Liệu doanh nghiệp có thắng khi kiện chính quyền? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

Liệu doanh nghiệp có thắng khi kiện chính quyền?


Chiếc cân biểu tượng cho công lý.


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Trong năm vừa qua, một loạt các doanh nghiệp nộp đơn ra tòa khởi kiện Nhà nước do những chồng chéo trong các văn bản dẫn đến thiệt thòi cho doanh nghiệp. Vậy tỷ lệ thắng của các doanh nghiệp ra sao, và nếu thắng thì có được bồi thường thỏa đáng hay không?

Khởi kiện để bảo vệ cái chung

Thành phố Đà Nẵng - nơi được cho là ‘thành phố đáng sống’, một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương ở Việt Nam - hiện bị ba doanh nghiệp khởi kiện gồm: Công ty thép Dana - Ý, Công ty Vipico và Công ty Hòn Ngọc Á Châu.

Cụ thể, Công ty Vipico trúng đấu giá một lô đất tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng và được nơi này công nhận kết quả vào đầu tháng 7/2017.

Vipico nộp đầy đủ tiền trúng đấu giá và đóng tiền phạt chậm nộp, nhưng TP. Đà Nẵng chẳng những không giao đất để triển khai dự án mà còn hủy luôn kết quả đấu giá đất của công ty Vipico theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Trước quyết định này, công ty Vipico đã đưa vụ việc ra toà.

Còn công ty Hòn Ngọc Á Châu lại khởi kiện thành phố vì Đà Nẵng thu hồi đất của dự án khu du lịch ven biển của công ty này để làm quảng trường cây xanh, bãi tắm công cộng và đường xuống biển cho người dân. Trong khi đó, vào ngày 31/12/2007 UBND Đà Nẵng đã giao 17ha đất ven biển và cấp giấy chứng nhận cho đơn vị này.

Những vụ kiện như thế này thật ra giúp ích cho chính quyền địa phương rất nhiều trong việc họ phải biết “làm việc dựa trên luật pháp”.

- LS. Lê Công Định
Riêng công ty thép Dana - Ý khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại 400 tỉ đồng do UBND TP Đà Nẵng đưa ra các quyết định buộc công ty ngừng hoạt động sản xuất gây thiệt hại vô cùng lớn cho công ty.

Luật sư Lê Công Định, một chuyên gia về Luật thương mại quốc tế, từng là chuyên viên pháp lý Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận định rằng những vụ kiện như vậy vừa có lợi cho Nhà nước, vừa tác động rất lớn đến xã hội. Ông giải thích:

“Những vụ kiện như thế này thật ra giúp ích cho chính quyền địa phương rất nhiều trong việc họ phải biết “làm việc dựa trên luật pháp”.

Về mặt xã hội nó rất quan trọng vì nó cho thấy người dân và các tổ chức hoàn toàn có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình bằng một giải pháp văn minh và tôn trọng luật pháp, đó là khởi kiện, thay vì sử dụng những giải pháp mà đã trở thành thói quen của các doanh nghiệp Việt Nam từ trước tới nay, đó là tìm cách mua chuộc những quan chức để giải quyết ổn thỏa khi quyền lợi của mình bị xâm phạm.”


Những vụ kiện như vậy giúp cho người dân trong việc mạnh dạn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình bằng một công cụ pháp lý chứ không phải bằng một giải pháp bất hợp pháp.

Liệu có thắng kiện?

Có thể nhắc lại một vụ kiện nổi tiếng giữa doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam mà bên thắng kiện thuộc về doanh nghiệp, là vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, người đem hơn 3 triệu đô la Mỹ về Việt Nam làm ăn và đầu tư trong nước vào cuối năm 1987. Sau đó ông bị tịch thu tài sản và lãnh án 11 năm tù vào năm 1999. Ông đã bị tạm giữ 18 tháng và trong khi được tại ngoại, đã trốn thoát khỏi Việt Nam và ông đã khởi kiện chính phủ Việt Nam ra tòa án quốc tế.

Ngay sau phán quyết thắng kiện của Tòa Trọng tài Quốc tế ở Paris, Pháp hôm 10/4/2019, ông Bình nói với RFA rằng chính phủ Việt Nam cần phải cẩn thận. Không dễ gì tịch thu tài sản của người khác và ông không quên “nhắc nhở” chính phủ Việt Nam rằng, chắc chắn sẽ còn những vụ kiện khác nữa trong thời gian tới. Có thể thấy, kết quả vụ thắng kiện lần này của ông là án lệ cho các vụ kiện sau này tại Việt Nam đối với những người dân mất đất và tài sản khác.

Tuy nhiên, bà Trịnh, chủ một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm ở Sài Gòn cho biết quan điểm của bà là không bao giờ kiện chính phủ, bởi kiện chính phủ Việt Nam không bao giờ người dân … thắng. Bà nói:

“Làm sao thắng được mà kiện!

Người dân kiện doanh nghiệp còn không thắng thì làm sao mà doanh nghiệp hay người dân kiện Nhà nước mà thắng nổi. Nếu thắng cũng không được bồi thường vì tiền đâu mà họ trả lại. Họ ăn chia với nhau hết rồi. Làm ăn thì phải có bảo kê, phải biết đi đường vòng.”


Nói như vậy, liệu doanh nghiệp có nên khởi kiện Nhà nước hay không, và khả năng thắng kiện như thế nào?

Theo luật sư Lê Công Định thì khả năng doanh nghiệp thắng khi kiện chính quyền hoàn toàn có thể xảy ra bởi tòa án ở Việt Nam bây giờ cũng xác quyết dựa trên luật pháp chứ không chỉ nghe một chiều từ chính quyền địa phương – nơi bị kiện. Ông nói:

Người dân kiện doanh nghiệp còn không thắng thì làm sao mà doanh nghiệp hay người dân kiện Nhà nước mà thắng nổi. Nếu thắng cũng không được bồi thường vì tiền đâu mà họ trả lại. Họ ăn chia với nhau hết rồi.

- Chủ một doanh nghiệp
“Xét về mặt pháp lý thì doanh nghiệp có quyền kiện một khi chính quyền có những quyết định xâm phạm tới quyền lợi của họ. Nhiệm vụ của tòa là phải thụ lý những đơn đó. Khả năng doanh nghiệp thắng chính quyền địa phương là hoàn toàn có thể. Cho đến nay đã có rất nhiều vụ kiện như vậy xảy ra, không chỉ doanh nghiệp kiện chính quyền, mà nhiều người dân kiện chính quyền địa phương vì những quyết định hành chính sai lầm về nhà cửa, đất đai, di dời sinh sống của họ. Có những trường hợp thắng và chính quyền cũng đã phải bồi thường.”

Một trong những vụ người dân thắng kiện liên quan đến đất đai như Luật sư Lê Công Định viện dẫn, là vụ ông Nguyễn Tấn Trưng ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Năm 1998, ông Trưng đã khởi kiện UBND huyện này thu hồi 6,7 ha đất rừng mà ông đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Sau mười mấy năm theo đuổi vụ kiện, ngày 28/8/2017, TAND huyện Núi Thành tuyên buộc UBND huyện Núi Thành phải giao lại số đất rừng cho ông Trưng. UBND huyện kháng cáo, năm 2018 TAND tỉnh Quảng Nam xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm. Ông Trưng chia sẻ với báo chí trong nước rằng “gia đình ông kiện tụng mệt mỏi, thắng kiện là một niềm vui nhưng nó chưa thực sự trọn vẹn, chỉ mong huyện trả đất rừng để gia đình sản xuất”.

Quy định của luật pháp Việt Nam có những điều khoản buộc bên thua kiện phải thanh toán đầy đủ và đúng hạn cho bên thắng kiện. Nếu không thanh toán đúng thời hạn thì có thể bị buộc phải trả thêm tiền lãi và bồi thường thiệt hại.

Làm sao để tránh bị dân kiện?

Đa số những vụ người dân hay doanh nghiệp khởi kiện chính quyền đều do chính quyền căn cứ không “chuẩn” vào những quy định và ra những văn bản chồng chéo, thậm chí đã hết hiệu lực dẫn đến thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Văn Tân, giám đốc Công ty thép Dana - Ý nói với báo chí trong nước rằng việc kiện ra tòa là quá sức với doanh nghiệp nhưng nếu công ty không kiện thì cổ đông nước ngoài cũng kiện. Cứ lãnh đạo nhiệm kỳ này ký cho doanh nghiệp làm, nhiệm kỳ sau không cho, doanh nghiệp không tồn tại được. Khởi kiện là con đường công ty chúng tôi phải dũng cảm đứng lên để bảo vệ cái chung.

Lãnh đạo Vipico thì cho rằng cách xử lý của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng không thỏa đáng vì kết luận của Kiểm toán Nhà nước không đúng do dựa trên quy định đã hết hiệu lực khiến doanh nghiệp này rơi vào tình trạng thua lỗ, mất vốn, có nguy cơ phá sản.

Luật sư Lê Công Định nhận định những vụ kiện như thế là bài học cho một chính quyền không tôn trọng luật pháp:

“Họ muốn không bị kiện thì họ phải tuân thủ luật, phải làm đúng luật. Tất nhiên là tôi không thể tư vấn cho chính quyền để giúp họ tránh những vụ kiện được, bởi vì thường chính quyền ít bao giờ biết tôn trọng luật pháp, tôn trọng quyền lợi của doanh nghiệp.

Họ phải bị kiện để làm một bài học cho các cơ quan, chính quyền từ trung ương tới địa phương, để họ phải biết những rủi ro pháp lý mà họ có thể đối diện.”


Luật sư Định kết luận rằng với lối làm việc như hiện nay thì không chỉ có những vụ kiện của doanh nghiệp trong nước, mà những nhà đầu tư nước ngoài nếu bị chính quyền Việt Nam gây khó khăn, thiệt hại cho những dự án kinh doanh thì họ hoàn toàn có thể kiện chính phủ Việt Nam ra tòa trọng tài quốc tế.


Diễm Thi
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad