Kinh tế Tri thức, chuyện xa vời ở xứ Việt - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2018

Kinh tế Tri thức, chuyện xa vời ở xứ Việt


Ở Việt Nam, Vinfast muốn mọc lên cây đại thụ công nghệ giữa một đồi trọc tri thức ư? Khó lắm. Đình đám thế thôi chứ tôi không tin Vinfast có thể lớn mạnh.

Kinh tế Tri thức, chuyện xa vời ở xứ Việt/Hình minh họa

Năm 22 tuổi, Thomas Edison sáng tạo ra máy điện tín. Trong đầu ông ta nghĩ, bán nó với giá 3.000 đô là cao, và nếu bán được 5.000 đô là trúng đậm. Một lần Edison tiếp một khách hàng đặc biệt, tướng Efferts. Sợ ra giá 5.000 đô khách hàng từ chối. Vì thế nhà sáng chế mới khôn ngoan hỏi tướng Efferts rằng "ngài định mua nó với giá bao nhiêu?". Tướng Efferts trả lời "máy này giá 40.000 đô là hợp lí" . Thế là cuộc buôn bán diễn ra một cách chóng vánh vì bên nào cũng sợ đối phương đổi ý.

Trong câu chuyện này, người bán - Thomas Edison nghĩ mình bán được giá quá cao, còn người mua - tướng Efferts thì nghĩ mình đã mua chiếc máy với giá quá hời. Vì sao có sự chênh lệch đến vậy? Đó chính là chất xám. Edison định lượng sản phẩm bằng sức lao động và trí tuệ mình bỏ ra, còn vị tướng kia định lượng sản phẩm bằng tính ứng dụng của nó. Giá trị chênh lệch vời vợi thế thì mới đưa kẻ phát minh phát triển vượt bậc. Nền kinh tế tập trung nhiều nhà sáng chế như thế, thì người ta gọi đó là nền kinh tế tri thức.

Ở đây chúng ta nhìn thấy gì? Đầu vào giá trị cực thấp, qua sự nhào nặn của chất xám thì sản phẩm có giá trị cực cao. Chính loại hình kinh tế này nó đảm bảo rằng, người lao động được trả công xứng đáng, người chủ được lợi cực lớn, nhà nước thu thuế nhiều, và dân nghèo được hưởng thành quả của nó nhờ nhà nước tái phân phối phúc lợi cho họ dưới dạng chính sách an sinh xã hội tốt.

Nền kinh tế Việt Nam vắng bóng phát minh, đa phần là mua nguyên liệu đầu vào giá cao, không có chất xám để nhào nặn ra sản phẩm, thay vào đó là những lao động chân tay lấy công làm lời. Kết quả, sản phẩm đã đắt mà còn chất lượng không đạt. Cho nên giá trị gia tăng không có. Trong miếng lợi nhuận ít ỏi đó, giới chủ doanh nghiệp cùng với thuế má và tiền bôi trơn nuốt hết. Còn lại công nhân làm nhiều nhưng không đủ sống. Kết quả, cả xã hội dẫm đạp lên nhau mà sống.

Lại nói về Vinfast, thương hiệu này mới sinh ra. Làm xe trong một đất nước thiếu chất xám. Đầu vào mua giá đắt đỏ. Từ thiết bị, máy móc và quản lí đều mua với giá rất cao. Vậy sản phẩm của Vinfast cũng không ngoài quy luật chung của kinh tế Việt Nam. Đầu vào cực cao nên đầu ra cũng cao dù cho cắt giảm lợi nhuận đến biên độ mỏng nhất. Xe mới ra lò bán giá bằng Mercedes đã qua thuế. Vậy câu hỏi đặt ra là, sản phẩm chưa chịu thuế của Vinfast và Mercedes chênh nhau như thế nào? Tôi tin chắc chi phí của Vinfast phải gấp đôi nhưng chất lượng thì thua sản phẩm của hãng xe Đức.

Công nghệ, đó trước tiên là bài toán vĩ mô của chính phủ để làm nền tảng cho nền kinh tế. Vinfast nếu làm công nghệ thì cần phải có cái nền ấy, chất xám Việt Nam kém thì phải thuê mướn chuyên gia nước ngoài để bổ khuyết. Chính điều đó làm cho sản phẩm của Vinfast đội giá. Bài toán chất xám này là bài toán của chính phủ, họ cần phải có chính sách dài hơi để phát triển. Khi chất xám dồi dào, Vinfast sẽ có nhiều hỗ trợ trong phát triển công nghệ. Ở Việt Nam, Vinfast muốn mọc lên cây đại thụ công nghệ giữa một đồi trọc tri thức ư? Khó lắm. Đình đám thế thôi chứ tôi không tin Vinfast có thể lớn mạnh.


FB Đỗ Ngà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad