc đến yếu tố từ chức. Và ngày hôm nay 1 tháng 11 trên diễn đàn Quốc hội có nói đến điều đó. Như thế là nó có một yêu cầu xã hội thật sự, một cái phương thức nếu nhìn theo truyền thống thì nó bình thường, nhưng nếu nhìn ra thiên hạ thì nó càng bình thường hơn nữa.”

Sử gia Dương Trung Quốc cho biết, trong lịch sử Việt Nam, chuyện từ quan thì tương đối bình thường, đôi khi chỉ vì những lý do rất đơn giản, như để về cư tang cha mẹ (1) chẳng hạn, thì người ta có thể từ quan. Đó là chưa kể là họ cảm thấy bất cập với trách nhiệm của mình, họ cũng từ quan.

Từ chức nhìn bề ngoài đúng là sự tự nguyện, nhưng bản chất là gần như một sự bắt buộc. Bởi vì, theo ông Dương Trung Quốc, điều quan trọng nhất mà Việt Nam chưa có, là thiếu một nền hệ thống giá trị xã hội.

Ông nêu lại chuyện các vị quan ngày xưa, tính liêm sỉ rất lớn, chỉ vì những lý do gia đình, hay sự gánh vác, người ta lượng sức mình và sẽ từ chức, việc này dựa trên một nền tảng giáo dục xưa. Ông nói:

“Nói cách khác, chính cái sức ép của xã hội, sức ép của các giá trị ấy, mà người ta chấp nhận từ chức. Ai cũng biết từ chức là từ bỏ quyền lực, từ bỏ kể cả lợi ích nữa. Nhưng họ lựa chọn giữa hai giá trị ấy trong mặt bằng giá trị xã hội,thì họ thấy từ chức vẫn hơn. Và hành vi từ chức ấy nó cũng có một giá trị xã hội để người ta chia sẻ, thậm chí người ta tôn trọng. Nhưng rõ ràng điều đó không đúng trong một xã hội hiện đại.”

Ông Dương Trung Quốc nói thêm ở những quốc gia khác từ chức là một tập quán vì cũng phải chịu sức ép xã hội rất lớn. Thậm chí người trong cuộc có muốn tồn tại cũng không được vì sẽ có những cơ chế khác, buộc phải từ chức. Và từ chức là một biện pháp tối ưu để có thể giải quyết những vấn đề liên quan đến vị thế của bản thân người đó trong xã hội.

Ảnh minh họa: Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII hôm 22/10/2018. AFP
Trở lại với tình hình Việt Nam hiện nay, từ Sài Gòn, Bác sĩ Đinh Đức Long, một Trung tá quân đội đã từ bỏ đảng, cho biết những thực tế khi ông làm việc từng chứng kiến:

“Ở Việt Nam hiện nay, trong giới quan chức mà những chỗ tôi làm việc, chỗ tôi tiếp xúc, thì chẳng ai người ta có văn hóa từ chức cả. Bởi vì người ta bám quyền lực thì người ta có thu nhập, có lợi nhuận, có các mối quan hệ vật chất và phi vật chất.”

Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, Việt Nam xưa nay chưa có văn hóa từ chức, theo ông, các quan chức lên đến một chức nào đó là bám cái ghế đến cùng, đến suốt đời. Chỉ khi nào kỷ luật nặng lắm, bị cấp trên bãi nhiệm, phạm tội hình sự thì mới bị cách chức.

Cần xây dựng hệ thống giá trị xã hội

Văn hóa từ chức nói cách khác là một văn hoá ứng xử dựa trên lương tri, khi một người lãnh đạo thấy mình có khuyết điểm, hay không còn xứng đáng đảm nhận vị trí lãnh đạo thì họ sẽ từ chức. Việc này cho thấy sự hiểu biết về bổn phận, và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ.

Trả lời Đài Á Châu Tự Do, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, nên xây dựng cơ chế từ chức:

“Nếu các vị lãnh đạo dùng đức trị được, tức là tính tự giác, tính gương mẫu của con người cao, người cán bộ phải biết liêm sỉ khi thấy tại vị không có uy tín hay cản trở công việc, thì từ chức. Nhưng cũng có đối tượng chây lì, không tự nguyện tự giác từ chức,thì chẳng lẽ cứ chờ họ tự nguyện từ chức. Vì vậy phải cần xây dựng cơ chế từ chức để chế tài.”

Vì từ chức là thoái thác nhiệm vụ của đảng giao, cho nên họ cứ bám, họ bám họ được lợi nhiều thứ.

-Bác sĩ Đinh Đức Long
Vì ở Việt Nam hiện nay, hầu như các quan chức không tự nguyện từ chức, cho nên phải có cách chức, bãi nhiệm. Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, từ chức là lòng tự trọng, người lãnh đạo phải có lòng tự trọng, khi thấy mình không còn tín nhiệm nữa thì tự rút. Ông chia sẻ:

“Ở đây tôi thấy phần lớn họ đều bám đến cùng. Như ông Nguyễn Tấn Dũng nói trước Quốc hội trước đây, mấy chục năm theo đảng thì đảng giao nhiệm vụ gì thì ông ấy làm, ông ấy không từ chối gì. Vì từ chức là thoái thác nhiệm vụ của đảng giao, cho nên họ cứ bám, họ bám họ được lợi nhiều thứ.”

Sử gia Dương Trung Quốc đưa ra một góc nhìn khác, đó là hệ thống giá trị xã hội hiện nay người ta chưa tôn trọng việc từ chức, người ta cho rằng từ chức là bị cách chức, từ chức là vì một khuyết điểm hoặc là cái tội nặng nào đó, mà người đó không còn con đường nào khác cả. Ông nói tiếp:

“Các quan chức thì gắn liền với quyền lực và lợi ích, mà lợi ích không phải của cá nhân, đôi khi cái mà chúng ta gọi là lợi ích nhóm, lợi ích của một nhóm người. Và khi anh muốn từ chức cũng không từ chức nổi nữa cơ, vì nó ràng buộc lẫn nhau. Vì thế tôi cho rằng điều quan trọng hiện nay là cần ra được một cái giá trị xã hội, mà giá trị xã hội thông qua dư luận xã hội, giáo dục xã hội. Thứ hai nữa là cái sức ép để buộc người đó từ chức như một lựa chọn tối ưu để mà họ rời bỏ chức vụ, cũng có nghĩa là giải thoát cho xã hội những vấn nạn mà người đó chịu trách nhiệm.”

Theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, yếu tố từ chức chưa đi vào hiện thực, chưa đi vào tập quán chính trị xã hội, và cần đòi hỏi thời gian. Theo ông, thời gian này quan trọng nhất là ý thức của những vị quan chức của Việt Nam, họ phải quan tâm đến dư luận xã hội. Nói cách khác là cái chuẩn mực về nghiêm chỉnh cần có trong mỗi một con người, nhất là những quan chức càng cao cấp, càng cần phải có chuẩn mực đó.


RFA
(1) Cư tang Cha Mẹ: Thời xưa, dẫu làm quan đến chức gì, theo phép nước, hễ cha mẹ mất đều phải về chịu tang 3 năm trừ trường hợp đang bận việc quân nơi biên ải hay đi sứ nước ngoài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad