Tập Cận Bình đang sợ ‘Thiên Nga Đen’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2020

Tập Cận Bình đang sợ ‘Thiên Nga Đen’


Mối lo lớn nhất của Bắc Kinh bây giờ là xã hội bất ổn nếu quá nhiều người mất việc. Trong hình, công nhân Trung Quốc làm việc tại một nhà máy ở Trương Gia Khẩu, phía Bắc tỉnh Hà Bắc hôm 13 Tháng Giêng, 2020. (Hình: STR/AFP via Getty Images)

Trong quý thứ ba năm 2019, tỷ số tăng trưởng Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) Trung Quốc 6% là mức thấp nhất kể từ năm 1992. Và sẽ còn xuống thấp hơn. Chiến tranh mậu dịch với Mỹ là một nguyên nhân, nhưng còn nhiều yếu tố khác khiến kinh tế tiến chậm lại.

Thí dụ, sức tiêu thụ của người dân giảm sụt, vì giá cả nhà cửa và thịt heo lên cao khiến họ không còn dư tiền mua những thứ xa xỉ như xe hơi hay điện thoại mới. Số tiền nợ của chính phủ địa phương và các xí nghiệp vẫn tăng cao, lo không trả được.

Để đối phó với quả bom nợ, năm ngoái Cộng Sản Trung Quốc đã tảo thanh hệ thống “ngân hàng đen;” tức là những quỹ cho vay mà Ngân Hàng Trung Ương không kiểm soát. Hành động này khiến các xí nghiệp tư doanh thiếu tiền vì xưa nay không thể vay được từ các ngân hàng chính phủ họ phải quay sang các “ngân hàng đen” với lãi suất có khi lên tới 20%.

Các xí nghiệp tư giúp kinh tế Trung Quốc phát triển gấp bội hơn các doanh nghiệp nhà nước. Khi họ giảm bớt tiền đầu tư thì GDP không tăng trưởng như trước nữa.

Lâu nay, khi lo kinh tế trì trệ, Bắc Kinh vẫn dùng món võ cũ: In tiền! Rồi đem tiền xây dựng hạ tầng cơ sở, để dân có việc làm. Bộ Giao Thông lại mới đưa ra một kế hoạch chi khoảng $400 tỷ cho đường xe lửa, xa lộ và dẫn thủy.

Trong cuộc chiến tranh thương mại, Trung Quốc và Mỹ chưa bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng hầu hết các nước khác đã lãnh đạn. Vì họ đứng giữa, cung cấp nguyên liệu hoặc các món tạo thành những sản phẩm đang bị hai nước đánh thuế. Nền kinh tế của các nước này nhỏ hơn nên sức chịu đựng thấp hơn. Khi dân các nước đó nghèo hơn thì họ cũng không nhập cảng hàng hóa từ hai nước lớn.

Vì chiến tranh mậu dịch, ngành công nghiệp chế tạo (manufacturing sector) ở Mỹ và Trung Quốc đang giảm. Cả hai nước xuất cảng ít hơn. Nhưng Trung Quốc lo sợ hơn Mỹ. Vì khác với nước Tàu, công nghiệp chế tạo ở Mỹ chiếm một vị trí nhỏ, ngành dịch vụ mới quan trọng. Không những thế, nhiều công ty chế tạo đang bỏ Trung Quốc qua nước khác để khỏi bị Mỹ đánh thuế. Dù không bị Mỹ gây chiến các công ty sản xuất ở bên Tàu cũng tìm địa bàn hoạt động mới, vì lương bổng ở Trung Quốc đã lên cao, luật lệ vẫn phức tạp, nạn tham nhũng chưa giảm,

Hàng xuất cảng của Trung Quốc lãnh đòn nặng nhất. Tới Tháng Mười Một, 2019, số hàng Trung Quốc bán sang Mỹ đã giảm 20%, xuống mức thấp nhất kể từ Tháng Ba, 2013. Mỹ đã tăng số nhập cảng từ các món sản xuất tại Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan và Mexico; vì nhiều nhà sản xuất đã đổi cơ xưởng từ Trung Quốc sang các nước này. Lâu nay, thương vụ Mỹ mua bán với Tàu cao nhất (và Tàu được lợi nhất vì bán nhiều và mua ít). Bây giờ Trung Quốc đứng hàng thứ ba, sau Mexico và Canada.

Thỏa hiệp “Hưu Chiến Đợt 1” cho cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹvới Trung Quốc sẽ ký kết trong mấy ngày sắp tới cũng không giúp được cho công nghiệp sản xuất bao nhiêu vì phạm vi ảnh hưởng rất giới hạn.

Nhưng dó không phải là mối lo lớn nhất của giới lãnh đạo Bắc Kinh.

Đầu năm ngoái Trung Cộng đặt ưu tiên là kiềm chế số nợ khổng lồ. Nhưng năm nay, mục tiêu ngăn không cho quả bom nợ căng phồng đã trở thành thứ yếu! Các địa phương sẽ được phép bảo ngân hàng đưa tiền để họ làm những gì họ muốn, miễn là dân có công việc làm.

Mối lo lớn nhất của Bắc Kinh bây giờ là xã hội bất ổn nếu quá nhiều người mất việc.

Tháng trước, Quốc Vụ Viện, tức chính phủ Trung Quốc, ra lệnh chính quyền các địa phương phải “làm hết sức” trong năm 2020 để không xảy ra cảnh thất nghiệp nặng nề – họ nói rõ đây là ưu tiên số một. Họ loan báo chỉ tiêu mỗi năm phải tạo ra 11 triệu công việc mới.

Trên giấy tờ, tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc chỉ từ 4% tới 5%. Nhưng ai cũng nghi ngờ các con số đó. Một cuộc nghiên cứu (NBER Working Paper No. 21460) đã ước tính từ năm 2002 đến 2009 tỷ số thất nghiệp bình quân của nước Tàu là 10.9%; trong khi nhà nước đưa ra con số 4.2%. So với các quốc gia cùng trình độ phát triển thì 11% thuộc hàng rất cao.

Vị trưởng quan Hành Chánh còn báo động rằng nước Tàu có thể phải đối đầu với “các biến động quần chúng bất ngờ” nếu thất nghiệp gia tăng. Những chữ này ít khi được dùng trong các văn kiện nhà nước, ám chỉ các vụ dân tụ tập phản đối bằng bạo lực.

Ông Tập Cận Bình cũng đã cảnh báo điều này một cách văn vẻ. Năm ngoái ông khuyến cáo các đảng viên phải coi chừng hiện tượng “Thiên Nga Đen” (black swan), tức là những chuyện không ai tưởng tượng được nhưng bất ngờ xuất hiện. Gần như ai cũng chỉ thấy những con thiên nga màu trắng! Dân nổi lên bạo loạn là một thứ “black swan.”

Để số người mất việc không tăng nhanh quá, nhà nước đã giảm thuế nhập cảng, để hàng hóa đỡ tăng giá. Họ báo cho chính phủ Mỹ là họ đang nhượng bộ về thuế quan, nhưng mục đích chính là kích thích tiêu thụ. Họ lại cắt lãi suất, để nhiều người vay tiền tiêu thụ và đầu tư hơn.

Bắc Kinh còn nới lỏng chính sách hộ khẩu, cho nông dân được lên thành phố kiếm việc dễ dàng hơn.

Năm nay kết thúc kế hoạch 5 năm thứ 13 của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Năm 2015, họ đã ấn định chỉ tiêu là chấm dứt cảnh nghèo và thiết lập một “xã hội phồn vinh.” Cuối năm 2020, khi Tập Cận Bình tuyên bố kế hoạch năm năm đã thành công mỹ mãn mà quá nhiều người thất nghiệp kéo nhau đi biểu tình, thì sẽ rất bẽ bàng!

Ông Tập Cận Bình sẽ phải đối phó với bốn vấn đề hóc búa: Quả bom nợ toàn quốc phồng lên, dân bớt tiêu thụ, chiến tranh mậu dịch với Mỹ; và đáng lo nhất là sẽ rất nhiều xí nghiệp sa thải công nhân.


Ngô Nhân Dụng
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad