Hong Kong: Điểm nóng địa chính trị? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

Hong Kong: Điểm nóng địa chính trị?


Carrie Lam lên TV thông báo chính thức rút dự luật dẫn độ, 4 tháng Chín, 2019.

Trước tưởng niệm 30 năm biến cố Thiên An Môn tháng Sáu vừa qua, có lẽ không mấy ai trên thế giới nghĩ rằng Hồng Kông sẽ trở thành điểm nóng địa chính trị không chỉ trong vùng mà còn thế giới. Cuộc đấu tranh của người dân Hồng Kông kéo dài ba tháng qua đã thay đổi quan niệm này.

Bài học lịch sử cho thấy các cuộc tranh chấp tại địa phương (local) có nguy cơ leo thang và lan rộng ngoài tầm quốc gia, có khi toàn cầu (global), như Thế Chiến I, chẳng hạn.

Đối với các diễn biến xảy ra tại Hồng Kông, nó có khả năng leo thang không lối thoát tại nơi này, và nếu Bắc Kinh đưa quân đội vào giải quyết, có khả năng leo thang toàn cầu.

Trên bình diện địa phương, đối với người dân Hồng Kông, đấu tranh chống Dự luật Dẫn độ chỉ là một phần lý do, đấu tranh chống bàn tay nối dài của Bắc Kinh, và đấu tranh để bảo vệ lối sống, quyền hạn và tự do của mình, mới là nguyên do chính. Những nhà đấu tranh đưa ra năm đòi hỏi: rút lại toàn bộ Dự luật Dẫn độ là một, điều tra việc cảnh sát dùng bạo lực với người biểu tình là hai, ân xá cho những người biểu tình đã bị bắt là ba, gỡ bỏ việc sử dụng từ bạo loạn dành cho người biểu tình là bốn, và quyền bầu cử phổ thông là năm. Tin mới nhất cho biết bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-ngor) sẽ đáp ứng yêu cầu của người dân Hồng Kông bằng cách chính thức công bố rút lại Dự luật Dẫn độ, nhưng điều này sẽ không thỏa mãn các nhà đấu tranh ở đây, và họ vẫn rất quyết tâm đấu tranh để bảo vệ các quyền căn bản và tự do mà đã được hưởng hơn 150 năm qua [1].

Nhưng những mục tiêu này hoàn toàn đối nghịch với những gì Bắc Kinh đại diện. Hơn nữa, nhượng bộ là mất mặt, không nằm trong văn hóa chính trị của họ, và không phải là phương cách của Tập Cận Bình, nhất là khi họ Tập muốn tiếp tục chứng minh ai mới là người có quyết định sau cùng trong chuyện nội bộ Trung Quốc. Và hơn nữa, Tập Cận Bình muốn tiếp tục giữ vững uy thế và duy trì sự hỗ trợ của phe diều hâu trong đảng và trong quân đội.

Trước tình huống này, có một số khả năng xảy ra, như sau.

Theo Michael Shoebridge, một chuyên gia về quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), thì Tập Cận Bình và Bộ Chính trị Bắc Kinh có ba lựa chọn [2]. Một, cách tốt nhất, nhưng ít có khả năng xảy ra nhất, là đi theo con đường mà các nền chính trị đại diện sẽ làm: tiếp cận người dân Hồng Kông, lắng nghe nguyện vọng của họ, và giải quyết nó. Nghe rất là lý tưởng và ngây thơ, nhưng đó là một sự lựa chọn cho Bắc Kinh để chứng minh sự trưởng thành của họ mà từ đó có thể dịch chuyển những cái nhìn tiêu cực của người dân trên khắp thế giới về họ. Shoebridge trình bày một số bước khá hay để thực hiện điều này. Hai, Tập sẽ tiếp tục không nhượng bộ điều gì cả đối với những than trách của người Hồng Kông và chờ đợi cho hết các cuộc biểu tình, miễn sao kiềm chế được các bạo động không leo thang thêm. Đây có thể là cách hữu lý cho đến kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngày 1 tháng 10 năm nay. Nhưng người dân Hồng Kông đã khai dụng tối đa cơ hội này để tăng cường ảnh hưởng, và như thế đẩy họ Tập càng vào thế nguy kịch [3]. Ba, khả năng có thể xảy ra nhất từ Bộ Chính trị ĐCSTQ là một giải pháp đơn giản: đàn áp và bạo lực. Các đảng viên cao cấp của ĐCSTQ nhìn diễn biến tại Hồng Kông qua lăng kính “cách mạng màu”, và nỗi sợ hãi từ sức mạnh người dân dẫn đến sự sụp đổ của họ là có thật. Như thế, tương lai cá nhân của họ, và tương lai của ĐCSTQ, đang bị thách thức và nguy hiểm. Chính vì lối suy nghĩ này nên Đặng Tiểu Bình đã quyết định dập tắt biến cố Thiên An Môn 30 năm về trước bằng mọi giá. Đứng trước các khả năng này, Shoebridge không khỏi ưu tư và đề nghị cộng đồng thế giới cần phải lên tiếng để ngăn ngừa một thảm họa trong tương lai gần.

Học giả Orville Schell viết “Thiên An Môn ở Hồng Kông” trên tạp chí Foreign Affairs cách đây hai tuần, phân tích chi tiết các sự kiện đưa đến biến cố Thiên An Môn cách đây 30 năm, so sánh với các diễn biến tại Hồng Kông, và trình bày các bài học mà người dân ở đây đã linh động áp dụng [4]. Mặc dầu Lãnh đạo Đa số ở nghị viện Hoa Kỳ Mitch McConnell cảnh báo Bắc Kinh rằng “Mọi sự đàn áp bằng bạo lực sẽ hoàn toàn không thể chấp nhận…” và “Thế giới đang quan sát”, nhưng Schell cho rằng cách đây 30 năm thế giới cũng quan sát, mà rồi hàng trăm nếu không phải hàng ngàn người cũng đã bị giết và bị thương. Do đó Schell cũng đi đến kết luận tương tự với Shoebridge rằng khi thiếu vắng các biện pháp để giải quyết sự đối đầu ngày một leo thang, trong một văn hóa chính trị của một hệ thống độc đảng theo mô hình Lenin không chấp nhận đối kháng vì như thế chỉ chứng tỏ mình yếu ớt, Schell cho rằng không dễ để hình dung nó sẽ kết thúc khác với Thiên An Môn ra sao.

Nếu Tập Cận Bình đưa quân đội vào dập tắt các cuộc biểu tình tại Hồng Kông, Hoa Kỳ và thế giới sẽ phản ứng ra sao? Nếu Hoa Kỳ không phản ứng thì chắc chắn không nước nào khác phản ứng, ngoại trừ bằng miệng. Nhưng nếu mong đợi Hoa Kỳ can thiệp bằng quân sự là điều không tưởng. Hoa Kỳ, dù có muốn, cũng sẽ không bảo vệ Hồng Kông bằng biện pháp bằng leo thang quân sự/chiến tranh. Tuy vẫn là mối quan tâm của nhiều người trong chính quyền và trong quốc hội Hoa Kỳ, nhân quyền không phải là mối quan tâm của ông Trump. Thật ra vấn đề tại Hồng Kông hiện nay chỉ gây thêm nhức đầu cho ông Trump [5]. Nhưng nếu đàn áp biểu tình tại Hồng Kông bằng bạo lực, nó có thể làm tốc độ chủ trương tách rời kinh tế của Hoa Kỳ khỏi Trung Quốc (economic decoupling) nhanh hơn, và cuộc Chiến tranh Lạnh II không thể tránh được [6].

Do dù không muốn can thiệp vào chuyện Hồng Kông, Tổng thống Trump, các lãnh đạo chính trị của Hoa Kỳ, và thế giới nói chung sẽ không thể làm ngơ. Điểm nóng địa chính trị này có thể là thử thách lớn nhất về chính sách đối ngoại của ông Trump cho tới nay. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì hiện có 85 ngàn công dân sống ở Hồng Kông, hơn 1.300 công ty hoạt động, với 300 công ty sử dụng Hồng Kông làm cơ sở hoạt động vùng tại đây [7]. Nghĩa là quyền lợi của Hoa Kỳ quá lớn để có thể làm ngơ. Hơn nữa, nếu Bắc Kinh sử dụng vũ lực để đàn áp và cưỡng bách đối kháng tại Hồng Kông thì nạn nhân kế tiếp sẽ là ai? Đài Loan? Bãi Tư Chính? Việt Nam? Toàn Biển Đông? Đây là một thử thách cho Hoa Kỳ và thế giới văn minh, nhưng cũng là cơ hội để cho Trung Quốc biết rõ lằn ranh họ không thể vượt qua.

Theo cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikkie Haley thì cuối cùng, nếu biểu tình vẫn tiếp tục, Bắc Kinh chỉ có hai chọn lựa: một, để người dân có được tự do, ít nhất là 28 năm nữa cho đến năm 2047; hai, đàn áp thẳng tay [8]. Với thành tích của Tập Cận Bình thì bà Haley cho rằng có lý do chính đáng để lo ngại điều xấu nhất. Bà Haley biện luận Trung Quốc có thể sẵn sàng nhượng bộ về thương mại để đánh đổi tín hiệu “đèn xanh” từ Hoa Kỳ để nghiền nát Hồng Kông, nhưng bật đèn xanh này là một sai lầm vô cùng nguy hiểm (có nguồn tin cho rằng ông Trump đã bật đèn xanh với ông Tập sẽ không can thiệp). Nạn nhân kế tiếp sẽ là Đài Loan. Và toàn vùng sẽ quan ngại nếu Hoa Kỳ không phản ứng mạnh mẽ. Cho nên bà Haley biện luận mặc dầu Hoa Kỳ không thể ngăn cản Trung Quốc dập tắt phong trào dân chủ Hồng Kông bằng bạo lực, điều quan yếu là phải bằng mọi giá áp đặt những cái giá phải trả đáng kể lên Trung Quốc, phải gửi thông điệp mạnh mẽ rằng nếu tấn công Hông Kông bằng vũ lực, tất cả mọi quan hệ như thường lệ với Trung Quốc (business as usual) phải chấm dứt. Và thế giới sẽ biết về bản chất họ thật sự ra sao. Nhưng trên hết, nếu tấn công bằng bạo lực, nó cho thấy sự khác biệt trời vực giữa các quốc gia tự do và độc tài vận hành như thế nào.

Nói chung, những người am tường bản chất Trung Quốc và hiểu biết lịch sử đều quan ngại một Thiên An Môn khác tại Hồng Kông nếu tình hình căng thẳng tại đây tiếp tục leo thang. Hoa Kỳ, Âu châu, các quốc gia có nền dân chủ cấp tiến, và lương tâm nhân loại nói chung, có thể bỏ rơi người dân Hồng Kông không trong hoàn cảnh Bắc Kinh đưa quân đội vào nghiền nát Hồng Kông không? Nếu Bắc Kinh đàn áp Hồng Kông như đã làm tại Thiên An Môn, thế giới văn minh phải làm mọi cách để bảo đảm rằng cái giá họ phải trả cho nó là rất đắc. Nhưng không thể để xảy ra rồi mới làm, mà toàn thế giới văn minh phải chủ động và mạnh mẽ gửi thông điệp rõ ràng rằng Bắc Kinh sẽ bị cô lập hoàn toàn, nếu hành xử như thế. Nếu không, văn minh nhân loại sẽ đứng bên bờ vực thẳm!

Phạm Phú Khải
Blog VOA
Tài liệu tham khảo:

1. Kirsty Needham, “Hong Kong leader prepares for major backdown”, The Age, 4 September 2019.

2. Michael Shoebridge, “Beijing is manufacturing the circumstances to justify brutal intervention in Hong Kong”, The Strategist, ASPI, 26 August 2019.

3. Michael Shoebridge, “How Hong Kong plays out will define both China and our world”, The Strategist, ASPI, 7 August 2019.

4. Orville Schell, “Tiananmen in Hong Kong”, Foreign Affairs, 19 August 2019.

5. Mối quan tâm hàng đầu của ông Trump hiện nay là thương chiến, là làm sao đạt được một thỏa thuận mà Trump có thể khoe khoan với người Mỹ về khả năng thương lượng và cao tay của Trump, và khi bầu cử tổng thống Hoa Kỳ chỉ trong vòng 14 tháng nữa. Không đạt được thỏa thuận này, kinh tế Hoa Kỳ có thể đứng vững một năm nữa, nhưng sự ảnh hưởng dây chuyền của nó trên toàn thế giới có nguy cơ gây trì trệ kinh tế toàn cầu, và theo các chuyên gia kinh tế thì suy thoái kinh tế rồi sẽ đến Hoa Kỳ, nếu không sớm hơn thì cũng không lâu hơn 2021. Xem Ana Swanson and Jeanna Smialek, “'China is doing very badly': Trump torpedoes new round of trade talks”, The Sydney Morning Herald, 31 July 2019; John Edwards, “US, China now have a three-week window to avert trade talks collapse”, The Interpreter, The Lowy Institute, 9 August 2019; và

6. Thomas Wright, “Trump’s foreign policy crisis arrives”, The Brooklings Institution, 16 August 2019.

7. BUREAU OF EAST ASIAN AND PACIFIC AFFAIRS, “2019 Hong Kong Policy Act Report”, US Department of State, 21 March 2019.

8. Nikkie Haley, “Chinese attack on Hong Kong would pose grave danger to America’s Asian allies”, Fox News, 29 August 2019.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad