Tìm Hiểu Tư Tưởng Lý Đông A - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2020

Tìm Hiểu Tư Tưởng Lý Đông A


Tìm hiểu về Lý Đông A (LĐA) không phải chỉ là đi tìm ngày tháng năm sinh hay tiểu sử, cha mẹ, sinh quán…Tìm hiểu LĐA vì ông là một thiên tài của VN trong một thời gian quá ngắn 1920-1945 nhưng những gì ông để lại quả là vô lường. Loài người có những thiên tài về âm nhạc, toán học, khoa học, triết học.. nhưng ít có ai nắm được hơn một lãnh vực. LĐA là một trong những người như vậy.

Hình minh họa: Lý Đông A tên thật là Nguyễn Hữu Thanh, quê huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông thông thạo: Thái dịch, Phật học, Lịch sử... Tương truyền ông là một thần đồng, biết chữ khi 3 tuổi. Khi 16 tuổi ông gặp được Phan Bội Châu bị quản thúc ở Huế và bắt đầu cộng tác với Việt Nam Quang Phục Hội.

Tư tưởng (hay chủ nghĩa Duy Dân) của LĐA bao gồm Khoa (học)-Triết (học)-Sử (học). Tài liệu ông để lại ngắn gọn, súc tích. Có thể vì ông không có thì giờ để diễn giải trong giai đoạn chiến tranh. Có thể vì ông biết VN chưa đủ cơ hội để hấp thụ những gì ông suy nghĩ mà phải là thời đại 2000s (thời đại Internet?). Mà cũng có thể ông chỉ là người mơ mộng quá đáng tuy rằng những gì ông biết và viết vẫn là trong giòng lịch sử của loài người nhưng để thực hiện thì không dễ hiểu và dễ làm.

Một trong những trở ngại chính khi tìm hiểu Duy Dân- LĐA là tài liệu chép tay để lại. Đâu là thủ bút của LĐA (chính gốc) và đâu là những gì chép lại theo lời giảng của ông. Tất cả tài liệu đều ghi phần cuối là XY Thái Dịch LĐA. Nhưng theo các đảng viên Duy Dân còn lại đến thời 2000 (tại Mỹ) thì đó là ghi lại chứ chính LĐA không viết. Đúng ra các tài liệu phải ghi là “viết lại theo lời LĐA”. Và phần nào là được thêm vào để giải thích phải ghi rõ. Tiếc thay từ 1945 đến nay sự kiện này chưa được thực hiện và người sau phải cẩn thận khi tìm hiểu ngôn ngữ của LĐA và khám phá những gì đã được thêm vào tài liệu sau 1945.

Vì không có thâu băng, ghi chép tay thì chữ còn chữ mất và người chủ tác cũng không có thì giờ kiểm soát lại (tương tự như Kinh Thánh, Kinh Phật…đều ghi là Chúa/Phật nói… nhưng mỗi đệ tử ghi lại có chỗ giống, chỗ khác).

Vậy người đời sau sẽ hiểu LĐA như thế nào?

Tư tưởng LĐA đòi khỏi Khoa học là phải có mạch lạc, chính xác, thứ tự, đầu đuôi, nguyên tắc, chính phụ… Vào thời điểm 2000s, nói đến khoa học thì có vẻ ai cũng chấp nhận. Nhưng đối với các nhà chính trị, cách mạng thì sự biện luận, lý luận quan trọng hơn sự quan tâm về khoa học và mục đích của nó.

Loài người dễ quên là từ Triết học mới có toán học và đi đến khoa học ngày nay. Triết học không phải chỉ nói nhảm, viển vông mà phải là minh triết (sự khôn ngoan, sáng suốt) để phục vụ con người. LĐA đã nói lấy con người là mục đích. Triết học phải thực dụng để đi đến Đạo học. Đạo học theo Duy Dân không phải tôn giáo mà là con đường của loài người. Nhân đạo là đường sống của loài người: “Sống biết-Sống đúng- Sống thực”.

Và để có thể sống được như vậy, con người phải có Tu Dưỡng Thắng Nhân (Thiết Giáo).

Triết học theo LĐA là cuộc sống hàng ngày, học hỏi và lý luận để tìm ra hướng đi. Do đó xã hội biện chứng pháp trong Duy Dân rất quan trọng cho những ai theo đuổi Duy Dân. Duy Dân không phải để nói về chính trị, cách mạng. Duy Dân là cuộc sống của mỗi con người trong xã hội với thiên nhiên. Có rất nhiều người nói về Duy Dân nhưng không phải là Duy Dân khi nhìn vào đời sống của họ. Đó là những người xài bạc giả (nói) trong khi tư tưởng Duy Dân là vàng thực.Tại sao có thể nói như vậy? Chỉ có vàng thực mới biết vàng giả. Chỉ có chân tu mới biết kẻ tu giả. Chỉ khi biết sự thực mới biết ai nói thực. Chỉ khi “sống thực” mới biết kẻ sống giả dối chỉ là nói miệng mà thôi.

Nếu là nhà tu thì bạn bỏ đi. Nếu là người thường, bạn lên tiếng và bị chụp mũ “phá hoại đoàn kết”. Vì kiến thức phải tiêu hóa chứ không phải để “nhai lại”.Và khi tiêu hóa thì thành hành động. Nếu không có hành động phù hợp với “sở mệnh” thì bạn…. phải hiểu đó là bạc giả.

Triết học không phải thần học. Thần học dẫn đến tôn giáo và con người tin tuyệt đối vào đấng thiêng liêng và thường dẫn đến sự mù quáng, lợi dụng. Còn triết học đòi hỏi con người phải thực tế lý luận, quan sát các yếu tố, đối tượng, thời gian, không gian…và những khía cạnh liên quan đến đời sống con người. Do đó LĐA đã vượt lên cả Duy Vật, Duy Tâm, Duy Sinh để đưa ra chủ nghĩa Duy Dân. Không nắm vững các nguyên tắc của triết học sẽ không hiểu LĐA vì để hiểu triết học LĐA, bạn còn phải đi qua Triết học “huyền bí” của Đông phương. Nhiều người cho là vì “huyền bí” nên không đáng tin cậy. “Huyền bí” chỉ vì chưa có Tu Dưỡng Thắng Nhân để hiểu. Tu Dưỡng Thắng Nhân thì đòi hỏi thời gian dài mà những nhà chính trị thường không có bụng dạ nào để đi qua thử thách như vậy.

Triết học là dùng lý luận để tìm ra sự thực, là sự suy nghĩ khôn ngoan của trí óc để phục vụ con người và xã hội. Đạo là con đường. Khi con người không tìm ra lý do để giải thích lý luận của mình thì gán cho Thần Thánh. LĐA không dựa vào tôn giáo để thuyết phục mọi người. LĐA đã đưa ra sự Tu Dưỡng của cá nhân. Thánh nhân cũng chỉ là con người biết Tu Dưỡng. Một khi có tu dưỡng thì sẽ biết phải làm gì, sống như thế nào và đó là đường sống của con người.

Triết lý vì phải có lý luận. Lý luận phải có nguyên tắc. Nguyên tắc phải dẫn đến phương pháp. Đó là Biện Chứng Pháp. Triết lý phát ra từ con người vì để giải quyết những vấn đề của con người trong cuộc sống xã hội. Từ con người (tự kỷ) đi vào xã hội (động tha) để tác động đến tha nhân (ỷ tha). Khi mọi người đều như vậy thì mỗi cá nhân (tự kỷ) hành động (động tha) cũng trở thành tha nhân (ỷ tha): người làm cũng chính là người hưởng. Và như vậy xã hội mới thích hợp cho mọi người sống. Con người không thể nhân danh cá nhân để khai thác, hưởng lợi từ xã hội (tư bản) mà cũng không thể nhân danh tập thể, xã hội, tổ quốc để tha hóa khiến con người vong bản (cộng sản). Khi con người tàn tạ thì xã hội sẽ còn là gì?

Lý tắc của Duy Dân chỉ là bước đầu vì theo LĐA thì hiểu nghĩa, rồi đến lý — nhưng chưa đủ vì còn phải ngoài “lý” nữa. “Lý” là “cái tôi”. Hiểu ngoài “lý” là không còn cái “tôi” bản thân nữa. Đó là lý vô ngã. Có bao nhiêu nhà tu đạt được như vậy?

Một trong những đóng góp của con người cho xã hội là khoa học. Nhưng nếu khoa học chỉ để phục vụ lòng tham, sự kiêu căng, ích kỷ của con người thì khoa học trở thành mối họa. Sự đam mê phát triển khoa học đã quên đi sự “tung hợp” và “Trinh-Bình-Hòa” của xã hội. Khi khoa học tiến nhanh hơn đạo đức, luật pháp và sự điều hòa của xã hội thì rối loạn xảy ra vì khoa học có giới hạn của nó. Những khám phá của khoa học thường nhắm vào kết quả trước mắt mà không nhìn thấy hậu quả lâu dài. Thường thì quá trễ để sửa đổi và đó là những bài học lịch sử.

Vì nhìn lại lịch sử loài người. Chính trị hôm nay là lịch sử ngày mai. Nhân loại đã từng hưng thịnh và suy vong qua nhiều thời đại chỉ vì quá mê tín hay quá tôn sùng khoa học, đạo học mà nhiều nền văn minh đã bị hủy diệt. Lich sử không ngụy tạo, chỉ có con người mới ngụy tạo lịch sử.

Duy Dân khó hiểu và khó thực hiện vì (a) Duy Dân chủ nghĩa không phải cho bá tánh, ai đọc cũng hiểu và sử dụng được. Duy Dân là dành cho những ai có “khả năng và tất năng” làm chính trị & cách mạng. Là những người phải có “tu dưỡng thắng nhân” và “sinh mệnh tâm lý”. Đó là tự học. Không có trường đại học nào dạy như thế cả. (b) Thông thường con người chỉ theo học một bộ môn: khoa học, triết học hay sử học. Không ai đi học cả 3 ngành khi chỉ học một cũng đủ mệt và đủ sinh sống rồi thì học cả 3 để làm gì? (c) Duy Dân không phải chỉ nói suông. Duy Dân cũng không thể độc diễn hay giả dối được. Hãy hỏi tất cả những nhà hoạt động Duy Dân:

1. Bạn hiểu Duy Dân như thế nào? (đường nào đi vào Duy Dân?)

2. Bạn có đi qua (không cần phải tốt nghiệp đại học) Triết-Khoa-Sử?

3. Bạn có thực hành “sinh mệnh tâm lý” và “tu dưỡng thắng nhân” hay không?

Như vậy bạn sẽ thấy Duy Dân không phải “mắc dịch” lan tràn tùm lum. Duy Dân rất hạn chế và chỉ dành cho một số người có cơ duyên mới nắm và thực hiện. Tiếc thay đa số mọi người chỉ chạy theo số 1 mà quên đi số 3.

Tại sao LĐA lấy hiệu là “Thái Dịch”? Có thể vì LĐA hiểu tư tưởng Triết học Đông phương mà nhiều người cho là huyền bí. Vậy Dịch lý, Tử vi, Độn giáp, Thái ất có đáng tin hay không? Sử dụng như thế nào? Nếu không tin thì tại sao LĐA “viết” Sinh Mệnh Tâm Lý, Hình Nhi Thượng, Khả Năng với Tất Năng, Chính Kỳ Sở Mệnh…. Thế nào và làm sao để “sở mệnh”?

Thực hiện Duy Dân còn xa lắm các bạn.

Để biết về 3 môn này thì không phải dân thường (đáy tầng) có thể hiểu được. Trong thời chiến tranh, Lý Đông A (LĐA) có viễn kiến về Duy Dân, tình trạng nước Việt trong tương lai và thời thế đang xoay chuyển. Ông chỉ có thể truyền lại cho hậu thế những gì ông suy nghĩ. Những đảng viên quanh ông cố gắng ghi lại và trao truyền cho đến ngày nay. Vì khả năng và điều kiện giới hạn nên những gì LĐA để lại cần phải thanh lọc, tu chỉnh. Tiếc rằng từ 1945 đến 1975, Duy Dân dưới thời VNCH tại miền nam VN đã phân hóa vì đấu tranh và bỏ lơ phần lý thuyết. Tam sao thất bổn. Chữ tộ đánh chữ tác… càng làm cho Duy Dân chủ nghĩa thêm rối bời. Hiện nay tài liệu LĐA đăng trên trang website ” Thangnghia.org ” tuy có thêm phần chú giải nhưng để xác định chữ nào của LĐA, chữ nào thêm vào là điều khó khăn. Chưa kể tinh thần quá kính trọng LĐA đến nỗi các chi bộ Duy Dân không ai dám đề nghị tu chỉnh.

Thêm vào đó hình thức phổ biến tài liệu về LĐA rất cẩu thả. Tài liệu nào cũng kết thúc “Thái Dịch Lý Đông A. 48xx tuổi Việt (19xx)”. Hậu sinh đọc như vậy sẽ hiểu rằng đó là LĐA đã viết như vậy. Nhưng hỏi những đảng viên Duy Dân thì nói rằng đó là chép lại từ lời dạy của LĐA. Nếu đã là ghi lại lời dạy (giống như lời Chúa, Phật dạy) thì phải ghi rõ ràng “lời Ngài /Thầy/Người đã nói…” Đó là chưa kể những lời, chữ khó hiểu mà người ghi lại không nắm được nên tìm chữ khác thay thế cho… người đọc dễ hiểu, khỏi thắc mắc, đặt câu hỏi mà người ghi lại không thể trả lời hay giải thích được.

Thử hỏi nếu VN mất vào tay Trung Cộng, VN xóa sổ trên thế giới. Nòi giống Việt “linh lạc”(chữ của LĐA) thì tài liệu Duy Dân để thờ cũng thế thôi. Hoặc giả có cán bộ đem Duy Dân đi rao giảng mà dân Việt không thích thì sao? Có lãnh tụ giỏi mà không có cán bộ thì “cứu cánh có biện minh cho phương tiện” không? Nếu có cán bộ mà thiếu lãnh tụ thì sẽ hoạt động như thế nào?

Không đủ kiến thức và khả năng chính trị thì đương đầu về quân sự sẽ ra sao? Cách mạng là cao độ của chính trị. Chính trị còn có trường dạy. Cách mạng có trường nào dạy? Cách mạng của cộng sản là một hình thức ăn cướp có lý thuyết mượn danh triết học, khoa học; cạo sửa lịch sử để giành chính nghĩa về mình.

Sự phổ biến Duy Dân là điều bất đắc dĩ vì quá khứ cho thấy đã không phát triển được cả nhân sự lẫn lý thuyết. Nhưng một khi phổ biến công chúng thì phải chấp nhận “đầu voi, đuôi chuột”. Duy Dân không phải chỉ để bàn. Phải có cơ duyên, ý chí, kiến thức, tu dưỡng mới thích hợp. Vì mỗi cá nhân chỉ đóng được một vài trò nên để thực hiện Duy Dân cần có những nhân sự cốt cán, then chốt để phát triển. Hãy tưởng tượng một cơ chế có lãnh đạo (tổng thống, CEO, hội đồng lãnh đạo trung ương…) rồi tới… lính thì sẽ hoạt động ra sao? Ai làm tướng? Ai làm quan? Ai tiên phong? Ai yểm trợ?

Tìm người bạn đồng hành

Có sơ đồ tổ chức là điều may nhưng để tìm người lại khó hơn. Phải nhận diện được nhân tài thì mới có “dụng nhân như dụng mộc”. Làm sao thử thách trình độ “tu dưỡng” của mỗi cá nhân? Của Lãnh đạo? Của tổ chức? Làm sao kiểm soát và cân bằng (check and balance) trong sinh hoạt chính trị? Có chấp nhận phê bình hay chỉ là đóng kịch như CSVN? Làm sao thực hiện đan quyền trong nội bộ “đảng” trước khi cầm quyền hay thực hiện đan quyền trong cơ chế Hiến Pháp?

Nếu trong nhóm nhỏ đã không thực hiện đan quyền thì hy vọng gì cơ cấu chính quyền Duy Dân sẽ có đan quyền?

Như vậy sự phổ biến Duy Dân nếu không quy tụ những ai quan tâm, hiểu biết về Duy Dân hay LĐA thì coi như bỏ thùng rác. Ai muốn bàn hưu tán vượn cũng được. Nhưng để xây dựng thì phải có trình độ tu dưỡng, kiến thức, quyết tâm.

Cái nhìn tổng thể của LĐA làm nhiều người đi lạc. Họ thích phần nào thì nhảy vào bàn phần đó. Nhưng thiếu tổng thể thì sẽ rối loạn. Tư tưởng LĐA là một cấu trúc đa chiều, nhiều cửa… như lò bát quái. Ai muốn vào cửa nào cũng được. Nhưng rồi làm sao liên lạc với cửa khác? Làm sao ra để giảng cho cán bộ, cho dân chúng?

Nhiều người theo LĐA chỉ vì tiếng tăm của LĐA nhưng nếu chưa có cán bộ huấn luyện thì theo LĐA làm gì? Nhai lại chữ của LĐA sẽ không bao giờ thực hiện được tư tưởng LĐA.

Ai hiểu LĐA, cấp độ nào? Ai đọc LĐA cũng muốn nuốt hết. Nhưng có ai nuốt trôi không?

KHÔNG.

Nuốt chưa phải là tiêu hóa. Có nguyên tắc nhưng đem vào thực tế sẽ như thế nào? Đã bao nhiêu người “viết”(giảng) về LĐA từ 1945 đến nay nhưng có ai hiểu và áp dụng không?

Chuyện khó là tìm người.

Tìm người như thế nào? Ở đâu? Thử thách ra sao? Đâu là sự thật? Đâu là niềm tin? Sống như thế nào? Sống như vậy thì chết ra sao? “tri kỷ, tri bỉ, bách chiến bách thắng”. Làm sao biết lòng người? Bạn? Thù?

Chỉ mới đi vào chính trị thì đã mọc đuôi, mọc nanh ra rồi thì làm sao nói đến Cánh Mạng?

Nếu bạn là người biết tu dưỡng, có quyết tâm, kiến thức… Bạn lên đường rồi…..

Làm gì? (What needs to be done? Lenin).

Hãy tìm một người đồng hành. Một tri âm. Chuyện kết nghĩa “huynh đệ”, “đồng sanh, đồng tử” là chuyện lương sơn bạc. Hãy xây dựng niềm tin nơi nhau trên căn bản tu dưỡng. Không phân biệt trình độ, học vấn, tuổi tác…. Từ 1 mà bạn có thể thành 5 là thành công. Bạn có một tiểu tổ rồi đó. Điều đó không phải dễ.

Có người rồi bạn làm gì? Phân công? Chọn đường?

“Tam nhân đồng hành, nhất ngã vi sư”. Ba người đi chung, tất phải có người dẫn đầu. Đó là vấn đề lãnh đạo.

Lãnh đạo và lãnh tụ

Lãnh đạo là người biết đường để hướng dẫn người khác và dĩ nhiên phải biết người khác muốn gì. Lãnh tụ chỉ là người có tài kết hợp một số người và “tụ” lại một chỗ: nói nhảm.

Làm sao thử thách để tìm ai là lãnh đạo và ai là lãnh tụ? Người học giỏi chưa chắc thành công trong đời. Người thành công trong xã hội chưa chắc đã là người học giỏi. Người khôn ngoan, học giỏi, thành công trong xã hội chưa chắc đã là người lãnh đạo cách mạng. Bạn đi tìm nhân vật chính trị hay con người cách mạng? Bạn hiểu ý nghĩa của cách mạng chứ? LĐA đã tóm tắt các cuộc cách mạng của thế giới qua “Huyết Hoa”. Ai muốn lãnh đạo cách mạng hãy thử thách qua Huyết Hoa.

Bạn có thể đặt câu hỏi để xác nhận khả năng lãnh đạo của người khác hay không? Trong cách mạng không có vấn đề kính trọng, bằng cấp, chức vụ, gia tộc…. Cách mạng giống như ra trận, không thể sơ hở. Lầm lẫn là thất bại, bị tiêu diệt, tan vỡ…. Không dám phê bình, xây dựng, kiến thiết thì không thể làm cách mạng được (chưa nói đến hy sinh).

Chọn người theo Duy Dân không phải chỉ hô hào cách mạng như kiểu cộng sản lường gạt dân. Hoặc lập đảng, nhóm, tổ chức với những người chỉ biết vâng dạ (yes men) thì khác gì bọn buôn ma túy (mafia). Cách chọn người và dùng người sẽ nói lên bạn có thực là Duy Dân hay giả mạo. Chưa cần phải khảo sát sự hiểu biết của bạn về Duy Dân.

Lãnh đạo phải biết nhìn người, nhìn việc. Sai lầm thì tổ chức không phát triển được, nhất là để thực hiện chủ nghĩa Duy Dân. Khoan nói đối diện Bạn-Thù hay thực hiện cách mạng. Ai hiểu tư tưởng LĐA phải có khả năng truyền đạt cho người khác. Nếu chỉ là nhai lại chữ của LĐA thì làm sao người dân “đáy tầng” có thể hiểu?

Nếu lớp 1 không truyền đạt cho lớp thứ 2 thì bao giờ mới đến đáy tầng: lớp chót, XYZ tận cùng hằng số?

Lãnh đạo biết gì? LĐA đã nói hết trong “sinh mệnh tâm lý” và “tu dưỡng thắng nhân”.

Ai hiểu khả năng là gì? Tất năng là gì? Mệnh lý có thể thay đổi được không? Tu dưỡng bao giờ mới xong? Chưa xong thì làm sao hoạt động? Ý nghiệp của bạn ra sao? Đức nghiệp của bạn như thế nào?

Còn Trinh-Bình- Hòa của bạn như thế nào? “Bình” là bình đẳng, công bình bác ái. Nếu bạn không bình đẳng trong chính tâm bạn thì làm sao bình đẳng với người ngoài. Khi bạn không chấp nhận lời phê bình của người mà tìm cách né tránh thì có là “Bình” không. Làm sao có “hòa” được khi “bình” không có?

Cái khó của Tu Dưỡng Thắng Nhân là LĐA đã viết vậy. Người đời sau biết vậy. Những khổ nỗi, thời mạt pháp thì sư cũng còn giả thì đâu là chốn tu dưỡng. Nếu tu chưa tới hay không đúng thì làm sao phân biệt biệt Hư-Thực? Chân (Thực) hay giả (Hư) khi ẩn, khi hiện — chỉ có người nắm được thực tướng của từng cấp bậc, trình độ thì mới rõ…. Nhưng nếu gặp kẻ cao tay ấn hơn (có trình độ giả mạo cao siêu hơn) thì làm sao biết được?

Hiện nay có bao nhiều người hoạt động chính trị, đảng phái dám đối diện vấn đề này? Nếu chưa vượt qua được mà dám nói chuyện “Phục Việt”, xây dựng VN, nói chuyện với CSVN… thì chỉ là chuyện hoang đường.

Người Việt đang ở khắp nơi trên thế giới. Học cái hay của người nhưng phải biết cái dở của mình. Bằng cấp không làm nên lãnh đạo. Hy sinh không đủ để lãnh đạo. Cách mạng không thể chỉ là lãnh đạo độc tôn, độc tài. LĐA đã nói “giáo dục là khởi điểm của chính trị và cũng là chung điểm”. Nếu chưa phải là nhà giáo dục thì nên đi học…giáo dục. Nếu đã là nhà giáo dục mà chưa cải tạo được… một người thì làm sao có tổ chức, làm sao thay đổi đất nước, nhân loại?

Giáo dục là học hỏi, tìm hiểu, biết nghe, biết phân biệt, biết chấp nhận sai lầm, phê bình …. Cá nhân có nhân cách hay không là ở giáo dục chứ không phải tốt nghiệp bác sĩ, tiến sĩ….

Bạn tìm được người chưa?


Trần Công Lân
Tháng 11 năm 2019 (Việt Lịch 4898)
Quán Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad