Đông Nam Á và quyền có nước sạch - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

Đông Nam Á và quyền có nước sạch


Vào ngày 6 tháng 11, Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) đã thừa nhận rằng thay đổi khí hậu làm cho mực nước sông Mekong trong năm nay xuống thấp bất thường – biến dòng sông hùng vĩ thành những dòng nước nhỏ ở nhiều nơi, ngay cả trong mùa mưa. MRC cũng nói rằng việc xây đập đã đóng góp phần lớn. Cơ quan liên chánh phủ thêm rằng cần có sự chia sẻ dữ kiện tốt hơn giữa các quốc gia, khi đề cập đến việc tham vấn cho dự án thủy điện Luang Prabang của Lào, một trong chuỗi dự án thủy điện gây nhiều tranh cãi đang được hoạch định, xây cất hay hoạt động ở nước nầy.

Lấy nước từ một hồ ở Minnanthu, Bagan, Myanmar. [Ảnh: Alamy]

Quản lý nguồn nước ở Đông Nam Á (ĐNA) luôn luôn lôi thôi, nhưng chưa bao giờ tệ hơn bây giờ. Những chướng ngại địa chánh trị cho việc hợp tác khu vực rất to lớn, đặc biệt với Trung Hoa – một láng giềng hùng mạnh ở thượng lưu của tất cả các sông ở lục địa ĐNA – đã xây ít nhất 10 đập trên dòng chánh Mekong. Nhưng khí hậu có vẻ như là một “bội số đe dọa” trên khắp vùng – một yếu tố làm cho các vấn đề hiện hữu trên các thủy lộ trong khu vực thêm nghiêm trọng, từ việc mất phù sa đến xâm nhập nước mặn và sạt lở.

Sự liên hệ mật thiết của những áp lực chồng chéo nầy đối với an ninh lương thực, năng lượng và nhân loại càng ngày càng rõ, nhưng sự liên hệ mật thiết đối với nhân quyền có lẽ ít được biết đến. Nhưng quyền có nước sạch, như tôi giải thích trong một phúc trình mới đây với Mohamad Mova Al’Afghani, là căn bản để có một cuộc sống có phẩm cách – và là nền tảng để thực hiện những nhân quyền khác được quốc tế công nhận, như quyền sống, làm việc và có nhà ở thích hợp. Vậy mà có khoảng 844 triệu người trên thế giới không có nước sạch, trong số đó có 10 triệu người ở ĐNA.

Trong năm 2012, Tuyên ngôn Nhân Quyền ASEAN (Association of Southeast Asian Nations (Hiệp hội các Quốc gia ĐNA)) công khai bảo đảm “quyền có nước sạch và vệ sinh”, nhưng chỉ có vài quốc gia thành viên ASEAN viết thành luật. Nhiều nước gặp những vấn đề nghiêm trọng với các điều khoản cung cấp nước, vệ sinh, thích ứng khí hậu và ô nhiễm, với nước thải không được thanh lọc, chất thải rắn, thuốc trừ sâu và kim loại nặng được đổ vào nguồn cung cấp nước. Dân số gia tăng, đô thị hóa, kỹ nghệ hóa nhanh chóng và thay đổi khí hậu tất cả kết hợp thành những đe dọa nầy.

Ở nhiều nơi, việc cung cấp nước không đủ và bất công, với sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn. Trong vài trường hợp, tư hữu nước khiến phân phối không đều và giá cao. Như ở Indonesia: dân số thành thị được ước tính gia tăng hàng năm khoảng 2,21% đến năm 2021, trong khi dân số nông thôn giảm 0,13%. Vào năm 1997, các công ty Thames Water và Suez của Anh và Pháp ký một hợp đồng đối tác công-tư (public-private partnership (PPP)) trong 25 năm để thực hiện việc cung cấp nước cho thủ đô Jakarta.

Chỉ có 42% cư dân của thành phố nầy có nước máy trong năm 1997, và nhiều người vẫn dựa vào nước chai hay nước ngầm – lý do chánh làm cho thành phố sụt lún như hiện nay. Dự án hứa hẹn rằng đến năm 2002, 70% dân số Jakarta sẽ có nước máy; mục tiêu cho năm 2017 là 98%. Nhưng việc phân phối chỉ được khoảng 50% trong năm 2002 và 59,4% trong năm ngoái.

Hơn nữa, giá nước lại quá cao. Mặc dù có một chiến dịch rộng lớn để hủy hợp đồng PPP, nó vẫn còn hiệu lực và tạo thêm nợ công.

Ngược lại, cấp nước công cộng ở Surabaya, thành phố lớn thứ nhì ở Indonesia, qua một công ty do chánh quyền thành phố sở hữu và điều hành, đã thành công – với 95,5% dân chúng được cung cấp nước vào năm 2016. Viện Amrta cho biết giá nước ở Surabaya chỉ bằng 1/3 giá nước ở Jakarta.

Singapore cũng thường được xem là một trường hợp thực hành hay nhất của việc cấp nước đô thị. Toàn thể chu kỳ nước được quản lý bởi Hội đồng Tiện ích Công cộng của thành phố, kể cả nước thải và thoát nước, cho phép kết hợp tốt hơn việc hoạch định về nước. Ngày nay, 100% dân số Singapore có nước sạch và vệ sinh; tất cả nước thải được thu gom và thanh lọc; và toàn thể hệ thống cấp nước, từ nhà máy đến người tiêu thụ, đều được gắn đồng hồ.

Ở hầu hết ĐNA, tuy nhiên, vệ sinh không được tài trợ đầy đủ và đồng đều. Ở vùng thành thị Cambodia, người giàu nhất được hưởng vệ sinh phổ quát so với 53% người nghèo chỉ được hưởng cái được biết qua tiếng lóng trong ngành y tế như là “vệ sinh được cải thiện” (36% có hầm cầu riêng, 17% dùng phương tiện chung). Thêm vào đó, trong khi tỉ lệ được hưởng vệ sinh được cải thiện là 100% ở thủ đô Phnom Penh, chỉ có 75% ở các thành phố khác.

Phẩm chất nước ở ĐNA đang bị đe dọa từ nhiều lãnh vực gồm có nông nghiệp, chế biến và quản lý chất thải, nước thải không được thanh lọc, sử dụng hóa chất thái quá và các yếu tố khác. Chất ô nhiễm độc hại trong nước có liên hệ với nhiều loại ung thư, tàn tật về tinh thần, dị thai và tiểu đường, cùng với nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác đối với sức khỏe.

Khai thác quặng mỏ là một vấn đề: trong năm nay, Liên Hiệp Quốc đã lưu ý đến những cáo buộc rằng chánh phủ Philippines đã không bảo vệ quyền dùng nước của người bản xứ và các cộng đồng địa phương quanh Didipio ở đông bắc Luzon. Mỏ vàng và đồng ở đó, do Tổ hợp OceanaGold của Canada và Australia điều hành, đã đuổi hàng trăm gia đình và dùng lực lượng an ninh để bảo vệ hoạt động của mình.

Các nghiên cứu cho thấy mỏ đã gây thiệt hại môi trường to lớn, kể cả việc ô nhiễm kim loại nặng trong sông Didipio mà cộng đồng lấy nước để uống và canh tác.

Vào tháng 6, giấy phép của mỏ hết hạn. Nhưng công ty vẫn tiếp tục khai thác – nói rằng giấy phép mới đang được tái xét – vi phạm các quyết nghị của tỉnh và địa phương ra lệnh công ty phải ngưng hoạt động. Từ 1 tháng 7, cư dân Didipio, do người bản xứ cầm đầu, đã phong tỏa mỏ, buộc phải tạm ngưng, nhưng công ty vẫn tiếp tục chế biến quặng.

Nước ngầm chảy qua một mỏ than ở Nam Kalimantan, Indonesia. [Ảnh: Greenpeace]

Như các thị dụ nầy đã làm rõ, nước không những lôi thôi mà còn dính dáng đến nhân quyền. Thay đổi khí hậu làm nó thêm phức tạp và buộc phải có biện pháp thích ứng. Nhiều quốc gia ĐNA rất dễ bị tổn thương, và đối mặt với nước biển dâng và giông bão đang thay đổi. Băng hà trên Himalaya đang ấm lên nhanh hơn bình thường, khiến cho việc quản lý nguồn nước xuyên biên giới và các dự án thủy điện to lớn, tất cả, có khả năng gây phiền phức hơn.

Nhưng vẫn còn lý do để hy vọng: thí dụ như Phúc trình Nguy cơ Thế giới (World Risk Report) xếp hạng Singapore là một trong các quốc gia chuẩn bị cho thiên tai tốt nhất. Mặc dù nước biển dâng và thời tiết cực đoan đe dọa nghiêm trọng thành phố quốc gia nầy, Singapore dùng một giải pháp dựa vào thiên nhiên – bằng cách bảo tồn rừng ngập mặn và khả năng phục hồi ven biển – cũng như sử dụng các sáng kiến cần thiết trong việc quản lý nước công cộng.

Các biện pháp tương tự trong vùng châu thổ có thể cho thấy hướng đi tới: ở Việt Nam, các nhà thí nghiệm nông nghiệp đã tạo nên một hệ thống sinh thái “kín” ổn định để trồng cây ăn trái, rau cải, nuôi cá và ốc mà không dùng thuốc trừ sâu, phân bón hay kháng sinh; và ở đông bắc Thái Lan, các dự án dẫn thủy nhập điền được thiết kế để bảo tồn đất ngập nước và phát triển du lịch sinh thái giáo dục.

Nhưng những nỗ lực đó cũng phải được hỗ trợ bởi việc thừa nhận và ủng hộ quyền có nước sạch của chánh phủ – cũng như doanh nghiệp có trách nhiệm công bố, phòng tránh và sửa chữa các ảnh hưởng của họ đối với các hệ thống nước. Khu vực cũng cần có những tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe gắt gao hơn đối với chất ô nhiễm nước; một vai trò lớn hơn cho các tổ chức nhân quyền quốc gia để bảo đảm quyền dùng nước; và sự tham gia của quần chúng và tiếp nhận tin tức liên quan đến ô nhiễm nước, vệ sinh và dịch vụ về nước.

Với những bất định môi trường to lớn chưa từng thấy đang hình thành các thủy lộ của khu vực trong tương lai, thống nhất mục đích – chung quanh việc bảo vệ quyền có nước sạch của người dân – có thể là một bước tiến quan trọng.


Dr Mohamad Mova Al’Afghani, Dr Sam Geall
Bình Yên Đông lược dịch
Nguồn: , Southeast Asia and the right to safe water - Raoul Wallenberg Institute

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad