Cử tri và nhân dân - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

Cử tri và nhân dân


Bí thư Tp.HCM Nguyễn Thiện Nhân thăm một tu viện ở Thủ Thiêm, 2/2/2019.

Ngày 19 tháng 6 năm 2019, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Bình Thạnh của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, người dân tham dự đã bày tỏ lo lắng trong việc chọn nhà thầu Trung Quốc làm dự án cao tốc Bắc Nam. Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Ông Nguyễn Thiện Nhân đã trấn an người dân và cho rằng ‘không cần lo lắng’.

Ông Nhân khẳng định: “Trách nhiệm của Quốc hội là giám sát chặt chẽ công trình này. Đây là lợi ích quốc gia, cử tri không cần lo lắng không đảm bảo cái này hay cái kia.”

Nghe những lời hứa chắc như đinh đóng cột của ông cử tri trong phòng họp khó lòng cưỡng lại được vì một người chức cao vọng trọng như ông khi hứa tức là phải làm được, cho dù không thực hiện lời hứa đủ 10 phần thì ít ra cũng được đến 8 phần, mà đối với cử tri 8 phần của một lời hứa đã đủ cho họ đặt niềm tin vào ông, một lãnh đạo cao cấp của chế độ.

Có hai vế ở đây, vế thứ nhất là cử tri và vế thứ hai là dân chúng. Cử tri được vào phòng họp để chất vấn các đại biểu còn nhân dân thì không. Vì vậy lời ông Nhân hứa có thể được cử tri trong phòng họp hưởng ứng nhưng bên ngoài căn phòng máy lạnh ấy người dân có tin ông hay không lại là chuyện khác.

Người dân bây giờ lại không cả tin như thời kỳ đồng bào các vùng xôi đậu của miền Nam tin vào cán bộ cộng sản len lỏi vào từng nhà nói về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Người dân bây giờ thực tế hơn và họ cũng thường xuyên đọc báo để tìm hiểu những gì mà nhà nước công bố, trong đó không hiếm những câu chuyện tiêu cực được diễn giải qua nhiều lăng kính của người viết nhưng dù dưới lăng kính nào thì người dân vẫn mơ hồ nhận ra không ít lần mình bị lừa qua các phát biểu của những vị bộ trưởng có vấn đề dính líu tới những công trình được xem là thất bại.

Từ câu chuyện đường sắt Cát Linh-Hà Đông, một công trình do tổng thầu Trung Quốc thực hiện được xem là công trình xấu nhất thế kỷ, lùi tiến độ hơn 10 lần, đội vốn hơn 40 ngàn tỷ và sau nhiều năm thi công cho tới nay vẫn chưa lăn bánh theo lời hứa của nhiều cán bộ cao cấp của ngành GTVT.

Không riêng gì công trình Cát Linh-Hà Đông những dự án lớn như Bauxite Tây Nguyên, Đường ống nước Sông Đà, Nhà máy Formosa hay nhiệt điện Vĩnh Tân Bình Thuận…tất cả đều nằm dưới bàn tay không chế của Trung Quốc và những công trình đầy tai hại này làm người dân thực sự lo âu khi dự án Đường cao tốc Bắc Nam chính thức được công khai trong lúc gần đây.

Mới đây Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã báo trước Quốc hội rằng: “Khi ký hiệp định với Trung quốc, chúng ta không có quyền chỉ định nhà thầu, nhà thầu là do Trung quốc chỉ định.” Đây là sự thật được phanh phui sau khi vụ tai tiếng Cát Linh-Hà Đông vở lở. Từ kinh nghiệm thực tiễn này người dân có quyền lo sợ cho một dự án có tầm cỡ quốc gia bị bộ GTVT thao túng để giao vào tay Trung Quốc như họ đã từng làm trong nhiều dự án trước đây. Phản ứng của người dân là có thật và có lẽ vì vậy ông Nguyễn Thiện Nhân trong vai trò Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đơn vị Thành phố HCM đã lên tiếng “bảo kê” cho dư luận về vai trò của quốc hội trước các công trình trọng điểm.

Người dân đọc báo và họ cười với nhau khi có một vấn đề hài hước xảy ra trong các cơ quan công quyền, đặc biệt là Quốc hội, nơi có những phát biểu đáng nhớ của nhiều vị đại diện cho nhân dân. Ngay cả bà Nguyễn Thị Kim Ngân với tư cách Chủ tịch Quốc hội cũng đã không ngần ngại cho rằng: “Không lẽ giờ “ông” Thanh tra Chính phủ lại đi kiện "ông" Bộ trưởng này, lãnh đạo kia về tài sản thì nghe không đúng truyền thống văn hoá Việt Nam lắm”.

Người dân liệu còn bao nhiêu niềm tin vào Quốc hội sau khi nghe bà Ngân phát biểu như vậy trước gần 500 đại biểu và liệu công trình Cao tốc Bắc Nam có được Quốc hội giám sát hay cũng phớt lờ khi nhân danh truyền thống văn hóa Việt Nam?

Không riêng gì bà Chủ tịch Quốc hội, bản thân ông Nguyễn Thiện Nhân cũng không ít lần “hứa” mà không làm, nhất là trong lúc ông đang ở đỉnh cao quyền lực hơn cả bây giờ, vừa là Phó Thủ tướng, vừa là Bộ trưởng Bộ giáo dục Đào tạo.

Vào ngày 17-11-2006, trong buổi gặp gỡ 13 nhà giáo nhân dân được phong tặng danh hiệu, và một số giáo sư ở khu vực phía Bắc đại diện 44 giáo sư mới được công nhận chức danh năm 2006, ông Nguyễn Thiện Nhân đã nói bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình.

Lời hứa ấy không bao giờ được thực hiện.

Chưa hết, hồi gần đây trong lúc lò lửa Thủ Thiêm lên tới đỉnh cao nhất, trong vai trò Bí thư Thành Ủy ông Nguyễn Thiện Nhân đã tới gặp gỡ những nạn nhân mất đất và cũng mạnh miệng hứa “Trong khi chờ đợi thì bố trí bà con chỗ tạm cư tốt hơn. Chúng tôi không gạt bà con đâu. Vào khu tạm cư mới thay khu tạm cư cũ không phải là chúng tôi bỏ mặc bà con".

Sau bao nhiêu tháng, hôm nay bà con Thủ Thiêm vẫn tiếp tục ngồi nghe chính quyền hứa và lần này không biết bà con có còn tin vào lời ông Nhân nữa hay không?

Vẫn biết lời hứa của một chính trị gia là cần thiết đối với dân chúng nhưng hứa như ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ làm cho dân mất thêm lòng tin của họ vào Quốc hội vốn dĩ không còn được bao nhiêu nữa. Quốc hội tỏ ra bất lực và hạn chế đến mức bà Kim Ngân phải nhìn nhận “khi Bộ chính trị đã quyết thì Quốc hội phải thông qua”, như một điều kiện, một “quy trình” hay đúng hơn một sự thật của cái cơ quan cao nhất nước này.

Cao tốc Bắc Nam chưa hình thành đã lộ ra quá nhiều dấu hiệu do bàn tay Bắc Kinh thao túng. Dù ông Nguyễn Thiện Nhân hay bà Kim Ngân có đứng ra bảo đảm chăng nữa nhưng khi Bộ chính trị đã ra nghị quyết thì những lời lẽ đanh thép của họ sẽ đổi chiều như một tay tài xế rành nghề trên đường cao tốc.


Mặc Lâm
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad