Việt Nam có mạnh lên nhờ ‘hợp tác quốc phòng’? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019

Việt Nam có mạnh lên nhờ ‘hợp tác quốc phòng’?


Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan tiếp Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 23/5/2019. Photo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Khó có thể nói chính quyền Việt Nam không làm gì trước sự đe dọa và lấn lướt Trung Quốc ở biển Đông. Hợp tác quốc phòng là một trong những chính sách lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này dường như có gì không ổn…

Asia Times (1-8-2019) cho biết, ngày 5-8-2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký thỏa thuận mới về quốc phòng, trong khuôn khổ Thỏa thuận khung hợp tác quốc phòng (thỏa thuận thứ tư mà EU ký với một quốc gia Đông Nam Á - sau Úc, New Zealand và Hàn Quốc). Tháng 4-2019, Jean-Christophe Belliard, Bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao EU, đến Hà Nội gặp Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh. Tháng 5, ông Vịnh sang Brussels họp, theo lời mời Claudio Graziano - Chủ tịch Ủy ban Quân sự EU. Cũng trong tháng 5-2019, cuộc họp đầu tiên trong khuôn khổ Thỏa thuận khung hợp tác và đối tác toàn diện EU-Việt Nam cũng được tổ chức…

Xét ở cấp độ song phương với các thành viên EU riêng lẻ, Việt Nam và Pháp cũng “nâng cấp” quan hệ quốc phòng. Hai nước ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng năm 2009 và bắt đầu chương trình Đối thoại chính sách quốc phòng cuối năm 2016. Cuộc họp cấp thứ trưởng về an ninh-quốc phòng giữa Việt Nam và Pháp đầu tiên đã được tổ chức vào tháng 9-2018, với kết quả hai bên lập ra các “sáng kiến quốc phòng song phương” đến năm 2028. Ngày 28-5-2019, khu trục hạm Pháp FS Forbin cập cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, Sài Gòn). Đây là “hoạt động thăm viếng” đầu tiên bằng hình thức này của Hải quân Pháp với Việt Nam.

Không quốc gia phương Tây nào mà Việt Nam xây dựng quan hệ quốc phòng mạnh bằng với Mỹ. Từ năm 2008, hai nước đã tiến hành các cuộc đối thoại quốc phòng-an ninh-chính trị hàng năm giữa hai Bộ Ngoại giao. Đến năm 2010, các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa cấp cao quân đội hai nước bắt đầu được thực hiện. Tính đến cột mốc ngày 16-12-2013, khi Ngoại trưởng John Kerry và đồng cấp Phạm Bình Minh ra thông cáo báo chí chung tại Hà Nội trong đó có có đoạn “Hôm nay tôi rất vui mừng loan bố khoản viện trợ Mỹ trị giá 32,5 triệu USD cho lực lượng cảnh sát biển các nước Đông Nam Á” (trong đó có 18 triệu USD cho Việt Nam), quan hệ quân sự Việt-Mỹ đã tiến một bước dài. Một tháng sau tuyên bố “Mỹ có lợi ích quốc gia về tự do hàng hải tại biển Đông” của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Hà Nội, ngày 10-8-2010, khu trục hạm USS John McCain đã xuất hiện tại Đà Nẵng. Hai ngày trước đó, một nhóm quan chức Việt Nam cũng được chở ra hàng không mẫu hạm USS George Washington…

Trước đó, quan hệ quân sự hai bên bắt đầu bằng những bước dò đường. Năm 2000, William Cohen trở thành bộ trưởng quốc phòng Mỹ đầu tiên đến Hà Nội. Năm 2003, tàu chiến Mỹ bắt đầu ghé thường niên các cảng Việt Nam. Tháng 12 cùng năm, tướng Phạm Văn Trà kinh lý Mỹ. Tháng 6-2006, Bộ trưởng Donald Rumsfeld đến Hà Nội. Năm 2007, Nội các Bush điều chỉnh Luật mua bán vũ khí quốc tế (ITAR) nhằm cho phép cấp “giấy phép việc xuất nhập khẩu các hạng mục quốc phòng không sát thương” theo từng trường hợp. Tháng 6-2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kinh lý Mỹ. Hai bên đồng ý tổ chức thường niên các cuộc đối thoại an ninh-chiến lược cấp thứ trưởng và trợ lý thứ trưởng. Cuộc đối thoại đầu tiên được tổ chức tại Washington vào tháng 10 cùng năm. Tháng 12-2009, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đi Mỹ. Tháng 6-2012, Bộ trưởng Leon Panetta qua Việt Nam…

Chuỗi sự kiện liên quan quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt sau đó có thể được tóm tắt bằng loạt ghé thăm của tàu chiến Mỹ và việc mở cửa quân cảng Cam Ranh cho tàu Mỹ vào sửa chữa bảo trì. Giới chức quân sự Việt Nam cũng nhiều lần được chở ra thăm các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ. Năm 2012, Việt Nam lần đầu tiên gửi quan sát viên tham dự cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương. Tháng 6-2013, tướng Đỗ Bá Tỵ đến Lầu năm góc (vài tuần trước chuyến ghé Nhà trắng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang). Tháng 10-2013, Việt-Mỹ tổ chức hai cuộc họp thường niên quan trọng về an ninh: Đối thoại quốc phòng-an ninh-chính trị lần thứ 6; và Đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ 4… Gần đây hơn, tháng 4-2019, Philip Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn-Thái Bình Dương của Mỹ, đã đến Việt Nam. Năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đến Việt Nam không chỉ một mà là hai lần (tháng 1 và tháng 10). Và trước khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng vào tháng 5-2018, tháng 10-2017, Nguyễn Chí Vịnh đã trở thành quan chức cao cấp nhất của Việt Nam đặt chân lên chiến hạm này (vài ngày sau khi Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Phạm Quang Vinh, tham quan hàng không mẫu hạm USS George H.W. Bush tại Norfolk, bang Virginia)…

Vấn đề cần chú ý không chỉ là những cuộc tiếp xúc, ký kết, trao đổi… liên quan hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với phương Tây. Trong thực tế, hầu hết các cuộc mở rộng hợp tác quốc phòng dường như vẫn giới hạn ở khuôn khổ đối ngoại hơn là “có thực chất”. Chúng truyền tải những thông điệp nhằm cho Bắc Kinh thấy Việt Nam luôn xoay chuyển ứng biến trước mối đe dọa Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Việt Nam ráo riết và tích cực trong việc “thắt chặt”, “nâng cấp” và “đi vào chiều sâu” trong các quan hệ quốc phòng với các nước dường như vẫn không đủ để làm Trung Quốc… “sợ”. Chính sách quốc phòng Việt Nam có lẽ không đạt hiệu quả đủ mạnh để Trung Quốc có thể “ngán”, đặc biệt khi Hà Nội vẫn chưa dám bước sang “lằn ranh” để đưa quan hệ Mỹ-Việt trở thành “đối tác chiến lược”.

Theo công thức đối ngoại Việt Nam, quan hệ ngoại giao được thiết lập theo các cấp độ: thấp nhất là “đối tác”, rồi “đối tác toàn diện”, “đối tác chiến lược”, và cao nhất là “đối tác chiến lược toàn diện”. Cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn đặt Mỹ ở cấp độ “đối tác toàn diện” (ký kết vào tháng 7-2013). Trong khi đó, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết “đối tác chiến lược” với 16 quốc gia (Nga-2001; Nhật-2006; Ấn Độ-2007; Trung Quốc-2008; Hàn Quốc và Tây Ban Nha-2009; Anh-2010; Đức-2011; Pháp, Indonesia, Ý, Singapore, Thái Lan-2013; Malaysia và Philippines-2015; Úc-2017).

Các quan hệ này đã được điều chỉnh theo thời gian. Năm 2009, quan hệ với Hàn Quốc được nâng lên “đối tác hợp tác chiến lược”; năm 2014, quan hệ với Nhật được nâng lên “đối tác chiến lược mở rộng”; năm 2012, quan hệ với Nga thành “đối tác chiến lược toàn diện” và tương tự với Ấn vào năm 2016. Với Trung Quốc, Hà Nội đã nâng lên đến cấp độ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, vào năm 2009. Như vậy, xét theo chính sách ngoại giao Hà Nội, Trung Quốc hiện là “đối tác” quan trọng nhất; trong khi Mỹ là “ít quan trọng nhất” (cùng chung “hạng” với Argentina, Brazil và Bồ Đào Nha!), thậm chí Mỹ còn kém hơn Myanmar, nước mà Hà Nội xếp vào nhóm “đối tác hợp tác toàn diện” hồi năm 2017.

Có gì khác nhau giữa “đối tác toàn diện” và “đối tác chiến lược”? Trả lời phỏng vấn báo Chính Phủ (14-12-2015), ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, giải thích: “Đối tác chiến lược có đặc điểm nổi bật là không chỉ có sự hiểu biết lẫn nhau sâu sắc, mà hai bên còn có lòng tin chính trị ở mức cao. Giữa hai nhà nước, giữa lãnh đạo cấp cao thường xuyên có trao đổi, thăm viếng lẫn nhau. Giữa hai nước hình thành nên các cơ chế hợp tác toàn diện, trong đó ưu tiên cho một số lĩnh vực hợp tác chiến lược… Còn đối tác toàn diện ở cấp độ thấp hơn một chút, chủ yếu nhấn mạnh khía cạnh hợp tác toàn diện, cùng có lợi. Nói tóm lại, đối tác chiến lược có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị và các cơ chế hợp tác cùng có lợi, trong khi đối tác toàn diện chủ yếu tập trung vào khía cạnh hợp tác cụ thể”.

Theo đó, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đặt trên cơ sở “có lòng tin chính trị ở mức cao”; trong khi Việt Nam với Mỹ là “hợp tác toàn diện, cùng có lợi”. Trong thực tế, ngôn ngữ dùng để “minh họa” cho quan hệ Việt-Trung mà giới ngoại giao-viên chức Việt Nam sử dụng luôn vượt khỏi khuôn khổ ngoại giao bình thường. Nó luôn được trang điểm bằng những từ vựng màu mè nhất có thể và nó đã là thứ sáo ngữ quen thuộc được dùng xuyên suốt từ thời Hồ Chí Minh-Mao Trạch Đông đến nay.

Tháng 5-2019, tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tiếp đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Báo Nhân Dân (27-5-2019) cho biết, hai bên đã “tập trung đánh giá kết quả triển khai Nghị định thư về hợp tác quốc phòng song phương năm 2003, Tuyên Bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2025 của Bộ Quốc phòng hai nước đã ký năm 2017… Nổi bật là, hoạt động tiếp xúc cấp cao và các chuyến thăm của lãnh đạo quân đội hai nước được thúc đẩy duy trì thường xuyên; một số cơ chế hợp tác được thiết lập, mở rộng về nội dung và hình thức như: Đối thoại Chiến lược quốc phòng, giao lưu sĩ quan trẻ, tuần tra liên hợp trên Vịnh Bắc Bộ, giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới, hợp tác công tác đảng, công tác chính trị, đào tạo; hợp tác giữa các quân khu giáp biên giới hai nước”…

Hai bên cũng “xác định”, rằng “năm 2019 là năm bản lề mang tính đột phá trong quan hệ hai quân đội hướng tới chào mừng 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2020. Trong đó, thống nhất, thời gian tới tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng trên các lĩnh vực: công tác đảng, công tác chính trị; hoàn thành các công trình nghiên cứu khoa học lịch sử, phim tài liệu; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quân y; hợp tác giữa các quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân, lực lượng bảo vệ biên giới, công nghiệp quốc phòng, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới Chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới và quan hệ giữa các quân khu, biên phòng, Hải quân, Không quân của Việt Nam với Chiến khu Miền Nam của Trung Quốc…”.

Chưa bao giờ có bất kỳ thỏa thuận hợp tác quốc phòng nào giữa Việt Nam với các nước lại “toàn diện” như những gì Việt Nam “cam kết” với Trung Quốc. Do đó, cho dù có tổ chức bao nhiêu cuộc gặp với giới chức quân sự phương Tây, cho dù đón bao nhiêu tàu chiến Mỹ, cho dù mua bao nhiêu vũ khí, Việt Nam vẫn không thể xây dựng được niềm tin với các “đối tác” và khiến cho Trung Quốc chùn tay. Việt Nam không thể vừa là đối thủ quân sự “đáng sợ” khi mà Việt Nam cùng lúc nằm chung “chiến hào” với chính “đồng chí” vốn to khỏe hơn gấp nhiều lần. Những thông điệp “hợp tác quốc phòng với EU” hay cái bắt tay với tướng lĩnh Mỹ dường như cũng chỉ là những tín hiệu để mặc cả giúp hạn chế bớt cái nút thắt của sợi thòng lọng Trung Quốc. Một khi Việt Nam còn chưa nhận ra vấn đề chủ quyền và tương lai dân tộc không phải nằm ở cái gọi là “lời nguyền địa lý” mà chính là “lời nguyền thể chế” thì mọi nỗ lực vận động đối ngoại và hợp tác quốc phòng cũng chỉ là những thông điệp có “hàm lượng” “răn đe” nhẹ đến mức không đủ để làm gợn nổi một ngọn sóng biển Đông.


Mạnh Kim
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad