Hội nghị kỳ bốn, khóa 19 của Cộng đảng Trung Quốc - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

Hội nghị kỳ bốn, khóa 19 của Cộng đảng Trung Quốc


Cờ của đảng Cộng sản Trung Quốc

Nhấp vào nút play (►) bên tay phải để nghe

Sau nhiều tháng chờ đợi, tuần này, Hội nghị Kỳ bốn của Ban Chấp hành Trung ương thuộc Khóa 19 được đảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập tại Bắc Kinh, từ ngày 28 đến 31 Tháng 10. Vì sao kỳ họp này lại quan trọng và đáng được lưu ý? Điễn đàn Kinh tế xin tìm hiểu và giải thích…

Tầm quan trọng của Hội nghị kỳ bốn

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, cuối cùng thì Hội nghị Kỳ 4 của đảng Cộng sản Trung Quốc đã được triệu tập vào tuần này tại Bắc Kinh. Xin ông trình bày cho bối cảnh và giải thích về tầm quan trọng của biến cố đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin khởi đi từ một sáng kiến của Lenin, gọi là “dân chủ tập trung” mà có khi nhiều người sống trong các xã hội tự do dân chủ ít hiểu.


- Trung Quốc có khoảng một tỷ 400 triệu dân dưới sự lãnh đạo duy nhất của đảng Cộng sản. Đảng này có chừng 90 triệu đảng viên, năm năm một lần, họ đề cử gần ba ngàn đại biểu về thủ đô Bắc Kinh dự Đại hội đảng. Nơi đây, các đại biểu bầu ra một Ban Chấp hành Trung ương gồm 205 Ủy viên và 171 người dự khuyết, mỗi lần họp như vậy thì gọi là một Khóa. Lần chót, vào cuối năm 2017, Đại hội đảng Khóa 19, gọi là “Thập cửu đại”, đã thành hình. Ban Chấp hành Khóa 19 đã bầu ra Bộ Chính trị gồm 25 Ủy viên, và Thường vụ Bộ Chính trị có bảy người thật sự lãnh đạo cả nước. Nhưng trên cùng thủ lãnh tối cao là Tổng bí thư đảng, ông kiêm nhiệm chức “quốc gia chủ tịch”, và nhiều trọng trách khác của nhà nước và quân đội. Thủ lãnh hiện nay là Tập Cận Bình.

Thứ nhất, đảng hứa hẹn thịnh vượng cho người dân thì sự thịnh vượng chưa có, mà Trung Quốc còn có thể rơi vào “bẫy sập của lợi tức trung bình”. Thứ hai, đảng cho người dân niềm tự hào thay thế cho sự thịnh vượng, là Trung Quốc nay là cường quốc quân sự được thế giới nể trọng như đã thấy trong lễ Quốc khánh vào đầu Tháng 10. Sau Quốc khánh thì họ rơi vào thực tế.

-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Lý luận “dân chủ tập trung” vẽ ra một cái tháp, trên đỉnh cao là người ngự trị, bên dưới lần lượt là bảy Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, 25 Ủy viên Bộ Chính trị, rồi Ban Chấp hành Trung ương có 205 người đại diện cho khoảng 2890 đại biểu là 90 triệu đảng viên đương nhiên thay mặt cho một tỷ 400 triệu dân.

- Về lý thuyết, điều lệ đảng quy định rằng cơ chế lãnh đạo tối cao giữa hai Khóa hay hai Đại hội là Ban Chấp hành Trung ương. Về thực tế thì cơ chế lãnh đạo tập trung vào Bộ Chính trị và Tổng bí thư. Nhưng thực tế cũng đề ra là Bộ Chính trị phải triệu tập Hội nghị ban Chấp hành Trung ương, chừng bảy lần cho mỗi khóa. Nếu ta nhớ về quá khứ, các Hội nghị ấy có tầm quan trọng của nó, như Hội nghị Kỳ 3 của Khóa 11 vào Tháng 12 năm 1978 đã phát động việc cải cách của Đặng Tiểu Bình vào năm sau, hay Hội nghị Kỳ 4 của Khoá 13 vào năm 1989 đã quyết định thanh trừng Tổng bí thư Triệu Tử Dương trong vụ Thiên An Môn.

Nguyên Lam: Thưa ông, lần này, Hội nghị Kỳ 4 của Khóa 19 có thể dẫn tới quyết định gì không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, xin hãy nói về tiến trình và thủ tục quyết định, sau đó mới là quyết định về cái gì.

- Khi tổ chức một Đại hội năm năm một lần thì Bộ Chính trị cũ đã tranh luận, vận động và thuyết phục nhau để chuẩn bị nghị trình và nhân sự sẽ lãnh đạo, ai đi ai ở, ai lên ai xuống và ai làm việc gì. Vì vậy, vừa được đề cử vào Trung ương đảng, Ban Chấp hành bèn lập tức họp Hội nghị Kỳ 1 để đề cử 25 Ủy viên Bộ Chính trị. Cơ chế này mới chọn bảy hay chín người vào Thường vụ Bộ Chính trị. Sau đó mới phân công trách nhiệm điều khiển các bộ phận then chốt trong Đảng, Nhà nước và Quân đội, được công bố sau Hội nghị Trung ương Kỳ 2 để Quốc hội chính thức thông báo cho quốc dân vào khoảng Tháng Ba đầu năm. Tất cả đều là một vở kịch, nhưng là kịch câm vì chẳng có âm thanh và thông tin cho tới cuối.

Nguyên Lam: Như ông vừa trình bày thì sau Đại hội đảng của một Khóa mới, họ có ngay hai Hội nghị Trung ương để, thứ nhất đề cử lãnh đạo đảng, thứ hai là Hội nghị Trung ương sẽ thông báo các quyết định của lãnh đạo cho Quốc hội. Có phải như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin hơi dài dòng về thủ tục trong phần bối cảnh. Ta nên nhớ tới cơ chế đảng, rồi nhà nước và quân đội, là một bộ phận bảo vệ đảng.

- Sau một Đại hội đảng thì Tổng bí thư đương nhiên kiêm nhiệm chức Chủ tịch và lãnh đạo 1) Quốc vụ viện do một Tổng lý cầm đầu, là Thủ tướng của Hội đồng Chính phủ, 2) cơ chế đại diện nhân dân là Quốc hội và 3) cơ chế tư vấn là Hội nghị Hiệp thương Chính trị gọi tắt là Chính Hiệp. Trong Quân đội là hai ủy ban trung ương có cùng tên và cùng cơ cấu nhân sự gọi là Trung ương Quân ủy hội, một bên là đảng, một bên là nhà nước, do Tổng bí thư cầm đầu, để đảng và nhà nước cùng lãnh đạo quân đội. Hệ thống đó được duy trì 10 năm, với vài thay đổi về nhân sự sau Đại hội 19 vào cuối năm 2017, cũng là Đại hội chuẩn bị cho việc chuyển quyền năm năm sau, tại Đại hội khóa 20 vào năm 2022.

- Kiểm lại thì sau một năm chuẩn bị Đại hội 18, cuối năm 2012, Đảng công bố thành phần lãnh đạo sau Hội nghị Kỳ 2 vào cuối Tháng Hai 2013 cho Quốc hội hợp thức hóa. Sau đó là tám tháng bàn thảo để Đảng công bố chủ trương đường lối cho thời gian tới sau Hội nghị Trung ương Kỳ 3. Hội nghị này được gọi tắt là "Tam trung hội" và quốc tế phiên dịch là Third Plenum hay Third Plenary Session.

- Trong tám tháng bàn thảo đó, mỗi lãnh tụ hay cơ chế lại phát biểu về đường lối để chuẩn bị dư luận và cũng để thuyết phục lẫn nhau hầu đưa ra chủ trương kinh tế thống nhất. Lần này, sau ba Hội nghị Trung ương của Đại hội Khóa 19, vào cuối năm 2017, vào Tháng Giêng năm 2018 và 28 Tháng Hai năm 2018, vì sao Tập Cận Bình lại trì hoãn Hội nghị Trung ương 4 cho tới 28 Tháng 10, 2019 mà lại chẳng thông báo gì về chủ trương kinh tế?

Những bất thường

Nguyên Lam: Đi từ thể thức quá khứ của đảng Cộng sản Trung Quốc, ông thấy rằng có gì hơi bất thường, nhất là về kinh tế. Nguyên Lam xin đề nghị ông chia sẻ cho thính giả của chúng ta những nhận xét của ông về sự bất thường đó.

Đồ họa ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc. AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu tạm tổng kết thì sau 30 năm lãnh đạo của Mao Trạch Đông nhờ cực quyền và gian trá với cao điểm là 10 năm hỗn loạn của Cách mạng Văn hoá cho đến khi Mao tạ thế vào Tháng Chín năm 1976, Đặng Tiểu Bình mất hai năm đảo chánh nội bộ trước khi giành lại quyền bính. Ông công bố chiến lược "cải cách và khai phóng" sau Hội nghị Kỳ Ba của Khoá 11 vào Tháng 12 năm 1978. Nhưng 10 năm sau thì việc cải cách lại gây động loạn xã hội ở dưới và phân hóa chính trị trên thượng tầng nên mới có vụ khủng hoảng và tàn sát tại Quảng trường Thiên An Môn vào Tháng Sáu năm 1989, cách nay đúng 30 năm. Ngày nay, cái bình mới là Tập Cận Bình đang gặp những bài toán tương tự.

Nguyên Lam: Thưa ông, những bài toán đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, Hội nghị Kỳ 3 của Khóa 18 đề ra chủ trương cải cách kinh tế theo quy luật thị trường mà chẳng tiến hành như dự tính và dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình còn đi vào tiến trình trái ngược, gọi là “quốc tiến, dân thoái”, quốc doanh thì được yểm trợ nâng đỡ chứ dân doanh hay tư doanh thì bị đảng đè nén và kiểm soát chặt chẽ. Về lý luận thì có gì đó khá bất thường.

- Về thực tế thì đà tăng trưởng kinh tế xứ này đã giảm mạnh, tới mức chưa từng thấy từ gần 30 năm qua, chính xác là 27 năm. Mà tăng trưởng chính thức là 6% là số liệu thống kê khó tin, chứ thực tế thì chỉ bằng phân nửa, chừng 3%. Và phân nửa đó là kết quả của các biện pháp kích thích kinh tế như bơm tiền và cho vay với lãi suất rẻ và thổi lên bong bóng đầu cơ với tệ nạn hủy hoại môi sinh và bất công xã hội. Tập Cận Bình không thể không biết thực trạng đó, nhưng bài toán của ông ta nằm ở chỗ khác.

Nguyên Lam: Theo như ông nghĩ thì bài toán đó nằm ở đâu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Năm 2007, khi Tập Cận Bình được chuẩn bị kế nhiệm thế hệ lãnh đạo thứ năm, sau các lãnh tụ là Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, thì chính Hồ Cẩm Đào đã nói về nền kinh tế “bốn không” của Trung Quốc: “không cân đối, không phối hợp, không công bằng và không bền vững”. Điều bất ngờ là nạn Tổng Suy Trầm năm 2008-2009 khiến Bắc Kinh ào ạt bơm tiền làm đà tăng trưởng vượt qua sản lượng của Nhật Bản vào năm 2010, và gây ảo giác, nhưng lại chất thêm vấn đề như Hồ Cẩm Đào đã thấy trước.

- Lên lãnh đạo sau Đại hội 18 từ cuối năm 2012, Tập Cận Bình muốn giải quyết mà không xong vì ưu tiên không là cải cách kinh tế cho tự do hơn mà là phối hợp để có sự “cân đối”. Họ Tập “phối hợp” bằng tập trung quyền lực qua việc diệt trừ tham nhũng để thanh lọc hàng ngũ đảng viên cao cấp và thanh trừng các đối thủ. Bài toán kinh tế vẫn nằm nguyên ở đó và dĩ nhiên trở thành trầm trọng hơn.

Ưu tiên chính trị

Nguyên Lam: Ông thấy ra hai bài toán của Tổng bí thư Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ đầu, từ 2012 tới 2017, là chính trị và kinh tế, mà ưu tiên lại là chính trị?

Kết luận của tôi là ta sẽ mất thêm thời gian thẩm xét khả năng thuyết phục của Tổng bí thư Tập Cận Bình, nhưng nếu nhìn về dài thì ta không quên rằng trong lịch sử, nhiều cường quốc đã dùng giải pháp quân sự khi chẳng đem lại cơm áo như đã hứa hẹn với người dân. Đây là một kết luận bi quan.

-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nên hiểu ra ưu tiên chính trị đó vì đấy là sự tồn vong của đảng. Vì vậy, qua nhiệm kỳ hai, sau Đại hội Khóa 19, Tập Cận Bình còn được tập trung quyền lực cao hơn và đề ra “Tư tưởng Tập Cận Bình”, sửa Điều lệ đảng và Hiến pháp để lãnh đạo hơn hai nhiệm kỳ, thành “Hoàng đế vĩnh viễn”. Nhưng sau hai năm lãnh đạo tuyệt đối ấy từ cuối năm 2017, thực tế kinh tế lại suy đồi hơn, nên khó có Hội nghị Kỳ 4 để Ban Chấp hành Trung ương cùng thảo luận về giải pháp kinh tế mà sẽ thảo luận về tương lai chính trị, về họ Tập.

- Chúng ta nên chú ý tới hai điều. Thứ nhất, đảng hứa hẹn thịnh vượng cho người dân thì sự thịnh vượng chưa có, mà Trung Quốc còn có thể rơi vào “bẫy sập của lợi tức trung bình” vì thu nhập bình quân một đầu người vẫn chỉ lanh quanh 10.000 đô la một năm so với bốn năm chục ngàn của các xứ tiên tiến, kể cả 43 ngàn của dân Hồng Công. Thứ hai, đảng cho người dân niềm tự hào thay thế cho sự thịnh vượng, là Trung Quốc nay là cường quốc quân sự được thế giới nể trọng như đã thấy trong lễ Quốc khánh vào đầu Tháng 10. Sau Quốc khánh thì họ rơi vào thực tế.

Nguyên Lam: Và thực tế đó là Hội nghị Trung ương Kỳ 4 đang được tiến hành. Theo như ông nghĩ, tình hình rồi sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta đang chứng kiến một vở kịch câm chưa hạ màn nên khó nói trước được. Tập Cận Bình trì hoãn Hội nghị Kỳ 4 tới 20 tháng có thể vì hơn 200 Ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương không theo ý kiến của ông như Bộ Chính trị. Qua mấy tháng vận động, ông cố thuyết phục Trung ương đảng về sự chọn lựa của mình khi nói về kỷ luật đảng, về cách xử trí với các đảng viên không tuân thủ kỷ luật hơn là về đường lối kinh tế cho quốc dân trong bối cảnh quốc tế mới. Một giả thuyết dễ dãi là ông sẽ đề nghị mở rộng thành phần Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị từ bảy lên chín người như trước đây, để có một người thân tín là Trần Mẫn Nhĩ, đang là Bí thư Trùng Khánh, nhưng chấp nhận thêm Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa, là người đã được chuẩn bị thay thế ông ta từ lâu.

- Kết luận của tôi là ta sẽ mất thêm thời gian thẩm xét khả năng thuyết phục của Tổng bí thư Tập Cận Bình, nhưng nếu nhìn về dài thì ta không quên rằng trong lịch sử, nhiều cường quốc đã dùng giải pháp quân sự khi chẳng đem lại cơm áo như đã hứa hẹn với người dân. Đây là một kết luận bi quan.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.


Nguyễn Xuân Nghĩa
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad