Kể Chuyện Lịch Sử Quảng Trị, mảnh đất, tình người - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

Kể Chuyện Lịch Sử Quảng Trị, mảnh đất, tình người


Lãnh thổ nước ta, thời Bắc thuộc, kể tới quận Cửu Chân (Thanh/ Nghệ/ Tĩnh) là hết. Cuộc Nam Tiến mở đất về phương Nam, lịch sử chỉ kể từ Đèo Ngang trở vào. Thời nhà Lý, Chế Cũ dâng đất Địa Lý. Ma Linh và Bố Chính là vùng đất Quảng Bình và bắc tỉnh Quảng Trị. Có vài tài liệu lịch sử giải thích rằng, tên huyện Bố Trạch ở Quảng Bình, hay Vĩnh Linh, Gio Linh của Quảng Trị là do từ tên Bố Chính hay Ma Linh mà ra. Việc “tầm nguyên” là việc của các sử gia.

Hình minh họa: Thành cổ Quảng Trị

Chuyện 1: “Đóng đô” ở Ái Tử.

Lãnh thổ nước ta, thời Bắc thuộc, kể tới quận Cửu Chân (Thanh/ Nghệ/ Tĩnh) là hết. Cuộc Nam Tiến mở đất về phương Nam, lịch sử chỉ kể từ Đèo Ngang trở vào. Thời nhà Lý, Chế Cũ dâng đất Địa Lý. Ma Linh và Bố Chính là vùng đất Quảng Bình và bắc tỉnh Quảng Trị. Có vài tài liệu lịch sử giải thích rằng, tên huyện Bố Trạch ở Quảng Bình, hay Vĩnh Linh, Gio Linh của Quảng Trị là do từ tên Bố Chính hay Ma Linh mà ra. Việc “tầm nguyên” là việc của các sử gia.

Trong chiều hướng đó, Quảng Trị có hai biến cố lịch sử lớn: Một là việc Huyền Trân Công Chúa về làm vương hậu (1309) ông vua Chiêm già Chế Mân và việc ông “Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa”.

Việc mâu thuẫn giữa anh em Nguyễn Uông/ Nguyễn Hoàng với ông anh rể là Trịnh Kiểm nhiều người biết rồi, nay chỉ xin nói gọn trong phần Nguyễn Hoàng vào Nam mà thôi.
Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào Nam.

Có lẽ muốn lập nghiệp lâu dài ở phía Nam, “ra đi không hẹn ngày về”, nên khi vào Nam, Nguyễn Hoàng mang theo bầu đoàn thể tử, bà con nội ngoại, binh tướng dưới quyền ông, cũng như một số người có nghề chuyên môn như “học sĩ”, thầy đồ, thầy bói, thợ mộc, thợ rèn… (“bà tổ” làng tôi là “làng rèn” Hiền Lương, Phong Điền, Thừa Thiên, đi theo “chúa” vào Nam vì bốn con trai của bà là bốn ông thợ rèn. Chuyện nầy tôi có kể trong bài “Hiền Lương, làng thợ rèn.” Không có thợ rèn ai rèn dao kéo, búa liềm, gươm giáo cho chúa. Chúa cần lắm đó!).

Tài liệu lịch sử nói chúa đổ bộ vào cửa Việt. (Tên chữ là Việt An, cửa sông Thạch Hãn và Hiếu giang). Vào cửa nầy xong, binh lính của chúa đi về phía Tây, tức là vùng Ái Tử bây giờ. Vùng nầy có thể kể là vùng đất nằm giữa hai con sông: Sông Hiếu Giang – hay còn gọi là sông Đông Hà, nằm phía bắc, và sông Thạch Hãn, phía Nam. Giữa hai sông nầy, có hai phụ lưu, tương đối nhỏ: Kế sông Đông Hà là sông Lai Phước. Kế sông Thạch Hãn là sông Ái Tử. Ái Tử là một cái truông cát – chỉ có cát và loại cây nhỏ với lau lách…nằm giữa hai phụ lưu nầy, dài khoảng 5km. Bề ngang, kể từ phía đông tới chân núi Trường Sơn lại còn ngắn hơn.

Trong tiến trình di dân, vì người Việt Nam làm nghề nông, trồng lúa gạo, khoai sắn là chính, nên họ thường định cư vùng có sông, có lưu vực sông để có đất canh tác. Có phải vì vậy mà Nguyễn Hoàng đổ bộ ở cửa Việt và tìm đất “đóng đô” ở lưu vực giữa hai con sông Hiếu Giang và sông Thạch Hãn. Hai con sông nầy gặp nhau ở làng Gia Độ (làng ông bạn thơ Hoàng Gia Độ), rồi cùng dổ nước ra biển ở cửa Việt An.

Vì Ái Tử là một cái truông, nên khi chúa và binh lính của chúa đi qua vùng nầy, dân địa phương, là những người đến định cư vùng nầy từ thời đất Ô-Rí thuộc về Đại Việt, bèn đem 7 chum nước ra dâng. Sách “Việt Sử Khảo Lược” của giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ kể rằng khi dân chúng đem 7 chum nước ra dâng, cậu của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Ư Kỷ, “đi theo làm quân sư” bèn nói rằng: “Nay mới đến trấn mà dân đem nước ra dâng. Nước đó là nước vậy.” Tiếng nước có hai nghĩa: Nước uống và đất nước. Chúa bèn đóng đô ở Ái Tử.

Tôi không biết tên làng Ái Tử và sông Ái Tử có từ lúc nào, trước hay sau khi Nguyễn Hoàng “đóng đô” ở đây, nhưng cái tên nầy thì tôi biết từ khi còn thơ ấu: Một là trước năm 1945, Quảng Trị có hai đoàn Hướng Đạo: Một là đoàn Bạch Đằng, một là đoàn Ái Tử. Tôi là “sói con” của đoàn Ái Tử.

Cũng từ nhỏ, mỗi năm, ngày mồng một tết, cậu (cha tôi) thường dẫn ba anh em chúng tôi (Anh cả là Hoàng Thế Thạnh – tức nhà báo Hồng Quang, anh kế là Hoàng Thế Lợi, và tôi, tên khai sanh hồi đó là Hoàng Thế Đức) đi cúng Phật ở “Chùa Phật Lồi”, nằm ở phía đông truông Ái Tử. Chúng tôi sang đò ngang trên sông Thạch Hãn, đi ngang qua làng Nhan Biều là làng ngoại tôi, qua cầu Ái Tử là ranh giới giữa hai làng Nhan Biều và Ái Tử.

Câu ca dao về cầu Ái Tử tôi đã nghe từ nhỏ, trong “hò ru em”. Câu ca dao đầy đủ là như sau:

Mẹ thương con ra ngồi cầu Ái Tử,
Vợ thương chồng lên đứng núi Vọng Phu
Răng chừ nguyệt xế trăng thu!
Con chim kêu mùa hạ, biết mấy thu hỡi chàng!

Trên lãnh thổ nước ta, có nhiều núi “Vọng Phu”: Nàng Tô Thị ở Đồng Đăng (Lạng Sơn) là một, núi “Vọng Phu” ở Nha Trang và “đèo Mẹ Bồng Con” trên quốc lộ 1, phía ngoài ngã ba Dầu Giây ở Long Khánh. Tuy nhiên, “cầu Ái Tử” thì chỉ có một ở Quảng Trị mà thôi. Câu chuyện “Ái Tử” do đâu mà ra, không có sách sử nào nói tới. Có phải ngày xưa, khi chúa Nguyễn “dời đô” về phương Nam, những người lính còn trai tráng, vì chúa vì nước mà đi theo chúa. Các bà mẹ già ở lại; và “người vợ trẻ” cũng ở lại. Sự chia ly của gia đình, khiến những bà mẹ già ra cầu ngồi trông con? Còn người vợ trẻ chờ chồng đã “biết mấy mùa thu (rồi) hỡi chàng!” Phải chăng người đàn bà Việt Nam rất đậm đà lòng thương con, thương chồng.

Tôi chép lại ba ca dao nầy, không dùng hai chữ “bao giờ” (… nguyệt xế, trăng lu) mà tôi viết đúng tiếng đia phương “Quảng Trị tui”: “Răng chừ”. Ca dao Quảng Trị thì viết cho đúng với “tiếng địa phương” Quảng Trị. Chỉ ở một ít người “văn minh”, ở thị xã Quảng Trị, người ta mới dùng “bao giờ” mà ít khi dùng “tiếng nôm na răng chừ”.

Nay ở Ái Tử chỉ còn ngôi chùa, tên là “Sắc Tứ Tịnh Quang”. Chùa được vua phong. Trong chiến tranh Pháp-Việt (1945/54), hai ngôi chùa Sắc Tứ và “Chùa Phật Lồi” tính cách lịch sử cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam đều bị lính Tây triệt phá, lấy vật liệu làm đồn bót. Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, chùa Sắc Tứ Tịnh Quang được “đồng bào Phật Tử” góp của góp công xây dựng lại. “Chùa Phật Lồi” hoàn toàn mất dấu. Tượng các ông Phật thờ ở chùa nầy, – là tượng của người Chàm để lại, sau khi vua Chế Mân dâng đất nầy để cưới Huyền Trân Công Chúa -, không biết “trôi giạt về đâu” trong cơn suy trầm của đạo Phật, từ khi Tây đem “ánh sáng văn minh Tây phương” chiếu rọi vào dân tộc Việt Nam còn “bán khai” nầy! Trò đời mà thôi !!!!!!

Chuyện 2: Phòng tuyến chống phương bắc.

Khi vào Nam, tính chuyện “lập nghiệp lâu dài” ở phương Nam, nên chúa Nguyễn Hoàng đem theo gia quyến, binh lính của chúa. Dĩ nhiên, chúa nghĩ tới ngày vua Lê chúa Trịnh ở phương Bắc đem quân vào đánh dẹp chúa Nguyễn, không cho một thế lực hùng mạnh nào cát cứ ở phương Nam, có thể nằm ngoài cương tỏa của họ. Trong ý nghĩa đó, khi đóng quân ở Phương Nam, ý đồ của chúa Tiên, cũng như các chúa về sau như chúa Sãi, chúa Thượng, là dựng nên những phòng tuyến chống lại quân của vua Lê chúa Trịnh cho quân vào đánh phương Nam.
Người ta có thể thấy ba phòng tuyến rõ rệt:

-Bờ Nam sông Gianh (nói trại tiếng “Ranh giới”) là tuyến ở xa. Phòng tuyến nầy đến đời chú Sãi, theo lời khuyên của ông Đào Duy Từ, xây dựng một phòng tuyến vững mạnh, có hào lũy. Vì chúa Sãi gọi ông Đào Duy Từ là thầy, nên tuyến nầy có khi gọi là “Lũy Thầy”. Lũy Thầy ở bờ Nam sông Gianh, con sông nầy hỗ trợ mạnh thêm cho phòng tuyến ở bờ Nam.

-Phòng tuyến Vĩnh Linh.

Giữa tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị là một cái truông cát lớn, thuộc làng Hồ Xá, tên gọi thường là “Truông nhà Hồ”. Truông nầy hoang dã, cát và cây rừng rập rạm, không có sông suối. Quân lính từ phía Bắc, nếu qua được Lũy Thầy, gặp phải truông nhà Hồ là một vùng địa lý rắc trở khó đi. Vì vậy, lập phòng tuyến ở Vĩnh Linh là lợi thế cho quân phòng ngự hơn quân tấn công.

-Đằng sau tuyến phòng ngự Vĩnh Linh là phòng tuyến Gio Linh.
-Số binh lính thân cận của chúa thì đóng chung quanh Ái Tử để bảo vệ chúa.

Chuyện 3: “Tiến vi binh, thối vi nông”

Thuận Hóa thời bấy giờ đất còn rộng, dân thưa. Dân chúng phần đông là những người bị tội “lưu ngoại châu”. Từ thời Lý/ Trần, tội lưu đã có và chia làm ba hạng: Lưu cận châu (đày vào Nghệ An, Thanh Hóa), lưu viễn châu (đày vào Bố Chánh), lưu ngoại châu (đày vào Thuận Hóa), hoặc có thể là binh lính của các quan “dinh điền sứ”. Sau chiến tranh, binh lính thặng dư, không muốn về quê làng cũ thì “đi dinh điền”, (như thời Ngô Đình Diệm lập dinh điền cho “dân di cư 54” vậy, nhưng hồi đó không có “Mỹ Quốc viện trợ” tiền, gạo bắp hay cuốc xẻng.)

Có thể dân cư hồi đó thưa thớt, không đủ sức nuôi lính. Vả lại, Nguyễn Hoàng muốn “lập nghiệp lâu dài”, nên ông phải có kế hoạch riêng. Lính của ông chỉ canh gác, không mấy khi chinh chiến nên phải “tự túc”, “tiến vi binh, thối vi nông”. Khi có giặc thì cầm gươm giáo, khi hết giặc thì cầm cày, cầm cuốc, v.v… Người ta cũng gọi đó là cách “thực túc binh cường”.

Chuyện 4: Đò giọc

Vĩnh Linh là nơi một số quan quân đóng lại đây, vừa canh gác, phòng khi vua Lê chúa Trịnh cho quân vào đánh, vừa lo làm nông nghiệp. Vì vậy thử hỏ, tổ tiên của người dân Vĩnh Linh là ai? Là con cháu những người bị tôi lưu hay quan quân của chúa Tiên? Một vài người bạn của cậu mạ tôi, những người bạn học của tôi, cũng như một số người thuộc tầng lớp trung lưu hay lớp trên trong “xã hội Quảng Trị” mà tôi được biết, cho tôi một cái nhìn tốt về họ, làm cho tôi nghĩ rằng họ không thể xuất thân trong ừng lớp hạ lưu, ngay cả với những “người theo Cộng Sản” từ trước 1945. – Làng Huỳnh Công là làng “nổi Tiếng Cộng Sản” từ thời Pháp thuộc. Họ cũng là những “người yêu nước” cả thôi. giống như những người thuộc các đảng phái Quốc Gia như Việt Nam Quốc Dân Đảng hay Đại Việt. Họ chẳng biết gì về Cộng Sản, mà chỉ là những người “chống Pháp giành độc lập”. Có tài liệu viết rằng ông tống Phước Khuông là “người Vinh Linh”. Ông là thân sinh bà Tống Thị Lan, tức là bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, vợ vua gia Long, mẹ ông hoàng tử Cảnh.

Ông Tống Phước Khuông quê ở Tống Sơn, Thanh Hóa, theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam, đóng quân ở Vĩnh Linh. (Bà Đặng Tống Tịnh Nhơn, cựu hiệu trưởng trường Đồng Khánh/ Huế thời Ngô Đình Diệm, họ ngoại thuộc dòng dõi họ Tống nầy).

Vĩnh Linh là vùng đất đỏ, cao, tốt, nhưng chỉ trồng màu. Thổ sản Vĩnh Linh được đem vào Huế để bán. Đó là lý do tại sao có con đường “đi buôn đò giọc” từ xứ đất đỏ nầy, từ sông Bến Hải, – xưa có tên là sông Minh Lương, sau vì kỵ húy tên vua Minh Mạng nên đổi thành tên sông Hiền Lương, rồi sông Bến Hai (bến Hai hay bến Hói). Đò đi theo sông Cánh Hòm, vào sông Thạch Hãn. Đến chợ Sãi, người ta theo sông đào Vĩnh Định, qua chợ Ngô Xá – chợ thổ sản của Hải Lăng, vào sông Ô-Lâu, đổ ra phá Tam Giang, rồi ngược sông Hương mà lên Huế.

Nếu độc giả có nghe câu hò ru em của Huế “Mua vôi chợ Quan, chợ Cầu…” thì chợ Cầu là chợ của Vĩnh Linh đấy. Chợ Quán có lẽ là chợ bên “sông Quán”, phía Tây chợ Cầu. Vĩnh Linh có tới những ba ngôi chợ: Chợ Cầu, chợ Huyện, chợ Phủ. Chợ Cầu lớn nhứt, buôn bán sầm uất nhất, cũng là nơi phủ lỵ Vĩnh Linh, trước 1945, bến sông ở chợ ghe thuyền tấp nập. Có những món hang hóa từ Huế chở ra đây, cũng có nhiều thổ sản đem về Huế. Chợ Huyện nhỏ hơn. Tôi cũng không hiểu tại sao chợ của “phủ” (Vĩnh Linh) mà lại có tên là chợ “huyện”. Có phải vì huyện Gio Linh là ở bên kia sông. Chợ Phủ nằm ngay dưới làng Huỳnh Công, bên bờ sông, không biết là phần hạ lưu của sông Sa Lung hay không! Chợ chỉ có lèo tèo vài ba cái quán tranh mà thôi. Những kỷ niệm năm 1947, khi gia đình tôi tản cư ra làng Huỳnh Công, thuộc Vĩnh Linh để chờ qua “Hạ Cờ”, tức là “truông nhà Hồ” ra Thanh Hóa là xứ nầy trồng rất nhiều mít, hồ tiêu – bò quanh cây mít, và sắn (trong Nam gọi là khoai mì) và tắm “giếng mội”, nước ấm từ dưới đất trào lên, không bao giờ dứt. Khi dội nước lên người thì ấm nhưng khi nước trôi đi rồi, thì gió Bấc lạnh lắm.

Câu ca dao:

Đường vô xứ Huế – (không phải xứ Nghệ) – quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
Thương anh em cũng muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ Nội Tán dẹp yên.

Thời xưa, truông nhà Hồ nỏi tiếng có nhiều cướp bóc. Đời chua Nguyễn Phúc Chu (Minh Vương), quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng dẹp yên các đám cướp nầy. Ông còn cho phá cửa phá Tam Giang cho rộng ra để không còn các nọn sóng cao, làm chìm thuyền bè.

Phía bắc tỉnh Quảng Trị là truông nhà Hồ, phía Nam là phá Tam giang, thiêt là không “hiền” chút nào. Dẹp yên cả hai nơi nầy cho đời sống dân chúng được yên ổn, công lao quan Nội Tán không nhỏ chút nào? Bây giờ, có ai còn nhớ đến không?

Bởi vì vùng Vĩnh Linh đất cao, ruộng ít, nên Gio Linh là phòng tuyến kế cận. Nơi nầy có nhiều đất ruộng, trồng lúa, gạo hỗ trợ cho phòng tuyến Vĩnh Linh. Lúa gạo là thực phẩm chính của người Việt Nam.

Chuyện 5: Quân phủ chúa

Phủ chúa đóng ở Ái Tử (1558-1570)

Chúa đóng quân ở Ái Tử, chung quanh là quân binh của chúa, chia nhau đóng trong các “làng” mới lập, cũng vừa canh gác, vừa làm ruộng: Quân phía trước là “Tiền Kiên”, phía trái là “Tả Kiên”, phía phải là “Hữu Kiên”, phía sau là “Hậu Kiên”. Khi chúa dời phủ đi, binh lính đi theo, thành ra nhiều làng mất dấu, làng còn lại có khi bây giờ chỉ là xóm nhỏ. Hữu Kiên, Trung Kiên, Hậu Kiên thì còn. Tả Kiên, Tiền Kiên không nghe nhắc đến tên nữa.

Chuyện 6: Ngoại truyện

Ông thợ Tiềm, thợ mộc, người làng Bích La Đông, cách chợ Sãi không xa, cũng thuộc một dòng quan nhỏ. Sau khi Tây cai trị nước ta, các quan lớn, quan nhỏ của triều đình Huế, người thì bị “biên chế” (danh từ Việt Cọng đấy), người thì chống Tây nên từ quan. Nhiều dòng họ càng ngày càng nghèo đi. Đó cũng là trường hợp gia đình ông thợ Tiềm. Ông không cầm ngọn bút lông mà tập cầm cái bào, cái đục để làm nghề thợ mộc. Kinh tế khó khăn, trong làng thợ mộc cũng… hơi nhiều, hay ông thợ Tiềm tay nghề không cạnh tranh không lại với những người thợ khác, nên ông phải đem hòm đục qua hành nghề ở làng Hậu Kiên – xóm nầy nằm kế chợ Sãi. Anh học trò Lê Văn Nhuận, con trai lớn ông thợ Tiềm được cho đi học bởi vì Tây cho mở trường sơ học ở phủ lỵ, kế bên chợ. Tuy nhiên, anh học trò Lê Văn Nhuận chỉ học tới lớp ba, bởi vì trường sơ học của phủ hồi đó chỉ mở tới lớp Ba mà thôi. Với lại, hồi xưa, thiếu niên được cha mẹ cho ghi tên đi học trễ. Học trò lớp Ba nhưng anh ta cũng “lớn bộn” rồi.

Thầy dạy lớp Ba của anh học trò Lê Văn Nhuận là “ông trợ Lẫn”, tên đầy đủ là Hồ Ứng Lẫn, Tây gọi là “Instituteur Auxiliaire”, nhà kế bên “Chùa Phật Học Quảng Trị”. Cứ mỗi thứ thứ Năm, thứ Bảy, Chủ Nhật, anh học trò Lê Văn Nhuận đến “giữ em” cho Thầy/ Cô. Cô là em gái ông Diệp Khôn, chủ tiệm Diệp Đức Ký, giàu có nổi tiếng ở chợ Quảng Trị. (Ông Tyler Diệp thuộc dòng họ nầy). Thầy Cô chỉ có một cậu con trai là anh Hồ Ứng Phùng, sau nầy đóng “loon” trung tá VNCH. Sau năm 1975, anh học trò cũ Lê Văn Nhuận – bây giờ là “tổng bí thơ” đảng Cộng Sản VN Lê Duẫn, về Đà Nẵng có tìm gặp thăm Cô. Cô có “xin cho em” (con trai Cô) được “học tập” về sớm. Anh học trò cũ có hứa, nhưng mãi một năm sau, khi con trai Cô bị bệnh nặng, Cô phải ra Hà Nội xin một lần nữa. Bấy giờ, anh học trò cũ mới nhớ lại lời hứa cũ, mới “cho em nó” về. Nhưng ông cựu trung tá VNCH về tới Saigon thì được đưa vô bệnh viện Bình Dân và qua đời ở đó không bao lâu sau. Cô lo mai táng cho con trai, “Đảng và Nhà Nước” khỏi tốn cái hòm. Ông nội ông Tyler Diệp gọi vợ Thầy trợ Lẫn bằng cô ruột. Gia đình nầy “đi Mỹ” bằng con đường nào? Chuyện nầy “hồi sau” sẽ rõ!

Sau khi vô làm hãng xe lửa, anh Lê Văn Nhuận được dân “Quảng Trị tui” gọi là ông “Phán Duận”
Tại sao?

Tiếng Quảng Trị thường phát âm chữ “NH” thành ra “D”, “Cái già (nhà) là già (nhà) của ta”, nên cái tên “Nhuận” được phát âm là “Duận”. Làm công nhân xe lửa, anh học trò Lê Văn Nhuận có “nổ” làm “thông phán” không!? Người dân “Quảng trị tui” thiệt thà, ai nói sao nghe vậy. Còn như giai cấp vô sản là “giai cấp tiên phong của đảng”, ông Lê Duẫn dại gì khai là con nhà quan, ở làng Bích La Đông, mà khai là con ông thợ Tiềm, làng Hậu Kiên, không “quan hệ” gì tới làng Bích La cả.

Chuyện 7: Dời phủ đến làng Trà Bát.

Sau khi “đóng đô” ở Ái Tử được 12 năm (1558-1570), chúa Tiên dời phủ về làng Trà Bát, phía đông-bắc Ái Tử vì Ái Tử thiếu nước ngọt, vì “thế phòng ngự không kín”… Làng Trà Bát nằm bên tả ngạn sông Thạch Hãn. Ngang bên kia sông, hữu ngạn là làng Đại Hào, quê hương bản quán của tướng Hoàng Xuân Lãm, VNCH.

Đến đời chúa Sãi, làng Trà Bát đổi tên là làng Trà Liên, nay còn gọi là Trà Liên Tây (?), xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Dấu tích chúa Nguyễn “đóng đô” ở làng nầy nay chẳng còn gì.

Chuyện 8: Chợ của chúa

Phủ lỵ của phủ Triệu Phong nằm kế bên Chợ Sãi.

Chúa thứ hai Nguyễn Phúc Nguyên, con trai thứ 6 của của Tiên, được kế ngôi, dân chúng gọi là chúa Sãi hay Sãi Vương, chúa Phật, chúa Bụt.

Chữ Sãi có hai cách viết: Sải dấu hỏi là một sải tay, là độ dài từ đầu mút tay bên nầy tới đầu mút tay bên kia, khi tay giang rộng ra, hay bởi sải là tay bơi thẳng ra. Còn như Sãi dấu ngã là “ông sãi ở chùa”, “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” là câu tục ngữ. Tên chúa Sãi là Nguyễn Phúc Nguyên. Cũng có một truyền thuyết về chức “phúc” trong tên chúa. Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyễn Hoàng Kim (hay Nguyễn Kim) là tên ông cố và ông nội. Tên cha là Nguyễn Hoàng, là cha của chúa Sãi. Tên lót hai ông trước là “hoằng”. Chuyện kể rằng khi mẹ chúa là Nguyễn thị (không ghi tên) có thai ông, nằm mộng thấy thần tiên đến ban cho tờ giấy có chữ “phúc”, nên tên ông là Nguyễn Phúc Nguyên. Chúa được sinh trong khi Nguyễn Hoàng còn đóng ở Ái Tử, bên kia sông Thạch Hãn, bên nầy là chợ Sãi. Từ nhỏ, đọc sử, tôi vẫn thường suy nghĩ: Có gì liên hệ giữa tên chúa Sãi và chợ Sãi. (Sãi đều viết dấu ngã). Phải chợ nầy do chúa lập ra hay người ta lấy tên chúa đặt cho chợ để tỏ lòng thương, kính?

Khi chúa Sãi ba tuổi thì chúa Tiên “dời đô” về làng Trà Bát (1570), rồi dời về làng Phước Yên (Phúc An) Quảng Điền Thừa Thiên năm 1626. Chúa Nguyễn Hoàng mất năm 1613. Theo cách tính năm, thì chúa Sãi lên ngôi năm nầy, khi thủ phủ của chúa còn ở Trà Bát. Chúa Sãi qua đời (1635), sau khi dời phủ về Phước Yên được 9 năm. Nay ở Phước Yên còn đền thờ và tượng gỗ của ông Nguyễn Ư Kỹ.

Chuyện 9: Công nhiệp lừng lẫy của chúa Sãi.

Công nghiệp chúa Tiên là vào Nam xây dựng và củng cố công nghiệp, chưa dám ra mặt chống lại chúa Trịnh vua Lê ở phía Bắc, cũng chưa mở rộng và phát triển miền Nam như thời chúa Sãi.

Trong suốt thời gian trấn giữ đất Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng thường tỏ long trung với vua Lê. Do đó, ông được vua Lê/ chúa Trịnh cho cai quản thêm đất Quảng Nam. Năm 1570, năm chúa dời phủ về làng Trà Bát (nay là Trà Liên/ Quảng Trị), bởi vì con của Trịnh Kiểm là Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh ngôi, đem quân đánh nhau, tướng nhà Mạc là Lập Bạo đem thủy quân đổ bộ lên Hồ Xá, đánh chúa Nguyễn. Chúa dùng “mỹ nhân kế” giết Lập Bạo. Binh lính thua trận của Bạo, chúa cho định cư ở Cồn Tiên (có phải Cam Lộ ngày nay?), lập thành 36 phường.

Năm 1594, khi Trịnh Tùng đem quân ra bắc đánh họ Mạc, chúa Nguyễn Hoàng đem quân ra giúp, lập được nhièu công to, tiếng tăm vang dội, mặc dù chúa có hai người con trai tử trận trong nhiều lần đánh nhau với quân Mạc. Trịnh Tùng có ý lo, sợ chúa tranh mất dịa vị của mình, có ý giữ chúa ở lại phía Bắc, không cho về Nam nữa, sợ “thả hổ về rừng”.

Sau khi ở đằng ngoài đã được tám năm, chúa muốn về Nam mà chưa về được, năm 1600, nhân khi Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê nổi lại chống chúa Trịnh, chúa mượn cớ đánh dẹp đám loạn quân nầy, bèn đem hết quân thủy bộ lên thuyền giong buồm về phương Nam, mặc dù có để lại một người con trai ở phía Bắc để làm con tin, nhưng “tình nghĩa Bắc/ Nam” coi như đến năm nầy, – 1600 – là chấm dứt. Tuy nhiên, nhà Nguyễn ở phương Nam chỉ lo chống đỡ “Quân phía Bắc xâm lược miền Nam” (giống như VNCH trước năm 1975), chớ không dòm ngó “lấp sông Gianh bao giờ”. Có phải người Nam muốn yên mà không yên được?

Mãi dến khi chúa Sãi lên “ngôi”, chúa mới ra mặt chống phía Bắc kịch liệt.

-Chống lại phương Bắc.

Một mặt chúa cho củng cố các tuyến phòng ngự, nhất là phòng tuyến bờ Nam sông Gianh.
Bấy giờ có ông Đào Duy Từ, quê ở Thanh Hóa, trốn vào Nam, tìm đường tiến thân vì ở ngoài ấy, ông thi đậu, nhưng bị cách tuột, lột mũ áo đuổi về vì cha ông là Đào Tá Hán, vốn là một người làm nghề ca hát, bị chê là “xướng ca vô loại”.

Buổi đầu, khi mới vào Nam ông phải chăn trâu để kiếm sống. Sau đó, ông Trần Đức Hòa biết Đào Duy Từ là người có tài bèn mời về nhà dạy học và gả con gái cho.

Bấy giờ chúa Sãi đang nuôi chí lớn, muốn “độc lập” với phương Bắc, mở rộng bờ cõi về phương Nam nên “cầu hiền tài” giúp chúa. Biết vậy, Trần Đức Hòa dâng lên chúa một tác phẩm của Đào Duy Từ: Cuốn “Ngọa Long Cương Vãn”. Đào Duy Từ tự ví mình như Gia Cát Lượng, “nằm chờ thời”. Ngoài ra, Đào Duy Từ còn soạn hai cuốn khác nữa: “Hổ trướng khu cơ” soạn khi làm quân sư cho chúa Sãi, và cuốn “Tư Dung Vãn” soạn sau khi làm quan. “Tư Dung” là cửa biển “Tư Hiền” ngày nay, nằm ở cuối “đầm Phú Thứ”, tỉnh Thừa Thiên.

Xin nhớ cho là ông Đào Duy Từ là người rất nổi tiếng trong lịch sử về nhiều mặt: Thông kim bác cổ, có tài trị nước, giúp chúa Sãi trong việc cai trị, mở mang kinh tế, thao lược quân sự, giỏi về lịch sử và là một nhà thơ. Đời ông tạo ra nhiều “huyền thoại” trong dân chúng, được vua Minh Mạng phong là “Hoằng Quốc Công”, được vua Gia Long cho “tùng tự” ở Thái Miếu, nơi thờ các chúa Nguyễn và các đại công thần nhà Nguyễn.

Mở đất phương Nam

-“Công chúa (có người gọi là công nữ) Ngọc Vạn”:
Năm 1620, chúa Sãi gả con gái thứ hai cho vua Chân Lạp là Chey Chatta II, nhằm lôi kéo ông vua Miên nầy nghiêng về phe Việt Nam, trước thế lực mạnh mẽ của vua Thái Lan. Làm hoàng hậu xứ Miên, Ngọc Vạn công chúa (nữ) khéo vận dộng vua Miên thuận cho người Việt vào sinh sống ở Mô Xoài (nay là Bà Rịa) và Lộc Dã (nay là Đồng Nai).

-“Công nữ Ngọc Khoa”:

Năm 1631, chúa Sải gả con gái thứ ba là Ngọc Khoa cho vua Chiêm Thành là Po Rôme, nhằm ngăn ngừa vị vua nầy đang muốn dựa vào thế lực người Hòa Lan để chống lại Việt Nam.

-Mở rộng ngoại thương ở Hội An

Chúa Sãi mở rộng thành phố Hội An buôn bán với người ngoại quốc, trong số đó, đông nhứt là người Nhựt, người Macao, người Tầu, người Hòa Lan… Vì mục đích nầy, chúa Sãi gả người con gái nuôi của chúa cho một thương nhân, cũng làm một nhà hàng hải nổi tiếng của Nhựt là Araki Soutaro (“Hoàng Mộc Tông Thái Lang, tên Việt là Nguyễn Thái Lang) vào năm 1619. Bà theo chồng về Nhựt, qua mất năm 1645, chôn trong một ngôi chùa ở Nagasaki.

-Thành lập “Phường Đúc” ở Huế

Để chống lại Đằng Ngoài chúa Sãi có hai đội đúc gươm giáo và súng từ Quảng Bình đưa vào. Sau đó, chúa Sãi cho gọi một người Bồ Đào Nha tên là Jean De La Croix có nghề đúc giỏi từ Hội An về Kim Long phục vụ cho chúa. Vị trí các lò đúc nầy bây giờ gọi là “Phường Đúc”, trên đường xưa gọi là Huyền Trân Công Chúa, bây giờ gọi là Bùi Thị Xuân, gần nhà máy vôi Long Thọ.

Việc đúc 9 “Đại thần công” ở Huế, cũng như “Cửu Đỉnh” trong Đại Nội, nhất là việc đúc các chuông chùa và nhà thờ ở Huế và miền Trung, và hai cái chuông ở Chùa Linh Mụ đều là công trình của “Phường Đúc”.

Theo vài người, ông Jean De La Croix được chúa Sãi gọi về Kim Long khi chúa “dời đô” làng Trà Bát về làng Phước Yên. Tuy nhiên, cũng có tài liệu nói rằng ông Jean De La Croix về Phú Xuân vào đời chúa Nguyễn Phúc Chu.

Đó là công lao của chúa Sãi!

Kết thúc

Vua nhà Trần gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chiêm Chế Mân năm 1309 (năm công chúa về Chiêm) tới năm Nguyễn Hoàng vào Nam 1558, tính ra là 249 năm (#250 năm).

Từ khi Nguyễn Hoàng vào Nam đến khi hoàn thất cuộc Nam Tiến là 150 năm, ngắn hơn 100 năm.
Sách “Gia Định thành thông chí” chép:

“Mạc Cửu sai thuộc hạ là Trương Cầu, Lý Xá dâng biểu trần trình lên kinh đô Phú Xuân khẩn cầu xin được đứng đầu trông coi đất ấy.
“Tháng 8 mùa thu năm thứ 18 Mậu Tý (1708), chúa Nguyễn Phúc Chu, chuẩn ban cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước là Cửu Ngọc hầu.” (Trích lại từ Wikipedia)

Tính từ năm 1558 đến năm 1708 là 150 năm, mặc dù đời nhà Lê, năm 1470, vua Lê Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, sau khi thắng trận, vua Thánh Tông chia nước Chiêm thành ba: Chiêm Thành, Hóa Anh và Nam Phan để cho nước nầy hèn yếu đi, không bao giờ vươn dậy được nữa.

Cuộc Nam Tiến, từ giữa Thế kỷ 16 trở về sau, tiến nhanh hơn và hoàn tất, chính là nhờ công lao các chúa Nguyễn.

Hoàng Long Hải
Quán Văn
Ghi chú:


Bài nầy viết ra không phải nhằm mục đích “viết sử” như các sử gia, cũng không phải dưới hình thức một bài giáo khoa lịch sử như sách dạy cho học sinh.

Ý muốn của tôi là kể chuyện cho độc giả nghe mà thôi. Vì vậy, tôi mới lấy nhan đề là “Kể chuyện lịch sử”.

Chuyện lịch sử Quảng Trị thì còn nhiều. Chỉ sợ “tuổi già bóng xế”, tôi cũng rán mà nói chuyện “Con chim phượng hoàng bay qua hòn núi bạc, Con cá ngư ông móng nước ngoài khơi! Gặp nhau đây cạn tỏ môt đôi lời, Kẻo mai kia con cá về sông vịnh, Con chim phượng hoàng dời non xa.” Câu ca dao của “dân Quảng Trị tui”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad