Nước Nga và dầu khí ở Biển Đông - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2018

Nước Nga và dầu khí ở Biển Đông


Vào ngày 19/11/2018 Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thăm Việt Nam, và hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Một công nhân Việt Nam làm việc tại mỏ khí Lan Tây do công ty Rosneft khai thác tại Biển Đông.


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
Nội dung cuộc hội đàm này được báo chí Việt Nam đăng tải, trong đó có nói tới việc tiếp tục xúc tiến việc khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và lãnh thổ Liên Bang Nga. Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng có nhắc đến những xung đột ở Biển Đông, và mong muốn các bên tranh chấp thương lượng với nhau một cách hòa bình. Tuy nhiên ông không nêu đích danh Trung Quốc là quốc gia đơn phương tuyên bố chủ quyền nhiều nhất ở đây, với đường 9 đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò, chiếm 90% diện tích Biển Đông.

Tờ báo về kinh tế của Nhật Bản Nikkei, vào ngày 30/11 đưa lại những thông tin này, đề cập tới tên Trung Quốc trong việc bành trướng ở Biển Đông, và nói rằng những hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Nga trên vùng biển này có thể gặp phản ứng mạnh từ phía Bắc Kinh.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu độc lập từ Singapore cho rằng lập luận của Nikkei không đầy đủ:

“Việt Nam và Nga hợp tác với nhau trong thềm lục địa Việt Nam thì không có ngại gì Trung Quốc cả. Gần đây nhất, hồi tháng 9, Trung Quốc họ phản đối công ty dầu của Nga là Rosneft khai thác với Việt Nam. Nga nói rằng công ty dầu của họ báo cáo với chính phủ là họ khai thác trong vùng biển của Việt Nam, và Chính phủ Nga đã chấp nhận báo cáo đó.”

Lô dầu khí này nằm trong thềm lục địa Việt Nam, gần quần đảo Trường Sa.

Nhưng nếu như khu vực Việt Nga khai thác chung nằm trong đường lưỡi bò do Trung Quốc vạch ra mà lại là thềm lục địa Việt Nam, hay vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam thì phản ứng của Nga thế nào?

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng trong trường hợp đó Nga ủng hộ quan điểm của Việt Nam.

Việt Nam và Nga hợp tác với nhau trong thềm lục địa Việt Nam thì không có ngại gì Trung Quốc cả.

-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
Vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế ở đây được hiểu là tính từ đất liền Việt Nam. Việt Nam chưa bao giờ công nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc, kéo dài rất xa đất liền Trung Quốc, đồng thời các đảo đá và bãi cạn ở Trường Sa và Hoàng Sa lại không được công ước quốc tế về luật biển xem là những điểm mốc để có thể mở rộng vùng đặc quyền kinh tế.

Nhưng tại sao cũng cùng địa điểm mà Rosneft tiến hành khai thác với Việt Nam, công ty Tây Ban Nha Repsol trước đó đã bỏ cuộc hợp tác với Việt Nam dưới áp lực của Trung Quốc? Ông Hà Hoàng Hợp giải thích rằng đây là một áp lực ở mức độ công ty, vì Repsol có cổ phần, chi nhánh tại Trung Quốc.

Ngay sau khi có tin Bắc Kinh phản đối Rosneft vào cuối tháng 5/2018. Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine, Hoa Kỳ có nói với đài RFA rằng Nga sẽ im lặng không trả lời, đồng thời vẫn tiếp tục hợp tác với Việt Nam.

Sự hợp tác của Nga với Việt Nam trong vấn đề năng lượng tại Biển Đông được tờ Nikkei cho rằng đem lại cho Nga một số lợi ích, đó là tạo được cầu nối cho nước này tại Đông Nam Á, giảm bớt khó khăn do bị Mỹ và phương Tây cấm vận, bớt lệ thuộc về thương mại với Bắc Kinh.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp bổ sung rằng Nga và Việt Nam đã chia nhiều lợi nhuận từ việc khai thác dầu khí ở Biển Đông trong mấy chục năm qua.

Một nhà nghiên cứu Biển Đông là Thạc sĩ Hoàng Việt đồng ý với những phân tích của tờ Nikkei. Tuy vậy theo ông mong muốn thực tế của nước Nga về những lợi ích của mình trong khu vực đôi khi có thể tương phản với những phát ngôn của chính phủ Moscow về chủ quyền tại vùng này:

“Những tuyên bố của Chính phủ Nga thì nó lập lờ. Có lúc họ cần, họ cũng đánh tiếng ủng hộ Trung Quốc một phần nào. Đó là vấn đề về chính trị. Còn trong thực tế thì họ cần, và với những liên doanh khai thác dầu khí với Việt Nam như vậy, thì Nga vẫn cương quyết không rút ra khỏi những cái mỏ ấy mặc dù có sức ép từ Trung Quốc.”

Có một vấn đề khác được đặt ra nữa là Việt Nam có được lợi gì hơn hay không khi hợp tác với Nga để khai thác dầu khí, thay vì với các đối tác phương Tây? Mà theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, người Nga cũng không muốn có sự hiện diện nhiều của người Mỹ trong khu vực này.

Trong thực tế thì họ (Nga) cần, và với những liên doanh khai thác dầu khí với Việt Nam như vậy, thì Nga vẫn cương quyết không rút ra khỏi những cái mỏ ấy mặc dù có sức ép từ Trung Quốc.

-Nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng:

“Rất khó mà có thể so sánh được hợp tác như thế nào có lợi hơn. Nhưng trước mắt hợp tác với Nga thì có thể yên tâm hơn, vì Nga không chấp nhận một quốc gia nào khác nhảy vào và nói một cách vô lối rằng đó không phải là của Việt Nam. Nga cũng như Hoa Kỳ là những quốc gia không chấp nhận một sự dọa nạt vô lối nào.”

Ông Hoàng Việt cũng đồng ý như vậy, và có bổ sung một ví dụ là mỏ khí đốt Cá Voi xanh được Việt Nam hợp tác khai thác với một công ty Mỹ là Exo Mobil ngoài khơi Đà Nẵng. Việc hợp tác Việt Mỹ tại đây cũng được cho là bị Trung Quốc gây sức ép vì nằm trong đường lưỡi bò của họ, nhưng Thạc sĩ Hoàng Việt cho biết việc tiến hành chuẩn bị khai thác mỏ khí này vẫn diễn tiến tốt đẹp.

Ông Hoàng Việt nói tiếp rằng Việt Nam chủ trương đa phương hóa việc hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông để không lệ thuộc nhiều vào một quốc gia nào. Và việc hợp tác dầu khí này, theo ông Hoàng Việt, không chỉ là dầu khí mà còn là vấn đề chính trị phía sau, và làm như vậy Việt Nam có thể tạo nên một sự cân bằng giữa các cường quốc trong khu vực.


Kính Hòa
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad