Ba vấn đề trong dự án đô thị du lịch Cần Giờ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Ba vấn đề trong dự án đô thị du lịch Cần Giờ


Có nhiều vấn đề mà Dự án đặt ra. Chỉ xin nêu lên ba cần được làm rõ trước khi Dự án được phép triển khai.

Tóm tắt. Rừng ngập mặn Cần giờ, bị tàn phá khốc liệt trước năm 1975 đã được tái sinh trong những năm 1980 và được Tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới ngày 21.01.2000 [1]. Tình trang sạt lở bờ sông và xói lở bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long xảy ra ngày càng nhiều và trầm trọng do cán cân tràm tích âm. Dự án “Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ quy mô 2870 hecta” xây dựng trên bãi triều huyện Cần Giờ sẽ tác động như thế nào đến Khu dự trữ sinh quyễn và đến sạt và xói lở ở ĐBSCL? Đó là hai trong ba vấn đề cần được làm rõ trước khi Dự án được phép triển khai.

Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ

Năm 2016 Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ trình Ủy Ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dự án “Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ quy mô 2870 ha”. Dự án này trùm lên Dự án “Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ” năm 2003 do Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn làm chủ đầu tư.

Phúc đáp tờ trình của UBND Thành phố, ngày 17.4.2017 Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc nghiên cứu điều chỉnh, bố sung quy hoạch ven biển tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, thuộc khu vực phía Nam của huyên Cần Giờ; UBND Tp Hồ Chí Minh cập nhật Dự án vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố đến năm 2030, trình duyệt theo quy định.

Ngày 28.01.2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt nội dung báo cáo tác động môi trường của Dự án “Khu du lịch biển Cần Giờ, quy mô 2870 ha” do Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ lập.

Dưới đây là những thông tin chính về phạm vi và quy mô của Dự án.

Tổng diện tích 2870 ha được xây dựng trên toàn bộ bãi triều Cần Giờ với một biển hồ nhân tạo rộng 872 ha. Quy mô dân số là 228.506 người và khoảng 8,887 triêu lượt người/năm khách du lịch. Sẽ dẫn về Khu vực Dự án 100.000 m3 nước ngọt ngày đêm; sẽ có 5 cửa xả nước thải đã xử lý trực tiếp ra biển; sẽ san lấp với 122 triệu m3 cát; sẽ nạo vét 11 triệu m3 đất bãi triều để làm khu vực biển hồ nhân tạo; sẽ xây dựng 21 km kè bờ biển với 2,5 triệu m3 đá hộc các loại (lấy từ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu). Sẽ đưa về 1 triệu m3 cát trắng (lấy từ Bình Thuận) [2]

Hiện tại, Dự án đang chờ được cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Tp HCM đến năm 2030, trình duyệt theo quy định, và chỉ khi được duyệt mới được phép triển khai.


Ba vấn đề cần làm rõ trước khi Dự án được phép triển khai

Có nhiều vấn đề mà Dự án đặt ra. Chỉ xin nêu lên ba cần được làm rõ trước khi Dự án được phép triển khai.

1. Tên của Dự án là gì?

Trong khi trong hầu hết các văn bản tên của Dự án là “Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, quy mô 2870 ha” thì trong Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tên của Dự án là “Khu du lịch biển Cần Giờ, quy mô 2870 ha”. Không có cụm từ “đô thị”. Tài liệu mà chủ đầu tư gửi ra để Bộ TNvMT xem xét phê duyệt mang tên Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Khu du lịch biển Cần Giờ - Quy mô 2870 ha” [3].

Ai cũng biết cụm từ “đô thị” có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với chủ đầu tư của Dự án. Bỏ cụm từ “đô thị” trong tên của Dự án để rồi khi báo cáo ĐTM được phê duyệt, nội hàm “đô thị” lại hiện ra nguyên hình, như trong video clip giới thiệu tiếp thị Dự án. Tên gọi Dự án phải rõ ràng vì danh có chánh thì ngôn mới thuận.

2. Tác động của Dự án lên Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần giờ

Đánh giá tác động trong Báo cáo ĐTM quá sơ lược để có sức thuyết phục rằng “khu vực quy hoạch không làm giảm diện tích rừng ngập mặn và không tác động trực tiếp đến Khu dự trữ sinh quyển”. Lý lẽ chủ đầu tư chủ đầu tư đưa ra là “khu vực quy hoạch nằm trong vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, khoảng cách từ khu vực thực hiện quy hoạch đến vùng lõi (vùng bảo tồn nghiêm ngặt) đạt trên 8,6 km; khoảng cách đến ranh khu vực vùng đệm cũng đạt trên 1,7 km. Khu vực quy hoạch nằm hoàn toàn trong khu vực lấn biển, ngăn cách với khu dự trữ sinh quyển bởi khu vực thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa”.

Cùng một lý lẽ khi dự án chỉ lấn biển 821 ha nằm gọn trong xã Long Hòa, cũng như khi Dự án mở ra 2870 ha dọc suốt cả 21 km bờ biển Cần Giờ, bởi lẽ “phù hợp với Quy chế quản lý Khu vực dự trữ sinh quyển RNM Cần Giờ ban hành tại Quyết định 05/2008/QĐ-UBND”.

Khoảng cách 8,6 km có ý nghĩa gì khi mà giữa khu vực dự án và vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển là một mạng lưới dày đặc sông rạch và khi triều lên, cho dù mùa gió Đông Bắc hay Tây Nam, chỉ 20 đến 30 phút là nước biển, và sau này có cả nước thải của Khu Dự án, từ Mũi Cần Thạnh đã đến khu lõi? Chúng ta không quên triều ở đây là bán nhật và có biên độ trung bình khoảng 4 mét.

Chất lượng nước lan truyền vào Khu dự trữ sinh quyển sẽ ra sao khi Dự án tiến hành san lấp 122 triệu m3 cát, nạo vét 11 triệu m3 đất của bãi triều Cần Giờ để làm biển hồ nhân tạo? Tương tự, lượng nước thải mỗi ngày từ dự án, khoảng 80.000 đến 100.000 m3, hoặc ít nhất 1/5 số này, theo triều lên, nhất là khi triều cường, sẽ tác động đến Khu dự trữ sinh quyển ra sao?

Sự hiện diện tương lai của 228.506 cư dân và của 8,887 triệu lượt khách du lịch năm, sẽ tạo ra công ăn việc làm cho 25.000 người dân bản địa, nhưng tạo sức ép lên họ cũng sẽ không nhỏ. Liệu sẽ có bao nhiêu người di dời vào vùng đệm rồi sau đó vào vùng lõi để tìm kế sinh nhai vốn quen thuộc với họ? Mặt khác, số cư dân mới và số khách du lịch sẽ tác động ra sao đến các quần thể sinh vật của Khu dự trữ sinh quyển?

Trên đây chỉ là một số câu hỏi mà chủ đầu tư cần trả lời trước khi Dự án được phép triển khai chứ không phải như chủ đầu tư cam kết rằng “bằng kinh phí của mình, Công ty sẽ mời các đơn vị tư vấn nước ngoài, các chuyên gia trong nước và quốc tế tiếp tục đánh giá độc lập các ảnh hưởng của dự án đến Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, đến môi trường như biến đổi dòng chảy, môi trường nước biển, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, … và đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu các tác động đó.”
Chủ đầu tư nhận thức khá rõ các tác động tiêu cực lên môi trường. Đã vậy, xin đừng triển khai khi chưa làm rõ tác động, xin đừng bắt xã hội, thế hệ này và các thế hệ mai sau, phải trả lãi cho phần mà nhà đầu tư vay từ Môi trường.

3. Khai thác cát ở các “mõ cát” và hậu quả sạt lở ở ĐBSCL

Để có 122 triệu m3 cát san lấp cần cho Dự án, chủ đầu tư cho biết sẽ khai thác 85 – 90 triệu m3 từ các “mõ cát” ở đồng bằng sông Cửu Long, dọc sông Tiền và sông Hậu, tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre. Cụ thể ở các “mõ” Tân An, Tân Châu, Vĩnh Xương, Tân Thuận và Cổ Chiên. (Hình 3).


Khai thác 90 triêu m3 cát sẽ tạo thêm nhiều hố sâu ở đồng bằng. Trong Hình 4, là vị trí các hố sâu trên sông Tiền và sông Hậu trích từ một tài liệu của Ủy hội Quốc tế sông Mekong năm 2013 [4].
Tình hình sạt lở ngày càng nhiều và càng nghiêm trọng hiện nay, chúng ta đều biết nguyên nhân. Lầy từ sông Tiền và sông Hậu khoảng 90 triệu m3 cát sẽ làm cho cán cân trầm tích càng thêm thâm hụt, tình trạng sạt lở bờ sông và xói lở bờ biển càng thêm trầm trọng.

Hậu quả sạt lở và xói lở là nhãn tiền. Liệu chủ đầu tư có dám cam kết rằng lấy đi 90 triệu m3 cát trong hai năm sẽ không làm tình hình sạt và xói lở ở đồng bằng sông Cửu Long trầm trọng thêm hay không?

Mọi việc đều có hai mặt Được và Mất, và ai được, ai phải trả giá. Làm sáng tỏ ba vấn đề nêu trên đây là cần thiết để Dự án được phép triển khai.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 5 năm 2019.


© GS. Nguyễn Ngọc Trân
CHÚ THÍCH:

[1] Theo UNESCO, Khu dự trữ sinh quyển là “những khu vực hệ sinh thái bờ biển và trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc sử dụng bền vững khu vực đó”.

[2] Trích Quyết định phê duyệt ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường, số 220 ngày 28.01.2019, và từ video clip “Siêu dự án lấn biển Cần Giờ 2870 ha của Vingroup - Đầu tư siêu lợi nhuận” https://www.youtube.com/watch?v=kZekpLRDzHQ.

[3] Gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường kèm theo công văn 925/2018/CV-CTC và văn bản 06/2019/CV-CTC của Công ty cổ phần Đô thị Du lich Cần Giờ.

[4] Atlas of deep pools in the Lower Mekong River and some of its tributaries, MRC Technical Paper  N.31, August 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad