Việt Nam xác nhận nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 Trung Quốc quay lại vùng đặc quyền kinh tế lần 3 - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2019

Việt Nam xác nhận nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 Trung Quốc quay lại vùng đặc quyền kinh tế lần 3


Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hẳng tại một cuộc họp báo. Hình minh họa.

Chiều ngày 12/9, bà Lê Thị Thu Hằng - Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng xác nhận đội tàu thăm dò dầu khí Hải Dương Địa Chất 08 của Trung Quốc quay lại xâm phạm vùng biển thuộc khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hôm 7/9/2019.

Đây là lần thứ 3 kể từ tháng 7 đội tàu này triển khai các hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng biển Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982.

"Việt Nam đã nêu quan điểm về ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động của nhóm tàu này với quan hệ hai nước, với hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động này và rút tàu.

Mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc Việt Nam, theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

UNCLOS đã xác định rõ phạm vi các vùng biển và là cơ sở pháp lý duy nhất để các nước xác định quyền của mình. Điều này đã được các bên ủng hộ," mạng báo Tuổi Trẻ dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 12/9.

Đội tàu Hải Dương 8 vào vùng biển của Việt Nam từ ngày 3/7 và sau đó đã rút về Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa hôm 7/8. Tuy nhiên tàu này đã quay lại vùng biển Việt Nam chưa đầy một tuần sau đó.

Hôm 4/9, tàu Hải Dương 8 lại rời vùng biển Việt Nam để về lại Đá Chữ Thập, nhưng những dữ liệu theo dõi tàu trên cho thấy tàu này đã quay lại vùng biển Việt Nam hôm 7/9.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các tàu của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển của nước này.

Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra. Đường đứt khúc này đi sâu vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng.

Tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này. Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của tòa.

RFA
***

Trọng Nghĩa | RFI

Phải chăng lần này Trung Quốc nhất quyết xâm chiếm khu vực gần Bãi Tư Chính ở Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam? Câu hỏi này đã được gợi lên vào lúc giới quan sát tình hình Bãi Tư Chính ghi nhận các dấu hiệu cho thấy hôm 07/09/2019, tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 ở trên đường quay trở lại khu vực. Đây là lần thứ ba, sau khi đã rời đi qua nghỉ vài ngày tại Đá Chữ Thập (Trường Sa) hôm 04/09.

Trong một tin nhắn Twitter gởi đi sáng ngày 07/09/2019, giáo sư Ryan Martinson, trường Hải Chiến Mỹ, người theo dõi sát tình hình tại Bãi Tư Chính, đã ghi nhận: “Sau khi dừng lại vài ngày tại Đá Chữ Thập, chiếc Hải Dương Địa Chất 8 có vẻ đã sẵn sàng để tiếp tục các hoạt động khảo sát tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.

Kèm theo tin nhắn là một sơ đồ cho thấy vị trí chiếc Hải Dương Địa Chất 8 lúc 01:47 giờ quốc tế UTC, đang rời Đá Chữ Thập, hướng về khu vực Bãi Tư Chính ở phía tây, với vận tốc 10 nút.

Một tin nhắn Twitter khác từ tài khoản South China Sea News cùng ngày xác định là tàu khảo sát Trung Quốc đang rời Đá Chữ Thập với tốc độ tối đa, cùng với một số tàu hộ tống. Chiếc tàu hải cảnh khổng lồ 3901 của Trung Quốc, chủ lực trong đoàn hộ tống đã bật lại tín hiệu AIS, cho thấy vị trí gần chiếc Hải Dương Địa Chất 8.

Trên hiện trường, giáo sư Martinson ghi nhận sự hiện diện tiếp tục của giàn khoan Hakuryu 5, ở phía tây Bãi Tư Chính. Lần đầu tiên sau nhiều tuần lễ, giàn khoan đang hoạt động cho Rosneft và Việt Nam này đã bật lại tín hiệu định vị AIS.

Dĩ nhiên các thông tin nói trên từ giới quan sát không hề được Việt Nam chính thức đề cập đến, làm dấy lên tranh luận về phản ứng của Việt Nam.

Một loạt tin nhắn từ tài khoản South China Sea News ngày hôm nay, 08/09/2019 nhận định: “Rõ ràng là căn cứ vào luật quốc tế, Trung Quốc đang nhẹ nhàng xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thế nhưng việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế lại không phải là một vấn đề luật pháp, mà là vấn đề quyết tâm chính trị của giới lãnh đạo và nhân dân Việt Nam. Liệu họ có sẵn sàng để bị Trung Quốc trừng phạt hay không ? Nếu muốn được quốc tế giúp đỡ, Việt Nam cần công khai cho biết diễn tiến trên hiện trường để cộng đồng quốc tế có thể biết rõ hơn về tính chất nghiêm trọng của tình hình”.

Một tin nhắn khác từ tài khoản IndoPacific_SCS_Info cho rằng việc thông báo về sự vụ là điều mà chính quyền Việt Nam nên làm, nhưng lại không làm vì sợ người dân sẽ xuống đường, với những hậu quả chính trị đáng lo ngại.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: Bộ Ngoại giao
Nhật Đăng | Tuổi Trẻ

Nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam lần thứ 3 từ ngày 7-9, Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận chiều 12-9 và yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức nhóm tàu này.

Liên quan tới việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 quay lại vi phạm chủ quyền Việt Nam, Bộ Ngoại giao ngày 12-9 khẳng định đã xác nhận và cho biết kiên quyết phản đối hành động phi pháp này của Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ tại họp báo thường kỳ chiều 12-9: “Theo các cơ quan chức năng của Việt Nam, nhóm tàu HD (PV - Hải Dương 08) tiếp tục vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.

Bà Thu Hằng cũng khẳng định Việt Nam kiên quyết phản đối hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc, đồng thời nêu quan điểm rõ ràng yêu cầu Trung Quốc lập tức rút nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 ra khỏi EEZ và thềm lục địa Việt Nam.

"Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình, được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Việt Nam cũng đã nêu quan điểm về những ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động vi phạm của nhóm tàu Hải Dương 8 đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hoà bình và an ninh, ổn định ở Biển Đông cũng như khu vực.

Vì những lý do đó, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng này và rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Khu vực mà nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của UNCLOS 1982.

Về hai lần xâm phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.

Đồng thời, các lực lượng chức năng của Việt Nam vẫn đang tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế.

Về phát ngôn gần đây của phía Trung Quốc liên quan đến hoạt động kinh tế của Việt Nam trên vùng biển của mình, Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí, đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam, được xác định từ lãnh thổ đất liền, theo đúng quy định của UNCLOS 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

UNCLOS 1982 xác định rõ phạm vi và là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình. Điều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tiễn xét xử cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật gia có uy tín quốc tế.

Do đó, không nước nào có thể đưa ra các yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá những giới hạn về mặt địa lý và nội dung được quy định trong UNCLOS 1982.

Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS 1982, không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn.

Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình như nêu trên là sự vi phạm luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Việt Nam cũng khẳng định lại lập trường của mình đối với vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.


Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad