Camera-công cụ giám sát tham nhũng hay bảo vệ quan chức? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

Camera-công cụ giám sát tham nhũng hay bảo vệ quan chức?


…vì chống tham nhũng dựa trên nền tảng xã hội mà nền tảng đó đủ để chống và ngăn tham nhũng phát sinh, phát triển. Chứ tham nhũng không phải từ chỗ có camera thì tôi không có tham nhũng, lắp camera ngăn chặn được hành vi tham nhũng, xin thưa không vì tham nhũng ở đây nó ở trong phòng kín, trong một không gian khác chứ không phải lắp ở đó là có thể chống được tham nhũng. Nó rất là buồn cười và trẻ con…

Hệ thống camera giám sát. (Ảnh minh họa)


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Theo thông tin của tỉnh Sóc Trăng, kinh phí gần 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống camera an ninh tại tư gia của 16 cán bộ trong Ban Thường vụ được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng cho Văn phòng tỉnh Ủy.

Tiền dùng không đúng chỗ

Thông tin từ Zing.vn đăng ngày 27/9, Đại tá Nguyễn Minh Ngọc, phó giám đốc công an tỉnh Sóc Trăng cho biết đã từng kiến nghị lắp camera tại trụ sở các cơ quan của Đảng, Nhà nước và cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy vì đây là mục tiêu bảo vệ của cơ quan công an. Nhưng xem ra, việc lắp đặt camera tại nhà các quan chức quan trọng hơn….!

Nhiều bạn đọc ngay khi biết thông tin này đã bình luận tại sao không dùng số tiền đó đầu tư vào những việc có ích khác như xây trường học, đường xá hoặc cầu đường giúp dân (bạn đọc Jennie Nguyễn) hoặc như bạn đọc khác cho rằng tại sao không lắp camera tại các cơ quan công quyền để phát hiện tham nhũng, cán bộ nhũng nhiễu khi tiếp dân như tỉnh Quảng Ngãi đã từng làm mà lại lắp cho cá nhân các quan chức lãnh đạo?

Kỹ sư Trần Bang từ Sài Gòn nhận định với RFA vào ngày 27/9 khi chúng tôi nêu vấn đề này với ông: “Tôi không rõ mục đích của họ theo dõi cái gì mà họ lấy ngân sách ra để họ theo dõi những người lãnh đạo như vậy thì tôi thấy lãng phí ngân sách của người dân. Dùng tiền của dân theo dõi cán bộ của Đảng như vậy là sai và tốn thuế của dân. Nếu tôi là các ông tỉnh ủy viên như vậy thì tôi cởi áo bỏ đảng về quê làm ruộng, coi sóc như thế chắc gì bình đẳng, ví dụ theo dõi 100 người, thiên vị 10 người còn 90 người còn lại mang ra tố cáo để 10 người này trúng cử thì sao nên chỉ có người dân, người ta mới phản ánh đúng tư cách của cán bộ.”

Ngoài ra, ông Bang còn cho hay với chi phí 1 tỷ đầu tư vào việc lắp đặt hệ thống như vậy thì phải trừ đi 50% chi phí để dành được đấu thầu này tức là việc lại quả, đút lót 50%, không bằng tiền thì cũng bằng cách này hay cách khác nhưng ông đảm bảo việc đi mua sắm công tại Việt Nam chắc chắn sẽ mất 50%.

Nhà báo Phạm Thành từ Hà Nội nhận định về vụ việc cho rằng các quan chức VN lo ngại việc một số người dân không đồng tình với cách lãnh đạo của họ sẽ tìm cách hành hung, ném gạch, ném chất bẩn… vào tư gia quan chức nhằm gây sức ép nên việc lắp đặt hệ thống giám sát để bảo vệ các quan chức này.

“Nếu đúng như thế thì thật ra phơi bày bộ mặt lãnh đạo, cho dân vì dân nhưng lại sợ bị trả thù của lớp cán bộ, vì cán bộ tử tế thì cần lắp camera để làm gì. Tất nhiên dùng tiền công lắp đặt như thế nhằm bảo vệ cá nhân tại tư gia thì nó không đúng vì không có luật nào quy định cả. Mấy ông là người có chức có quyền thì họ cứ lấy tiền ngân sách trang bị cho cá nhân mà thôi, chẳng có luật pháp gì các ông có chức có quyền thì làm thôi.”

Có thể giám sát tham nhũng?

Với quyết tâm giảm tham nhũng trong bộ máy công quyền, vào ngày 3/7/2019 chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng yêu cầu các cơ quan địa phương đưa ra giải pháp nhằm phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Trong đó, giải pháp lắp đặt hệ thống ghi âm, ghi hình trực tuyến tại các địa điểm có cán bộ, công chức, tiếp xúc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp được nhiều người đồng tình.

Vị Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi cho rằng “Hệ thống camera giám sát ngăn chặn tình trạng cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn vòi vĩnh, sách nhiễu trong thực thi công vụ. Tỉnh kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất” (trích từ zing.vn đăng 3/7/2019).

Vào tháng 5/2019 trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh Phú Yên cũng cho biết vừa lắp đặt 6 camera ghi lại tất cả bộ phận trong việc tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người dân. Mọi hình ảnh từ trung tâm sẽ được truyền trực tiếp về lãnh đạo trung tâm và lãnh đạo văn phòng UBND tỉnh. Ngoài ra, nhiều tỉnh thành khác cũng bắt đầu triển khai lắp đặt hệ thống giám sát tại các cơ quan công quyền nhằm kiểm soát cán bộ cũng như các hoạt động tại đây.

Cài đặt camera được lãnh đạo các địa phương đặt nhiều kỳ vọng nhằm giảm thiểu hoặc chí ít phát hiện tham nhũng đã bị Kỹ sư Trần Bang phản bác, ông cho rằng việc phòng ngừa cán bộ tham nhũng, tiêu cực không chỉ qua việc lắp đặt camera giám sát; điều đó chỉ phản ánh được một phần của sự vụ:

“Để quản lý cán bộ tốt thì trả lại quyền cho nhân dân lựa chọn cán bộ, lựa chọn người làm chính sách và làm chính sách công, cái gì dính đến công thì do người dân lựa chọn, vì người dân có trăm tay nghìn mắt chứ bây giờ đưa về trung tâm nào đó phân tích như bộ phận an ninh chẳng hạn, ban tuyên giáo hay ủy ban kiểm tra trung ương đảng thì nó vẫn là độc quyền. Bản thân người kiểm tra cho qua chuyện đó, thậm chí xóa những hình ảnh xấu đi, đút lót, hối lộ, hoặc thiếu tư cách chẳng hạn…thì người dân đâu được biết.”

Đứng ở góc độ khác phân tích, nhà báo Phạm Thành cho rằng, việc sử dụng ngân sách quốc gia để lắp đặt hệ thống camera nhằm chống tham nhũng, tiêu cực, là trò hề. Nhà báo giải thích:

“…vì chống tham nhũng dựa trên nền tảng xã hội mà nền tảng đó đủ để chống và ngăn tham nhũng phát sinh, phát triển. Chứ tham nhũng không phải từ chỗ có camera thì tôi không có tham nhũng, lắp camera ngăn chặn được hành vi tham nhũng, xin thưa không vì tham nhũng ở đây nó ở trong phòng kín, trong một không gian khác chứ không phải lắp ở đó là có thể chống được tham nhũng. Nó rất là buồn cười và trẻ con…”

Còn đối với Luật sư Nguyễn Văn Hậu phó chủ tịch Hội Luật gia thành phố HCM thì lại có cách nhìn nhận tích cực hơn, ông nói: “Có camera ghi hình tại trụ sở thì tôi thấy nó dễ làm rõ mọi chuyện hơn, cũng như có tác dụng cảnh báo ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật của cả hai phía. Việc lắp camera tại nơi tiếp dân ở các cơ quan công quyền thì đây là một chương trình cải cách hành chính mà nhiều nơi đã thực hiện lắp đặt. Nó thể hiện sự công khai minh bạch tức là qua hệ thống camera tôi có thể kiểm soát được hoạt động của cơ quan công quyền và chính vì điều đó để có thể kiểm soát được công việc.”

Đồng thời, luật sư Hậu còn nói:

“Lấy tiền từ ngân sách để làm những việc này còn hơn là để xảy ra những việc tiêu cực, tham nhũng mà mình không kiểm soát được, người dân thấy nó minh bạch hơn, tôi thấy nếu trích ra một ít ngân sách như vậy mà tiết kiệm được nhiều tiền hơn nữa và người dân giám sát dễ dàng hơn nữa.”


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad