Công an 113 gặp Giang ‘hồ’ 36: Sự thật ở đâu? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

Công an 113 gặp Giang ‘hồ’ 36: Sự thật ở đâu?


Một cảnh tại hiện trường. (Hình: Trích xuất từ video của Báo Tuổi Trẻ)

Vụ giang hồ Đồng Nai dưới sự chỉ đạo của ‘Giang 36’ bao vây xe trên đó có hai trung tá đương chức bao gồm cả một sếp của lực lượng cảnh sát 113 địa phương đã khiến ba người bao vây xe bị bắt. Trong số ba người bị bắt vì ‘gây rối trật tự công cộng’ có Ngô Văn Giang, còn được gọi là Giang 36 vì người này quê Thanh Hoá và 36 là biển số xe của tỉnh này.

Thông tin từ công an Đồng Nai nói có người trong nhóm công an đi nhậu cùng doanh nghiệp ở nhà hàng ói vào chân của người thuộc nhóm nhậu khác dẫn tới ‘xô xát’ và hai người bị ‘trầy xước’. Sau đó nhóm công an lên xe rời đi nhưng bị chặn lại sau khi đi được vài trăm mét.

Các nhân chứng lại nói khác khá nhiều. Báo Thanh Niên đưa tin về một người bị nhóm công an ‘đánh’ rách trán và phải khâu 13 mũi. Người này, ông Lê Võ Trương Hải, quê Đắc Lắk, cũng nói công an Đồng Nai lúc đầu hứa sẽ đưa ông đi xác định mức độ thương tật nhưng sau đó họ không liên lạc gì lại.

Ông Hải nói sau khi ông và ông Nguyễn Tấn Lương, doanh nhân đã mời ông Hải tới nhà hàng Lam Viên, bị doanh nhân Phạm Văn Hiền của nhóm công an nôn trúng người mà không xin lỗi, ông Lương đuổi theo đôi co và đấm vào mắt ông Hiền. Ông Hải can ông Lương và kéo ông trở lại phòng VIP 8 và ông Hiền về lại phòng VIP 2 nơi có hai trung tá công an và một đại tá công an đã nghỉ hưu.
Khoảng 10 phút sau nhóm công an kéo sang phòng VIP 8 và ông Hải thuật lại: “Hiền hỏi anh Lương lý do đánh Hiền. Hai bên nói qua nói lại vài câu thì người cảnh sát đi đầu đấm một cái trúng mắt anh Lương.

“Tôi mới đứng dậy can, bảo có gì từ từ nói, vừa dứt lời thì bị người cảnh sát đi sau cùng đấm vào mặt, rồi người này cầm cái ghế phang xuống đầu khiến tôi bị rách ở trán, máu chảy đầm đìa. Tôi ngồi tại quán băng bó vết thương, sau đó được anh Lương chở xuống hiện trường, nơi có nhiều thanh niên đang bao vây chiếc xe. Lúc này công an cũng xuất hiện rất đông, tình hình rất căng thẳng.”

Một trang mạng xã hội dẫn lời người họ nói là ‘nhân chứng K’ nói rằng sau khi báo chí đưa tin “anh K mới biết những người xông vào phòng hành hung hôm đó gồm có Trung tá Nguyễn Quang Trường (Đội phó Đội cảnh sát 113) và Trung tá Đinh Tú Anh (đội trưởng Đội cảnh sát trật tự, Công an Đồng Nai) và ông Phạm Văn Hiền cùng ngồi ở phòng VIP 2.” Nhân chứng K cũng nói thêm nhóm ở phòng VIP 8 chỉ có bảy người chứ không phải tám hay mười như báo chí đưa và thuật lại lời Trung tá Trường của lực lượng 113 nói với ông Lương ở phòng VIP 8: “[T]ao thích ói để đánh mày thì sao”.

Nhân chứng khác, tên H, được Thanh Niên dẫn lời nói: “Lúc đó, tôi ngồi ở cuối bàn và nói chuyện với người bên cạnh nên không để ý nhóm có cảnh sát vào phòng. Khi nghe ồn ào thì thấy anh Hải ôm đầu, máu chảy be bét. Còn nhóm bên phía cảnh sát kia thì say lắm rồi, đi còn không vững”.

Ông H nói thêm: “Khi xe cảnh sát 113 tới, họ không làm rõ vụ đánh nhau, gây thương tích chảy máu đầu mà để nhóm có cảnh sát lái ô tô rời khỏi quán. Hơn nữa, để những người đó đang say xỉn mà chạy như vậy rất nguy hiểm. Việc đấy chẳng đâu vào đâu”.

Báo Lao Động cũng dẫn lời ông Lương nói ông gọi giang hồ ứng cứu vì cho rằng nhóm công an đã gọi giang hồ tới trước. Một video được tăng tải trên Facebook cho thấy một người của nhóm công an đi tiểu bên vệ đường cũng bị quay phim và áp giải trở lại xe.

Nhà báo Hoàng Hải Vân trong khi đó nhận định: “Kích hoạt mâu thuẫn là do nhóm công an gây ra, khi ông Hiền ói “nhầm” vào người ông Lương, việc này khiến cho hai ông xô xát nhưng chưa gây thương tích. Sau đó, hai sĩ quan công an cùng ông Hiền vào phòng nhậu của nhóm ông Lương, không phải để dàn xếp phải trái, mà để lại kết quả là một người của nhóm ông Lương là ông Lê Võ Trường Hải bị đánh rách đầu phải may 13 mũi.”

“Từ sau vụ án Năm Cam, giang hồ khắp nơi trỗi dậy thi nhau “lấy số”. Do luật pháp thực thi thiếu công minh, nên ngày càng có nhiều doanh nhân dựa vào sự bảo kê của họ. Nếu như vụ này vẫn tiếp tục thiếu công minh, xử lý không bình đẳng, thì sẽ tạo thêm cơ hội “lấy số” cho các anh chị “xăm trổ”. Nghề “giang hồ xăm trổ” do đó không những không giảm đi mà còn có cơ hội phát triển,” ông Hoàng Hải Vân viết tiếp.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển trong khi đó cho rằng Giang 36 chặn công an để chứng tỏ bản thân trước một nhân vật giang hồ mới ra tù khác – Hưng Vườn Điều, nhân vật bị xử lý trong vụ mà nhà báo Đức Hiển gọi là “chuyên án lớn thứ nhì dẹp loạn giang hồ sau 1975”.

Nhân vụ này cây viết Trương Huy San cũng nhắc lại chuyện cố Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang từng có quan hệ với một “ông trùm nổi tiếng” và viết thêm:

“Ra Hải Phòng hay Quảng Ninh, nhiều lãnh đạo địa phương cũng kể chuyện về những bữa cơm của Đại tướng ở nhà những nhân vật mà ở địa phương ai cũng biết.

“Các nhà báo ở một tỉnh miền Trung kể, các anh rất xấu hổ khi chứng kiến vài sỹ quan công an khúm núm trước một ông trùm khi ông này đang ngồi với sếp họ.

“Chẳng có địa phương nào mà cảnh sát không biết ai đánh bạc, ai tín dụng đen... Chỉ là chúng ta không biết ai đã trói tay ai. Khi giang hồ không còn nể mặt công an rất có thể bọn chúng đã cho rằng công an còn đen hơn chúng.”


Nguyễn Hùng
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad