Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Việt Nam Quốc dân đảng - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019

Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Việt Nam Quốc dân đảng



Việt Nam Quốc Dân đảng và người lãnh đạo Nguyễn Thái Học

Cách đây đúng 89 năm, ngày 9 tháng 2, 1930 cuộc khởi nghĩa Yên Báy đã nổ ra, đánh dấu một bước ngoặc lớn trong lịch sử Việt Nam. Tuy cuộc khởi nghĩa thất bại và những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa này, Nguyễn Thái Học và những đồng chí của ông trong Việt Nam Quốc Dân đảng đã bị thực dân Pháp giết, nhưng tên tuổi của họ đã đi sâu vào linh hồn dân tộc.

Ngay đến những người cộng sản, những kẻ thù gay gắt nhất của Việt Nam Quốc Dân đảng sau này cũng không dám phủ nhận công lao của những anh hùng Yên Báy. Để tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa này, BTV Nguyễn Khanh của ban Việt ngữ đã liên lạc với Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng để phỏng vấn ông.

Loạt bài này sẽ gồm có ba phần, phần thứ nhất về nguyên ủy và sự hình thành của Việt Nam Quốc Dân đảng. Phần thứ hai nói đến những nguyên nhân gần dẫn đến cuộc khởi nghĩa và phần thứ ba nói về diễn biến cuộc khởi nghĩa và kết quả của nó. Sáng nay, mời quý vị theo dõi phần thứ nhất, bối cảnh và nguyên nhân thành lập Việt Nam Quốc Dân đảng.

Từ Nam Đồng Thư Xã đến Việt Nam Quốc Dân đảng

Trong những năm giữa của thập niên 1920, tại Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội, có rất nhiều nhóm nhỏ, phần lớn là thanh niên Tây học muốn làm “một cái gì cho đất nước”. Một trong những nhóm này là Nam Đồng Thư Xã.

Nam Đồng thư xã được thành lập vào cuối năm 1925 bởi một nhóm trí thức phần lớn là giáo viên trong đó ba người quan trọng nhất là Phạm Tuấn Lâm, bào huynh của ông là Phạm Tuấn Tài và Hoàng Phạm Trân (tức Nhượng Tống).

Nam Đồng thư xã được thành lập với một mục tiêu kép, vừa chính trị vừa thương mại. Việc thành lập nhà xuất bản này, cùng với việc tổ chức những chi nhánh tại khắp nơi (chi nhánh tại Sài Gòn là Cường Học thư xã do Trần Huy Liệu quản lý) đã cho những người tổ chức những phương tiện tài chánh cần thiết để tài trợ cho các hoạt động chính trị, cụ thể là việc viết và phổ biến những tài liệu chính trị nhằm giúp đại đa số người Việt quen thuộc với những tư tưỏng ái quốc mới.

Phạm Tuấn Tài, biệt hiệu Mộng Tiên là giáo viên trường tiểu học Yên Thành, Hà Nội chuyên viết những bài về cuộc cách mạng Tân Hợi tại Trung Quốc. Bào đệ của ông, Phạm Tuấn Lâm, bút hiệu Dật Công, là một nhà báo viết cho tờ Thực Nghiệp Dân Báo và dịch nhiều cuốn sách của Trung Quốc viết về Tôn Dật Tiên.

Nhượng Tống cũng là một nhà báo viết cho tờ Thực Nghiệp là đồng dịch giả với Lâm trong cuốn Tiểu Sử và Học Thuyết Tôn Dật Tiên cũng như là tác giả cuốn Chủ nghĩa Quốc gia trong khi Trần Huy Liệu dịch cuốn Tiểu sử và Ý thức hệ Tưởng Giới Thạch. Ngoài những sách và tài liệu dịch từ tiếng Hoa, các người lãnh đạo nhóm Nam Đồng còn dịch thêm những tác giả Pháp như Contrat Social của Rousseau và L’Esprit des Lois của Montesquieu.

Những cuốn sách này được bán với giá bình dân nên đã gây được một tiếng vang không nhỏ trong giới thanh niên trí thức khiến họ thường lui tới. Trong số những thanh niên trí thức này, có Nguyễn Thái Học, học sinh trường Cao Đẳng Thương Mại; Phó Đức Chính, học sinh trường Cao Đẳng Công Chánh, Hồ văn Mịch, học sinh trường Cao Đẳng Sư Phạm. Họ thường gặp nhau để thảo luận những vấn đề chính trị trong cũng như ngoài nước.

Nguyễn Thái Học lúc đó đã được sở Mật Thám Pháp biết đến tên. Năm 1925, ông đã gởi cho toàn quyền Đông Dương Varenne hai bức thư đề nghị cải cách nền công thương Việt Nam và yêu cầu thành lập một trường Cao Đẳng Công Nghệ tại Hà Nội. Ông cũng yêu cầu chính quyền thuộc địa cho phép được tự do thành lập những thư viện bình dân tại tất cả các làng xã và các tỉnh thành.

Trong một dịp khác ông đưa ra một dự án giúp đỡ dân nghèo có một đời sống dễ chịu hơn. Tất cả những đề nghị này không được trả lời. Tháng 6 năm 1927, Nguyễn Thái Học lại gởi đơn đến thống sứ Bắc Kỳ xin phép xuất bản một nguyệt san lấy tên là Nam Thanh với mục đích phổ biến nâng cao trình độ trí thức cho đồng bào, khuyến khích họ bỏ lối học hư danh mà chú trọng về nông, công, thương nghiệp. Đơn xin này cũng bị từ chối.

Qua những điều đề nghị của Nguyễn Thái Học, ta có thể thấy ông chủ trương một con đường tiến tới độc lập qua những biện pháp ôn hòa dựa trên sự phát triển kinh tế với việc thành lập những cơ sở công thương nghiệp và sự xuất hiện của một giai cấp trung lưu. Nhưng chán nản trước những ngăn chặn của chính quyền Pháp và chịu ảnh hưởng bởi phong trào cách mạng bạo động gia tăng vào những năm cuối của thập niên 1920, Nguyễn Thái Học và những đồng chí của ông càng ngày càng ngả theo khuynh hướng bạo động.

Nhưng không phải tất cả những người trong nhóm đều ngả theo con đường đó. Trong số những người chống lại việc chuyển sang bạo động có Nhượng Tống. Ong chủ trương cần phải làm một cuộc cách mạng ôn hòa như Gandhi tại Ấn Độ. Nhưng Nguyễn Thái Học đã bác bỏ luận điệu này, nói rằng kinh nghiệm của Đông Kinh Nghĩa thục cho thấy rằng một đảng mà không dùng đến võ lực thì sẽ bị bọn Pháp võ trang đến tận răng đè bẹp.

Cuối tháng 10 năm 1927, Nguyễn Thái Học đưa ra ý định thành lập một đảng cách mạng bí mật dùng vũ lực lật đổ chế độ thực dân phong kiến thành lập chính thể Cộng hòa mang lại độc lập, tư do cho tổ quốc. Đề nghị này được mọi người trong nhóm Nam Đồng thư xã tán thành. Và họ thành lập chi bộ đầu tiên gọi là “chi bộ Nam Đồng thư xã” với Nguyễn Thái Học làm chi bộ trưởng.

Mọi người sau đó phân chia nhau đi các nơi liên lạc với những nhóm cách mạng lẻ tẻ tại các tỉnh như nhóm Nguyễn Thế Nghiệp ở Bắc Ninh, Hoàng văn Đào ở Thanh Hóa, Nguyễn Khắc Nhu ở Phủ Lạng Thương vv.. Những nhóm này tự động họp thành những chi bộ tại các tỉnh. Trong vòng một tháng, thành lập được tất cả 18 chi bộ tại Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ.

Ngày 25 tháng 12 năm 1927, Nguyễn Thái Học triệu tập một buổi họp trong đó Nam Đồng thư xã sáp nhập với một số những nhóm cách mạng địa phương và thành lập Việt Nam Quốc Dân đảng. Nguyễn Thái Học được bầu làm đảng trưởng với một nhiệm kỳ 6 tháng. Dựa trên tam dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên, đại hội thành lập của Việt Nam Quốc Dân đảng cũng đưa ra một chương trình hành động cách mạng tổng quát phân làm hai giai đoạn, “phá hoại” và “kiến thiết” và lập kế hoạch thành lập một “quân đội cách mạng Việt Nam”.

Giai đoạn “phá hoại” được chia làm ba thời kỳ, thời kỳ phôi thai (xây dựng đảng và thu nạp đảng viên) hoạt động hoàn toàn bí mật; thời kỳ dự bị (phát triển tuyên truyền, tổ chức quần chúng) hoạt động bán công khai và thời kỳ hành động (dùng võ lực nổi dậy). Giai đoạn “kiến thiết” cũng bao gồm ba thời kỳ: thời kỳ quân chính (chính quyền quân sự cách mạng); thời kỳ huấn chính (đảng cai trị và dạy cho dân chúng trách nhiệm và quyền hạn của chính thể dân chủ) và giai đoạn hiến chính (phổ thông đầu phiếu, xây dựng hiến pháp và trả chính quyền lại cho toàn dân)

Chương trình hành động của Việt Nam Quốc Dân đảng cũng giống như chương trình của những nhóm tương tự khác cùng thời như Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh đồng chí hội ở việc phối hợp một chương trình thay đổi xã hội mơ hồ với việc tranh đấu giải phóng dân tộc. Trên phương diện tổ chức, Việt Nam Quốc Dân đảng rất giống với cơ cấu của Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh đồng chí hội . Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì vào lúc này, cơ cấu tổ chức của Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh đồng chí hội đã có ảnh hưởng sâu đậm đến các tổ chức cách mạng trong nước.

Đảng cũng tổ chức kinh tài bằng cách mở một khách sạn vừa để gây quỹ vừa để làm nơi hội họp. Nhờ sự giúp đỡ của một số nhà giầu có, Việt Nam Quốc Dân đảng đã có thể tổ chức tuyên truyền trong số những công chức trẻ và nhất là trong giới học sinh và giáo viên. Theo gương Quốc Dân đảng Trung Hoa, Việt Nam quốc dân đảng cũng có một chi hội phụ nữ, trong đó vợ hoặc người yêu của những đảng viên có thể tham gia.

Cơ cấu Tổ chức VNQDĐ và thành phần đảng viên

Điều làm cho Việt Nam Quốc Dân đảng đặc biệt quan trọng và khiến cho đảng này không bị tan rã trước sự thu hút của chủ nghĩa Cộng sản như là Tân Việt Cách mạng đảng hoặc là Việt Nam Thanh niên cách mệnh đồng chí hội là việc, mặc dầu phần lớn đảng viên là những phấn tử trí thức tân học, đảng đã nối lại được với truyền thống ái quốc ở bên trong các làng xã Việt Nam. Ngay từ lúc đầu những lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân đảng đã thấy sự cần thiết phải mở ra tới những nhóm khác ngoài trí thức trong xã hội Việt Nam.

Sức mạnh thực sự của Việt Nam Quốc Dân đảng và điều khiến đảng này trở thành đảng có uy tín nhất trong những năm 1920 được biểu hiện qua sự liên minh giữa những người tân học trẻ Hà Nội mà đại biểu là Nguyễn Thái Học và một nhà nho lớn tuổi, Nguyễn Khắc Nhu (xứ Nhu vì ông đỗ đầu xứ trong cuộc thi sát hạch thi Hương) Sinh năm 1882, giống như hai cụ Phan, Nguyễn Khắc Nhu hãy còn có nhiều quan hệ với xã hội Đại Việt cũ và được hưởng một nền giáo dục thuần túy Nho học.

Năm 1903, chính ông đã được lựa chọn để hướng dẫn Phan Bội Châu khi ông này bí mật ra Bắc Kỳ và gặp Hoàng Hoa Thám. Năm 1907, Nhu sang Trung Quốc theo phong trào Đông du, nhưng sau đó lại trở về Việt Nam và tiếp tục hoạt động bằng cách viết những truyền đơn và văn thơ ái quốc.

Năm 1925, trong cao trào ái quốc tác động bởi đám ma Phan Chu Trinh và vụ án Phan Bội Châu, Nguyễn Khắc Nhu bắt đầu viết nhiều bài đăng trong các báo chí như An Nam tạp chí, Hữu Thanh và Thực Nghiệp Dân báo nói đến nhu cầu cần phải cái cách xã hội Việt Nam. Đặc biệt ông muốn giải phóng dân chúng khỏi những hủ tục và mê tín dị đoan qua một hệ thống giáo dục mới hiện đại cũng như là việc sữ dụng Tây y trong trị liệu và thiết lập những hoạt động công nghiệp và tiểu công nghiệp.

Sống ở trong làng, Nguyễn Khắc Nhu đã có một ảnh hưởng cực kỳ quan trọng trong giới nông dân và thanh niên các tỉnh trong vùng từ Bắc Giang lên đến Phú Thọ. Điều khác biệt giữa Nguyễn Khắc Nhu và những người khác như Nguyễn văn Vĩnh hoặc Phạm Quỳnh cũng muốn thay đổi xã hội nông thôn Việt Nam là ngoài ước muốn cải cách xã hội nông thôn cho tiến bộ hơn, ông muốn tái lập lại cái tinh thần cộng đồng của dân làng, cái quan hệ giữa khối nông dân và những kẻ sỹ như ngày xưa.

Làm sao định nghĩa lại những từ ngữ như “đồng bào”, “đồng chủng”, “tổ quốc”để cho chúng có cùng một ý nghĩa đối với tất cả mọi người đó là quan điểm của Nguyễn Khắc Nhu. Nhưng chính sách của Pháp, bác bỏ tất cả những sự cải tổ xã hội Việt Nam đã khiến Nguyễn Khắc Nhu, cũng như Nguyễn Thái Học đi vào con đường bạo động.

Bắt đầu cuối năm 1926, Nhu và một số đồng chí thời Đông Du xây dựng những công binh xưởng thô sơ những hữu hiệu để sản xuất những vũ khí chống lại Pháp. Họ cũng tích cực tuyên truyền trong hàng ngũ những người Việt đi lính cho Pháp. Cũng trong thời gian này, nhóm Nguyễn Khắc Nhu liên lạc được với nhóm Nam Đồng thư xã với hậu quả là hai bên sáp nhập với nhau để thành lập Việt Nam Quốc Dân đảng.

Sự hội nhập của nhóm Nguyễn Khắc Nhu này có một hậu quả quan trọng là thành phần xã hội của các đảng viên VNQĐD không còn giới hạn trong giới học sinh ,sinh viên và tiểu công chức thành thị nữa mà chuyển dần về thôn quê, mở rộng ra cho những nông dân đặc biệt là những thầy giáo làng (Vũ Hồng Khanh chẳng hạn) và những người lính. Tuy nhiên cũng như nhiều tổ chức Việt Nam khác, những quan hệ gia đình và thầy trò rất quan trọng trong việc tuyển mộ đảng viên. Một trong những đặc điểm là phụ nữ đóng một vai trò quan trọng chưa từng có trong VNQĐD.

Cô Giang (Nguyễn thị Giang) không phải chỉ là người yêu của Nguyễn Thái Học mà còn là một lãnh tụ quan trọng của đảng và là một cựu học sinh của Nguyễn Khắc Nhu. Năm 1929, VNQDĐ có trên 1.500 đảng viên trong đó 120 người là ở trong quân đội Pháp. Dựa trên danh sách 227 tù nhân đảng viên Việt Nam Quốc Dân đảng bị Mật Thám Pháp bắt vào năm 1929, ta có thể thấy qua thành phần xã hội của đảng như sau:

1. Thư ký tòa sứ: 36 (16%) 2. Nhân viên hành chánh nam triều: 13 (6%) 3. Giáo viên chính ngạch: 36 (16%) 4. Giáo viên tư thục: 4 (2%) 5. Ông đồ: 2 (1%) 6. Học sinh, sinh viên: 6 (3%) 7. Nhà báo: 4 (2%) 8. Công nhân thương mại hay kỹ nghệ: 10 (4%) 9. Thương gia, tiểu thủ công nghiệp: 39 (18%) 10. Địa chủ, nông dân: 37 (17%) 11. Quân đội: 40 (18%)

Ngoại trừ con số những công chức và binh lính tham gia vào Việt Nam Quốc Dân đảng, điều làm người ta chú ý tại đây là con số đông đảo những người nông công thương tham gia vào Việt Nam Quốc Dân đảng. Gộp tất cả lại nhóm này chiếm đến trên một phần ba tổng sô đảng viên Quốc Dân đảng trước năm 1930, một hiện tượng chưa từng có cho thấy Việt Nam Quốc Dân đảng thời Nguyễn Thái Học đã cắt đứt được với truyền thống thượng lưu của các đảng cách mạng Viêt Nam, một điều mà sau này chỉ có đảng Cộng Sản làm được.

Mặc dầu trên phương diện tổ chức và tuyên truyền, Việt Nam Quốc Dân Đảng không được hoàn thiện bằng Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội và chương trình hoạt động của đảng cũng không được rõ ràng bằng, nhưng trong những năm cuối của thập niên 1920, Việt Nam Quốc Dân đảng có thể nói là đảng có được uy thế nhất trong các đảng cách mạng Việt Nam thời đó.

Nói chung cơ cấu tổ chức của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Thanh niên Cách Mạng Đồng Chí Hội giống nhau. Quan trọng hơn nữa, cả hai đều dựa vào một số những đặc điểm của xã hội Việt Nam để thu hút đảng viên: quan hệ họ hàng, tình đồng hương, đồng trường là những yếu tố chính mà cả hai đảng dùng để lấy người vào đảng.

Cũng giống như Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, Việt Nam Quốc Dân Đảng đặt việc cải tổ xã hội cũng nặng như việc giải phóng tổ quốc. Nhưng Nguyễn Thái Học chống lại việc đấu tranh giai cấp tuy rằng ông không đưa được một giải pháp nào khác để đạt được sự công bằng xã hội mà chỉ dùng quan điểm Tam Dân chủ nghĩa của Tôn Văn để làm chuẩn cho cuộc cách mạng xã hội của mình. Năm 1928, Nguyễn Thái Học đã tính đến chuyện liên kết với Nguyễn An Ninh nhưng cuối cùng đã rút lại vì cho rằng những tư tưởng xã hội của Nguyễn An Ninh quá cực đoan.

Cũng trong năm 1928, trước khi chủ nghĩa Cộng Sản với lập trường đấu tranh giai cấp trở thành ý thức hệ chính của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, lãnh tụ VNQĐĐ và VNTNCMĐCH gặp nhau để thương thuyết một việc hợp nhất giữa hai đảng. Các cuộc thương thuyết này thất bại một cách thê thảm.

Hai bên xung đột ý kiến một cách gay gắt. Bất đồng quan trọng nhất giữa hai đảng là vấn đề đặt Tổng Bộ ở đâu. Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội đòi để Tổng Bộ ở hải ngoại vì như vậy Tổng bộ sẽ không bao giờ bị thực dân Pháp đụng tới và lúc nào cũng có một tổ chức để chỉ huy công tác.

Trong khi đó Việt Nam Quốc Dân Đảng thì chủ trương Tổng bộ phải ở trong nước vì ở ngoài sẽ sống cách biệt dân chúng ở quê hương, lãnh tụ không biết phải chỉ huy thế nào cho đúng hoàn cảnh. Đại biểu hai bên tranh cãi đến cả xem ai là người cách mạng hơn: Nguyễn Thái Học hay Nguyễn Ái Quốc.

Cuộc thương thuyết vì thế bị thất bại. Một cuộc thương thuyết khác giữa hai bên, lần này tổ chức ở Thái Lan cũng không thành công. Chính vì vậy mà sau thất bại này, Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội đã cạnh tranh ráo riết tại Bắc Kỳ trong việc thu hút đảng viên.

Quý thính giả vừa nghe cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn Khanh của ban Việt ngữ và tiến sĩ Lê Mạnh Hùng về bối cảnh và nguyên nhân thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, là phần thứ nhất của loạt bài tìm hiểu về Việt nam quốc dân đảng, nhân kỷ niệm 76 năm cuộc Khởi nghĩa Yên Báy. Trong buổi phát thanh tối nay, mời quý vị lại đón nghe tiếp phần thứ hai của loạt bài, chủ đề là, Nguyên nhân gần của cuộc khởi nghĩa Yên Báy.

Ngay đến những người cộng sản, những kẻ thù gay gắt nhất của Việt Nam Quốc Dân đảng sau này cũng không dám phủ nhận công lao của những anh hùng Yên Báy. Để tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa này, BTV Nguyễn Khanh của ban Việt ngữ đã liên lạc với Tiến sỹ Lê Mạnh Hùng để phỏng vấn ông.

Trong buổi phát thanh sáng nay, quý thính giả đã nghe phần thứ nhất của loạt bài, bàn về nguyên ủy và sự hình thành của Việt Nam Quốc Dân đảng. Tối nay, mời quý vị nghe tiếp phần thứ hai, nói đến những nguyên nhân gần dẫn đến cuộc khởi nghĩa.

Vụ ám sát Bazin

Mặc dầu chống lại chủ nghĩa Cộng sản, không chủ trương đấu tranh giai cấp, nhưng Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng có một phân bộ công nhân khá mạnh bao gồm công nhân làm cho các xí nghiệp và cơ sở thương mại của Pháp chung quanh Hà Nội do Nguyễn Văn Viên làm đại biểu cũng như một phân bộ phụ nữ do vị hôn thê của Nguyễn Thái Học là Nguyễn thị Giang lãnh đạo.

Vào nửa sau của thập niên 1920, phong trào đầu tư mở đồn điền cao su tại miền Nam và miền nam cao nguyên Trung Kỳ nổ ra rầm rộ. Với nhân công tại Nam Kỳ không muốn làm việc cho các đồn điền cao su vì mức sinh hoạt bình thường của họ tương đối dễ dàng so với những điều kiện làm việc tại các đồn điền cao su, các công ty Pháp cho người ra bắc tuyển mộ dân quê nhất là tại các tỉnh nhiều dân và ít đất lại hay bị thiên tai như Thái Bình, Nam Định vv..

Đến năm 1928, số dân phu Bắc Kỳ làm việc tại những đồn điền này đã lên đến trên bốn chục ngàn người, nhưng những chủ đồn điền ước tính rằng mỗi năm họ còn cần đến khoảng hai mươi lăm ngàn dân phu nữa trong vài năm tới.

Nhưng việc mộ phu này không được thực hiện một cách bình thường mà được đặc trưng bởi những hành động khủng bố, ép buộc, tham nhũng hối lộ các tên cường hào ác bá trong làng để chúng giúp những tên cai thầu ép buộc dân chúng. Thành ra việc mộ phu này đã trở thành một hành động kinh hoàng đối với thôn quê miền bắc trong thời gian này. (Chính danh từ “mẹ mìn” đã xuất hiện vào lúc đó để ghi lại hiện tượng bắt cóc người chở vào nam đi phu).

Trong khi đó điều kiện làm việc tại các đồn điền cực kỳ khắc nghiệt và thiếu thốn khiến cho những cuộc bạo động của công nhân xảy ra thường xuyên chống lại những chủ đồn điền. Năm 1927, một cuộc nổi loạn của dân phu đồn điền Phú Riềng để phản đối việc hành hạ nhân công dẫn đến cái chết của một người dân phu đã bị đàn áp một cách dã man. Những vụ này đã tạo ra môi trường thuận lợi cho cả Việt Nam Quốc Dân Đảng lẫn Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Minh Hội trong việc tuyên truyền trong giới nông dân.

Một trong những tên đại diện mộ phu cho các chủ đồn điền Pháp nổi tiếng tàn ác là Hervé Bazin. Cả Quốc Dân Đảng lẫn Thanh Niên đều rải truyền đơn chống lại việc mộ phu của Bazin. Nguyễn văn Viên và những đảng viên trong phân bộ công nhân của ông cho rằng để có thể vượt qua được Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, Quốc Dân Đảng cần phải có một hành động gì cụ thể làm cho giới công nhân tin tưởng. Và họ đề nghị rằng cần phải ám sát Bazin.

Nhưng khi Nguyễn Văn Viên đưa đề nghị này của phân bộ công nhân lên tổng bộ thì Nguyễn Thái Học bác bỏ. Việt Nam Quốc Dân Đảng đang thành công trong việc thu hút các đảng viên từ khắp các thành phần trong xã hội, đặc biệt là trong giới binh lính của quân đội thuộc địa. Thấy rằng thời cơ chưa thuận lợi để có thể nổi dậy và không muốn gây sự chú ý của chính quyền thuộc địa, Nguyễn Thái Học muốn tập trung sức lực để lo việc tuyên truyền thu nhận đảng viên. Theo Hoàng Văn Đào, lúc đó cũng có mặt, thì Nguyễn Thái Học nói:

“Nếu nay vội giết Bazin tất nhiên chính quyền thực dân sẽ khủng bố dữ dội, mà đa số đồng chí trong ban lãnh đạo đảng chúng ta phần đông có tên trong “sổ đen” của sở Mật Thám. Thực dân sẽ bắt hết. Đảng sẽ tan. Lợi ít mà hại nhiều. Vậy khuyên các đồng chí nên bình tâm để ráng sức làm việc lớn đang chờ đợi ở đảng chúng ta. Bazin chẳng qua chỉ là một cái cành cây. Cây mà đổ thì cành phải héo.”

Nhưng lý luận này của Nguyễn Thái Học đã không thuyết phục được Nguyễn Văn Viên và những người trong phân bộ của ông. Biết rằng khi đảng trưởng đã không đồng ý thì không bao giờ đưa vấn đề này ra trước tổng bộ để bàn thảo, Nguyễn Văn Viên đã tự động theo dõi Bazin.

Sau khi biết Bazin ngày nào cũng đến căn nhà số 110 phố Huế của nhân tình y là Germaine Courcelle, một ả đầm lai bán hàng cho nhà hàng Godard ở phố Tràng Tiền, Nguyễn Văn Viên bí mật lấy trộm một khẩu súng lục và một số đạn của hãng Poinsard & Veyret nơi ông đang làm việc đem về huấn luyện cho Nguyễn Văn Lân. Những hành động này của Nguyễn Văn Viên hoàn toàn không được phép của đảng và những lãnh đạo đảng cũng không biết.

Bazin bị Nguyễn Văn Lân bắn chết vào ngày 9 tháng 2 năm 1929. Những e ngại của Nguyễn Thái Học rằng thực dân Pháp sẽ khủng bố đảng được thấy rõ ngay sau đó. Sở Mật Thám Pháp ruồng bắt hàng trăm đảng viên Việt Nam Quốc Dân đảng, tra tấn lấy cung và tìm cách lật những người này trở thành điểm chỉ viên cho Pháp. Ngược lại ban Am sát của Việt Nam Quốc Dân đảng mỗi khi biết ai trở thành điểm chỉ cho Pháp thì lập tức tìm cách giết đi.

Nhưng việc này không những không ngăn chặn được sự tiết lộ những bí mật trong hoạt động của đảng cho Mật Thám Pháp mà còn giúp cho Mật Thám Pháp bắt được thêm những đảng viên khác và tiến gần hơn tới các nhân vật đầu não của đảng như Nguyễn Thái Học. Hành động vô kỷ luật của Nguyễn Văn Viên không những đã làm cho chính đảng của mình bị tan rã mà còn tác hại đến cả các đảng cách mạng khác.

Nếu nay vội giết Bazin tất nhiên chính quyền thực dân sẽ khủng bố dữ dội, mà đa số đồng chí trong ban lãnh đạo đảng chúng ta phần đông có tên trong “sổ đen” của sở Mật Thám. Thực dân sẽ bắt hết. Đảng sẽ tan. Lợi ít mà hại nhiều. Vậy khuyên các đồng chí nên bình tâm để ráng sức làm việc lớn đang chờ đợi ở đảng chúng ta. Bazin chẳng qua chỉ là một cái cành cây. Cây mà đổ thì cành phải héo.

Cũng như vụ án mạng tại đường Barbier mở đầu cho các vụ đàn áp tại Nam Kỳ không những đối với Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng chí hội mà còn với cả Việt Nam Quốc Dân đảng nữa, vụ ám sát Bazin cũng mở đầu cho cuộc khủng bố trắng của Mật Thám Pháp với cả hai đảng tại Bắc Kỳ.

Mặc dầu mật thám Pháp đã nghi ngờ những hoạt động của nhóm Nam Đồng Thư Xã từ lâu, nhưng họ không có bằng cớ về việc thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng cho đến khi được Nguyễn Quốc Túy tiết lộ. Nguyễn Quốc Túy, người Nghệ An vốn quen biết với Nguyễn Thái Học và có tham gia vào một số hoạt động có tính cách ái quốc.

Khi bị Mật Thám Pháp bắt và trục xuất khỏi Bắc Kỳ, Túy đã không ngần ngại khai: “Hôm trước người bạn đồng học với tôi là Nguyễn Thái Học đến rủ tôi tham gia vào hội kín mà mục đích là đánh đổ chế độ thực dân. Trong hội kín này còn có cả Nhượng Tống và Phạm Tuấn Tài”

Và ngay sau vụ ám sát Bazin, ngày 17 tháng 2 năm 1929, Mật Thám Pháp đã tung một cuộc ruồng bắt khám nhà và bắt được một số đảng viên cao cấp của Việt Nam Quốc Dân đảng. Nhưng Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu, hai yếu nhất quan trọng nhất của đảng trốn thoát.

Chiến dịch khủng bố của Pháp đã buộc các đảng viên hai đảng nhiều khi phải lựa chọn giữa gia đình và cách mạng. Trong số những đảng viên Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng chí hội bị bắt sau vụ Bazin này có Trịnh Đình Chiêm và hai người em gái là Trịnh Thị Nhu, Trịnh Thị Uyển. Ba người này cùng quê với Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Thị Bắc.

Mặc dầu quan hệ giữa Quốc Dân Đảng và Thanh Niên trở nên căng thẳng sau khi các cuộc thương thuyết hợp nhất giữa hai bên tan vỡ, Uyển và Nhu vẫn chơi rất thân với hai cô Giang và Bắc. Biết được điều này, Mật Thám Pháp đề nghị sẽ thả Chiêm nếu hai người này giúp Mật Thám Pháp bắt được Nguyễn Thái Học.

Sau khi được thả, Uyển và Nhu liên lạc với một người anh em họ, đảng viên trong chi bộ của Dương Hạc Đình vốn là xứ ủy Bắc Kỳ của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội. Người ta không rõ là Uyển và Nhu làm vậy để hỏi xem có nên làm chuyện đó cho Pháp không hay là xin giúp đỡ để thực hiện. Dù sao chăng nữa, Dương Hạc Đình tổ chức một phiên họp mật của xứ ủy tại Hà Nội ngày 28 tháng 5 để thảo luận về trường hợp hai người này. Buổi họp quyết định không thể để cho hai chị em Uyển và Nhu tiếp tục tự do vì họ có quan hệ họ hàng với quá nhiều đảng viên và vì vậy biết quá nhiều bí mật của đảng. Quan hệ họ hàng, một trong những nền tảng xây dựng cơ cấu đảng nay đã trở thành một trở ngại quan trọng.

Theo luật lệ của Thanh Niên, khi một đảng viên có tội bị thanh trừng, người đứng ra giới thiệu và bảo lãnh cho đảng viên này phải có mặt trong tổ hành quyết. Điều lệ này được đưa ra để nhấn mạnh đến sự trung thành với đảng hơn là các quan hệ cá nhân. Thành ra người được trao nhiệm vụ hành quyết Uyển và Nhu, Hồ Ngọc Lân lại chính là vị hôn phu của Trịnh Thị Nhu.

Sáng ngày 31 tháng 5, hai chị em Uyển và Nhu - không biết mình đã bị các đồng chí tuyên án tử hình - lấy xe lửa xuống Hải Phòng, nghĩ rằng mình sẽ được tổ chức đưa sang Hồng Kông để ở dưới sự che chở của Tổng Bộ. Đến tối, theo đúng ước hẹn, họ đến đầu ngõ Nghè trước trường Trí Tri gần đường Cát Cụt để đợi người đón đưa về cơ quan Tỉnh bộ.

Nhưng trong lúc hai chị em còn ngơ ngác thì một tiếng nổ phát ra. Uyển bị đạn trúng ngực ngã xuống chết liền. Sau đó lại một tiếng nổ khác, Nhu bị đạn trúng vào đùi ngã quỵ. Hồ Ngọc Lân không dám vi phạm lệnh của đảng nhưng cũng không thể nào nhẫn tâm bắn chết vị hôn thê của mình. Hồ Ngọc Lân trốn thoát. Nhưng sau vụ ám sát này hầu hết tỉnh bộ Hải Phòng của Thanh Niên bị Pháp bắt.

Tình Hình Việt Nam Quốc Dân đảng sau vụ ám sát Bazin

Ngay sau khi mới thành lập, Việt Nam Quốc Dân đảng đã có một thế lực lớn tại hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Nhưng sau đó đã phát triển mạnh sang các tỉnh khác ở miền nam và đông nam vùng đồng bắng sông Hồng như Thái Bình, Hải Dương, Kiến An, Hưng Yên, Nam Định. Nhưng tại Trung Kỳ thế lực của Việt Nam Quốc dân đảng yếu hẳn đi. Ngoài một số chi bộ ở Thanh Hóa, đảng chỉ có một số ít đồng chí lẻ tẻ tại những thành thị như Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết vv.

Khó khăn chính của Quốc Dân đảng trong việc phát triển tại Trung Kỳ là sự cạnh tranh của hai đảng Thanh Niên (Việt Nam Thanh Niên Cách mạng đồng chí hội) và Tân Việt vốn đã có sự hiện diện trước tại vùng này. Tại Nam Kỳ, đảng phát triển mạnh tại các tỉnh miền đông như Gia Định, Thủ Đầu Một, Bến Tre, Chợ Lớn, Vũng Tầu và thành phố Sài Gòn.

Cường học thư xã do Trần Huy Liệu đứng đầu là trung tâm điểm của đảng. Vụ án mạng đường Barbier tuy rằng do đảng bộ miền nam của Thanh Niên tạo ra nhưng cũng ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của Việt Nam Quốc Dân đảng. Trong số những người bị bắt liên quan tới vụ này có Trần Huy Liệu và một số nhân vật quan trọng khác của đảng như Võ công Tồng, Nguyễn Phương Thảo (Nguyễn Bình) vv.

Vụ ám sát Bazin và sự truy nã của Pháp sau đó đã làm đảo lộn chiến lược của Việt Nam Quốc Dân đảng, buộc đảng phải hủy bỏ chương trình hoạt động ba thời kỳ trong đó tổng khởi nghĩa chỉ là giai đoạn chót khi thời cơ thuận lợi. Vào khoảng giữa tháng 5 năm 1929, trong một hội nghị đại biểu toàn quốc được bí mật triệu tập tại làng Đức Hiệp, Thuận Thành, Bắc Ninh, Nguyễn Thái Học đưa ra đề nghị cần phải cấp bách tổ chức một cuộc tổng khởi nghĩa.

Trong bài trình bày trước đại hội, Nguyễn Thái Học nhận định rằng tình hình đến lúc buộc phải hành động: “Đứng trước hoàn cảnh hiện tại, Đảng chúng ta phải lãnh đạo nhân dân làm cuộc Tổng Khởi Nghĩa gấp rút mới được. Nếu để chậm lại theo đúng chương trình đảng dự liệu, thì chắc chắn là chúng ta sẽ bị thực dân bắt hết, sẽ chết dần chết mòn trong nhà tù. Đảng chúng ta sẽ tan. Nghĩa là cuộc Tổng Khởi Nghĩa phải xảy ra nội trong năm nay. Vậy ngay từ lúc này, các đồng chí nhà binh phải chú ý đến phương pháp tấn công, các địa điểm chiến lược... các đồng chí dân sự phải chăm lo rèn rũa gươn giáo, chế tạo bom đạn cùng sự tập luyện võ nghệ để đợi ngày..”

Đề nghị này của Nguyễn Thái Học được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Đại hội chia làm hai phái. Một phái tán thành chủ trương của đảng trưởng; một phái chống lại cho rằng chưa nên khởi nghĩa vội vì lực lượng đảng còn kém, đánh tất phải thua. Thua tất sẽ bị thực dân khủng bố dữ dội; dân khí từ đó thui chột mất hàng chục năm. Cuối cùng phe chủ chiến thắng.

Tổng bộ Việt Nam Quốc Dân đảng đưa ra một kế hoạch tổng khởi nghĩa trong đó công tác cấp tốc là tăng nỗ lực tuyên truyền sâu rộng và mạnh mẽ thêm trong giới binh sỹ người Việt trong quân đội Pháp đồng thời lập ra nhiều xưởng chế bom. Công tác quan trọng liên lạc với binh đoàn Yên Báy nơi mà Quốc Dân đảng có rất nhiều đảng viên trong đội quân Pháp trú đóng tại đây được giao cho chị em cô Nguyễn thị Giang, Nguyễn thị Bắc và Đỗ thị Tâm.

Đứng trước hoàn cảnh hiện tại, Đảng chúng ta phải lãnh đạo nhân dân làm cuộc Tổng Khởi Nghĩa gấp rút mới được. Nếu để chậm lại theo đúng chương trình đảng dự liệu, thì chắc chắn là chúng ta sẽ bị thực dân bắt hết, sẽ chết dần chết mòn trong nhà tù. Đảng chúng ta sẽ tan. Nghĩa là cuộc Tổng Khởi Nghĩa phải xảy ra nội trong năm nay. Vậy ngay từ lúc này, các đồng chí nhà binh phải chú ý đến phương pháp tấn công, các địa điểm chiến lược... các đồng chí dân sự phải chăm lo rèn rũa gươn giáo, chế tạo bom đạn cùng sự tập luyện võ nghệ để đợi ngày.

Trong lúc các tổ chức của Việt Nam Quốc Dân đảng bắt đầu việc tích trữ các vũ khí đạn dược chuẩn bị cho cuộc Tổng Khởi Nghĩa thì Mật Thám Pháp tiếp tục các vụ bắt bớ truy lùng. Tháng 7 năm 1929, chính quyền Pháp tổ chức phiên tòa xử công khai 227 đảng viên Việt Nam Quốc Dân đảng bị bắt liên quan đến các vụ ám sát Bazin và Trịnh thị Uyển.

Tháng 10 năm 1929, một vụ nổ tại tỉnh Bắc Giang đã báo động cho chính quyền thực dân Pháp biết về nguy cơ của một cuộc bạo động. Ngày 30 tháng 10 năm 1929, tại nhà Lương văn Trạm thuộc làng Mỹ Điền tình Bắc Giang bỗng phát ra một tiếng nổ từ một căn buồng kín làm sập nguyên một bức tường nhà, mái nhà bị lật tung.

Ba người đàn ông trong nhà bị chấn thương chết ngay tại chỗ. Phút chốc, bọn hương lý và tuần phu đổ đến, bắt trói Lương văn Trạm và đồng thời lục soát nhà, thấy hóa chất, dây đồng và mảnh thủy tinh còn lung tung bừa bãi. Lương văn Trạm bị giải lên sở Mật Thám, nhưng mặc dầu bị tra tấn tàn nhẫn nhưng vẫn không khai tên ba người bị chết trong vụ nổ này là ai. Tuy nhiên, tất cả những người hay lui tới nhà Lương văn Trạm sau đó đều bị bắt cả. Và họ là một phần quan trọng của tỉnh đảng bộ Bắc Giang của Việt Nam Quốc Dân đảng.

Ngày 20 tháng 11, 1929, chính quyền lại khám phá ra 130 trái bom chôn dấu tại làng Phao Tân; ngày 23 tháng 12, tìm ra được 150 trái bom chôn dấu tại làng Nội Viên; ngày 26 tháng 12 khám phá ra 250 trái bom chôn tại Thái Hà ấp; ngày 10 tháng giêng năm 1930 khám phá được nhiều chum xành chứa truyền đơn cách mạng ở Lục Nam kêu gọi binh sỹ và dân chúng đứng lên làm cuộc cách mạng giải phóng.

Với việc khám phá ra những truyền đơn này, chính quyền thực dân Pháp đặt các lực lượng vũ trang và an ninh vào tình trạng báo động. Nhiều biện pháp canh phòng được khẩn cấp đưa ra áp dụng một cách nghiêm ngặt. Trong những tháng sau đó, cuộc truy lùng của Pháp với các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân đảng càng ngày càng gay gắt. Tình hình đảng càng ngày càng nguy ngập. Nguyễn Thái Học và hai lãnh tụ khác của đảng, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính suýt nữa bị rơi vào một cái bẫy do sở Mật Thám tổ chức qua sự phản bội của tên Đội Dương.

Đội Dương, tức Phạm thành Dương tốt nghiệp trường Bưởi, sau đó vào học trường thuốc được 2 năm thì bỏ đi lính. Nhờ có học lực khá, Dương được cử đi học khóa hạ sỷ quan tại chùa Thông (Sơn Tây). Đầu năm 1928, do một đảng viên là giáo Phú giới thiệu, Nguyễn thái Học đích thân lên chùa Thông tuyên truyền và kết nạp Dương vào đảng. Đầu năm 1929, Dương mãn khóa và được đổi về phi trường Bạch Mai. Tại đây Dương được đảng cử làm trưởng ban Binh Vụ của Tổng bộ. Nhưng khi bố của Dương là giáo Du biết được việc Dương gia nhập Quốc Dân đảng thì đã bắt Dương ra thú tội với Tây. Từ đó Dương trở thành chỉ điểm cho Mật Thám Pháp. Việc khám phá ra 250 trái bom chôn dấu tại Thái Hà ấp chính là do Dương chỉ điểm cho Pháp.

Quý thính giả vừa nghe cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn Khanh của ban Việt ngữ và tiến sĩ Lê Mạnh Hùng về Nguyên nhân gần của cuộc khởi nghĩa Yên Báy, khiến cuộc khởi nghĩa phải nổ ra sớm hơn dự liệu, là phần thứ hai của loạt bài tìm hiểu về Việt nam quốc dân đảng, nhân kỷ niệm 76 năm cuộc Khởi nghĩa Yên Báy. Trong buổi phát thanh sáng mai,, mời quý vị lại đón nghe tiếp phần thứ ba và cũng là phần chót của loạt bài, chủ đề là diễn tiến cuộc khởi nghĩa.

Trong hai buổi phát thanh trước, quý thính giả đã nghe về nguyên ủy và sự hình thành của Việt Nam Quốc Dân đảng và tình hình khiến cuộc khởi nghĩa phải nổ ra sớm hơn dự định. Sáng nay, mời quý vị nghe tiếp phần thứ ba và cũng là phần cuối của loạt bài, mô tả diễn tiến của cuộc khởi nghĩa.

Hội nghị Võng La quyết định ngày Tổng Khởi Nghĩa

Trước tình thế càng ngày càng nguy kịch, ngày 26 tháng giêng năm 1930, Nguyễn Thái Học cho triệu tập một hội nghị đại biểu đảng mới tại làng Võng La nơi mà trước đó mấy hôm Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính đả suýt bị tên phản bội đội Dương bắt. Trong Hội Nghị này, Nguyễn Thái Học công nhận rằng đảng sẽ thất bại khi nổi dậy, nhưng họ không thể chờ đợi tổ chức lại Đảng trước khi mở cuộc Tổng Khởi Nghĩa:

“Thưa các đồng chí, chúng ta làm cách mạng bằng sắt máu thì phải lấy lực lượng quân đội làm chủ lực. Nay Phạm thành Dương đã bội phản, phần chủ lực bị sứt mẻ rồi. Phần khác số khí giới dự trữ cũng bị địch khám phá được rất nhiều. Nếu nay chúng ta không hành động ngay tất số đồng chí và số vũ khí còn lại cũng bị địch làm tan vỡ hết.

Cuộc đời là một canh bạc. Gặp canh bạc đen người ta có thể thua hết cả vốn. Gặp thời thế không chiều mình, Đảng chúng ta có thể tiêu hao hết lực lượng. Một khi lòng sợ sệt đã xen vào trong đầu óc quần chúng khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng, thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn. Rồi của sẽ không tiếp, người sẽ bị bắt lần. Vô tình đã đầy anh em vào cái chết lần mòn nơi phòng ngục trại giam. Ấu là chết đi, để lại cái gương hy sinh phấn đấu cho người sau nối bước. Chúng ta “Không thành công thì thành nhân", có gì mà ngần ngại.

Đến khi ấy chỉ còn chút bom xoàng dáo nhụt với những đội Tiện Y ô hợp thì liệu chúng ta có thể chiến đấu với những đạo quân có tổ chức và được huấn luyện kỹ càng cùng khí giới tinh nhuệ được không? Người ta bảo: cần phải đứng trước ở chỗ không thua! Nhưng chúng ta thì đứng trước ở chỗ thua mất rồi. Nhưng liệu chúng ta có thể hoãn để tổ chức lại rối mới đánh có được không? Tôi tin rằng không thể được.

Cuộc đời là một canh bạc. Gặp canh bạc đen người ta có thể thua hết cả vốn. Gặp thời thế không chiều mình, Đảng chúng ta có thể tiêu hao hết lực lượng. Một khi lòng sợ sệt đã xen vào trong đầu óc quần chúng khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng, thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn.

Rồi của sẽ không tiếp, người sẽ bị bắt lần. Vô tình đã đầy anh em vào cái chết lần mòn nơi phòng ngục trại giam. Ấu là chết đi, để lại cái gương hy sinh phấn đấu cho người sau nối bước. Chúng ta “Không thành công thì thành nhân, có gì mà ngần ngại”

Cuộc Tổng Khởi Nghĩa

Cuộc Tổng Khởi Nghĩa được dự trù tổ chức vào đêm 9 tháng 2 năm 1930. Tại Yên Báy, cuộc nổi dậy đưọc tiến hành đúng như dự tính. Một phái viên được cử đến gặp Nguyễn Thái Học tại Bắc Ninh để thông báo và để thúc đầy Bắc Ninh nổi dậy. Nhưng phái viên này bị bắt tại Hà Nội và cuộc nổi dậy tại Bắc Ninh đã không xảy ra. Trong khi đó, không có được sự hậu thuẫn bởi các cuộc nổi dậy ở nơi khác, cuộc khởi nghĩa Yên Báy đã mau chóng bị thực dân Pháp đàn áp và dẹp tan. Nguyễn Khắc Nhu bị bắt.

Phó Đức Chính phá vòng vây chạy thoát về Sơn Tây định tổ chức một cuộc khởi nghĩa tại đây, nhưng chưa kịp thì bao nhiêu vũ khí dự trữ đều bị thực dân Pháptìm thấy tịch thu hết. Phó Đức Chính cũng bị bắt trong khi đang bàn bạc tại nhà một đồng chí.

Nguyễn Thái Học chạy về Cổ Am ở Hải Dương nhưng chẳng bao lâu cũng bị quân Pháp biết được. Ngày 16 tháng 2, Pháp mang quân tấn công và cho máy bay ném bom làng Cổ Am phá tan làng này và giết hại mấy chục người dân làng. Nguyễn Thái Học trốn thoát nhưng năm ngày sau đó ông đã bị bắt trong lúc tìm đường đi sang Trung Quốc.

Như Nguyễn Thái Học đã nhận định, khi mở cuộc Tổng Khởi Nghĩa, Việt Nam Quốc Dân đảng đã gặp phải những khó khăn quan trọng. Thứ nhất, đảng chưa có được một cơ sở mạnh ở khắp ba kỳ. Như ta đã thấy, tại Trung Kỳ, đảng hầu như không có sự hiện diện trong khi tại Nam Kỳ thì tổ chức đảng đã bị tan vỡ với hầu hết những yếu nhân trong đảng bị bắt.

Với tình trạng này mà mở cuộc khởi nghĩa thì có thể nói là chắc chắn sẽ không thể đi đến đâu được. Thứ hai, mặc dầu kỷ luật đảng rất nghiêm khắc, nhưng chỉ đối với những kẻ phản đảng, còn những việc vi phạm kỷ luật đảng vì tinh thần cách mạng quá hăng say thì hầu như không bị trừng trị. Vụ ám sát Bazin chính là điển hình của tình trạng vô kỷ luật này mà đã dẫn đến sự sụp đổ của toàn đảng.

Ngày 17 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của ông bị đưa lên đoạn đầu đài tại Yên Báy nơi cuộc khởi nghĩa bắt đầu. Trước khi lên máy chém từng người một họ hô lớn “Việt Nam vạn tuế”. Và với cử chỉ đó, những liệt sỹ Yên Báy đã gia nhập vào danh sách những vị anh hùng giúp cho người Việt giữ được cái tính chất dân tộc của mình qua nhiều thế kỷ bị ngoại bang đô hộ.

Sự kiện rằng họ bị dồn đến bước đường cùng này là vì một phần tử vô kỷ luật đã tự động hành động bất chấp quyết định của các cấp trên khiến cho họ bị buộc phải đứng lên khởi nghĩa dù rằng biết chắc rằng sẽ thất bại là những điều mà người ta không coi là quan trọng bằng tư cách hào hùng mà những liệt sỹ này đối phó với số mệnh của họ.

Cuộc khởi nghĩa Yên Báy đánh dấu chấm dứt chương đầu của cuộc Cách Mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Ngày 1 tháng 5 năm 1930, sáu tuần lễ trước khi các vị liệt sỹ Yên Báy ra pháp trường, dân quê tại Nghệ An đã đứng lên nổi dậy chống lại sự bóc lột của chính quyền thực dân buộc người ta phải tiếp tục đóng thuế dù rằng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cũng như các thiên tai đã đẩy những vùng quê này tiến dần đến nạn đói.

Cuộc khởi nghĩa của dân quê Nghệ Tĩnh đã mở đầu cho một loạt những cuộc biểu tình bạo động khác đặc trưng của tình trạng cách mạng của những năm 1930

Quý thính giả vừa nghe phần cuối cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn Khanh của ban Việt ngữ và tiến sĩ Lê Mạnh Hùng về cuộc khởi nghĩa Yên Báy của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Cuộc trao đổi được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 76 năm cuộc Khởi nghĩa bi hùng này.


© Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad