Ông Trọng, Bãi Tư Chính, Đại Hội Đảng và Nghị quyết “Cờ Mờ 4.0” - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Ông Trọng, Bãi Tư Chính, Đại Hội Đảng và Nghị quyết “Cờ Mờ 4.0”


“quốc nạn tham nhũng” do sự cấu kết, “đi đêm” của các quan chức lãnh đạo (từ Trung ương đến địa phương) với các “đại gia” - ông chủ các Tập đoàn kinh tế hay các doanh nghiệp - nhằm chia nhau các dự án béo bỡ, từ đó làm lũng đoạn nền kinh tế và làm băng hoại suy đồi đạo đức văn hóa, xã hội…



1. Đặt vấn đề

Truyền thống văn hóa ứng xử của người Việt vốn coi trọng người già, người có tuổi. Ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước năm nay đã 75 tuổi. Giữ gìn phép ứng xử của cha ông và cũng là nguyên tắc ứng xử của cá nhân, tôi lúc nào cũng kính trọng ông ấy trong tư cách một người lớn tuổi hơn mình. Ngoài ra, tuy rất ghét kiểu tư duy “nước đôi”, “ba phải” gió chiều nào theo chiều ấy của người Việt nhưng phải nói thật lòng, thời điểm ông Trọng không may có vấn đề về sức khỏe khi đi công tác ở Kiên Giang trước đây, tôi thấy ông ấy cần được cảm thông trong cái nghĩa “đồng bào”, “máu mủ, ruột rà” hơn là thể hiện sự hớn hở có phần hơi cực đoan của không ít người (đương nhiên tôi cũng rất hiểu những nguồn cơn sâu xa đưa đến sự hớn hở này). Đã rất nhiều lần tôi tự hỏi và tưởng tượng cảnh một ông già đầu tóc bạc trắng, mỗi ngày không biết có ăn nổi một chén cơm không mà phải gồng gánh nguyên cái “cơ đồ của dân tộc” trên vai? Đặc biệt là trong bối cảnh các đồng chí và cấp dưới của ông ấy cứ hở ra là tìm mọi cách để “ăn không từ một thứ gì của dân”. Còn thằng “bạn vàng” và “đồng chí bốn tốt” thì chẳng từ bất cứ thủ đoạn nham hiểm nào để gây áp lực nhằm biến biển Đông thành ao nhà của nó… Trong khi đó, đại bộ phận dân chúng thì gần như đang cạn kiệt mất niềm tin. Thế nên, tôi nghĩ với một núi công việc phải xử lý thì cho dù có là Thánh hay trong miệng lúc nào cũng có “miếng sâm Hàn Quốc” cũng phải “choáng” (huống hồ ông ấy chỉ là người trần mắt thịt và nhân sâm Hàn Quốc vốn cũng không phải thuốc tiên).

Tuy vậy, xét trong tư cách một công dân, với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tôi nghĩ, mình có đầy đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm phải bày tỏ thái độ và chính kiến của bản thân về những chủ trương quyết sách của ông ấy trong vấn đề xây dựng và phát triển đất nước. Ngoài ra, ông Trọng và các đồng chí của ông ấy là những đảng viên (theo như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh họ là “công bộc”, “đầy tớ của dân”) thì nhất định phải luôn luôn nếu cao tinh thần tự phê bình và cầu thị lắng nghe những lời phê bình từ phía nhân dân trong đó có tôi - những “ông chủ”, “bà chủ”… Quan trọng hơn, trong tư cách người đứng đầu và đang nắm trong tay “quyền lực tuyệt đối” (cả bên Đảng lẫn chính quyền Nhà nước) ông Trọng phải là người chịu trách nhiệm trước tiên về những chủ trương, quyết sách của mình và cấp dưới (cả trước đó, bây giờ và cả mai sau…).

Tôi phải sòng phẳng và rạch ròi ra như vậy tất cả không ngoài mục đích góp phần cụ thể hóa cái “tinh thần của một Nhà nước pháp quyền” cùng sự bình đẳng và thượng tôn pháp luật của mọi cá nhân trong đời sống xã hội mà ông Trọng và “Đảng ta” đã nhiều lần phát biểu. Quan trọng hơn cũng là để tránh mọi sự hiểu lầm nhất là những quy kết tùy tiện, vô căn cứ từ đội ngũ những người làm công tác bảo vệ Đảng đối với những cá nhân có quan điểm và tiếng nói khác bằng những từ ngữ và luận điệu quen thuộc như: “bọn phản động”, “thế lực thù địch”, “bôi nhọ”, “nói xấu Đảng”, “nói xấu lãnh đạo”…

2. Sự kiện Bãi Tư Chính: sự cầu thị nên được ghi nhận

Thời gian qua, đã có rất nhiều bài viết và lời bàn của các chuyên gia cũng như những nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước liên quan đến việc xử lý khủng hoảng ở Bãi Tư Chính hiện nay và việc quy hoạch cũng như triển khai dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Không phải bênh vực hay “lạc quan tếu”, nhưng đến thời điểm này, quan sát những gì đang xảy ra, tôi cho rằng, về cơ bản cách xử lý hai vấn đề này của ông Trọng và “Đảng ta” là “không đến nỗi nào”. Cơ sở để tôi đưa ra nhận định trên là:

Thứ nhất, việc xâm nhập, quấy rối, gây khủng hoảng ở Bãi Tư Chính của Việt Nam thời gian qua vốn nằm trong kế sách lâu dài của Trung Quốc nhằm từng bước thôn tính để biến toàn bộ biển Đông thành ao nhà. Điều này thì ai cũng biết. Ngoài ra, xưa nay Trung Quốc vốn nổi tiếng về những mưu mô chước quỷ trong đó phải kể đến trò “giương Đông, kích Tây”, nói một đằng làm một nẻo. Thế nên, sự việc ở Bãi Tư Chính cũng không loại trừ đây còn là kịch bản để chính quyền Tập Cận Bình gây áp lực cho Việt Nam cả về chính trị (ông Trọng phải chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng và sắp tới sẽ có chuyến sang thăm chính thức Huê Kỳ áp lực về chính trị - “bẫy ý thức hệ”) lẫn kinh tế (mặc cả và ra điều khoản để được giao thầu trong dự án cao tốc Bắc - Nam vì các nhà thầu trong nước vốn không đủ năng lực cả về kỹ thuật lẫn tài chính).

Thứ hai, những bất ổn về tình hình chính trị ở Hồng Kông đang lan truyền trên các phương tiện truyền thông và không gian mạng đương nhiên ông Trọng và các đồng chí của mình không thể không biết, không lo. Người Hồng Kông vốn có gốc gác từ Trung Hoa đại lục nhưng họ vẫn quyết liệt và sẵn sàng đương đầu với chính quyền Tập Cận Bình. Vậy nên, phải chuẩn bị tất cả các phương án trên tinh thần cảnh giác và phòng xa nhằm đối phó với hiệu ứng đám đông trong nước (với cảm hứng của nhà hoạt động trẻ Hoàng Chí Phong) là điều bức thiết không thể xao lãng và xem nhẹ - chắc chắn ông Trọng đã/phải chỉ đạo như vậy.

Cuối cùng, tổng hợp những dữ kiện trên, ông Trọng lâu nay với tư tưởng bằng mọi giá phải giữ chế độ, giữ sự ổn định về chính trị vì vậy, một mặt tránh xảy ra va chạm, đụng độ với Trung Quốc ở Bãi Tư Chính (không rơi vào bẫy khiêu khích của Trung Quốc) đồng thời có những bước đi tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế (dù trong ngôn ngữ ngoại giao vẫn còn khá rụt rè làm không ít người bực bội) theo tôi là “phù hợp” với hoàn cảnh hay chính xác hơn là sự yếm thế của Việt Nam hiện nay so với Trung Quốc. Ngoài ra, việc Bộ Giao thông Vận tải ngay lập tức ra quyết nghị không chọn nhà thầu “quốc tế” cho Dự án cao tốc Bắc - Nam (vì trước đó không lâu gần như ai cũng thấy các nhà thầu Trung Quốc gần như chiếm ưu thế rất lớn về mặt hồ sơ) cũng là một nước cờ rất kịp thời và khôn ngoan, (“nhất tiễn song điêu”) của “Đảng ta”. Một là, qua đó ngầm gửi “thông điệp” Việt Nam sẽ không nhân nhượng và thỏa hiệp với những đòi hỏi vô lý của Trung Quốc liên quan đến Bãi Tư Chính. Hai là, tạm thời xoa dịu dân chúng đặc biệt là tầng lớp nhân sĩ, trí thức trong nước vì lo ngại những ảnh hưởng từ sự khủng hoảng ở Hồng Kông trên mạng xã hội.

Tóm lại, với cách xử lý trên, đương nhiên với quan điểm cá nhân, tôi vẫn không tin có một sự “thoát Trung” thực sự của “Đảng ta” trong thời gian tới nhưng dù sao qua đây, ít nhiều cũng cho thấy có một sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn. Vậy nên, xâu chuỗi lại việc tạm dừng thông qua Luật về ba đặc khu kinh tế trước đó, tôi cho rằng rất nên ghi nhận sự cầu thị và lắng nghe này của ông Trọng và “Đảng ta” (dẫu biết rằng sự cầu thị ấy vẫn chủ yếu dựa trên nguyên tắc bảo vệ chế độ, vì sự nguyên vẹn của “Đảng ta” chứ không hẳn là vì quốc gia, dân tộc là trên hết).

3. Chuẩn bị cho Đại hội Đảng: “thế lực thù địch” “điên cuồng chống phá” hay là câu hỏi “Đảng ta có xấu” không?

Có một sự thật mà ai cũng thấy là đại bộ phận dân chúng đang ngày một mất niềm tin vào sự lãnh đạo của “Đảng ta” hiện nay. Về vấn đề này, từ lâu tôi vẫn nghĩ, hơn ai hết ông Trọng và các “đồng chí” của mình chắc chắn đã nhận ra hai nguyên nhân có tính cốt tử dưới đây:

Một, là sự lệ thuộc quá nhiều hay nói khác đi là bị rơi vào cái bẫy về “ý thức hệ” của Trung Quốc trong khi đó đường hướng xây dựng và phát triển đất nước lại dựa vào chủ thuyết Mác-Lênin vốn đã không còn phù hợp trong bối cảnh và thời đại hôm nay.

Hai, là “quốc nạn tham nhũng” do sự cấu kết, “đi đêm” của các quan chức lãnh đạo (từ Trung ương đến địa phương) với các “đại gia” - ông chủ các Tập đoàn kinh tế hay các doanh nghiệp - nhằm chia nhau các dự án béo bỡ, từ đó làm lũng đoạn nền kinh tế và làm băng hoại suy đồi đạo đức văn hóa, xã hội…

Tuy vậy, phản ứng lại với sự mất niềm tin này của dân chúng và cho dù đã thấy hết, biết hết nhưng vì sỉ diện và hơn hết là để duy trì sự lãnh đạo tuyệt đối của “Đảng ta” ông Trọng và các đồng chí của mình thời gian qua nhìn chung chỉ tìm mọi cách vá víu nhằm xoa dịu sự bất bình và mất niềm tin của dân chúng trong nhất thời mà thôi. Đáng nói hơn nữa, những giải pháp mà họ đưa ra không những vừa cải lương mà còn rất duy ý chí (như: thực hiện phê bình và tự phê bình trong Đảng, phát động phong trào học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, ban hành các quy định về “nêu gương đối với người đứng đầu” hay thảo luận để ra luật về “chống xu nịnh”)… Những cách làm này nghiêm túc mà nói không thể xem là những giải pháp khoa học và căn cơ để quản lý con người và xã hội. Đặc biệt, nó hoàn toàn mâu thuẫn với cái mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền nên cuối cùng chỉ gây thêm lãng phí về thời gian, tiền bạc, công sức nhưng không mang lại kết quả gì đáng kể.

Bên cạnh đó, như một một thói quen và quán tính đã ăn sâu vào máu từ thời đất còn chiến tranh, để bảo vệ uy tín và “sự tài tình sáng suốt” của mình thì việc lên án và đổ lỗi cho các “thế lực thù địch” “điên cuồng chống phá” cũng là một “giải pháp” rất thường xuyên được đội ngũ tuyên truyền của “Đảng ta” mang ra sử dụng.

Có một “luận điệu” mà đội ngũ tuyên truyền của Đảng ta thường sử dụng để đáp trả những người có quan điểm khác với mình là vu cho người khác tội “phản động” hay “nói xấu Đảng”, “nói xấu lãnh đạo”… Ở giác độ văn hóa, đây là sự thiếu trung thực, hay nói nôm na là “chơi không đẹp”; vì anh đã sai, đã gây ra lỗi lầm, làm cho quốc gia dân tộc điêu đứng, gây khủng hoảng và mất niềm tin trong dân chúng nhưng lại không chân thành thừa nhận lại còn bao biện, ngụy biện đổ hết mọi tội lỗi lên đầu người khác.

Một suy luận mang tính logic rất thông thường mà ai cũng biết là mấy mươi năm qua “Đảng ta” nắm quyền điều hành tuyệt đối đất nước nhưng đến hôm nay đất nước vẫn không thể hóa rồng, vẫn không thể sánh vai được với các cường quốc năm châu như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã vậy, bây giờ ông Trọng còn phải quyết liệt đưa “vào lò” những “đồng chí” của mình với câu nói nổi tiếng: “chống tham nhũng là ta đánh tự đánh ta”! Chỉ bấy nhiêu thôi cũng cho thấy những quy chụp, cáo buộc ai đó “nói xấu Đảng”, “nói xấu lãnh đạo”… là rất thiếu thuyết phục. Hay nói khác đi, lẽ ra trước khi kết tội cho người ta cái tội trên, “Đảng phải” phải dũng cảm và trung thực tự hỏi lại xem mình “có xấu” hay không?

Không phải nói đâu xa, trước khi bị bắt (vì nhận hối hộ hàng trăm, hàng triệu USD và sắp tới rất có thể bị khai trừ ra khỏi Đảng) không phải cả hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đều là những lãnh đạo cốt cán với phẩm chất đạo đức cách mạng sáng ngời đó sao? Cá nhân ông Nguyễn Bắc Son còn được Nhà nước trao tặng “Huân chương Độc lập hạng nhì”, còn ông Trương Minh Tuấn thì tự tay viết sách để tuyên truyền về “phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng trong cán bộ đảng viên”…

Nhưng ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn mới chỉ là hai trường hợp điển hình cho thấy Đảng ta “có xấu” nếu không muốn nói là “rất xấu” (ngoài ra phải kể đến những Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Trần Việt Tân, Bùi Xuân Thành, Nguyễn Văn Hiến, Phan Thị Mỹ Thanh, Nguyễn Xuân Anh, Vũ Huy Hoàng, Tất Thành Cang, Vũ Văn Ninh, sắp tới đây rất có thể sẽ thêm ông trùm đất Sài Gòn Lê Thanh Hải…).

Từ đây, có thể nói, muốn gây dựng lại niềm tin với người dân, trước hết ông Trọng và “Đảng ta” phải dũng cảm nhìn vào sự thật (về những “cái xấu” không thể chối cãi) này thay vì duy trì thói quen vừa giáo điều, bảo thủ vừa “cả vú lắp miệng em”. Đổ hết cho các “thế lực thù địch” là một “giải pháp” tuy rất dễ nói, dễ làm nhưng thật ra là rất nguy hiểm. Trước hết, “giải pháp’ này vô tình là tấm bình phong cho những kẻ cơ hội chính trị núp bóng, “ẩn mình” chờ thời cơ để dễ bề tiến thân trước mỗi lần Đại hội, bầu bán… Không những vậy, nhiều kẻ sau khi phạm phải những sai lầm cũng tiếp tục mang ra để bao biện, ngụy biện mong một sự nương tay, giảm nhẹ hình phạt.

Chuẩn bị cho Đại hội Đảng sắp tới, thay vì chú trọng vào việc lựa chọn để tìm ra những cá nhân ưu tú nhất đặc biệt là luôn đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên hết bằng một quy trình công khai, minh bạch để người dân giám sát thì “Đảng ta” chỉ chú trọng đến những cá nhân có phẩm chất đạo đức theo quan điểm của mình với một quy trình quen thuộc: âm thầm quy hoạch nhân sự trong vòng bí mật. Đã vậy, trong khi tuyên truyền chuẩn bị cho Đại hội còn tung ra những “đòn gió” rằng, “trước mỗi kỳ Đại hội các thế lực thù địch thường tăng cường chống phá để gây sự chia rẽ và mất đoàn kết nội bộ”. Trong khi đó ai cũng biết, mọi vấn đề thưa kiện (công khai hoặc bằng thư nặc danh) hay những cuộc đấu tố nhau bằng các chiêu trò truyền thông và trên không gian mạng… trước hết cũng từ nội bộ những người trong cuộc - những “đồng chí với nhau” mà ra…

4. Nghị quyết “cờ mờ 4.0”: vẫn là bệnh hoang tưởng và “kiêu ngạo cộng sản”?

Bài viết của tôi vốn ban đầu không có mục này nhưng trong khi hoàn thành thì được biết “ngày 27.9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Bộ Chính trị”[1] nên tôi thấy cần phải bổ sung thêm vài dòng trong sự buồn cười xen lẫn ngậm ngùi và thất vọng.

Có thể nói, sang năm 2020, một ban bệ nhân sự mới của Đảng chắc chắn sẽ được hình thành và ra mắt trước nhân dân trước hết là để thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tuy nhiên, như đã nói ở trên tất cả những cá nhân này cho đến giờ dân chúng vẫn chẳng ai biết danh tính và nhân dạng họ ra sao, “đã làm được gì cho đất nước” hay chưa? Chỉ biết rằng, tất cả họ đã được “Đảng ta” “lựa chọn rất kỹ lưỡng” với “quy trình rất chặt chẽ’…và hiện đang được “bồi dưỡng kiến thức”[2] tại Học viện Chính trị Quốc gia. Về lý thuyết, đây có thể xem là những cá nhân “ưu tú”, vượt trội nhất nếu so với 95 triệu dân còn lại của đất nước. Và chính họ chứ không phải ai khác sẽ đảm trách việc lèo lái con thuyền Việt Nam tiếp tục “đi lên” CNXH mà “Đảng ta” đã chọn. “Sống theo chỉ thị, làm theo Nghị quyết”, chắc chắn rồi đây “toàn Đảng, toàn dân và tàn quân ta” sẽ triển khai và quán triệt để “đưa” cái “Nghị quyết cơ mờ 4.0” này “vào cuộc sống”.

Từ đây, trong tư cách những cá nhân ưu tú nhất được lụa chọn, tôi muốn biết có bao nhiêu người trong số “184 cá nhân đã được quy hoạch cho Trung ương khóa mới”[3] có suy nghĩ gì và ai trong số họ đã tham mưu cho ông Trọng và “Đảng ta” ban hành cái Nghị quyết trên? Xin hỏi cái Nghị quyết này có phải là vấn đề cấp bách, bức thiết nhất nhằm xây dựng và phát triển đất nước, xã hội Việt Nam trong thời gian tới hay không? Hay trên thực tế nó là bằng chứng cho thấy chứng hoang tưởng và bệnh kiêu ngạo cộng sản của “Đảng ta” thật sự đã vô phương cứu chữa?

Một nền giáo dục bầy hầy, một nền văn hóa suy đồi và xuống cấp đến tận đáy. Trong khi đó “rừng vàng” thì đang bị tàn phá tan hoang bởi các nhóm lợi ích nấp dưới danh nghĩa khai thác du lịch sinh thái và tâm linh, còn “biển bạc” thì bị thằng “bạn vàng” suốt ngày hăm dọa để thôn tính. Dân chúng giờ đây về cơ bản, tài sản chỉ còn lại ruộng vườn, đất đai nhưng với chế định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” nên cũng đã và đang bị các “đại gia bất động sản” dùng mọi thủ đoạn để thâu tóm gây ra không biết bao nhiêu nỗi tang thương… Đây chỉ là một trong những vấn đề bức thiết trước mắt mà ai cũng nhìn thấy. Còn về tương lai thì theo các chuyên gia, dưới sự tác động của “biến đổi khí hậu” toàn cầu rồi đây cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long - cái xương sống về kinh tế nông nghiệp của cả nước - sẽ bị nhấn chìm trong tương lai không xa. Tất cả những khó khăn và trở ngại này lẽ ra rất cần một sự quyết liệt trong nhận thức và hành động để từng bước khắc phục và thay đổi một cách căn cơ và hiệu quả nhất thì phớt lờ bỏ qua, lại đi chú tâm vào vấn đề mà thế giới chẳng mấy ai đặt nặng và nói nhiều như mình.[4]

5. Thay Lời Kết

“Quy hoạch nhân sự”, “quy hoạch con người” tự thân cách nghĩ và khái niệm này vốn đã đi ngược hay nói chính xác hơn là vi phạm nguyên tắc lựa chọn, sàng lọc của tự nhiên và xã hội. Không những vậy sự quy hoạch ấy chỉ do một nhóm người quyết định trong vòng bí mật càng cho thấy một sự chủ quan và duy ý chí hơn nữa. Thực tế đã chứng minh, một ông Thủ tướng (trước đây cũng được bí mật quy hoạch và lựa chọn với quy trình tương tự) nhưng hết lần này đến lần khác, đến đâu cũng lấy cái “công thức”: “địa phương A, B, C phải là như thế nọ, thế kia của cả vùng, cả nước…” ra nói trong sự mơ hồ, mụ mị không sao tưởng tượng được[5]. Ngoài ra, thì còn không biết bao nhiêu kẻ khác đã bị phế truất cũng như chuẩn bị “đưa vào lò”. Thực tế đã chứng minh rất rõ ràng như vậy thì thử hỏi cơ sở nào để đảm bảo và hứa hẹn những cá nhân vừa được bí mật quy hoạch (với cùng một quy trình trước đó) hôm nay sẽ đảm đương tốt trọng trách dẫn dắt quốc gia dân tộc trong tương lai? Hay ít nhất là không rơi vào những “vết xe đổ” năm xưa?

Xây dựng niềm tin với dân chúng đã khó, giữ vững niềm tin ấy càng khó hơn huống hồ là đã mất sạch niềm tin và giờ phải gây dựng lại nhưng vẫn cố chấp không chịu thay đổi cách nghĩ, cách làm; không những vậy khi xảy ra sự cố, những sai lầm còn “cả vú lấp miệng em” hoặc “đánh bùn sang ao” thì chẳng khác gì đang tự biến mình thành trò hề bởi dân chúng hiện nay đã không còn ngờ nghệch như xưa.

Tôi sẽ vẫn luôn cảm thông và kính trọng ông Trọng trong tư cách một người đáng tuổi cha chú mình nhưng chắc chắn tôi sẽ không bao giờ quên những chủ trương quyết sách sai lầm của ông ấy trong tư cách người đã và đang nắm quyền lực tuyệt đối ở Việt Nam, có ảnh hưởng và chi phối toàn bộ đời sống của 95 triệu người Việt. Và tôi tin chắc, trong tương lai lịch sử cũng sẽ “phán xét” công bằng mọi vấn đề mà ông ấy đồng chí của mình đã gây ra cho quốc gia dân tộc hôm nay.

CT, 02/10/2019

© Quách Hạo Nhiên
Nguồn tham khảo

[1] “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành nghị quyết về Cách mạng 4.0” . https://thanhnien.vn/thoi-su/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-ky-ban-hanh-nghi-quyet-ve-cach-mang-40-1131475.html
[2] “Bồi dưỡng kiến thức cho 95 cán bộ cấp chiến lược”. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/boi-duong-kien-thuc-cho-95-can-bo-quy-hoach-cap-chien-luoc-khoa-13-556426.html
[3] “Bộ Chính trị đã phê duyệt 184 nhân sự quy hoạch BCH Trung ương khóa XIII”. http://kinhtedothi.vn/bo-chinh-tri-da-phe-duyet-184-nhan-su-quy-hoach-bch-tu-khoa-xiii-346872.html
[4] “Ảo ảnh “bốn chấm không”. https://vnexpress.net/goc-nhin/ao-anh-bon-cham-khong-3823923.html
[5] “Thủ tướng muốn mỗi khác du lịch đến Lạng Sơn mua 1 con vit quay mang về” https://dantri.com.vn/kinh-doanh/thu-tuong-muon-moi-khach-du-lich-den-lang-son-mua-1-con-vit-quay-mang-ve-20190930144056441.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad