Đà Lạt ngập sâu trong biển nước: Dư luận nói gì? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

Đà Lạt ngập sâu trong biển nước: Dư luận nói gì?


Ngập lụt ở Lâm Đồng ngày 08/08/19


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Truyền thông trong nước loan tin nhiều người bị “sốc nặng” trước hình ảnh thành phố cao nguyên Đà Lạt bị chìm sâu trong biển nước sau cơn mưa lớn kéo dài suốt một ngày, từ khuya ngày 7 đến chiều ngày 8 tháng 8.

Phố núi “chìm” trong biển nước

Những hình ảnh phố núi Đà Lạt, với độ cao 1500 mét so với mặt nước biển, bị chìm ngập trong nước chỉ sau một cơn mưa lớn vào hôm 8 tháng 8 khiến không ít người bàng hoàng và hụt hẫng. Nhiều khách du lịch quyết định hủy các tour dự định đến Đà Lạt vào cuối tuần này.

Truyền thông quốc nội cho biết cơn mưa kéo dài khiến cho nước ở suối Cam Ly dâng cao, tràn vào các khu dân cư và đường xá, gây ngập đường giao thông và các xe ô tô đậu trên đường phố.

Tính đến chiều ngày 8 tháng 8, tỉnh Lâm Đồng có hàng trăm căn nhà bị ngập nước, hơn 1000 héc-ta cây trồng bị ảnh hưởng và không chỉ ở Đà Lạt mà một số vùng lân cận cũng bị tình trạng ngập nước và sạt lở đất nghiêm trọng như Đèo Con Ó khi 2.000 m3 đất đổ xuống đường hay ở huyện Lạc Dương lũ đã cô lập khu canh tác của người dân khiến lực lượng chức năng phải đu dây giải cứu hơn 40 người bị kẹt trong lũ. Sáng 9 tháng 8, tại khu vực Đèo Bảo Lộc tiếp tục xuất hiện nhiều điểm sạt lở với hàng ngàn mét khối đất đá ập xuống, chia cắt Quốc lộ 20, tuyến đường huyết mạch nối liền Sài Gòn và Đà Lạt.

Hậu quả được báo trước

Với các thông tin, hình ảnh đăng tải liên tiếp trong 3 ngày qua, trong lúc nhiều người không khỏi bàng hoàng, xót xa khi thấy thành phố cao nguyên Đà Lạt-địa điểm du lịch thơ mộng ngập trong biển nước, thì giới chuyên gia lại cho rằng - không có gì là ngạc nhiên. Ông Duy Black, một kiến trúc sư rất yêu mến thành phố Đà Lạt chia sẻ với RFA về các nguyên nhân mà ông khẳng định gây ra tình trạng ngập lụt và sạt lở ngày càng nhiều ở Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. Kiến trúc sư đưa ra 3 nguyên nhân:

Nông dân ở Đà Lạt làm loại nhà kính để trồng hoa với trồng rau. Họ làm còn nhiều hơn là nhà nữa bởi vì tất cả đất nông nghiệp từ trước đến giờ họ phủ lên trên bằng ny lon hết thì nước mưa đổ xuống là tuôn vào cống, chảy xuống mương và suối hết, rồi nó ào ạt đổ về các vùng thấp nên bị lụt ngay, không thể thoát được

-Cư dân Đà Lạt
“Trước giờ rừng bị chặt phá xảy ra vào khỏang mười mấy, hai chục năm nay. Đà Lạt gần như toàn bộ không còn rừng đầu nguồn nữa. Đó là thứ nhất. Thứ hai nữa là do phát triển nông nghiệp, tất cả các đồi đều làm nông nghiệp lồng kính nên không còn cái gì để giữ nước từ trên cao đổ về hết. Đây là nguyên nhân thứ hai. Thứ ba là về mặt đô thị, tất cả đều bị bê tông hóa hoàn toàn; toàn bộ khu trung tâm bị bê tông hóa rất nhiều nên hiện tại bây giờ hễ cứ mưa là ngập.”

Kiến trúc sư Duy Black nhấn mạnh tình trạng “hễ cứ mưa là ngập” ở Đà Lạt còn nghiêm trọng hơn khi lượng nước mưa đổ dồn về các vùng trũng bao quanh phố núi này.

Ông Đoàn, một cư dân ở Đà Lạt lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do rằng, theo ghi nhận của ông thì nguyên nhân chính là do phần đông đất nông nghiệp ở Đà Lạt được dùng vào việc sản xuất nông nghiệp theo mô hình lồng kính. Ông Đoàn nói:

“Nông dân ở Đà Lạt làm loại nhà kính để trồng hoa với trồng rau. Họ làm còn nhiều hơn là nhà nữa bởi vì tất cả đất nông nghiệp từ trước đến giờ họ phủ lên trên bằng ny lon hết thì nước mưa đổ xuống là tuôn vào cống, chảy xuống mương và suối hết, rồi nó ào ạt đổ về các vùng thấp nên bị lụt ngay, không thể thoát được.”

Một nông dân đang tưới rau ở Đà Lạt AFP
Ông Đoàn cho biết thêm, ông cũng thường xuyên theo dõi tin tức liên quan đến việc chính quyền địa phương đưa ra những phương án giải quyết tình trạng ngập úng sau mưa ở Đà Lạt, tuy nhiên có vẻ như chính quyền cũng bị “bó tay”, nan giải đối với lãnh vực làm nông nghiệp nhà kính của nông dân.

Thành phố Đà Lạt, hồi tháng 3 vừa qua, cũng gây xôn xao trong dư luận khi có thông báo về quy hoạch khu vực trung tâm Đà Lạt. Thông báo cho rằng rạp hát Hòa Bình sẽ được thay thế bằng 2 cụm kiến trúc cao từ 3 đến 5 tầng, bằng kính để làm khu phức hợp đa chức năng. Dinh tỉnh trưởng cũ sẽ là khu thương mại, dịch vụ cao cấp với cụm khách sạn cao 10 tầng ngay trên đỉnh núi.

Quy hoạch của thời Pháp là một thành phố nghỉ dưỡng để họ khống chế số lượng người lên Đà Lạt. Còn bây giờ cứ đất trống là xen cấy nhà cửa vô để đáp ứng lượng dân cư, do đó cái quy hoạch ban đầu của người Pháp ngày xưa bị phá vỡ

- KTS Đặng Phan Lạc Việt
Đài RFA ghi nhận ngay sau đó, gần 80 kiến trúc sư đã gửi bản kiến nghị tới cơ quan các cấp từ địa phương đến trung ương cho rằng việc ban hành quyết định quy hoạch này là chưa tường minh và chính quyền cần xem xét lại đồ án quy hoạch đó. Các vị kiến trúc sư đã đề nghị lãnh đạo tỉnh, thành phố xem xét lại ba quyết định trong đồ án bao gồm khu vực Dinh tỉnh trưởng, khu Hòa Bình và khu nhà phố quanh chợ Đà Lạt, bởi vì lo ngại sẽ gây ảnh hưởng lớn đến di sản của Đà Lạt.

Kiến trúc sư Đặng Phan Lạc Việt, người gốc Đà Lạt hiện sinh sống ở Sài Gòn trong một lần trao đổi với RFA đã chia sẻ rằng ông lấy làm tiếc khi quy hoạch thành phố Đà Lạt theo kiến trúc thời Pháp đã bị phá vỡ:

“Quy hoạch của thời Pháp là một thành phố nghỉ dưỡng để họ khống chế số lượng người lên Đà Lạt. Còn bây giờ cứ đất trống là xen cấy nhà cửa vô để đáp ứng lượng dân cư, do đó cái quy hoạch ban đầu của người Pháp ngày xưa bị phá vỡ.”

Không chỉ mỗi Kiến trúc sư Đặng Phan Lạc Việt, hay Kiến trúc sư Duy Black hoặc ông Đoàn và nhiều cư dân Đà Lạt mà Đài RFA tiếp xúc tỏ ra lo lắng cho thành phố sương mù ngàn thông nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn khắp toàn cầu rằng, liệu theo xu thế phát triển đô thị, hồn phố núi sẽ cùng chung số phận: phát triển phá vỡ quy hoạch, để rồi thành phố nên thơ ấy chỉ có các công trình bê tông hóa và sẽ lại ngập lụt khi mùa mưa về, như nhà văn Nguyễn Đình Bổn xót xa thốt lên rằng:

“Mơ thấy em về như lũ lụt
Hận lòng không hóa được Sơn Tinh
Mỵ Nương nay đã thành thiên cổ
Nước mắt chiêm bao ướt cửa mình!”

RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad